Tín ngưỡng "Hiến sinh" và "Phồn thực" trong tâm thức của người Việt

Không chỉ có người Việt cổ, mà ở hầu hết cộng đồng cư dân vùng Đông Nam Á cổ xưa, hai tín ngưỡng nêu trên đều rất phổ biến trong đời sống, vì đó là những tín ngưỡng có liên quan mật thiết tới nông nghiệp - nơi mà những điều kiện khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, sinh thái… đã tạo cho mảnh đất này nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành một trong những trung tâm sớm của nghề làm nông, trong đó có kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước phát triển sớm. "Hiến sinh" và "Phồn thực" cho tới tận giờ đây vẫn còn nhiều "hóa thạch" lưu lại trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt và của nhiều dân tộc thiểu số ở miền Bắc và Tây Nguyên, trở thành một giá trị bản địa để cùng với những giá trị khác, tạo nên một Việt Nam giàu bản sắc, dầy truyền thống, như hiện nay, được thế giới ngợi ca và vinh danh như một vùng đất đầy hấp dẫn.

Để nói về “Hiến sinh” và “Phồn thực” một cách bài bản và đủ đầy chắc phải cần đến một công trình nghiên cứu chuyên sâu để tìm ra nội dung và căn nguyên, gốc nguồn, để tìm ra những giá trị cốt lõi và sự bảo lưu, những giá trị giao thoa và tiếp biến… trong diễn trình lịch sử của hai tín ngưỡng này, bởi vậy khó có thể trình bầy trong một bài viết ngắn. Do đó, xin đưa ra đây những hình ảnh, thiết nghĩ là cụ thể và sinh động để độc giả có thể mường tượng được phần nào, người xưa quan niệm về “Hiến sinh” và “Phồn thực” như thế nào trong đời sống của họ.

Nam nữ giao cấu trong nhà sàn

Cuối tháng 6 năm 2024 vừa qua, tôi có một cơ may được mời đến chiêm ngắm một chiếc trống đồng Đông Sơn, có niên đại cách ngày nay 2.300 năm. Có thể nói, đây là một chiếc trống đẹp nhất trong số những trống đẹp nhất của văn hóa Đông Sơn đã từng được phát hiện ở Việt Nam, tương đương với Hoàng Hạ, Ngọc Lũ, Sao Vàng, Cổ Loa… Trên chiếc trống này, hoa văn trang trí dầy đặc và kín mít ở mặt, tang, thân. Tuy nhiên, ở trên tang hình ảnh một nghi lễ “Hiến sinh” được thể hiện khá đậm nét và rõ ràng, tại một kho thóc, được diễn tả đơn giản như một chòi canh giữa cánh đồng. Buổi hiến sinh được cả một đoàn người thực hành, với những tiểu cảnh: “Dựng cây nêu”, “Trói lợn rừng” chuẩn bị giết, người chủ lễ và những người cầm nghi trượng diễu hành. Cảnh tượng sinh động và náo hoạt, ảnh xạ một nghi thức hiến sinh hoành tráng của một thời vàng son quá khứ, mà giờ đây, chúng ta còn thấy lưu ảnh ở một số dân tộc tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, cũng tại không gian những nhà kho khuất nẻo.

Lễ hiến sinh bò

“Hiến sinh” còn thấy ở tám tổ hợp hoa văn nơi chân trống, đó là cảnh bò được buộc vào cây nêu. Hai nhân vật, kẻ đứng trước, đầu đội mũ lông công đang chuẩn bị thực hành một nghi lễ, người đứng sau đang cầm búa trong tư thế chuẩn bị hành quyết con vật sẽ hiến sinh. Phía trên, những con chim mỏ dài đang dang cánh bay lượn trên bầu trời mênh mang, thoáng rộng, dường như không hề có sự đổ máu và chết chóc, hẳn là một nghi thức tận hiến cho thần linh được tôn thờ.

Nghi lễ hiến sinh trong kho thóc

“Phồn thực” là cảnh khá phổ biến trên nghệ thuật đồ đồng Đông Sơn nói chung, trống đồng, thạp đồng Đông Sơn nói riêng. Nhưng, trên chiếc trống này, tại một không gian của ngôi nhà sàn mái cong, người chiêm ngắm thấy một đôi nam - nữ đang giao cấu trong tư thế nằm, hả hê và phấn khích. Quanh cảnh tượng này là những người ngồi hành lễ, như cầu mong cho sự sinh sôi nảy nở được vuông tròn trong một khung cảnh, con người và động vật (chó và bò) hòa hợp ở tầng trên, tầng dưới, cầu thang, thể hiện một cảnh sống viên mãn của con người thời bấy giờ.

Cảnh tượng nam - nữ giao cấu, đương nhiên không chỉ thấy ở chiếc trống này, nhưng hiếm hoi và biệt lệ trong những biến thể khác nhau, được biết cho tới nay trên một số trống, thạp đồng, được đếm không quá trên những đầu ngón của một bàn tay. Như vậy, cũng đủ thấy rằng, “Phồn thực” là một tín ngưỡng và nghi lễ phổ biến của người Việt cổ, nhưng để cụ thể hóa thành một đề tài, như chiếc trống trên, quả là “của lạ” trong nghệ thuật nói chung, nghệ thuật tạo hình Đông Sơn nói riêng.

Nam nữ giao cấu ở ngoài trời

“Phồn thực” được ghi sâu và khắc đậm qua hình ảnh ở thân trống, với cặp đôi nam - nữ đang làm tình trong tư thế đứng. Người đàn ông tóc ngắn, ở trần, với bộ dương vật oai phong, đang hành lạc với người con gái tóc dài, ngực vươn về phía đối tác, trong một tư thế vô cùng hả hê và phấn khích, tay phải cầm bộ dương vật đưa vào âm vật của mình, như một sự tận hưởng của khoái lạc âm - dương giao hòa. Đây là một hình ảnh chưa từng thấy xưa nay về nghệ thuật phồn thực Việt, mà tưởng như rất xa lạ với quan niệm của đạo đức Khổng Nho, nhưng với Đông Sơn, với người Việt cổ, ở vào thời kỳ thịnh phát nhất của tín ngưỡng phồn thực, của quan niệm âm - dương, hẳn là một câu chuyện bình thường của vạn vật sinh sôi. Tuy nhiên, với tác phẩm trên đây, nó phải được coi là một kiệt tác nghệ thuật cổ kim của người Việt: Hiện đại về đề tài, ấn tượng về tạo hình và mang dấu ấn đậm nét về nội dung của cộng đồng đã sản sinh ra tác phẩm.

Câu chuyện của “Hiến sinh” và “Phồn thực” còn miên man những điều để nói, vô vàn những vấn đề phải luận bình. Chắt lọc đôi ba hình ảnh, với tôi, có lẽ là thời sự và mới mẻ nhất, và cũng là cụ thể nhất, để diễn giải cho hai nghi lễ, còn quá nhiều bí mật ẩn chứa, khó có thể thay thế được bằng lời.

“Hiến sinh” và “Phồn thực” cho tới tận giờ đây vẫn còn nhiều “hóa thạch” lưu lại trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt và của nhiều dân tộc thiểu số ở miền Bắc và Tây Nguyên, trở thành một giá trị bản địa để cùng với những giá trị khác, tạo nên một Việt Nam giàu bản sắc, dầy truyền thống, như hiện nay, được thế giới ngợi ca và vinh danh như một vùng đất đầy hấp dẫn.

TS Phạm Quốc Quân

Top