Nam Phương Hoàng hậu với di sản kiến trúc cổ ở ngõ 186 Ngọc Hà - Hà Nội

Đầu năm 2021 dư luận xôn xao vì các bài đăng tải trên báo in và trên mạng xã hội việc một doanh nhân mua được dinh thự của Bảo Đại ở Hà Nội bị lãng quên hơn nửa thế kỷ.

Mô tả chi tiết nhất về dinh thự này có 3 bài:

1- Bài trên Tiền phong, 16-03-2021/15:01 có đoạn: “... Ở Hà Nội ít người biết có hai căn biệt thự Pháp cổ với kiến trúc độc đáo, xa hoa đang tồn tại của ông Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Triều Nguyễn... một trong hai dinh thự được nhắc đến...  trong một ngõ tại phố Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội)... theo chia sẻ của người dân, dinh thự Pháp cổ này được xây dựng từ năm 1911...” (sic). 

2- Bài “Giấc mơ hồi sinh Dinh thự Bảo Đại bị bỏ quên giữa lòng Hà Nội” đăng trên  https://nhandan.com.vn nói rõ hơn: “... Tòa dinh thự là một công trình chính trong một quần thể bốn biệt thự cổ nằm ở đầu làng Ngọc Hà... có kiến trúc độc đáo kết hợp cả hai phong cách Đông - Tây. Đi qua cổng ngõ 186 Ngọc Hà dễ dàng nhận ra bức tường rào của tòa biệt thự được xây uốn lượn như thân rồng, “... cầu thang gỗ chạy uốn lượn cách điệu...”. Ngôi nhà có giá trị lịch sử rất cao... liên quan đến Vua Bảo Đại... nếu được phục chế lại như ở Đồ Sơn hay Đà Lạt sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn...”(sic).

3- Bài “Dinh thự Bảo Đại bị lãng quên ở Hà Nội” trên VnExpress Thứ Sáu, 9/4/2021, 10:13 GMT+7 nói cụ thể hơn cả “... Theo tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, đây là...nhà của Nam tước Didelot và vợ là Marie-Agnes Nguyễn Hữu Hào (chị ruột của Nam Phương Hoàng hậu). Dinh thự được xây năm 1939, đến nay 82 tuổi. Năm 1949 Vua Bảo Đại (lúc đó là Quốc trưởng) đã mua lại tòa nhà để làm công thự phục vụ mỗi lần ra kinh lý... Bao quanh dinh thự là tường rào uốn lượn... Dinh thự cổ có kiến trúc kết hợp văn hóa phương Đông và phương Tây rõ rệt. Bên ngoài là mái cung đình rồng phượng đặc trưng phương Đông. Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Authur Krunze... giảng dạy kiến trúc tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ 1930 đến 1954...”(sic).

Nội dung bài số 3 nói về thời điểm xây cất và chủ sở hữu đầu tiên của dinh thự này là chính xác vì đó là thông tin lấy từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, chứ không phải tin tức có được là do “... sự chia sẻ của người dân...”, nhưng giải thích và thuyết minh của các bài viết trên thì cần phải xem lại. Vì những lẽ sau:

1- Chẳng lẽ trong giai đoạn từ 1945 trở về trước ở Hà Nội không có dinh thự nào có đủ tiện nghi nên “... Năm 1949 Vua Bảo Đại (đã phải) mua lại tòa nhà này làm công thự phục vụ mỗi lần kinh lý Hà Nội? 

2- Thực ra trước năm 1945, Hà Nội đã có nhiều biệt thự “kiến trúc kết hợp văn hóa Đông - Tây” với “mái cung đình” hoành tráng hơn, tọa lạc ở những vị trí đắc địa hơn so với dinh thự ở Ngọc Hà này. Như biệt thự 14 Đường Thành của gia tộc Hoàng Thụy Chi, 12 phố Ngõ Trạm của Tổng đốc Phạm Gia Thụy, 46 Hoàng Diệu hiện là Đại Sứ quán CHND Trung Hoa, đó là chưa kể vài chục biệt thự khác tọa lạc trên con đường này và đường Phan Đình Phùng... Ngoài ra nếu nói đến “gu” thẩm mỹ nghệ thuật kiến trúc của Bảo Đại thì chắc chắn ông không ưa “...mái cung đình rồng phượng uốn lượn đặc trưng phương  Đông...”. Các biệt thự của ông xây dựng trước năm 1945 đều theo phong cách phương Tây như Dinh 3 ở Đà Lạt, hay ở Cam Ranh, Quy Nhơn, Đồ Sơn... là những bằng chứng cụ thể.

Trên thực tế xưa kia Bảo Đại ít ra Hà Nội, nhưng khi “kinh lý” nơi này ông thường nghỉ ở Khách sạn Metropole hoặc Tòa Thống sứ Bắc kỳ rất gần đó (nay là Nhà khách Chính phủ, số 12 phố Ngô Quyền). Từ năm 1950 trở đi khi ra Hà Nội Bảo Đại nghỉ ở Dinh Toàn quyền cũ do Pháp trao trả (nay là Phủ Chủ tịch). 

Tuy nhiên một điều thú vị là đã có bằng chứng “giấy trắng mực đen” về việc sinh thời Nam Phương Hoàng hậu và Bảo Đại đã từng nghỉ ngơi tại Dinh thự trong ngõ 186 Ngọc Hà kể trên vào cuối năm 1942. Xin kể sơ qua: 

Chúng tôi có bộ sưu tập hơn một trăm bức thư viết tay, trong đó đa số của bà Nam Phương, số còn lại của bà Agnès là chị ruột (sinh 1903), bà Charles (mẹ nuôi của Bảo Đại), của các hoàng tử, công chúa hoặc vài cận thần viết tại Pháp, bằng Pháp ngữ gửi cho ông khi còn lưu lạc ở Hồng Kông (1946-1948) và gửi về Việt Nam (1949-1954) khi ông trở về giữ vai trò Quốc trưởng Chính phủ thân Pháp. Ngoài ra là một số bản tấu trình của cấp dưới, cả bản báo cáo về kế hoạch ám sát ông như nói trên. Bên ngoài các phong bì đựng những thư này đều trịnh trọng ghi tên ông với danh xưng “Hoàng đế quốc trưởng” (Sa Majesté Bảo Đại Résidence Imperiale) hoặc “Hoàng đế” (Sa Majesté Bảo Đại Impériale).

Những tài liệu trên đã được Đại tá Lê Kim - nhà văn quân đội dịch sang tiếng Việt, và ông là người từng dịch 2 cuốn hồi ký, một của Quốc vương Norodom Sihanouk, một của Jean Sainterny - người thay mặt Chính phủ Pháp ký kết Hiệp định sơ bộ với Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 6 tháng 3 năm 1946 (Nxb. Công an Nhân dân ấn hành năm 2004). Nhờ vậy trước đây chúng tôi đã có bài viết công bố 6 bức thư bà Nam Phương viết gửi Cựu hoàng đăng tải 4 kỳ trên Tạp chí Huế Xưa-Nay số 97, 98, 99, 100 năm 2000 của Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế và 1 bài công bố 1 bức thư khác của bà trong số Mừng Xuân 2020 - Tạp chí XưaNay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. 

Vì trong bộ sưu tập này có một thư bà Nam Phương nói về dinh thự ở ngõ 186 Ngọc Hà kể trên nên xin công bố bản dịch bức thư ấy như sau:

Cannes, ngày 6 tháng Mười hai, 1950

Mình yêu quý.

Biết bao đám mây đen đang bao quanh Mình đấy. Em hy vọng lần này các sự kiện diễn ra vào lúc Mình đang sẵn sàng hoàn thành chức trách của bản thân. Hãy thật khôn khéo và dũng cảm như mọi khi nhé. Đây là cơ hội duy nhất để thể hiện trước nhân dân là Mình có khả năng mang lại lợi ích cho đất nước của chúng ta. Thượng đế luôn soi sáng giúp đỡ Mình, ý nghĩ của em cũng luôn bên cạnh Mình. 

Em đã khá hơn như có thể. Em mong Mình nhận được thư này khi vẫn đang ở Hà Nội. Bébé lớn nhanh và em thấy hồi này con mập ra. Nó được xếp hạng nhất môn Địa lý, Bédung cũng đứng đầu với số điểm 19,75 và môn Toán vẫn là kẻ thù của nó. Bambiette bị ho đôi chút nhưng không kéo dài, các điểm số đều cao trừ môn chữ Nho. Bina là nữ sinh ngoan và cả hai đều được Giáo chủ Khuê đặc biệt ban cho phép thánh khi đến thăm em báo tin Đại tá Didelot đề nghị được hiến tặng biệt thự để Mình làm trụ sở cho quân đội. Theo em nghĩ nếu những người phải rời bỏ nhà cửa của họ vì cuộc chiến ở Bắc kỳ làm cho việc sắp xếp chỗ ở cho họ trở thành vấn đề cấp bách thì tại sao Mình không mua cơ ngơi này cho Chính phủ của Mình để giải quyết chuyện ấy? Chỗ đó rộng tới hơn 4 hec-ta, vị trí đất lại đẹp, có thể xây dựng bất cứ thứ gì tùy thích, như văn phòng chẳng hạn. Chúng ta đã có những kinh nghiệm cay đắng về tòa nhà ở Hạnh Thông Tây 11 và ở Hà Nội để có thể nhìn thấy trước nguy cơ nếu cho thuê thì sau này sẽ chỉ còn 4 bức tường mà chẳng thu nhập được gì hết. Hoặc tốt hơn hết là Mình thuê cho Mẫu hậu và những người hầu cận. Mình hãy xử lý cho tốt, đừng để chị Agnès thiệt thòi trong vụ này. Từ 2 năm nay chị ấy không làm gì ra tiền và nếu Mình làm được điều gì đó cho chị thì cũng chính là đã ban ơn cho đàn con của chị ấy. Về phần em, đây là lần đầu tiên em nghĩ đến việc sẽ có những người xa lạ đến sống ở ngôi nhà này, vì thế em rất buồn. Ngôi nhà này đã chứa đựng biết bao kỷ niệm êm đềm về những năm tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời em. Với suy nghĩ đó, em không muốn cho bất cứ ai đến đây ở. Liệu em còn phải hy sinh nhiều hơn nữa cho người khác không? Em không nhận được ý kiến gì của Mình về chuyện này nên rất đau khổ.

Hiện nay em vẫn khỏe và mập ra đôi chút. Em đang chuẩn bị lễ Giáng sinh cho các con nhưng năm nay sẽ làm đơn giản hơn. Ngày 22 tháng 12 em và các con sẽ đi Vallery, còn chị Agnès sẽ đưa cả 4 đứa con đi trượt tuyết. Em không biết còn có thể trượt tuyết được nữa hay không, vì việc này làm em rất mệt mỏi, khó lái ô-tô và em chịu lạnh rất kém.

Xin hãy cho em biết Mình còn phải làm gì trước khi ra Hà Nội?

Mình yêu quý của em, em ôm hôn Mình với tất cả tình yêu sâu nặng.

(Không có chữ ký)

Đọc xong thư trên, để có thể hiểu rõ mọi việc, cần nhắc lại vắn tắt hành trạng của Bảo Đại: 

Giữa tháng 3-1946, cố vấn tối cao Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (tức Bảo Đại) được Chính phủ Liên hiệp lâm thời cử sang Trùng Khánh Trung Quốc. Khi phái đoàn về nước, một mình ông ở lại. Muộn nhất vào nửa cuối tháng 8-1946 ông sang Hồng-Kông và lưu vong tại đây... Cuối năm 1947 được sự giúp đỡ của người Pháp, bà Nam Phương và các con từ Đà Lạt đáp máy bay sang Hồng Kông thăm ông ít ngày, sau đó 6 mẹ con sang Pháp định cư, ở tại Lâu đài Thorenc (do ông mua năm 1938) thuộc thành phố điện ảnh Cannes, còn bản thân ông vẫn ở lại Hồng-Kông. Cuối 1948 ông sang Pháp và 8-3-1949 ký thỏa ước với Tổng thống Pháp Vincent Auriol nhận lời về lại Việt Nam giữ vai trò Quốc trưởng. Trong thỏa uớc này có điều khoản Chính phủ Pháp hỗ trợ để cuối 1950 Bảo Đại hoàn chỉnh được đạo quân với tên gọi “Quân đội quốc gia Việt Nam” được Mỹ cung cấp vũ khí để cùng quân viễn chinh Pháp chống lại cuộc kháng chiến của ta. Cuối tháng 4-1949 Bảo Đại từ Pháp về Đà Lạt, ngày 1-7-1949 chính thức đóng vai trò Quốc trưởng, bắt đầu tiến hành tổ chức cơ cấu hành chính trên toàn Việt Nam, trong đó có việc lập “Hoàng triều cương thổ”, nghĩa là “lãnh thổ của hoàng gia” tức vùng cao nguyên Trung phần với Thủ phủ là Đà Lạt và còn bao gồm cả vùng núi Tây Bắc như Lạng Sơn, Sơn La có nhiều sắc dân thiểu số mà trước năm 1945 Pháp và chính quyền Cựu hoàng không chú ý quản lý. Và Đại tá Nam tước Didelot - anh rể bà Nam Phương được Bảo Đạị phong làm “Khâm mạng Hoàng triều cương thổ” (trước đó Nam tước đã có biệt thự ở Đại lộ Bouvard Carnot nay mang số 72 Phan Đình Phùng, Hà Nội). Có lẽ vì thế nên ông ta tình nguyện hiến tặng dinh thự Ngọc Hà để sử dụng làm trụ sở quân sự. Bà Nam Phương bất bình về việc này nên mới viết bức thư để ngày 6-12-1950 kể trên, dù rằng mở đầu thư bà ngỏ ý động viên chồng. Vì nể trọng vợ, Cựu hoàng đã phải mua lại dinh thự ở ngõ Ngọc Hà này. Cũng vì vậy mà trong Hồ sơ đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I mà bài viết số (3) nhắc tới có dòng chữ Pháp “Achat des immeubles à Dalat et travaux à exécuter dans le domaine imperial”, nghĩa nôm na là ghi chép việc “Mua sắm các tòa nhà ở Đà Lạt và các công trình của Hoàng gia đang tu bổ hay xây dựng” thì ngay bên dưới hàng chữ Pháp ấy, đã cập nhật việc “Mua biệt thự của bà Nam Tước Didelot”. Như vậy việc chuyển giao quyền sở hữu tòa dinh thự Ngọc Hà từ bà Nam tước Didelot về Hoàng gia theo ý nguyện của bà Nam Phương diễn ra sau ngày 6-12-1950 chứ không phải vào năm 1949 như bài viết số (3) đưa ra. Nhưng đáng suy nghĩ nhất là câu bà viết trong thư: “... Ngôi nhà đó chứa đựng những kỷ niệm êm đềm nhất trong cuộc đời của em...”. Viết như thế hẳn nhiên ý bà nhắc lại việc trước kia đã từng nghỉ ngơi tại dinh thự này vào dịp ra Hà Nội.

Tìm hiểu về Nam Phương Hoàng hậu, chúng tôi đọc hơn chục cuốn sách các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước viết về bà, cả bản dịch Hồi ký “Con rồng Việt Nam” của Cựu hoàng xuất bản ở Pháp năm 1980, nhưng chỉ có cuốn “Những câu chuyện về cuộc đời Nam Phương hoàng hậu cuối cùng triều Nguyễn” (Phan Thứ Lang, Nxb. Văn Nghệ 2006, tr. 106) nói vắn tắt “bà tham quan Hà Nội”, nhưng không nói thời điểm cụ thể nào. Vì vậy căn cứ vào các tài liệu tham khảo, kết hợp với nội dung bản dịch hơn 80 bức thư bà viết tay gửi Cựu hoàng, xin đưa ra vài phỏng đoán:

Thứ nhất: Rất nhiều khả năng bà Nam Phương đã cùng chồng nghỉ ngơi tại dinh thự ngõ 186 Ngọc Hà vào cuối năm 1942, là thời điểm dinh thự này đã xây đựng xong (dịp khác sẽ trình bày lý do tại sao không phải là trước hay sau 1942). Chính vì đã từng nghỉ tại đây ít nhất là một lần nên bà mới mô tả được cảnh quan xung quanh dinh thự lúc bấy giờ thoáng đãng, chưa hình thành “quần thể 4 biệt thự”. Thêm nữa bà gọi đây là thời điểm “... êm đềm nhất trong cuộc đời ...” vì ngoài việc ra Hà Nội, trong năm này còn diễn ra 2 sự kiện khác: Trước đó không lâu bà cùng Cựu hoàng thăm kỳ quan Đế Thiên Đế Thích theo lời mời và sự đón tiếp rất nồng hậu của Thái tử trẻ tuổi Sihanouk. Và lần đầu tiên kể từ ngày xuất giá (1934) bà được cùng chồng về Bến Tre thăm nơi sinh quán của bà Từ Dũ - Mẫu thân của Vua Tự Đức, rồi sau đó đi bằng ô-tô sang xứ Chùa Tháp trong khung cảnh dọc đường đi dân chúng đua nhau đổ ra bái vọng, bất chấp sự ngăn cản và phạt vạ của cảnh sát.

"Mái cung đình" của dinh thự trong ngõ 186 Ngọc Hà

Từ những kể trên có thể đưa ra kết luận: Dinh thự ở ngõ 186 Ngọc Hà “... giữa lòng Hà Nội... có giá trị lịch sử rất cao...”(đd) còn vì cách nay gần 80 năm, trên từng bậc “... cầu thang gỗ chạy uốn lượn cách điệu...” bên trong di sản kiến trúc cổ này đã từng in dấu chân bà Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam. Bà sinh năm 1914, mất ngày 14-9-1963 tại trang trại riêng ở làng Chabrignac thuộc tỉnh Gaillarde, miền Tây nước Pháp. Khi cô quạnh rũ bỏ trần thế ra đi, bà không hề nhắn gửi lời nào cho chồng, cho con qua người hầu gái.

Gần 60 năm đã trôi qua nhưng danh thơm do bà để lại vẫn còn. Lời đánh giá khách quan nhất về bà chính là câu viết trên trang Báo điện tử ngày 6 tháng 11 năm 2009 của Đảng Cộng sản Việt Nam: “... Cuộc đời của bà là một tấm lòng kính Chúa yêu nước, một tình yêu tha thiết với cộng đồng dân tộc Việt Nam...”(sic).

Tường rào dinh thự trong ngõ 186 Ngọc Hà - Hà Nội

Đúng như vậy vì có một chi tiết: Khi viết xong thư kể trên bà rất đau buồn nên đã quên ký tên bên dưới, trong khi các thư khác gửi chồng đều ký tên riêng “Mariette” hay tên thánh “Thérèse” hoặc danh tước “Nam Phương”. Có tâm trạng ấy hẳn là vì bà nghe báo tin anh rể mình muốn hiến tặng dinh thự Ngọc Hà này để làm trụ sở quân sự. Nhưng thiện tâm của bà luôn thường trực nên thoạt tiên đã đưa ra lời chất vấn chồng: “... nếu những người phải rời bỏ nhà cửa ở Bắc kỳ vì cuộc chiến làm cho vấn đề sắp xếp chỗ ở cho họ trở nên cấp bách thì tại sao Mình không mua cơ ngơi này cho chính phủ của Mình để giải quyết chuyện ấy?...”.

Và phải thừa nhận khi xưa do sự can thiệp của bà Nam Phương nên dinh thự trong ngõ 186 Ngọc Hà này mới không bị Bảo Đại sử dụng làm trại lính, tránh được nguy cơ sau một thời gian có thể “chỉ còn 4 bức tường”. Và khi ông mua dinh thự này theo ý bà thì nó “đã đươc nâng cấp” trở thành tài sản của Hoàng gia mà Hồ sơ lưu trữ đã chứng thực. Như vậy là dinh thự này là MỘT DI SẢN KIẾN TRÚC CỔ KẾT HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY nhưng lại có liên quan trực tiếp đến một nhân vật lịch sử đáng kính là Nam Phương Hoàng hậu nên càng cần phải giữ gìn bảo quản chu đáo hơn nữa.

PHẠM HY TÙNG

 

Top