Một số ý kiến về hình thức thanh tra đột xuất

Điều 30 - Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức kinh tế, xã hội, cá nhân”. Như vậy, quyền khiếu nại, tố cáo được ghi nhận là một trong các quyền cơ bản của công dân.

Quyền khiếu nại, tố cáo có mối quan hệ chặt chẽ với các quyền cơ bản khác của công dân, bất kỳ sự vi phạm nào đối với quyền và nghĩa vụ của công dân cũng có thể dẫn tới khiếu nại, tố cáo. Đây là một quyền có tính chất chính trị và pháp lý của công dân, là một hình thức biểu hiện của dân chủ. Việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo sẽ là phương tiện để công dân trực tiếp tham gia vào việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước; kiểm tra, giám sát hành vi của cán bộ, công chức, nhân viên nhà nước. Khiếu nại, tố cáo cũng là một hình thức đấu tranh có hiệu quả chống lại các hành vi trái pháp luật, nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Mặt khác, quyền khiếu nại, tố cáo của công dân là quyền dân chủ trực tiếp, một chế định của nền dân chủ trực tiếp để công dân thông qua đó thiết thực tham gia vào việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Lực lượng liên ngành phối hợp kiểm tra đột xuất tại một cơ sở kinh doanh karaoke

Giải quyết khiếu nại, tố cáo là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo của công dân, cơ quan, tổ chức, nhằm đảm bảo thực hiện quyền cơ bản của công dân, thực hiện quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa; góp phần đấu tranh chống biểu hiện quan liêu, cửa quyền, thiếu dân chủ, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước; góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong hoạt động quản lý Nhà nước bằng pháp luật đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là việc quản lý nền kinh tế nhiều thành phần, phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì khó tránh khỏi những mâu thuẫn giữa quyền, lợi ích của công dân, tổ chức với nhà nước. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất đồng giữa cá nhân, tổ chức với Nhà nước dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Tình trạng độc đoán, chuyên quyền, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan nhà nước cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo. Mặt khác khi chuyển đổi cơ chế mà trọng tâm là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, nhiều quy định của pháp luật không còn phù hợp, nhiều quan hệ phát sinh chưa được điều chỉnh kịp thời do đó nảy sinh mâu thuẫn giữa yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật với thực tiễn pháp luật chưa đầy đủ cũng nảy sinh khiếu nại.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan thanh tra nhà nước. Trách nhiệm này đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật như Luật Khiếu nại ban hành năm 2011; Luật Tố cáo ban hành năm 2011 tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo quy định tại Điều 3 Luật Thanh tra năm 2010: “Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao”. Theo khái niệm này, thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra trong nội bộ bộ máy nhà nước; là thanh tra của cơ quan cấp trên đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân cấp dưới (thuộc quyền quản lý trực tiếp); là thanh tra của chủ thể quản lý nhà nước này với chủ thể quản lý nhà nước khác. Thanh tra hành chính vì vậy mang tính kiểm soát nội bộ (được hiểu theo nghĩa rộng là nội bộ của bộ máy nhà nước hay nội bộ của bộ máy các cơ quan nhà nước, thường là theo hệ thống). Thanh tra hành chính là hoạt động diễn ra thường xuyên theo kế hoạch để nhằm mục đích kiểm soát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới, đảm bảo hoạt động đúng theo quy định của pháp luật. Thông qua hoạt động hành chính, cơ quan quản lý nhà nước cấp trên phát hiện ra những sai phạm mang tính chất hành chính của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân hoặc những dấu hiệu vi phạm pháp luật, trên cơ sở đó Thủ trưởng cơ quan cấp trên hoặc cơ quan thanh tra sẽ quyết định có hay không việc tiến hành thanh tra đột xuất.

Tại Khoản 4 Điều 37 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: “Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao”. Như vậy, thanh tra đột xuất là một hình thức thanh tra được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Thủ trưởng cơ quan giao.

Do vậy, về hình thức thanh tra đột xuất, bản chất là để phục vụ nhiệm vụ chính trị, yêu cầu cấp thiết của công tác quản lý trong thời điểm nhất định, có tính thời sự và ngoài kế hoạch thanh tra.

Trên thực tế, thanh tra thường tiếp nhận khá nhiều các kênh thông tin từ các nguồn khác nhau: Dư luận trong xã hội, phản ánh từ báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, Internet; các yêu cầu do lãnh đạo Đảng, Nhà nước chuyển đến; thông qua các báo cáo của đối tượng thanh tra hoặc từ kết quả kiểm tra chuyên đề khác; đơn khiếu nại và tố cáo nặc danh… Từ các nguồn thông tin này, qua nghiên cứu, thu thập tài liệu, củng cố hồ sơ, nếu phát hiện có dấu hiệu đối tượng thanh tra vi phạm pháp luật thì đề xuất Thủ trưởng cơ quan cho tiến hành thanh tra đột xuất.

Tùy theo tính chất mức độ về dấu hiệu vi phạm pháp luật của đối tượng mà áp dụng các hình thức thanh tra phù hợp. Có thể có các hình thức Thanh tra đột xuất như sau:

Một là, Thanh tra toàn diện các mặt công tác của cơ quan, tổ chức

Hình thức này được tiến hành khi có tài liệu phát hiện cơ quan, tổ chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có dấu hiệu sai phạm ở nhiều lĩnh vực hoặc có đơn tố cáo có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực công tác.

Hai là, Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về hoạt động cụ thể của cơ quan, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật

Đây là hình thức thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức có vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về một lĩnh vực công tác nhất định, căn cứ để ra quyết định thanh tra có thể xuất phát từ khiếu nại, tố cáo của cá nhân hoặc phản ánh của cá nhân, cơ quan, tổ chức về vi phạm của đối tượng thanh tra trong việc chấp hành các quy định của pháp luật nhưng không nhằm vào một đối tượng cụ thể nào (cá nhân). Vi phạm có thể đã diễn ra trong thời gian dài hoặc diễn ra trên phạm vi rộng ở nhiều cơ quan đơn vị, có tính chất phức tạp ảnh hưởng đến dư luận hoặc uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà trước đó chưa được phê duyệt trong chương trình kế hoạch thanh tra.

Ba là, Xác minh kết luận nội dung tố cáo

Xác minh kết luận nội dung tố cáo là trường hợp thanh tra đột xuất được tiến hành trên cơ sở đơn tố cáo về đối tượng cụ thể, về những sai phạm, vi phạm pháp luật của một đối tượng cụ thể để ra quyết định thanh tra.

Trong những năm qua, thanh tra đột xuất đã phát huy tác dụng rất có hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra phát hiện một số trường hợp sai phạm, vi phạm pháp luật, thực hiện tốt yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo đồng thời cũng thực hiện tốt nhiệm vụ phát hiện phòng, chống tham nhũng. Qua thanh tra đột xuất đã phát hiện nhiều sai phạm của cá nhân, tổ chức kiến nghị xử lý nhiều trường hợp sai phạm, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra để điều tra nhiều trường hợp sai phạm có dấu hiệu phạm tội hình sự. Phát hiện, kiến nghị sửa đổi một số  vấn đề còn bất cập trong các quy định của pháp luật. Thanh tra đột xuất được tiến hành theo yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chấp hành các quy định của pháp luật, của ngành vẫn còn những sai phạm, vi phạm pháp luật nổi cộm được báo chí, dư luận phản ánh nhưng không có đơn khiếu nại, tố cáo, hoặc đơn khiếu nại, tố cáo chỉ dừng lại dưới dạng mạo danh, khuyết danh không đủ điều kiện để giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Do đó, việc áp dụng hình thức thanh tra đột xuất được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước giao là hết sức cần thiết để phát hiện các sai phạm của đối tượng thanh tra, những sơ hở thiếu sót về cơ chế, chính sách, những quy định của pháp luật từ đó kiến nghị sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Chính vì vậy, để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật thì thanh tra đột xuất do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị giao là một biện pháp tối ưu và đạt hiệu quả cao nhất, cần tăng cường áp dụng thanh tra đột xuất bằng hình thức này. 

Thiếu tá, Thạc sĩ Đỗ Anh Tuấn 

Thanh tra viên chính, Thanh tra Bộ Công an  

Top