Văn bia Vạn Tường, phải chăng có tư liệu mới?

Đầu năm 2021, Hội đồng họ Lê Việt Nam có tặng cho Hội đồng họ Lê tỉnh Quảng Ngãi một bia đá, trên đó khắc văn bia “Lê Thánh Tông Thuần Hoàng đế bi” . Bia đá sau đó được dựng trang trọng ở trung tâm một thửa đất có diện tích chừng 10.000m2, tại thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (sau đây gọi tắt là Bia Vạn Tường).

Bia “Lê Thánh Tông Thuần Hoàng đế bi” dựng ở Vạn Tường.

Dòng lạc khoản trên bia cho biết, người soạn văn bia là ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam, người thẩm định là PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Sử học Việt Nam (vào thời điểm năm 2021). Có lẽ, để khẳng định tính chính xác của nội dung văn bia nên người ta cho khắc trên đá cả con dấu của Viện Sử học.

Bia Vạn Tường có kích thước tương đối lớn, đặt ở vị trí trang trọng của “Khu di tích lịch sử”, đã nhiều lần giới thiệu trên các phương tiện truyền thông, là nơi thường tổ chức những cuộc tế lễ, dâng hương thu hút nhiều người ở Quảng Ngãi cũng như trong cả nước đến chiêm bái. Vì vậy, mặc nhiên những thông tin trên bia được xem như chính thống, thậm chí có người còn trích dẫn thành văn liệu quan trọng trong các văn bản của tổ chức và cá nhân.

Ngưỡng mộ công lao của Đức vua Lê Thánh Tông đối với đất nước, trong đó có quê hương Quảng Ngãi, tôn trọng tri thức của người biên soạn và người thẩm định văn bia, chúng tôi mạn phép trao đổi mấy ý kiến như sau:

Văn khắc trên Bia Vạn Tường có tựa là “Lê Thánh Tông Thuần Hoàng đế bi”, nhưng thật ra là bia công trạng, kể lại và ca tụng cuộc hành quân mà sử gọi là “Nam chinh” năm 1471 của Vua Lê Thánh Tông. Nội dung văn bia, chúng tôi tạm chia làm 3 phần:

  • Phần 1 (2 đoạn, 7 dòng đầu): Khái quát giản lược về tiểu sử và cơ nghiệp Vua Lê Thánh Tông.
  • Phần 2 (2 đoạn, 37 dòng tiếp theo): Trình bày cuộc hành binh năm 1471 của Vua Lê Thánh Tông với nhiều sự kiện liên quan đến Nhà vua và địa danh Vạn Tường, khẳng định Vạn Tường là nơi Vua Lê Thánh Tông từng đến, lưu lại nhiều ngày, cho quân sĩ đào giếng lấy nước, đứng ở một doi đất nhoài ra biển quan sát vùng đất của người Chiêm ở phương Nam…
  • Phần 3 (đoạn cuối, 3 dòng): Tán dương công đức Vua Lê Thánh Tông và nói lý do dựng bia.

Bài viết này chưa bàn về phần 1 và phần 3 mà chỉ trao đổi về phần 2 mang nội dung chủ yếu của văn bia.

Gian thờ Vua Lê Thánh Tông tại nhà ông Lê Quang Vinh - số 98, đường Hoàng Văn Thụ, TP Quảng Ngãi

Tường thuật diễn tiến chiến dịch của Vua Lê Thánh Tông từ đầu đến khi đánh chiếm động Cổ Luỹ, nay là vùng đất tỉnh Quảng Ngãi (từ dòng thứ 8 đến dòng thứ 16), trình bày của văn bia về đại thể không khác mấy so với bộ Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT)[1], trừ việc đồng nhất thành Đồ Bàn, thành Hoàng Đế và thành Bình Định. Cho dù cả 3 thành này đều nằm cùng một vị trí, nay thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, song mỗi thành tồn tại ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau và có chức năng khác biệt. Thành Đồ Bàn (Chà Bàn, Trà Bàn) là kinh đô của vương quốc Chăm, bị Vua Lê Thánh Tông cho quân phá huỷ và trở thành hoang phế từ năm 1471. Đến năm 1778, thủ lĩnh Tây Sơn Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung ương Hoàng Đế đóng đô ở vị trí thành Chà Bàn cũ, cho xây dựng nhiều công trình lớn về phía Đông, nên còn gọi là Thành Hoàng Đế. Tên gọi Thành Bình Định có từ khi Nguyễn Ánh từ phía Nam đem quân đánh chiếm thành Hoàng Đế của Nhà Tây Sơn, đổi tên thành là Bình Định. Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lập ra Nhà Nguyễn. Hơn 10 năm sau, Gia Long- Nguyễn Ánh cho dời thủ phủ vùng đất Quy Nhơn- Bình Định về hướng Đông Nam, cách vị trí thành Hoàng Đế khoảng 6km và cho xây thành Bình Định mới tại đây.

Nội dung tiếp theo (từ dòng 17 đến dòng 33), trình bày về sự chuẩn bị của đoàn quân Đại Việt do Vua Lê Thánh Tông dẫn đầu “Trước khi cho đại quân tiến vào đánh Chà Bàn”, khi đem văn bia so sánh với những ghi chép trong bộ ĐVSKTT thấy có nhiều khác biệt, cụ thể là:

Văn bia khẳng định: “Trước khi cho đại quân tiến đánh Chà Bàn, Vua đặt bản doanh ở một làng chài gọi là Tổng Binh, nay là làng Phước Thiện, xã Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Vùng đất này phía Tây có núi Thình Thình như muôn vàn tiếng trống thúc giục đại quân tiến vào Nam mở cõi. Phía Bắc có núi Thiên Ấn, núi Đầu Long, núi Cánh Phượng chầu dâng. Phía Đông có mũi Nam Châm, thật là một vùng địa linh vượng khí. Vua cho đóng quân ở đây hơn nửa tuần trăng.

Cách Tổng Binh gần ngàn mét về phía Nam có mũi đất nhô dài ra biển là nơi thắng cảnh, Vua thường tới đây quan sát toàn bộ vùng biển phía Nam, gọi tên là Gò Hồng. Cách Gò Hồng không xa về phía Tây Nam là động Hàng Đô, sườn núi thoai thoải và rộng, là nơi binh tướng đóng quân, luyện tập, nghỉ ngơi. Bấy giờ quân doanh đóng ven biển thiếu nước ngọt, Vua cho đào giếng nước ngọt và trong, tục gọi giếng Vương (nay thuộc làng Thanh Thuỷ, xã Bình Hải)”.

Vị trí làng chài Tổng Binh theo xác định trong văn bia có nhiều điểm cần xem lại cho rõ: Phía Tây Tổng Binh không có núi Thình Thình, mà ngọn núi có tên này nằm về Nam (hơi lệch Tây) và khá xa Tổng Binh. Núi Thiên Ấn, núi Long Đầu (không phải Đầu Long) nằm về phía Nam, tận bờ sông Trà Khúc, mà không phải là phía Bắc như văn bia. Núi Cánh Phượng, theo hiểu biết của chúng tôi, chưa thấy nhắc đến trong tài liệu hoặc vẽ trong bản đồ nào có liên quan đến vùng đất Quảng Ngãi, từ trước đến nay, kể cả trong Đại Nam nhất thống chí (do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn vào thế kỷ XIX) và Địa chí Quảng Ngãi (UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo biên soạn - Nhà xuất bản Từ điển bách khoa; 2008).

Gò Hồng nằm về phía Tây làng chài Tổng Binh, mà không phải phía Nam như văn bia. Giếng Thanh Thuỷ hay giếng Vương là một giếng Chăm (ở vị trí giáp mé biển như hầu hết các giếng Chăm khác), được người Chăm đào từ rất lâu trước khi đoàn quân của Vua Lê Thánh Tông đến vùng đất Vạn Tường và theo cách riêng, độc đáo. Kiểu giếng này đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trình bày trong nhiều công trình khoa học. Cũng như nhiều giếng Chăm ở ven biển, người Chăm đào giếng để lấy nước ngọt sử dụng, đồng thời bán cho các thương thuyền qua lại dọc ven biển miền Trung khá sôi động một thời. Chúng tôi không bàn thêm vấn đề này, vì nội dung và thông tin chi tiết đã có trong Hồ sơ di tích giếng Thanh Thuỷ, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi.  

Có phải Vua đặt bản doanh ở một làng chài gọi là Tổng Binh, nay là làng Phước Thiện, xã Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi”?. Theo kiến văn hạn hẹp của chúng tôi, khẳng định này chưa có chứng cứ, tư liệu nào làm cơ sở. Trong khi đó, ĐVSKTT nêu khá cụ thể những địa danh mà Vua Lê dừng chân trước khi tiến quân vào Chà Bàn (kinh đô vương quốc Chiêm, nay thuộc tỉnh Bình Định), đó là:

  • Thuận Hoá (nay thuộc TP Huế) để luyện tập thuỷ quân, vẽ bản đồ nước Chiêm, soạn và phổ biến Bình Chiêm sách, chuẩn bị lương thực, hậu cần.
  •  Tân Áp và Cựu Tọa (nay thuộc tỉnh Quảng Nam): “Ngày mồng 7, Vua tự mình dẫn hơn 1.000 chiếc thuyền, hơn 70 vạn tinh binh ra hai cửa biển Tân Áp và Cựu Tọa dựng cờ thiên tử, đánh trống hò reo mà tiến” ĐVSKTT, trang 699).
  • Mễ Cần (Sa Cần, Thể Cần), cảng biển nằm về phía bắc Vạn Tường, nay thuộc các xã Bình Thạnh, Bình Thuận, Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi: “Bấy giờ, Vua đến Mễ Cần, tung binh tiến đánh, chém được hơn 300 thủ cấp, bắt sống hơn 60 tên. Trà Toàn nghe tin em mình thua chạy, rất sợ hãi, sai người thân tín mang biểu tới xin hàng” (ĐVSKTT, trang 700).

Những khác biệt trên đây có thể người biên soạn văn bia và người thẩm định đã dựa vào những sử liệu khác, hoặc mới được tìm thấy. Trong trường hợp như vậy, chúng tôi (và có lẽ với nhiều nhà nghiên cứu, bà con họ Lê cũng như công chúng cả nước) rất mong có được thông tin về các nguồn tư liệu mới và quý giá này.

Diễn biến tiếp theo, ĐVSKTT chép: “Ngày 27, Vua tự mình đem đại quân đánh phá thành Thi Nại, chém được hơn 100 thủ cấp. Ngày 28, Vua tiến vây thành Chà Bàn. Ngày 29, đến sát chân thành vây thành mấy vòng. Ngày mồng 1 tháng 3 hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về.” (ĐVSKTT, trang 700). Như vậy, từ ngày 27, vua từ đất Cổ Luỹ chỉ huy đoàn quân tiến thẳng vào Thị Nại mà không thấy dừng quân ở đâu trên vùng đất nay là Quảng Ngãi.

Đoạn tiếp theo, từ dòng 34 đến dòng 37, văn bia viết: “Tương truyền trước khi xuất binh đánh quan Chiêm ở Chà Bàn, Vua tập hợp tướng sĩ tại động Hàng Đô để cổ vũ tinh thần binh tướng, Vua hộ to: “Thiên giáng vạn tường, chúc chư đô toàn thắng. Quân tướng hô theo 3 lần “Vạn Tường”. Từ đó vùng đất này mang tên Vạn Tường.”. Sự thật, câu chuyện trên đây không hề được “tương truyền”, nghĩa là được kể lại, truyền miệng trong dân gian, mà là nội dung một bài viết của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Thảng (đã mất), trên Tạp chí Cẩm Thành (Sở Văn hoá, Thông tin và Thể thao Quảng Ngãi) nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng Vạn Tường (1965- 1995).[2]

Toàn cảnh Đại hội đại biểu họ Lê tỉnh Quảng Ngãi lần thứ I (nhiệm kỳ 2011- 2016)

Là người quê ở phía Đông huyện Bình Sơn, cảm hứng chính trong bài viết của ông giáo họ Nguyễn là ca ngợi đất và người quê hương. Tuy có đề cập đến những sự kiện lịch sử diễn ra ở Vạn Tường nhưng đó là một tản văn, mang nặng suy tư và cảm xúc cá nhân hơn là một bài nghiên cứu lịch sử. Vì vậy, người viết có thể đưa ra những giả định, hư cấu để đẩy cao cường độ cảm xúc, nhấn mạnh các ý tưởng, miễn sao không làm sai lệch bản chất câu chuyện và tính cách các nhân vật.

Ở đây, ông giáo viết văn mà không làm công việc của nhà nghiên cứu lịch sử. Trước khi ông viết, không có ai nói về những địa danh ở Vạn Tường theo cách gắn với cuộc hành binh của Vua Lê Thánh Tông; sau khi ông viết cũng chưa thấy người nào nói như vậy, ngoài việc diễn đạt lại ý ông. Đó là văn chương, là độc đáo của văn phẩm. Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung là tiểu thuyết lịch sử mà không phải là công trình lịch sử; Vĩnh biệt Cửu Trùng đài của Nguyễn Huy Tưởng cũng vậy, dù cả hai đều lấy cảm hứng từ lịch sử.

“Trăm năm bia đá thì mòn”, nhưng nội dung khắc trên bia đá lại không mòn, vì được con người chép lại, lưu lại và quan trọng hơn, được dùng làm chứng cứ để soi chiếu lịch sử. Vì vậy, một khi xảy ra nhầm lẫn về sự kiện, nhân vật, diễn biến của lịch sử, dù cố tình hay cố ý, sẽ làm hậu thế hoang mang và nhiều khi làm sai lệch nhận thức về lịch sử.

Khép lại bài viết này, một lần nữa chúng tôi xin thể hiện thái độ tôn trọng người viết và người thẩm định Văn bia Vạn Tường, đồng thời chờ đợi ý kiến trao đổi từ các vị để làm sáng tỏ những vấn đề nêu trên, qua đó góp phần giúp các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn công lao to lớn của Vua Lê Thánh Tông đối với đất nước, trong đó quê hương Quảng Ngãi.

Bài và ảnh: Lê Hồng Khánh

[1] Ngô Sĩ Liên và những người khác; Đại Việt sử ký toàn thư; bản dịch Hoàng Văn Lâu (GS Hà Văn Tấn hiệu đính). NXB Văn hoá Thông tin 2003

[2] Nguyễn Đình Thảng, “Vạn Tường: Hai lần chiến thắng”, Tạp chí Cẩm Thành, số 5-1995. Trang 53- 54

Top