Phục dựng Di tích lịch sử ở Đức Thọ - Đôi điều bộc bạch

Phải nói, hiếm đâu có được những di tích lịch sử trải dài khắp vùng đất cổ La Sơn xưa, nhưng cũng hiếm nơi nào di tích lại tàn phai đến thế, trong ngàn lần nuối tiếc của những người con Đức Thọ, Hà Tĩnh về một vùng đất vàng son một thuở với những di tích gắn liền với khởi nghĩa Lam Sơn.

Bà Bạch Ngọc Hoàng hậu có công lao to lớn với vùng đất La Sơn xưa - Đức Thọ ngày nay, nên đền chùa xưa do Bà lập nên và do dân dựng nên để thờ Bà, xã nào thôn nào của Đức Thọ cũng có. Nhưng nay, sau hơn 600 năm di tích đi cùng năm tháng, thời gian đã hủy hoại và con người cũng góp phần hủy hoại di tích, nhiều làng xã di tích đã biến thành phế tích. Việc phục dựng các di tích lịch sử được đặt ra từ rất nhiều năm nay, nhưng vì một số lý do chưa thực hiện được. Bây giờ việc cấp thiết phải đặt ra là: “Phục dựng những di tích lịch sử liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn” trước mắt là ở huyện Đức Thọ.

May mắn thay, tôi tìm về Đức Thọ mùa thu năm Canh Dần (2010), được thắp nén hương tưởng nhớ công ơn Bà Bạch Ngọc Hoàng hậu, Bà Huy Chân Hoàng hậu, Bà Trang Từ Công chúa. Và đau đáu nỗi lòng tiền nhân dòng họ Lê muốn làm một nghĩa cử cho vùng đất thiêng La Sơn - Đức Thọ.

Khảo sát những di tích lịch sử những ngày, những tháng sau đó đã hình thành nên trong tôi ý tưởng phục dựng, tôn tạo những di tích lịch sử của Đức Thọ gắn liền với khởi nghĩa Lam Sơn của Đức vua Lê Thái Tổ. Tôi đã đi điền dã, khảo sát di tích cùng với lãnh đạo Bảo tàng Hà Tĩnh, gặp các cụ già ở các xã, có cụ trên 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn nhớ được và thuật lại những ký ức về các di tích thờ các bà ở xã Đức Hòa, Đức Lạc, Đức Lập… Chúng tôi đều quay phim chụp ảnh, ghi âm lại những nhân chứng lịch sử đó. Chúng tôi cũng sử dụng các nhà ngoại cảm có tâm để nghe được tiếng vọng của cõi xưa. Trong quá trình đi tìm ngược về lịch sử, về không gian và thời gian cách đây hơn 600 năm, chúng tôi phải thông qua những nhà ngoại cảm để tìm tới chân dung những con người xưa và diện mạo xưa của các di tích lịch sử. Chúng tôi chọn lọc những nhà ngoại cảm có năng lực đặc biệt và cần nhất là phải có tâm để đi làm việc tâm linh này và loại bỏ những đồng cốt, thầy bà không có năng lực, không có tâm trong quá trình đi tìm kiếm di tích. Bằng năng lực đặc biệt trời phú cho, cô Thiêm (Hòa Bình) đã làm những người nông dân bình thường chất phác, những phật tử của chùa Am (Đức Hòa) cất tiếng nói của cõi xưa, để chúng ta được nghe lời phán truyền, lời dạy của các bà Hoàng hậu, Công chúa tu ở chùa Am cách đây 600 năm, đối với việc phục dựng đền chùa của Bà ở Đức Thọ đặc biệt là ngôi nhà xưa của các Bà: Đền Ngũ Long.

Di tích lịch sử Chùa Am. Ảnh: internet

Theo nham cảo của chùa Am “Vua Lê cho dựng hai điện Phượng Hoàng, Ngũ Long cho mẹ con Bà Hoàng hậu ở”. Vậy đền Ngũ Long là ở trên núi Phúc Sơn (rú Vua) địa phận làng Hòa Yên, nay thuộc xã Đức Lạc, có thể được dựng trên nền điện cũ của điện Ngũ Long xưa. Sau đền có “xứ Mộ Vua” tương truyền trong dân gian là nơi đặt mộ các bà Huy Chân Hoàng hậu, Bà Trang Từ Công chúa, nay không còn vết tích gì nữa. Ngôi đền Ngũ Long được dựng lên và trùng tu nhiều lần, nhưng đến nay không còn nữa chỉ còn một số viên gạch xây đền vương vãi trên mảnh vườn của một hộ dân gần ga Đức Lạc. Khoảng năm 1928, Giáo sư H.Le Breton đưa học trò Trường Quốc học Vinh lên tham quan đền Ngũ Long và chúng ta bây giờ may mắn được nhìn thấy ngôi đền Ngũ Long qua các bức ảnh rất có giá trị để phục dựng lại Đền trên nền điện xưa.

Chúng tôi tham khảo các tư liệu lịch sử, các văn bản, các công trình nghiên cứu của các nhà sử học Việt Nam mà phần lớn quê ở Hà Tĩnh. Chúng tôi cũng trao đổi với lãnh đạo Bảo tàng Hà Tĩnh, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh và với lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyên Đức Thọ và đi đến một quyết định quan trọng, mở đầu cho việc phục dựng các di tích lịch sử ở Đức Thọ, đó là tổ chức cuộc Tọa đàm về “Những di tích lịch sử liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh”. Tôi may mắn và vinh dự được đề xuất ý tưởng và tổ chức cuộc Tọa đàm với sự chủ trì của Bảo tàng Hà Tĩnh và UBND huyện Đức Thọ ngày 22-4-2011 nhân ngày giỗ Bà Hoàng hậu Huy Chân (22 tháng 3 Tân Mão).

Một trong những kết luận quan trọng của Tọa đàm là UBND huyện Đức Thọ quyết định chủ trương phục dựng lại đền Ngũ Long (xã Đức Lạc) trên khu vực nền điện xưa gần ga Đức Lạc.

Bao nhiêu năm đã qua đi chắc hẳn Bà Bạch Ngọc Hoàng hậu, Bà Huy Chân Hoàng hậu, Bà Trang Từ Công chúa đã hài lòng với con cháu hậu duệ đã không lãng quên công ơn to lớn của các Bà với vùng đất thiêng La Sơn - Đức Thọ. Việc phục dựng đền Ngũ Long phải do chính những người con Đức Thọ tâm huyết đóng góp công sức, tiền của và do trăm họ, trong đó có dòng họ Lê, dòng họ Trần và của chính quyền, nhân dân xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ và của tỉnh Hà Tĩnh đóng góp công đức. Đến nay, việc đo đạc bản đồ địa chính (tỉ lệ 1/500) khu vực Di tích đền Ngũ Long đã gần hoàn tất. Sau đó các ban ngành chức năng của bảo tàng, văn hóa sẽ đệ trình Dự án “Tôn tạo phục dựng đền Ngũ Long” để UBND huyện Đức Thọ phê duyệt, giải phóng mặt bằng khu vực di tích trên nền điện xưa và sẽ tiến hành xây dựng đền Ngũ Long.

Một ngày không xa nữa, ngôi đền Ngũ Long xưa sẽ hiện về trên nền điện cũ tại vùng đất thiêng La Sơn - Đức Thọ, thỏa lòng mong ước của trăm họ, như câu đối xưa của ngôi đền thờ Bà đã ca tụng:

“Nhất môn hiển hách minh Nam Việt

Vạn cổ vinh bao chấn Đế Đình”.

 

VÀI LỜI TÂM HUYẾT

“Phục dựng di tích ở Đức Thọ, đôi điều bộc bạch” viết năm 2011 với những tâm huyết mở đầu cho việc phục dựng di tích đền Ngũ Long ở xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm nay hội đủ duyên lành, Chi hội Di sản Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh cùng với Quỹ công đức Lê - Phạm phát tâm phục dựng đền Ngũ Long - ngôi nhà xưa của các bà hoàng hậu, công chúa họ Trần, họ Lê cách đây hơn 600 năm.

Chi hội DSVH tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi các cấp chính quyền, các ban ngành liên quan của Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ ủng hộ việc phục dựng đền Ngũ Long tạo điều kiện để giải phóng mặt bằng khu đền xưa và lên phương án khảo sát, thiết kế và xây dựng Đền theo đúng diện mạo xưa của di tích. Và kêu gọi các nhà hảo tâm, các con cháu dòng họ Trần, họ Lê và các dòng họ, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh và mọi miền đất nước nhiệt tâm ủng hộ, đóng góp phục dựng ngôi đền Ngũ Long xưa.

Lê Doãn Thăng

Top