Xây dựng Nông thôn mới ở Thanh Hóa - Góc nhìn từ Di sản Văn hóa
Thanh Hoá có truyền thống làng xã yêu nước bao đời nay. Biết bao anh hùng chiến sĩ cùng nhân dân ta đứng lên đấu tranh kiên cường liên tục đập tan chế độ cai trị của triều đình phương Bắc, lập nên chiến công hiển hách để giang sơn bờ cõi nước Đại Việt quy về một mối. Những năm chống Pháp, Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thanh Hoá cùng với nhân dân cả nước anh dũng chiến đấu viết nên bản anh hùng ca chói lọi, góp phần quan trọng cho công cuộc giải phóng và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời với những thành tựu về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, con người Thanh Hoá đã tạo dựng nên một hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được khẳng định theo thời gian. Những di sản hiện còn ở trong dân hay nằm dưới lòng đất đều có liên quan đến việc xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, kiến trúc sản xuất và phúc lợi văn hoá. Thanh Hoá có hệ thống di tích dày đặc đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh và có những di tích chưa đủ điều kiện hoặc chưa làm kịp hồ sơ xếp hạng còn nằm rải rác ở các làng quê, vì vậy khi tiến hành quy hoạch làm đường liên thôn, liên xã gặp nhiều khó khăn. Có nhiều nơi làm được đường thuận lợi theo quy hoạch thì ảnh hưởng đến di tích như đền, chùa, và các phế tích chưa được khai quật nghiên cứu khoa học, có những địa phương còn lưu giữ những hồ làng, giếng nước, cây cổ thụ vài trăm năm tuổi không thể phá được để làm đường giao thông làng, xã,…
Từ những khó khăn đó mà nhiều địa phương như Vĩnh Lộc, thành phố Thanh Hoá, Hậu Lộc, Bỉm Sơn, Tĩnh Gia,… phải vận dụng nhiều phương án vừa giữ được di tích để phát huy tác dụng giáo dục truyền thống vừa phải đảm bảo được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Với tinh thần cách mạng vô tư trong sáng, nhiều gia đình đã hy sinh nhà ở, ruộng vườn, cây cối hàng chục triệu đồng để đóng góp làm đường liên thôn, tránh phải phá bỏ những di tích lâu đời mà ông cha bản xứ tạo dựng.
Di tích lịch sử thành nhà Hồ của Thanh Hóa
Là một tỉnh gần 4 triệu dân với diện tích 11 ngàn km vuông, có 4 vùng kinh tế rõ rệt, miền núi, trung du, đồng bằng và miền biển cùng 7 dân tộc anh em sinh sống, đây là thế mạnh cho Thanh Hoá xây dựng nông thôn mới, song cũng là thách thức, khó khăn cho lãnh đạo địa phương trong quá trình chỉ đạo thực hiện tốt các tiêu chí của việc xây dựng nông thôn mới đặt ra. Mặt khác, Thanh Hoá có nhiều bản làng ở vùng núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa và quan hệ tập quán của các dân tộc mỗi nơi mỗi khác; phương tiện đi lại còn thiếu và yếu; trình độ dân trí không đồng đều; Tư tưởng ỉ lại, hẹp hòi tư lợi ở một số nơi tuy không nhiều nhưng vẫn là trở ngại, khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Tuy gặp những khó khăn về nhận thức, về phương pháp “thay cũ đổi mới” ở một bộ phận người dân và cán bộ, song qua nhiều cuộc họp luận bàn cách tháo gỡ, đại đa số quần chúng nhân dân thực hiện phong trào này rất tốt. Tư tưởng phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng đảm bảo, xoá nghèo bền vững, ý thức cộng đồng trách nhiệm tình làng nghĩa xóm đã trở thành ý thức hệ bền vững từ bao đời nay đã trở thành di sản văn hoá phi vật thể vốn có của người dân, là động lực thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hoá thành công. Phát huy kết quả thực tiễn từ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư đã tạo ra những tiền đề vừa kế thừa vừa phát huy tác dụng chuyển tiếp kết nối cho phong trào xây dựng nông thôn mới đang diễn ra ở Thanh Hoá. Người nông dân Thanh Hoá ở các vùng cao Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thuỷ, Lang Chánh, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Nga Sơn, Quảng Xương,… đã có nhiều điển hình tốt vì tập thể, vì phúc lợi xã hội nhất là hiến đất, hiến nhà, tiền của, công sức để làm đường giao thông làng xã. Trong việc dân chủ giải quyết những quan điểm khác nhau như bảo tồn và phát huy tác dụng của những di sản văn hóa đã được công nhận hoặc chưa cấp bằng công nhận của nhà nước với việc quy hoạch xây dựng đường làng, cơ sở sản xuất, khu phục vụ văn hoá công cộng thường xuyên được đặt ra ở nhiều địa phương. Vấn đề có nên phá bỏ cây cổ thụ trên trăm năm tuổi, giếng cổ, cổng làng, nền móng đền, đình làng, chùa chiền, miếu mạo có hàng trăm năm theo luật di sản hay không để xây dựng công trình mới ở nông thôn, đó là những vấn đề đặt ra ở nhiều nơi có truyền thống văn hoá cổ như Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Bỉm Sơn, thành phố Thanh Hoá. Sau nhiều ý kiến tranh luận khác nhau giữa bảo tồn và phát triển, giữa xoá bỏ và làm mới, cuối cùng nhân dân nơi đó đã thống nhất phải cần bảo tồn để giáo dục truyền thống nhưng đồng thời vẫn phải làm công trình mới theo quy hoạch một cách hợp lý. Như vậy, có thể nói rằng, qua việc xây dựng nông thôn mới mà nhận thức của công chúng chuyển biến một cách rất đáng kể, tạo nên cách nhìn mới đồng cảm giữa dân và cán bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Từ nhận thức trong tư duy đổi mới, cách nhìn đúng đắn mối quan hệ giữa di sản truyền thống với sự phát triển kinh tế của người dân mà trong quá trình thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới tuy có những lúc những nơi còn có những ý kiến khác nhau song qua thực tiễn cũng được đồng thuận để quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ mà cấp uỷ và chính quyền đề ra. Nhiều nơi nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào công giáo đã đóng góp nhiều ý kiến sát đáng cho cấp trên điều chỉnh những vấn đề còn vướng mắc, nhất là cơ chế chính sách, biện pháp, cách làm về việc đưa phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển hài hoà giữa hưởng thụ văn hoá với hưởng thụ vật chất ở nông thôn. Từ cách làm xây dựng nông thôn mới gắn với việc phát triển du lịch cộng đồng, thông qua bảo tồn và phát huy tác dụng di sản trong du lịch xứ Thanh là một vấn đề rất lớn được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo.
"Bánh gai Tứ Trụ" hay còn gọi "bánh gai làng Mía"
Nông thôn làng quê Việt Nam với những kiến trúc cổ đền đình, chùa chiền, cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình đã trở thành di sản văn hoá vật thể trong đời sống xã hội dân cư Việt. Cùng với kiến trúc đó, biết bao làng nghề đã vang bóng một thời như: bánh gai tứ trụ Thọ Xuân, thổ cẩm Quan Hoá Bá Thước, nghề sơn mài, gốm thành phố Thanh Hoá, nghề đúc đồng Đông Sơn, nghề làm mắm Tĩnh Gia, Quảng Nhan Quảng Xương, chè lam Phủ Quảng Vĩnh Lộc, mây tre đan Quảng Phong, nghề dệt chiếu Nga Sơn,… song hành với truyền thống làng nghề, còn sống động biết bao làn điệu dân ca, dân vũ như Khặp Xường, Khua Luống của đồng bào dân tộc miền núi, hò sông Mã, dân ca Đông Sơn, trò xuân phả Thọ Xuân... là những giá trị tinh thần ở xứ Thanh. Tất cả đó là những di sản truyền thống, tuy có nơi chưa được quan tâm đúng mức bị mai một, song đó là những minh chứng cho những di sản cần được bảo tồn, lưu giữ. Với tinh thần dân chủ đối thoại giải quyết những vướng mắc ở cơ sở giữa cán bộ địa phương với nhân dân, để khắc phục tư tưởng xây dựng cơ sở hạ thầng mới, đổi điền dồn thửa mà xoá đi những di sản vốn có của quê hương do ông cha đã bao đời tạo dựng là điều không thể chấp nhận được và thực tế ở Thanh Hóa đã được giải quyết khá tốt. Đây là thắng lợi rất căn bản cho việc xây dựng nông thôn mới với sự bảo tồn vốn có của văn hoá cổ tại làng quê xứ Thanh. Những quy hoạch được vẽ đi vẽ lại chỉ vì một lợi ích lớn là “bảo tồn văn hoá và phát triển”, làm được như vậy là góp phần vào văn hoá du lịch cộng đồng ở nông thôn. Qua đây người dân Thanh Hoá vững tin hơn để phát triển sản xuất, phát triển phúc lợi xã hội trong đó có văn hoá du lịch. Nếu giữ lại một cây đa, cây gạo cổ thụ, một cổng làng, một giếng nước, một ngôi đình, một ngôi nhà cổ, một làng nghề, một làn điệu dân ca, một lễ hội truyền thống ở địa phương mình sẽ tạo ra tiềm năng du lịch hấp dẫn.
Thanh Hoá có nhiều lễ hội gắn với kiến trúc cổ như Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội đền Sòng, Lễ hội đền Mai An Tiêm, Lễ hội làng Chài, Lễ hội thành Tây Giai, Lễ hội Phủ Na, Lễ hội đền Bà Triệu,… sẽ tạo ra một hệ thống di sản vật thể và phi vật thể trải dài đến làng bản nông thôn rộng lớn ở Thanh Hoá, một nguồn thu từ du lịch nông thôn phong phú. Điều đáng mừng là ngay từ đầu, Thanh Hoá đã từng bước tạo dựng được phương án của mối quan hệ hữu cơ giữa lợi ích vật chất với bảo tồn di sản với việc xây dựng nông thôn mới để tạo ra cách làm cho du lịch xứ Thanh phát triển đúng hướng có hiệu quả.
Lễ hội Lam Kinh
Đổi mới để phát triển, bảo tồn di sản để phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc là phương châm tiên quyết trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới đã tạo ra khí thế mới xây dựng quê hương Thanh Hoá giàu đẹp, bền vững.
Họa sĩ Hoàng Hoa Mai