Đô thị tên Tây - Một vấn nạn
Đây không chỉ với Thủ đô Hà Nội, mà của nhiều thành phố lớn của nước ta. Đây cũng không chỉ câu chuyện đô thị, mà dường như ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam trong thời gian gần đây – thời gian của hội nhập, mở cửa và đã được nhiều người trong cuộc giải thích như là một sự tiện lợi trong quan hệ và giao dịch quốc tế. Tôi cho đó là một sự ngụy biện cho tâm lý sính Tây đang tràn lan của người Việt Nam ta – đặc biệt là thế hệ trẻ, khi mà một nhóm nhạc với dăm ba nhạc công và ca sĩ, khi một công ty “nhỏ hơn cả con thỏ”, ở một tỉnh lẻ, khi mà một đô thị khuất nẻo ở một địa phương xa xôi vùng sơn cước, có bao nhiêu sự giao dịch vượt biên giới để phải dùng những tên Tây? Những Vinalines, Vinashin… hoành tráng là thế, thuận lợi là thế, “tiện giao dịch” là thế, vẫn xuống dốc không phanh để phá sản, nợ nần, trong khi có biết bao những công ty, mang tên Việt thuần khiết, vẫn thành công trên con đường kinh doanh của mình, làm lợi cho cộng đồng và nhà nước nhiều chục tỷ đồng hàng năm, đem đến một sự đổi thay cho đất nước trong công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta.
Xin trở lại với đô thị tên Tây của Hà Nội. Đó là những đô thị, theo tôi được biết, không chính thống chút nào. Một đồng chí lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói với tôi rằng, chưa một buổi họp nào của Hội đồng đặt và đổi tên đường phố Hà Nội, từ xưa tới nay, câu chuyện ấy được đưa lên bàn thảo luận, chứ chưa nói gì đến việc làm hồ sơ xem xét. Như thế, quy trình 8 bước khá ngặt nghèo do Hội đồng Nhân dân Thành phố đề ra và bấy lâu nay được nghiêm túc thực hiện với Hà Nội, bỗng bị bỏ qua, để rồi, đô thị tên Tây hiện diện như một thực thể, được xã hội thừa nhận, do lâu dần thành quen chứ chưa hề có trong những văn bản chính thống của thành phố. Đó là nhận xét còn hết sức chủ quan, chưa được tìm hiểu ngọn ngành, theo đó là sự thực hư cần phải được làm sáng tỏ trong một ngày gần đây, để ít ra, chấn chỉnh hoặc điều chỉnh cho đúng với quy định hiện hành và trên hết thảy là phù hợp với thuần phong mỹ tục truyền thống của người Việt Nam ta.
Khu đô thị Royal City
Tôi nghĩ rằng, những đô thị mang tên địa danh cổ - ngay tại nơi đô thị ấy mọc lên, thì thuận lợi và lý thú biết chừng nào. Khu đô thị An Khánh, khu đô thị Mỹ Đình và đặc biệt, đô thị Phú Mỹ Hưng - chẳng Tây gì cả mà nó vẫn có thương hiệu, vẫn phát triển, vẫn cao sang và nhận được sự quan tâm của khách hàng trong và ngoài nước.
Những đô thị mang tên địa danh và trong đó là những đường, phố được quy hoạch theo ô bàn cờ, như nó vốn có, nên được số hóa, thiết nghĩ là vô cùng hiện đại, tiện ích cho cộng đồng và giao dịch – yêu cầu tối cần thiết đối với công việc đặt tên đường phố của đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng.
Hà Nội hôm nay và trong tương lai sẽ mọc lên như nấm những đô thị kiểu ấy. Việc đặt tên đô thị, tên phố, tên đường trong những đô thị, nếu không sớm có định hướng, sẽ rơi vào tình trạng bị động và trên hết là vấn nạn của những lố lăng, hỗn loạn, khi mà Hà Nội đã và đang được mở rộng, khi mà Hà Nội đang phấn đấu trở thành một đô thị dân tộc và hiện đại, khi mà Hà Nội đang nỗ lực gìn giữ những di sản văn hóa truyền thống của Tràng An xưa cũ.
Khu đô thị Times City
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc sinh thời, Người luôn căn dặn chúng ta phải gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Và, chính Người đã là tấm gương cho sự gìn giữ ấy, thông qua các bài viết, thông qua những câu chữ được sửa chữa rất thận trọng, thông qua những góp ý rất chí tình với trí thức Việt Nam mà tôi đã được đọc, được nghe, cũng như được xem qua những lưu bút của Người còn để lại tại bảo tàng. Lời căn dặn và việc làm ấy cho đến nay càng có ý nghĩa, khi có sa số sự lai căng trong văn liệu của người Việt Nam hôm nay – mà câu chuyện tên Tây của đô thị Hà Nội là một trong số đó, cần được nghiêm túc chấn chỉnh.
Hồng Hạnh