Làm gì để phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống hiện đại?

Bên cạnh những di sản văn hóa cấp tỉnh, thành phố và quốc gia, Việt Nam cũng đã có nhiều công trình, loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Nhưng vấn đề quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa của chúng ta cần phải được quan tâm một cách thực tế hơn nữa. Phát huy giá trị di sản không phải chỉ nói chung chung bằng những chủ trương trong văn bản, sự kêu gọi ý thức, mà phải bằng những việc làm cụ thể. Một trong những phương pháp khả thi là đưa các giá trị của di sản vào trong đời sống con người thông qua việc nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn rõ nét từ kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

1. Vài nét về thực trạng và tình hình nghiên cứu về các di tích kiến trúc nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh

1.1 Thực trạng của các công trình kiến trúc nghệ thuật

Các di tích kiến trúc nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) có niên đại xưa nhất khoảng  trên hai trăm năm và mới nhất khoảng gần một trăm năm. Chủ trương của Nhà nước nói chung và của TP.HCM nói riêng về việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích kiến trúc nghệ thuật đã đi vào thực tế và những cán bộ làm trong lĩnh vực này cũng đã có nhiều cố gắng. Nếu chúng ta khảo sát một vòng thì sẽ thấy các di tích đang ở một trong hiện trạng sau:

Loại thứ nhất là các di tích được quản lý, đầu tư để bảo tồn và còn giữ được những yếu tố gốc. Đây thường là các công trình kiến trúc nghệ thuật lớn được giao cho các cơ quan sử dụng làm trụ sở hoặc giữ nguyên công năng ban đầu như tòa nhà Ủy ban nhân dân TP.HCM, Tòa án nhân dân TP.HCM, Nhà hát TP.HCM, Bưu điện TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM), Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Hồ Chí Minh… Một số đình, chùa đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cũng được bảo tồn khá tốt như Điện Ngọc Hoàng, Miếu Thiên Hậu ở quận 1; đình Minh Hương Gia Thạnh ở quận 5; đình Trường Thọ ở Thủ Đức, Hội quán Tuệ Thành (Chùa Bà) quận 5; Lăng Lê Văn Duyệt; Đình Bình Hòa quận Bình Thạnh; Đình Phú Nhuận quận Phú Nhuận; Chùa Giác Lâm, Tân Bình… Các công trình thuộc loại này đã được Thành phố đầu tư để bảo quản, duy tu trong thời gian qua, nhất là từ khi Luật Di sản Văn hóa ra đời (2001) và sau đó được bổ sung sửa chữa (2009). Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, việc đầu tư trùng tu, sửa chữa vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu về thời gian, kinh phí. Cụ thể như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM có Dự án Cải tạo và mở rộng Bảo tàng TP.HCM được trình năm 2002 và UBND TP.HCM duyệt từ năm 2005 với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỉ đồng. Nhưng cho đến nay, kinh phí Thành phố chỉ cấp được 3 tỉ đồng cho giai đoạn I của Dự án - Sửa chữa các tòa. Số tiền trên chỉ đủ chỉnh trang tòa nhà thứ hai đưa vào sử dụng vào năm 2011. Tòa nhà thứ 3 được tiếp nhận năm 2014 cũng chưa được cấp kinh phí, dù đã được trưng bày vào tháng 5-2015 sau khi tu sửa bên trong với kinh phí tiết kiệm từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị. Còn tòa nhà lớn nhất được thay thế lớp vôi đã quét từ năm 1987 khi Công ty Akzo Nobel Hà Lan tài trợ sơn lại toàn bộ mặt ngoài vào năm 2011-2012! Theo chúng tôi, có nhiều công trình cũng có kế hoạch bảo tồn nhưng cũng không khác bao nhiêu so với Bảo tàng Mỹ thuật về quá trình đầu tư. Một số công trình kiến trúc tôn giáo cũng được bảo tồn khá tốt, trong số đó, kinh phí của thành phố cấp cũng có và kinh phí của cơ sở do cộng đồng đóng góp cũng có. Rất đáng trân trọng tinh thần của những cộng đồng đã bảo quản khá tốt, giữ nghiêm ngặt các yếu tố gốc khi trùng tu, sửa chữa và nhận các khoản tài trợ.

Tình trạng thứ hai là các tích được quản lý nhưng đã bị xâm lấn, hư hại nghiêm trọng hoặc mất một số yếu tố gốc do các lần tu sửa trước đây. Một thực tế, khi chưa có chủ trương chính sách cụ thể để bảo tồn các di sản văn hóa, nhiều đền chùa, miếu mạo đã bị làm sai lệch so với bản gốc. Tiêu biểu như chùa Giác Viên ở quận 11; chùa sắc tứ Trường Thọ; đình Thông Tây Hội ở quận Gò Vấp; đình Xuân Hiệp ở Thủ Đức; chùa Phước Tường, chùa Hội Sơn ở quận 9…. Còn quy trình, thủ tục để tiến hành tu sửa cũng gây không ít khó khăn khiến công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, tiêu biểu như chùa Giác Viên ở quận 11; chùa Sắc Tứ Trường Thọ ở Gò Vấp. Kinh phí Thành phố giành cho việc quản lý các di tích còn rất khiêm tốn, nhất là hệ thống các đình đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật (khoảng hơn 20 triệu đồng mỗi năm). Vậy nên đa số những người (Ông, Bà từ) vẫn  quan tâm, chăm chút quét dọn, gìn giữ đình là do họ tự nguyện vì tình cảm gắn bó, chứ không thể sống được bằng tiền được trợ cấp. Sự xuống cấp và nguy cơ biến mất của các di tích kiến trúc nghệ thuật tại TP.HCM, trong đó có nơi đã được xếp hạng di tích với niên đại hàng trăm năm, tình trạng các kết cấu bằng gỗ bị mối mọt ăn ruỗng, các hoa văn bị gãy, rơi rớt mất đang diễn ra ở không ít các công trình là điều báo động khẩn cấp. Trong đó có những công trình bị hư hoại hoàn toàn, cháy rụi không còn tư liệu phục dựng, trùng tu như vụ cháy chùa Hội Sơn ở quận 9 là một thực tế đau lòng. Sự cố cháy chùa Hội Sơn có thể coi như một thảm họa khi lửa đã thiêu rụi tòa nhà chính cùng với toàn bộ các tượng Phật, chuông đồng cổ quí giá nhất của công trình. Tình trạng đáng báo động nữa là sự sai lệch với bản gốc về kiểu dáng, hoa văn, màu sắc khi trùng tu, sửa chữa khiến các công trình mất đi sự thuần nhất và biến dạng cần được kiểm định, tu sửa.

1.2 Khái quát về tình hình nghiên cứu về các công trình kiến trúc nghệ thuật

Tuy chưa được nghiên cứu nhiều như các công trình kiến trúc ở miền Bắc, nhưng các công trình, di tích kiến trúc nghệ thuật tại TP.HCM đã được nhiều người quan tâm. Có thể kể đến một số công trình, bài viết như Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật chạm khắc gỗ Thành phố Hồ Chí Minh của Huỳnh Ngọc Trảng đăng trên Tạp chí Mỹ thuật, Số 2, 1987,  Nghệ thuật chạm khắc gỗ thành phố Hồ Chí Minh của Huỳnh Ngọc Trảng và Đỗ Duy Ngọc trong sách Địa chí thành phố Hồ Chí Minh (Tập 3, Nxb. TP.HCM, 1990, Đình ở thành phố Hồ Chí Minh của Hồ Tường, Nguyễn Hữu Thế (Nxb. Trẻ.TP.HCM, 2005), Đình miếu và lễ hội dân gian của Sơn Nam (Nxb.TP.HCM, TP.HCM, 1992)...

Ngoài ra, trong quá trình lập hồ sơ xếp hạng di tích, Trung tâm Bảo tồn di tích của Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM đã đo đạc diện tích, xác định các khu vực của di tích, chụp một số hình ảnh mang tính chất minh họa. Các bộ hồ sơ tuy khó có thể sử dụng để quảng bá hay trùng tu phục chế di tích, song đó cũng là những tư liệu đáng quí cho công tác bảo tồn. Trung tâm cũng đã xuất bản vựng tập Hành trình di sản thành phố Hồ Chí Minh (năm 2011) để lưu giữ các hình ảnh của những di tích văn hóa nghệ thuật của thành phố.

Có thể nói, các công trình kiến trúc nghệ thuật ở TP.HCM cùng với hệ thống các đồ án hoa văn trang trí rất phong phú và có giá trị vẫn cần được nghiên cứu nhiều hơn, sâu hơn phục vụ cho công tác bảo tồn, kéo dài tuổi thọ của các di tích và phát huy giá trị.

2. Phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua sản phẩm phục vụ đời sống

2.1 Nghiên cứu di sản để bảo tồn và phát huy giá trị

Việc nghiên cứu về các di sản văn hóa nghệ thuật không chỉ để khẳng định và giới thiệu những giá trị của chúng, mà một trong những mục tiêu quan trọng là nghiên cứu để lưu giữ tư liệu, tìm giải pháp bảo tồn nhằm kéo dài thời gian tồn tại của các công trình, tạo ra các sản phẩm, nhất là các mặt hàng lưu niệm phục vụ cho ngành công nghiệp không khói - du lịch. Tùy cấp độ, trình độ chuyên môn, kinh phí, các tổ chức, cá nhân sẽ tiến hành nghiên cứu ở nhiều qui mô khác nhau. Nghiên cứu di sản văn hóa không chỉ mang tính khoa học mà còn mang tính thực tiễn.

Công tác nghiên cứu về các di sản văn hóa tại TP.HCM vẫn được tiến hành trong suốt thời gian dài. Nhưng các nghiên cứu chuyên sâu, nhất là làm sao để giới thiệu, tuyên truyền đến đông đảo quần chúng về giá trị của di sản văn hóa dân tộc lại chưa nhiều, chưa mang tính thuyết phục, mà dường như chỉ dành cho những nhà nghiên cứu, số ít người có liên quan hay yêu thích. Sự cần thiết nghiên cứu để khẳng định những giá trị của vốn cổ dân tộc, giới thiệu về văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong xu hướng toàn cầu hóa là rất thực tế. Một trong những nhiệm vụ chúng tôi đặt ra là tiến hành các nghiên cứu khoa học để tư liệu hóa các đồ án hoa văn một cách chính xác bằng hình ảnh, bài viết về di sản văn hóa nghệ thuật, giới thiệu và phát huy những giá trị của vốn cổ dân tộc phục vụ công tác gìn giữ bản sắc dân tộc trong nghệ thuật và trong đời sống xã hội. Một trong những giải pháp để gìn giữ những di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống là phải tăng cường việc nghiên cứu, giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Bởi khi công chúng hiểu được những giá trị thì mới hình thành trong họ ý thức bảo vệ, gìn giữ những giá trị đó. Một trong những phương pháp giới thiệu, tuyên truyền về giá trị di sản văn hóa vật thể chính là thông qua các sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày của các nhà thiết kế mỹ thuật.

Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế, mang lại lợi ích kinh tế. Khắc phục tình trạng nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật tại TP.HCM, nhất là các đình, gần như đóng cửa quanh năm, trừ các ngày cúng tổ đình hay vài ngày tết cổ truyền. Các ngôi đình đẹp, kiến trúc và trang trí độc đáo chưa có trong danh mục điểm tham quan của khách du lịch nên bỏ qua nét độc đáo của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Thực tế chứng minh, khách du lịch, đặc biệt khách quốc tế đều có nhu cầu tham quan tìm hiểu những nét độc đáo của văn hóa một vùng miền, dân tộc, chứ không phải những khu phố mới với những tòa nhà cao tầng.

2.2 Ứng dụng kết quả nghiên cứu vào đời sống xã hội

Theo chúng tôi, một trong những cách phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc là làm sao để những giá trị đó được bảo lưu một cách thực tế thông qua việc thiết kế các sản phẩm phục vụ đời sống cộng đồng. Đây không phải là quan điểm mới, nhiều người đã làm ra sản phẩm, nhưng chúng tôi mong muốn nhiều người hơn nữa cùng quan tâm thực hiện. Đi theo hướng này, các nhà thiết kế, các công ty chuyên cung cấp sản phẩm tiêu dùng cũng phải đối mặt với không ít thử thách. Vì trong thời đại của khoa học kỹ thuật và công nghệ, rất nhiều sản phẩm có mẫu mã đẹp, tiện lợi, sản xuất hàng loạt nên giá thành không cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng không quá bi quan về hướng đi này. Thực tế cho thấy có một số lượng không nhỏ người tiêu dùng vẫn thích những vật dụng đẹp, lạ bởi mang dấu ấn của văn hóa nghệ thuật truyền thống. Vật dụng không chỉ tiện lợi mà còn mang yếu tố thẩm mỹ đặc trưng.

Để thực hiện được ý tưởng này, có lẽ phải bắt đầu từ các chủ thể văn hóa đặc biệt - các nhà thiết kế mỹ thuật. Theo chúng tôi, vấn đề quan trọng từ công tác đào tạo mỹ thuật, chương trình đào tạo phải thật sự coi trọng đến vấn đề bảo tồn vốn cổ dân tộc một cách thiết thực.

Tóm lại, nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào đời sống là hướng đi đúng đắn không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn, mà còn tuyên truyền và phát huy những giá trị đó trong thời đại toàn cầu hóa. Kết quả nghiên cứu giúp cho công tác tuyên truyền các giá trị của di sản văn hóa nghệ thuật đối với công chúng, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ thu hút khách du lịch tham quan TP.HCM.

TS Mã Thanh Cao

 

Top