Di sản văn hóa truyền thống và việc xây dựng ý thức pháp luật

Trong công cuộc xây dựng nền văn hoá xã hội chủ nghĩa ngày nay thì một tiêu chí hết sức quan trọng là xây dựng con người công dân thực thụ, tôn trọng luật pháp, tôn trọng kỷ cương, phép nước triệt để. Nếu nói một cách thẳng thắn và nghiêm túc, thì con người công dân ấy, thực ra cho đến ngày nay vẫn chưa phải là con người tiêu biểu cho xã hội của chúng ta. Những biểu hiện không tôn trọng pháp luật quá phổ biến, gần như ta thấy hàng ngày và chúng ta cũng đã quen với chúng, coi chúng là bình thường. Điều này không chỉ có ở dân làng, người nông thôn mà còn ở cả dân thành thị, cả đội ngũ trí thức và quan chức. Việc vượt đèn đỏ khi không có công an đứng giám sát, chen lấn sang phần đường của người khác khi tắc đường, xúm vào lấy trộm đồ (dân gian gọi là hôi của) của ai đó không có người trông coi, từ gạch, ngói, xi măng, hàng hoá…cũng là chuyện thường xảy ra. Bên cạnh đó là việc lợi dụng chức quyền, tham nhũng, kiếm lợi cho bản thân cũng dễ nhận thấy trong đội ngũ quan chức hiện nay, dù chúng ta có cả một hệ thống pháp luật khá đồ sộ và chi tiết.

Điều gì làm cho chúng ta sau mấy chục năm xây dựng con người mới, con người XHCN vẫn đang ở tình trạng đáng buồn này? Thiết nghĩ, có lẽ cũng cần xem xét mọi nguyên nhân để có được các biện pháp cụ thể. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi mạo muội xem xét lại hành trang truyền thống của cũng ta để tìm ra những nguyên nhân sâu xa và từ đó đề ra một vài biện pháp nhằm cải thiện hiện trạng nêu trên.

1. Những nguyên nhân sâu xa của việc thiếu tôn trọng luật pháp

Không thể chối cãi được rằng, trong huyết mạch của chúng ta, dù là tri thức, thị dân tiểu tư sản, hay công nhân về thực chất vẫn mang trong mình dòng máu tiểu nông của con người làng xã, vẫn luôn bị điều chỉnh ngầm bởi các giá trị văn hoá truyền thống lâu đời. Trong các giá trị ấy, nhiều giá trị cao đẹp làm thành cốt cách, bản lĩnh của dân tộc ta. Nhưng cũng không ít các giá trị là những rào cản khó vượt đối với cuộc sống mới hiện đại nói chung và việc xây dựng nền pháp chế XHCN nói riêng. Nhìn nhận, đánh giá lại các giá trị truyền thống này là cần thiết để góp phần gạn đục, khơi trong, phát huy nhưng di sản tốt đẹp, vượt qua những hạn chế, cản trở trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới.

Con người làng xã được hình thành trong môi trường văn hoá làng, và luôn tồn tại cùng tiến trình lịch sử dân tộc. Cho dù vào thời kỳ này hay thời kỳ khác có xuất hiện những mẫu người mới tiêu biểu, nhưng song hành cùng các mẫu người này vẫn là mẫu người làng xã. Thậm chí con người làng xã luôn làm nền tảng để hình thành các mẫu ngưòi khác như con người vô ngã, con người quân tử, con người tài tử và con người cá nhân (Xem Đỗ Lai Thuý. (2005), Văn hoá Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hoá, Nxb. Văn hoá Thông tin; Tạp chí Văn hoá - Nghệ thuật, H.), con người XHCN… Từ con người làng xã, đặc trưng bởi hành trang truyền thống vốn được hình thành, củng cố trong văn hoá làng xã, để xây dựng con người mới XHCN - xây dựng con người công dân thực thụ sẽ gặp phải những khó khăn đáng kể. Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn này tựu chung lại là:

- Truyền thống khép kín, độc lập của văn hoá làng làm nảy sinh tư tưởng tự trị, tự quản theo kiểu Nước có phép nước, làng có lệ làng; Hương đảng tiểu Triều đình. Tính tự quản, tự trị này thể hiện rất rõ trong hương ước. Trong tất cả các hương ước của các làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (497 bản hương ước cổ và 3636 bản hương ước được soạn thảo sau cuộc cải lương hương chính của chính quyền thực dân Pháp năm 1921 được gọi là hương ước cải lương) đều thể hiện rõ những quyền tự điều chỉnh, tự quyết về các vấn đề về hành chính như tự quy định về nguyên tắc tổ chức và vận hành các thiết chế làng xã, tự tổ chức sản xuất như lo đắp đê, đào mương..., tự bảo vệ an ninh, tự tổ chức công việc giáo dục, khuyến học, tự tổ chức các sinh hoạt động cộng đồng như lễ hội, cúng tế nhằm thoả mãn nhu cầu tâm linh và giải trí của cộng đồng làng, tự đặt ra các hình thức xử phạt. Bên cạnh tính tự trị và tự quản này, còn có tâm lý trọng tục hơn luật thể hiện rõ trong các phương châm ứng xử  Phép vua thua lệ làng, Lệ làng hơn phép nước đã làm cho người dân gắn bó với làng, coi làng là môi trường quan trọng nhất để thể hiện bản thân, con người là của làng, vinh quang và khổ nhục của anh ta gắn với làng. Mặt khác trong lịch sử mấy ngàn năm, làng luôn là một thiết chế bền vững và tương đối độc lập, nhà nước phong kiến và sau đó là nhà nước thực dân luôn duy trì làng như một đơn vị cơ sở để cai quản và luôn chấp nhận tính độc lập tương đối đó của làng. Do đó dân làng coi lệ làng là tối thượng, coi thường phép nước.

- Hệ quả tất yếu của tính độc lập khép kín của làng sẽ là cách ứng xử trọng tình nghĩa, trọng phong tục trong xóm làng. Lối ứng xử này coi tình cao hơn lý, do đó luật pháp không được tôn trọng bằng việc giữ hoà khí trong làng.

- Vai trò khá quan trọng của dòng họ, vừa như một đơn vị cộng cảm, tôn giáo, vừa như một đơn vị pháp lý trong quan hệ làng - nước. Luật pháp của chính quyền phong kiến trong một thời gian dài đã coi dòng họ có trách nhiệm chung đối với hành vi ứng xử của mỗi thành viên. Một người làm quan cả họ được nhờ, song một người có tội thì cả họ phải gánh. Việc chu di ba đời, chín đời đã từng xảy ra trong lịch sử, do đó, con người trong dòng họ chưa khi nào là một cá nhân độc lập mà chỉ là một cá thể trong cộng đồng lớn hơn là dòng họ và làng.

- Tư tưởng trọng lão, khiến người dân đề cao chủ nghĩa kinh nghiệm theo phương châm Hơn một ngày, hay một chước; Ông bảy mươi học  ông bảy mốt và dẫn đến hệ quả tất yếu của nó là tư tưởng lão quyền, tức luôn tín nhiệm và trao quyền lực cho người có tuổi Triều đình trọng tước, hương đảng trọng xỉ. Với dấu vết của chế độ lão quyền còn khá đậm nét này, người dân làng Việt tôn trọng, tuân theo người già, những phán xét của họ vẫn có giá trị cao trong đời sống cộng đồng. Do đó dân làng nhiều khi không cần nhờ luật pháp can thiệp mà chỉ cần nhờ người già hoà giải, giải quyết mâu thuẫn một cách êm thấm, có tình là chính.

Tất cả những nguyên nhân trên đây đã làm cho con người làng xã không thể đóng vai trò là một cá nhân bình đẳng trước pháp luật, tự chịu trách nhiệm về hành vi ứng xử của bản thân mình. Đó chính là một di sản nặng nề trong hành trình xây dựng con người công dân tôn trọng kỷ cương phép nước.

2. Một số giải pháp nhằm nâng cao ý thức pháp luật của người dân.

Giải pháp quan trọng để hình thành ý thức pháp luật cho ngưòi dân, hay nói cách khác giải pháp quan trọng để xây dựng nền pháp chế XHCN nghiêm minh và đầy đủ là:

+ Một mặt, tuyên truyền giải thích rõ những hạn chế trong cách ứng xử truyền thống mà ta đã phân tích ở phần 1 trên đây, tuyên truyền giáo dục những giá trị mới;

+ Mặt khác phải kết hợp với những biện pháp xây dựng lực lượng lao động thích nghi với thời đại ngày nay để có thể tạo ra được những con người công dân thực thụ, biết rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, dám đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của bản thân, đồng thời dám chịu trách nhiệm trước những hành vi của của mình trước pháp luật. Nghĩa là chỉ có cách kết hợp với việc xây dựng con người mới, xoá bỏ con người tiểu kỉ bé nhỏ, ỷ nại, dựa dẫm và tránh né theo cách gọi của Giáo sư Trần Đình Hượu (Đến với hiện đại từ truyền thống; tr.242), vốn là con người đặc trưng cho làng Việt cổ truyền thì mới có thể xây dựng được ý thức tôn trọng pháp luật một cách bền vững và thực tế. Những biện pháp cụ thể là:

- Mở rộng quá trình dân chủ hoá ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào bộ máy chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của các bộ máy đó.

- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật xuống cơ sở. Nâng cao chất lượng, đa dạng hoá hình thức giáo dục pháp luật phù hợp với người dân ở nông thôn và thành thị. Những năm gần đây các hình thức này chủ yếu chỉ là:

a. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Việc đưa các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ cho đời sống của nhân dân là một trong những tiêu chí của làng văn hoá, khu phố văn hoá. Các phương tiện thông tin đại chúng như đài, tivi.. một mặt nâng cao khả năng hưởng thụ các sản phẩm văn hoá tinh thần cho cư dân, mặt khác là phương tiện hữu hiệu để tuyên truyền đường lối, chính sách, nâng cao tri thức cho nhân dân. Do đó chúng là những phương tiện quan trọng trong việc hình thành ý thức pháp luật;

b. Qua các khoá học, lớp học chính trị: Thông thường các lớp, khoá học chính trị ngắn hạn được tổ chức ở cơ sở cũng là biện pháp tốt  để tuyên truyền và giáo dục ý thức pháp luật. Những lớp học, khoá học này thường có mục đích triển khai xuống tận cơ sở, tận làng xã, phố phường những văn bản pháp luật, pháp quy như: Nghị quyết, thông tư, nghị định, luật.., giúp dân hiểu rõ và hiểu đúng tinh thần của các tài văn bản đó;

c. Qua các cuộc thảo luận, đóng góp cho dự thảo pháp luật: Đây là một biện pháp mà theo chúng tôi nếu thực hiện nghiêm túc sẽ là một biện pháp có hiệu quả cao trong việc giáo dục ý thức pháp luật. Bởi vì một mặt nó thể hiện rõ việc mở rộng và thực thi dân chủ ở cơ sở, mặt khác nó nâng cao tính chủ động tiếp thu, chủ động tham gia vào việc xây dựng pháp luật của người dân, giúp người dân tin vào luật pháp, tin vào khả năng bảo đảm của luật pháp đối với  quyền lợi của họ;

d. Qua đào tạo cán bộ cơ sở ngành luật: Đây là một biện pháp không phải đáp ứng nhiệm vụ nâng cao ý thức pháp luật cho dân chúng ở diện rộng mà ở chiều sâu. Phải có những cán bộ am hiểu về luật pháp làm việc ở cơ sở để có thể tư vấn cho người dân những khúc mắc trong những việc liên quan đến luật pháp, giúp họ hiểu rõ hơn, tuân thủ tốt hơn luật pháp của nhà nước;

e. Qua chương trình giáo dục công dân đối với trường phổ thông: Thông qua chương trình giáo dục công dân giúp trẻ làm quen với luật pháp, tạo cho trẻ ý thức tôn trọng pháp luật và các hiểu biết xã hội khác liên quan đến việc tuân thủ pháp luật. Biện pháp này nếu thực hiện được tốt sẽ có hiệu quả cao trong việc hình thành ý thức pháp luật, một trong những yêu cầu về xây dựng con người mới.

 Song trên thực tế nhiều hình thức giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật chưa phát huy được hết chức năng của chúng, còn được làm qua quýt, thiếu hiệu quả thiết thực. Do đó ngoài việc nâng cao chất lượng các biện pháp nêu trên còn phải chuyển tải nội dung giáo dục ý thức pháp luật vào nhiều hình thức khác, lồng ghép vào các chương trình sinh hoạt cộng đồng, các chương trình vui chơi giải trí, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ - một hình thức sinh hoạt công cộng mới xuất hiện ở làng quê hiện đại và đang phát huy rất hiệu quả các chức năng tuyên truyền, giáo dục của chúng như câu lạc bộ khuyến nông, câu lạc bộ gia đình, câu lạc bộ phụ nữ, câu lạc bộ hưu trí, và các buổi sinh hoạt của các tổ chức xã hội tại làng quê như hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, đoàn thanh niên, hội phụ nữ...

+ Nghiêm khắc trừng trị những cán bộ, quan chức nhà nước vi phạm pháp luật để đảm bảo cho bộ máy nhà nước trong sạch, củng cố lòng tin của nhân dân.

Tóm lại, đến từ truyền thống trong việc xây dựng tiêu chí tôn trọng pháp luật, xây dựng con người công dân, chủ nhân của nền văn hoá XHCN, thì hành trang của chúng ta hơi quá nghèo nàn. Nền tảng quan trọng của ý thức tôn trọng pháp luật chính là tinh thần dân chủ. Song nền dân chủ làng xã của chúng ta lại để lại nhiều di chứng nặng nề, chủ yếu làm cản trở việc hình thành con người - công dân, chủ thể của các ý thức pháp luật. Do đó, nhận thức được rõ những khó khăn này là điều cần thiết khi xây dựng làng văn hoá, khu phố văn hoá. Để hạn chế và vượt qua được những khó khăn, cản trở nêu trên cần phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau, trong đó cơ bản vẫn là để khắc phục con người nông dân cá thể, tiểu kỉ, tư hữu, ràng buộc để hình thành con người cá nhân-công dân tự do đích thực.

ThS Nguyễn Thị Kim Loan

Top