Chùa Cầu sau tu bổ: Bảo tồn tối đa các giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa của di tích

Sau 19 tháng đại trùng tu, chiều 3-8-2024, UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam chính thức khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu- cầu Nhật Bản- Lai Viễn Kiều. Rất đông người dân và du khách đã có mặt tại đây để chứng kiến lễ khánh thành Di tích quốc gia có giá trị đặc biệt này trong quần thể kiến trúc Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An; công trình đã có 400 năm tuổi, lưu giữ những dấu ấn lịch sử tiêu biểu, chiều sâu văn hóa đặc sắc, biểu thị cho truyền thống giao lưu văn hóa quốc tế của mảnh đất và con người Hội An, Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung.

Bảo tồn tối đa các giá trị nguyên gốc di tích 400 năm tuổi

Nhiều ý kiến của đại biểu khách mời, chuyên gia trong và ngoài nước cũng như người dân dành sự khen ngợi, đánh giá cao nỗ lực của đội ngũ trực tiếp tham gia dự án, những nghệ nhân, người thợ trong mỗi lĩnh vực nghề khác nhau,… cùng toàn tâm toàn ý để sau hơn 19 tháng triển khai thi công tu bổ, dự án trùng tu Chùa Cầu đã hoàn thành một cách bài bản, khoa học. Đạt được những thành quả tốt đẹp như mong đợi, bảo tồn tối đa các giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa của di tích, đáp ứng sự mong mỏi của những ai yêu mến và trân quý công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt này.

Chùa Cầu sau trùng tu

Báo cáo về quá trình thực hiện dự án tu bổ di tích Chùa Cầu, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa (QLBTDSVH) Hội An cho biết: Trước hết, xét một cách tổng thể, nhờ làm tốt công tác chuẩn bị dự án với một quá trình triển khai công phu, kỹ lưỡng cùng với khối lượng công việc rất lớn và kết quả đạt được quan trọng trên nhiều lĩnh vực gồm nghiên cứu khoa học; khảo sát thực địa, tư liệu hóa kiến trúc; tọa đàm, tham vấn chuyên gia; xác lập hệ thống quan điểm, nguyên tắc và giải pháp định hướng; xây dựng phương án thiết kế; góp ý, thỏa thuận và thẩm duyệt hồ sơ đầu tư;… đã tạo tiền đề rất quan trọng để dự án được triển khai một cách thuận lợi với những công việc, phương pháp và mục tiêu cụ thể.

Ảnh tư liệu về quá trình tu bổ di tích

Kết quả thực tế chứng minh hầu hết các nội dung quy mô đầu tư, hạng mục công việc đều được triển khai và hoàn thành cơ bản theo đúng thiết kế được duyệt. Ngoại trừ một số điều chỉnh bổ sung cần thiết, phát sinh từ kết quả khảo sát thực địa, khảo cổ học, tham vấn chuyên gia và thẩm duyệt của cấp thẩm quyền như: Điều chỉnh giảm chiều dày lớp bê tông gia cố chân móng mố, trụ cầu do việc đào bóc tách đất đá đã đạt đến đáy đế móng, không thể đào sâu thêm; Bổ sung phục hồi các đà dầm gỗ kết nối từ phần chùa ra phần cầu theo dấu vết kiến trúc được phát lộ; Điều chỉnh khối lượng thay thế, gia cố, tận dụng các bộ phận, cấu kiện,… phù hợp kết quả kiểm tra, đánh giá thực tế sau khi hạ giải, việc điều chỉnh này là luôn cần thiết trong công tác tu bổ di tích và đã được dự lường trong hồ sơ được duyệt.

Ảnh tư liệu về quá trình tu bổ di tích

Một số kết quả cụ thể đáng ghi nhận dự án tu bổ Chùa Cầu mà các chuyên gia cũng như công chúng đồng tình đánh giá như: Hình dáng của kiến trúc, cấu trúc của kết cấu Chùa Cầu, từ tổng thể đến chi tiết được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Sau khi tu bổ, Chùa Cầu được bảo tồn tối đa các giá trị nguyên gốc. Trong sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể. Điều này được phản ánh một cách cụ thể, chân xác qua những số liệu thống kê mà Trung tâm QLBTDSVH Hội An công bố như: có đến gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 35% số con giống trang trí bờ mái, phục hồi các cấu kiện đá nền bị chôn dưới lớp nền hiện trạng… tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.

Di tích Chùa Cầu đã được khắc phục gần như triệt để các khiếm khuyết, gia cường đáng kể sự chắc chắn, đảm bảo sự ổn định, bền vững để tiếp tục trường tồn cùng di sản văn hóa Hội An.

Đặc biệt, bên cạnh bảo tồn, giữ gìn giá trị di tích, dự án cũng đã thực hiện đồng bộ việc đầu tư nâng cấp hạ tầng cảnh quan, môi trường xung quanh cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn và phục vụ phát huy hiệu quả, lâu dài giá trị di tích.

“Mặc dù có thể chưa toàn vẹn như kỳ vọng, nhưng những kết quả đạt được là sự nỗ lực, quyết tâm, chủ động và sáng tạo của đội ngũ những người trực tiếp thực hiện dự án”, Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An Phạm Phú Ngọc bày tỏ và cũng chia sẻ thêm câu chuyện về tình cảm trân quý và sự quyết tâm giữ gìn tối đa các yếu tố nguyên gốc làm nên giá trị lịch sử, kiến trúc của di tích Chùa Cầu của những người trực tiếp tham gia dự án.

“Bằng lòng nhiệt huyết, tích cực và sáng tạo của cán bộ quản lý, kỹ thuật cùng kinh nghiệm và tài năng của người thợ, nghệ nhân, từng mảnh đá, đĩa cổ, hoa văn gốm bị vỡ được tỉ mỉ ghép nối lại; từng đoạn chân cột, đầu dầm bị mục đến những phần thân gỗ bị nứt, lỗ mộng bị thoái hóa đều được tìm cách gia cố nối, vá, chắp để giữ lại tối đa có thể. Nhất là các con giống trang trí trên mái vốn được làm từ gạch ngói, vữa vôi có cấu trúc yếu và mục hỏng nhiều theo thời gian cũng được miệt mài gắn vá, gia cường cấu trúc và trau chuốt hoàn thiện để tái sử dụng. Có thể khẳng định, những công việc vừa nêu là khó khăn nhất, tốn kém thời gian và công sức nhất, nhưng cũng chính là yếu tố quan trọng và có ý nghĩa nhất trong trùng tu di tích Chùa Cầu”, ông Ngọc tâm sự. Qua đó, đại diện lãnh đạo Trung tâm cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những nghệ nhân, người thợ trong mỗi lĩnh vực ngành nghề khác nhau đã toàn tâm toàn ý, không quản khó khăn cực nhọc, kề vai sát cánh, đồng cảm và sẵn sàng cùng nhau chia sẻ vui buồn cũng như giải quyết mọi vấn đề vướng mắc nảy sinh trong công việc và trong giao tiếp, sinh hoạt tại công trường tu bổ di tích Chùa Cầu.

Tham chiếu cho những công trình tu bổ di tích quan trọng

Theo ông Phan Thái Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, đây không phải là lần đầu Chùa Cầu được trùng tu. Di tích đặc biệt này đã trải qua ít nhất 7 lần tu bổ lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996.

Việc trùng tu lần này là cấp bách vì nếu không công trình có nguy cơ sụp đổ khi mùa mưa bão đến. Vì lẽ đó, việc tu bổ di tích Chùa Cầu đặt ra yêu cầu rất cao về nhiều mặt cả trong quá trình chuẩn bị và triển khai thi công. Quá trình trùng tu được UBND thành phố Hội An tiến hành rất kỹ lưỡng về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa và các quy trình, thủ tục pháp lý.

“Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh một Hội An năng động, giàu truyền thống và luôn hướng tới tương lai; đặc biệt là dịp để đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn về quy trình, kỹ thuật, giải pháp tu bổ nhằm phục vụ tham chiếu cho những công trình tu bổ di tích quan trọng sắp đến không chỉ của tỉnh mà còn đối với các di sản ở trong và ngoài nước”, ông Bình chia sẻ.

Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình cũng chia sẻ: “Có nhiều ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu Chùa Cầu là việc rất bình thường, qua đó cho thấy có rất nhiều người yêu mến Chùa Cầu, Hội An. Ngành văn hóa, thành phố Hội An, lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, tham khảo để công tác trùng tu các di tích nói riêng và công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tại Hội An cũng như trên địa bàn tỉnh được tốt hơn. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, gợi mở mang tính xây dựng để ngành Văn hóa tiếp tục nghiên cứu, tham khảo và ứng dụng vào thực tiễn”.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch tỉnh Phan Thái Bình cũng bày tỏ sự ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương mọi sự đóng góp của tất cả các tổ chức, cá nhân, các nghệ nhân đã tham gia dự án tu bổ di tích Chùa Cầu trong thời gian qua. Đặc biệt cảm ơn đến các bạn Nhật Bản đã quan tâm, tư vấn hiệu quả cho dự án; góp phần làm cho mối quan hệ giao lưu, hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung, Hội An - Nhật Bản nói riêng đã được gắn bó trong quá khứ trở nên bền chặt trong hiện tại và ngày càng tươi đẹp trong tương lai.

Hiện thành phố Hội An có 1.439 di tích thuộc đủ 4 loại hình theo phân loại của Luật Di sản văn hóa và các nghị định, thông tư liên quan. Ngoài Khu phố cổ được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, trong số 1.439 di tích có 27 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 49 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 104 di tích ghi danh trong danh mục bảo vệ của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2024.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, những người yêu mến Chùa Cầu. Hội An cũng cho rằng những ý kiến trái chiều về diện mạo Chùa Cầu sau trùng tu cũng là một minh chứng cụ thể về câu chuyện trùng tu di tích chưa bao giờ đơn giản. Từ đó, mở ra nhiều bài học về nguyên tắc trùng tu di sản, có giá trị thực tế, “sát sườn” với thành phố Hội An khi việc trùng tu, tu bổ di tích là hoạt động thường xuyên gắn với phát huy giá trị di tích ở di sản này. Đặc biệt, đối với các công trình kiến trúc có giá trị biểu tượng cao càng phải thận trọng trong việc trùng tu, đảm bảo tính chân xác, đồng thời phát huy giá trị, lắng nghe công luận và được công chúng đón nhận.

Theo bà Phạm Thanh Hường- Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Hội An đã triển khai rất tốt trong quan điểm phát triển khi lấy di tích, di sản vừa là nguồn lực lẫn mục tiêu bảo tồn, qua đó khi nhắc đến thương hiệu du lịch di sản, người ta thường nghĩ ngay về Hội An. Sự phối hợp giữa Nhà nước và chủ sở hữu trong bảo vệ, tu bổ di tích ở Hội An được đánh giá là kinh nghiệm điển hình về trùng tu di sản.

Đại biểu cắt băng khánh thành di tích tu bổ Chùa Cầu

Lời cảm ơn đến người dân, nghệ nhân, người thợ

Tại lễ khánh thành Chùa Cầu, bên cạnh lời cảm ơn gởi đến các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương; địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước; các tổ chức hợp tác quốc tế đến từ Nhật Bản,… đã nhiệt thành ủng hộ, hỗ trợ hoàn thành dự án, lãnh đạo thành phố Hội An cũng như đơn vị thực hiện dự án đã dành những tình cảm trân quý và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các nghệ nhân, người thợ trong mỗi lĩnh vực nghề khác nhau, bằng tình yêu với di tích đặc biệt này, đã toàn tâm toàn ý, không quản khó khăn cực nhọc, kề vai sát cánh, đồng cảm và sẵn sàng cùng nhau chia sẻ vui buồn cũng như giải quyết mọi vấn đề vướng mắc nảy sinh trong công việc và trong giao tiếp, sinh hoạt tại công trường tu bổ di tích Chùa Cầu.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An đã chân thành cảm ơn người dân trong Khu phố cổ, đặc biệt là các hộ dân lân cận di tích ở hai phía đường Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai đã tích cực tạo điều kiện, phối hợp cùng chính quyền địa phương trong công tác xây dựng nhà bao che và trong suốt quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu. Dịp này, UBND TP Hội An đã tặng giấy khen cho 4 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác trùng tu công trình Chùa Cầu.

“Đây là lần đầu tiên mà công trình tu bổ di tích được Giải phẫu mở, thực hiện giữa lòng một Đô thị Di sản du lịch nhộn nhịp, người dân, du khách được quan sát, tiếp cận và theo dõi, tìm hiểu toàn bộ quá trình thực hiện tu bổ di tích Chùa Cầu.

Việc xây dựng nhà bao che nhằm đảm bảo quá trình nghiên cứu, thi công, tu bổ di tích không bị ảnh hưởng bởi yếu tố hạn chế mặt bằng, thời tiết cũng như các cấu kiện di tích sau khi tháo dỡ được bảo quản trong tình trạng tối ưu cũng là một điểm đặc biệt đáng biểu dương của dự án này. Đồng thời, việc tổ chức lối giao thông tiếp cận công trình tu bổ ở phía bờ sông (phía Nam), bố trí khu vực thờ tự (tạm thời) để mọi người có thể đến tham quan, chiêm bái, các hoạt động tín ngưỡng tại di tích không bị gián đoạn… còn thể hiện sự tận tâm, trách nhiệm, chỉn chu trên nhiều phương diện của chính quyền thành phố, của chủ đầu tư - trực tiếp là đội ngũ thực hiện dự án”, ông Sơn cho biết.

Với sự khảo sát tỉ mỉ hiện trạng, cân nhắc kỹ lưỡng quan điểm, giải pháp tu bổ, cùng với sự tận tâm của đội ngũ trực tiếp tham gia dự án và ý kiến đóng góp của các chuyên gia về bảo tồn trong và ngoài nước, đặc biệt là sự quan tâm, khích lệ của công chúng, sau hơn 19 tháng triển khai thi công tu bổ, việc trùng tu Chùa Cầu đã hoàn thành một cách bài bản, khoa học. Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đã đạt được những thành quả tốt đẹp như mong đợi, bảo tồn tối đa các giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa của di tích, đáp ứng sự mong mỏi của những ai yêu mến và trân quý công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt này. Việc hoàn thành tu bổ di tích Chùa Cầu còn mang ý nghĩa to lớn trong dịp kỷ niệm lần thứ 20 sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản.

Tiếp tục là điểm đến hấp dẫn sau tu bổ

Ngay trong những ngày đầu tiên “lộ diện” sau trùng tu, mỗi ngày di tích này đón hàng ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng và chụp hình lưu niệm tại di tích Chùa Cầu- biểu tượng xuyên suốt 4 thế kỷ của phố cổ Hội An.

Du khách tham quan Chùa Cầu sau trùng tu

Trong buổi lễ khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu, cùng với sự hiện diện của nhiều đại biểu Nhật Bản từng có thời gian gắn bó lâu dài với thành phố, ông Sugi Ryotaro - Nguyên Đại sứ đặc biệt Việt Nam - Nhật Bản, hiện là Cố vấn đặc biệt của Chính phủ Nhật Bản đã có lời phát biểu, bày tỏ vinh dự và vui mừng khi được chứng kiến dự án trùng tu di tích Chùa Cầu được thực hiện thành công và gửi lời chúc mừng đến các đại biểu Nhật Bản, Việt Nam và người dân Hội An.

Du khách cũng như người dân có mặt ngay tại lễ khánh thành, tận mắt chiêm ngưỡng di tích hầu hết đều bày tỏ sự đồng tình với những kết quả, quá trình thực hiện dự án tu bổ di tích Chùa Cầu mà đại diện lãnh đạo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An báo cáo tại lễ khánh thành. Đồng thời cũng bày tỏ hy vọng, sau khi được tu bổ, Chùa Cầu sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị văn hóa và kinh tế cho Hội An.

Bài và ảnh: Trương Khánh Chi

Top