Tài liệu lưu trữ phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ - Giá trị cần được đề nghệ công nhận Di sản tư liệu Thế giới
Tài liệu lưu trữ Phông phủ Thống đốc Nam kỳ là một bộ phận của Phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam, chủ yếu được viết bằng chữ Pháp, một số lượng nhỏ tài liệu được viết bằng chữ Việt, Hán, Miên, Lào, Nhật, Anh, Ý, Hà Lan,... Số lượng tài liệu của Phông khoảng 73.000 hồ sơ, tương đương 2.435,5 mét giá tài liệu và được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (TP. Hồ Chí Minh). Phông Phủ Thống đốc Nam kỳ nằm trong khối phông tài liệu được hình thành từ những năm đầu người Pháp đặt chân đến Nam Kỳ (1859) kéo dài đến năm 1945. Khối phông này bao gồm gần 26 phông, với hơn 4.000 mét giá tài liệu như: Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ, Phông Hội đồng Tư mật Nam Kỳ, Sở Thương Chánh, Tòa Đốc lý Sài Gòn, Tòa Đốc lý Chợ Lớn,… và các phông thuộc Văn phòng tỉnh như: Văn phòng tỉnh Bà Rịa, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Hà Tiên, Mỹ Tho,… Trong số các phông này, Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ là phông tài liệu có khối lượng hồ sơ, tài liệu lớn nhất và được độc giả nghiên cứu nhiều nhất.
Nội dung Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ rất phong phú. Tài liệu của Phông chứa đựng thông tin có độ tin cậy cao, phản ánh tương đối đầy đủ và toàn diện các lĩnh vực chính trị, quân sự, an ninh, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội và hoạt động của các đảng phái, đoàn thể, hiệp hội, tôn giáo ở Nam Kỳ trong thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng gần một thế kỷ ở Đông Dương (1958-1945).
Bản đồ Sài Gòn 1876 thuộc tài liệu phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ
Theo số liệu thống kê độc giả nghiên cứu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, từ năm 1976 đến năm 2013, có 789 đề tài nghiên cứu sử dụng tài liệu của Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ trên các lĩnh vực: Tổ chức nhà nước, chính trị, quân sự, tư pháp, ngoại giao, kinh tế - thương mại, biên giới - hải đảo, địa lý, văn hóa - giáo dục, văn bản, lưu trữ,... Trong số này, có nhiều luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, đề tài nghiên cứu khoa học lịch sử được bảo vệ thành công tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam và nhiều bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học.
Giá trị của Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ còn thể hiện ở tính toàn vẹn và duy nhất đầy đủ về quá trình hoạt động của Phủ Thống đốc Nam Kỳ (1859-1945). Theo Hiệp ước Pháp - Việt ngày 15 -6-1950 giữa Quốc trưởng Bảo Đại và Leson Pignon - Cao ủy Pháp ở Đông Dương, đại diện cho Chính phủ Pháp về phân định tài liệu trữ thì một khối lượng lớn tài liệu của các phông tài liệu quan trọng như Phông Phủ Toàn quyền Đông Dương, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, Tòa Khâm sứ Trung Kỳ... đã được chuyển về Pháp và bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại ở Aix-en-Provence. Do vậy, người nghiên cứu phải cần tìm đến các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia ở Việt Nam và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại của Pháp ở Aix-en-Provence. Chỉ riêng Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ đang được bảo quản trọn vẹn với khối lượng lớn và tương đối đầy đủ ở một cơ quan lưu trữ của Việt Nam. Để nghiên cứu, đánh giá đầy đủ hơn, khách quan hơn lịch sử Việt Nam trong suốt gần một thế kỷ thời kỳ thực dân Pháp cai trị ở Việt Nam (1858-1945), các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước không thể không nghiên cứu Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ, khối tài liệu này được bảo quản duy nhất ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tại Việt Nam.
Mộc bản và bản dập cuốn Hoàng Việt luật lệ
Để có cơ sở xem xét, đánh giá trị và tiềm năng di sản Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Tài liệu Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ - tiềm năng di sản tư liệu” vào ngày 11-8-2014. Báo cáo tham luận và những trao đổi, thảo luận tại Hội thảo của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ lưu trữ đã và đang công tác tại các viện nghiên cứu, cơ quan lưu trữ và cơ sở đào tạo đã giới thiệu, đánh giá và khẳng định giá trị của khối tài liệu Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ dưới nhiều phương diện khác nhau về nội dung, hình thức, tính toàn vẹn, hiếm có cũng như ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới.
Tiếp tục các tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn, Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm, 82 Văn bia Tiến sĩ tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Châu bản Triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới và những cơ sở khoa học đã được đánh giá, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam có thể hoàn thiện hồ sơ đề cử UNESCO công nhận tài liệu lưu trữ Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ vào Danh mục Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới trong thời gian tiếp theo.
ThS. Đỗ Văn Học - CN. Vũ Văn Tâm