Vài ý kiến về việc phát huy di tích tại Hà Nội

Thủ đô Hà Nội, tính đến nay, theo thống kê bước đầu có khoảng gần 6.000 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh. Đó là một con số ấn tượng, đem đến cho địa phương này nhiều lợi thế để phát triển du lịch, bên cạnh vị thế địa chính trị của một thủ đô nghìn năm văn hiến. Trên thực tế, hơn một thập niên trở lại đây, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, nhân dân và ngành văn hóa, du lịch Hà Nội đã khai thác lợi thế này một cách có hiệu quả để biến tài sản ấy trở thành một động lực phát triển kinh tế xã hội, khiến cho nó trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của du lịch Việt Nam. Những Văn Miếu, đền Ngọc Sơn, Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò, đền Quan Thánh, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, chùa Hương và rất nhiều khu di tích khác mà bài viết này không thể thống kê, đều có thể minh chứng cho nhận định này một cách thuyết phục với lượng du khách hàng năm tăng lên với con số ấn tượng.

Để có được thành tựu này, Hà Nội đã không thụ động khai thác những tài sản vốn có của tiền nhân để lại, mà đã có sự đầu tư vô cùng lớn để tu bổ, tôn tạo, thậm chí, đã vượt qua bao khó khăn trở ngại để giải tỏa những hộ dân lấn chiếm, để trả lại cho di tích cảnh quan, mà gần đây, những hồi cố của cán bộ quản lý di tích của Hà Nội, cho tôi hay, quả là không mấy dễ dàng gì mới có được những thành công, trong khi những người ngoài cuộc tưởng như là một sự mặc nhiên, tất yếu. Tôi cũng đã được thấy những dự án chuẩn thuyết minh cho các di tích và lễ hội được thực hiện từ hai ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hướng tới những điểm đông du khách tới tham quan, ngay cả đối với các di tích thời cận – hiện đại, chưa được xếp hạng, như cầu Nhật Tân, Nhà Hát Lớn Hà Nội, Nhà Thờ Lớn Hà Nội v.v để rồi sẽ triển khai theo các tour, tuyến rộng hơn nhằm chuyển tải đầy đủ, chính xác những thông tin đối với đối với du khách, để quảng bá văn hóa lịch sử Việt Nam, tránh sự sai lệch không đáng có. Tôi cũng đã thấy sự băn khoăn, trăn trở và nhiệt huyết của cán bộ Phòng Di sản văn hóa Hà Nội muốn có thêm nhiều bảo vật quốc gia tại các di tích để tạo thêm thương hiệu cho chúng, theo đó, là sự tiếp cận tới các quận, huyện và phường để khảo sát, làm hồ sơ trình Thủ tướng công nhận. Và, cho đến nay, Hà Nội là địa phương có nhiều bảo vật quốc gia nhất cả nước và cũng là địa phương đầu tiên có một ấn phẩm giới thiệu tất cả các bảo vật quốc gia đến với du khách. Tuy nhiên, dường như nhận thức này từ các cơ sở chưa thật đầy đủ, khiến cho nhiều bảo vật quý hiếm vẫn còn nằm trong những nơi thờ tự, dẫu đã có sự gợi ý từ các cán bộ chuyên môn. Tôi cũng đã thấy một đề án thống kê và sưu tầm những tài liệu quý, hiếm trên địa bàn Hà Nội đã và đang được thực hiện với đối tượng đầu tiên là sắc phong trong các đình, đền, từ đường… đem đến nhiều tư liệu lịch sử, văn hóa quý giá. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện đề án này và tôi tin rằng, kết quả dự án là đáng kể, dẫu rằng, mới chỉ có một đối tượng sắc phong trong các di tích được triển khai. Tôi cũng đã thấy một dự án kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện với một tốc độ thần kỳ mà ít có địa phương nào có thể thực hiện được với sự đánh giá rất cao từ các chuyên gia trên lĩnh vực này.

Đền Ngọc Sơn. Ảnh: Internet

Điểm qua đôi nét, được xem là những điểm sáng trong muôn vàn những điểm sáng mà ngành Văn hóa Thủ đô đã đạt được trong hơn một thập niên qua. Tuy nhiên, với một khối lượng di tích khổng lồ như thế, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy tác dụng còn nhiều vấn đề cần phải được xem xét, nghiên cứu thêm để có thể khai thác tốt hơn lợi thế này của Hà Nội.

Tôi sẽ không bàn nhiều tới việc tu bổ, tôn tạo, khi mà đã có một số hiện tượng di tích tu bổ không theo quy trình, gây xôn xao dư luận ở nơi này, nơi nọ. Tôi cũng không bàn đến một sự việc đã qua, khi đến các di tích hiện nay, các tượng thờ, hoành phi, câu đối đều được sơn phết sáng choang làm mất đi vẻ cổ kính, tôn nghiêm vốn có của di vật, do nguồn kinh phí xã hội hóa và đâu đó từ kinh phí của Lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi cũng không bàn đến những lễ hội trong một vài di tích còn gây phản cảm đối với du khách, đã và đang được khắc phục từ các cấp, các ngành để đem đến một sự đổi thay đáng khích lệ. Tôi cũng không nói tới sự thiếu quan tâm sâu sát từ chính quyền cơ sở trong việc quản lý, tu bổ, tôn tạo, khai thác di tích ở địa phương còn nhiều bất cập v.v. Bài viết này, sự chú ý tới nằm ở việc phát huy những di tích, tránh sự lãng phí - điều khiến người quan tâm, hiểu lầm rằng, Hà Nội phải chăng quá giàu có về di sản, nên lãng quên những phần còn lại, mà rất nhiều địa phương nằm mơ cũng chẳng thể có?

 Nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội - Nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam (tháng 3-1929). Ảnh: Baotanglichsu.vn

Về Di tích lịch sử - cách mạng, tôi vô cùng trăn trở với di tích 48 Hàng Ngang, 5D Hàm Long và 90 Hàng Bông, Thợ Nhuộm. Quả thật, Hà Nội thực sự đã quan tâm tới những di tích này với kinh phí bảo tồn, bảo dưỡng hàng năm, nhưng dường như các di tích ấy chưa phát huy được tác dụng theo đúng vị thế của chúng. Cách đây hơn mười năm, những người làm công tác di sản đã có một gợi ý rằng, nên chăng, cần phải tái hiện lại không gian vốn có của di tích, đó là không gian của nội thất ngôi nhà của cụ Trịnh Văn Bô, của cửa hàng tơ lụa thuở ấy. Muốn làm được như vậy, những tư liệu hồi cố phải được khai thác tối đa qua những người đương thời trong gia đình còn đang khỏe mạnh, minh mẫn. Phải có một không gian như thế, câu chuyện Bác Hồ chọn đây làm nơi viết “Tuyên ngôn Độc lập” mới có giá trị và ý nghĩa nhiều mặt, theo đó là những câu chuyện di tích mới sinh động, hấp dẫn. Khu 5D Hàm Long cũng đã có nhiều tọa đàm để trả lại nội thất, ngay cả một hành lang, thông với phố Lê Văn Hưu là một dãy những thùng đựng phân do những người làm vệ sinh thời ấy tập kết, rồi cả một không gian nội thất phải được tái hiện. Trưng bày bổ sung cho ngôi nhà ấy chỉ là một phần rất nhỏ, chủ yếu là sự kiện chi bộ đầu tiên, là bản vẽ và vật liệu kiến trúc ngôi nhà và không gian phố Hàm Long, ngã 5 Lò Đúc ở thập niên 30 của thế kỷ trước, thay vì cả một nội dung bối cảnh xã hội thuở ấy. Nội dung này phải là của các bảo tàng thể hiện.

Di tích phải có tiếng nói riêng, phải có nội dung riêng và phải có những câu chuyện riêng mới có thể kéo chân được du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Gần đây, tôi cũng có dịp đến tham quan một số di tích lớn của Hà Nội: Chùa Hòe Nhai, chùa Chân Tiên, chùa Vân Hồ, đền Hai  Bà Trưng v.v. Quả là sự đầu tư kinh phí của Nhà nước và nhân dân đối với những di tích này là quá lớn, đem đến một sự đổi thay lạ thường, với cảnh quan vô cùng quyến rũ và sự ngăn nắp, khang trang hơn rất nhiều so với trước. Tôi cũng có đọc nội quy và giờ mở cửa đón khách, không khác gì so với cơ quan nhà nước, nhưng dường như, đó chỉ là hình thức, vì khi tôi đến đền Hai Bà Trưng đã 9h sáng vẫn cửa đóng then cài. Hỏi thăm sư trụ trì chùa Vân Hồ, bà bảo rằng, chùa chủ yếu mở cửa vào rằm và mồng một, cùng những ngày, theo yêu cầu của khách đến làm lễ. Ngoài ra, chùa không dám mở cửa vì sợ con nghiện vào quấy nhiễu.

Như vậy là, sự khai thác của các đền - chùa đều hướng tới chủ yếu là đối tượng tâm linh, theo đó, không phải là không có các nguồn lợi để phục vụ cho công tác tu bổ, tôn tạo, xây dựng những ngôi chùa, ngôi đền mới. Tuy nhiên, với tư cách là di sản văn hóa và môi trường cảnh quan, những di tích nêu trên có thể phục vụ có hiệu quả đối với khách du lịch, thăm viếng, vãng cảnh, nhưng dường như chúng chưa được kết nối với các tuyến, tour tham quan, khiến cho di tích chưa được khai thác và phát huy triệt để. Tôi cứ nghĩ, cảnh quan của những ngôi chùa, ngôi đền nêu trên cùng những câu chuyện lịch sử có liên quan, nếu ở các địa phương khác, hẳn sẽ là tài sản vô cùng quý giá đối với du lịch.

Vậy thì, tại sao lại thiếu sự kết nối. Đó phải chăng là công tác tổ chức và quản lý? Các công ty du lịch chưa thấy hết được tiềm năng và giá trị của di tích. Các di tích được quản lý từ các nhà sư, chưa thấy hết được ý nghĩa và giá trị tổng thể của việc đưa đón các đoàn khách đến tham quan và họ thiếu đi năng lực tổ chức những sự kiện như thế do ít nhân lực. Chính quyền cấp cơ sở được giao quản lý di tích chưa trở thành trung gian để kết nối. Cộng đồng sở tại thì không quan tâm, khi lợi ích của họ không có trong những hoạt động như thế. Còn rất nhiều, rất nhiều những vấn đề mà tôi không thể nhận ra, cần phải được nghiên cứu và giải mã thấu đáo để di sản cả nước nói chung và di sản Hà Nội nói riêng thực sự trở thành một động lực cho sự phát triển du lịch, khi chúng có những cơ chế, chính sách, phương thức tổ chức, quản lý phù hợp và có hiệu quả hơn.

TS Phạm Quốc Quân

Top