Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

(TGDS). Ngày 20/11 tại Toà nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn đã có buổi gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11. Cùng dự buổi gặp mặt có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và đại diện các cơ quan của Quốc hội.

Về phía Hội Di sản Văn hóa Việt Nam có PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội; các Phó Chủ tịch Hội cùng 100 đại biểu là các Ủy viên Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành và hội viên.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ niềm vui khi gặp mặt các đại biểu và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

Báo cáo kết quả hoạt động của Hội Di sản văn hóa Việt Nam trong thời gian qua, PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh, sự kiện hôm nay là niềm vinh dự to lớn đối với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa của cả nước; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nước nhà, là nguồn động viên to lớn đối với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, là động lực để toàn thể hội viên và các tổ chức, đơn vị thuộc Hội trong cả nước tiếp tục khắc phục khó khăn, không ngừng phấn đấu, góp phần tích cực hơn nữa vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, từ Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về bảo tồn di sản văn hóa và xuyên suốt trong các giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp chung của toàn xã hội, của nhà nước, của tất cả các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân trong xã hội. 

“Thực tế đã chứng minh rằng, sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước ta chỉ có được thành công khi có sự kết hợp chặt chẽ giữa vai trò quản lý của Nhà nước và sự tham gia của toàn xã hội” – PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam được thành lập ngày 23-4-2004 theo Quyết định số 28/2004/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ. Từ chỗ chưa đầy 300 hội viên và một vài tổ chức ở buổi đầu thành lập, qua 4 nhiệm kỳ, đến nay, Hội Di sản Văn  hoá Việt Nam đã có gần 20.000 hội viên, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà khoa học về di sản văn hóa, các doanh nhân, nghệ nhân sinh hoạt trong gần 200 tổ chức từ Trung ương đến địa phương, phong phú và đa dạng về các loại hình: hội cấp tỉnh, liên chi hội, chi hội, câu lạc bộ, hội viên tập thể, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, Cơ quan ngôn luận của Hội - Tạp chí Thế giới Di sản in, điện tử và tiếng Anh. Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đã xây dựng được sự đoàn kết thống nhất, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tổ chức và phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan tổ chức nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm về di sản văn hoá, tham gia phản biện, góp ý, nhiều vấn đề, nhiều văn bản về di sản văn hoá. Nhiều hội viên Hội Di sản Văn hoá Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, các hội đồng chuyên ngành về bảo tồn di tích, giám định cổ vật, di sản văn hoá phi vật thể của Bộ VHTTDL... Trong hệ thống của Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, nhiều hội viên được vinh dự phong tặng Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú.

Chủ tịch Hội cũng khẳng định, những kết quả hoạt động trên mới chỉ là bước đầu. Trong thời gian tới, Hội cần tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo để làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình về mọi mặt, chuẩn bị đội ngũ cán bộ trẻ đảm bảo sự  phát triển liên tục, trước mắt là tích cực tham gia đóng góp chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hoá, củng cố tổ chức Hội.

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ báo cáo kết quả hoạt động của Hội Di sản văn hóa Việt Nam trong thời gian qua

Thay mặt lãnh đạo Hội, Chủ tịch Đỗ Văn Trụ cũng nêu 5 vấn đề đề nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cá nhân Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, đó là: Sớm cho phép sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới của đất nước và hội nhập quốc tế; Có cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, đồng bộ để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, làm cho di sản văn hóa thực sự trở thành nguồn lực quan trọng của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế; Có cơ chế, chính sách nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức và cá nhân trong xã hội vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, động viên khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các bảo tàng ngoài công lập, các nhà sưu tập tư nhân vào sự nghiệp quan trọng này; quan tâm, khích lệ các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về di sản văn hóa để họ làm tốt hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội; Có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích các nghệ nhân trong việc gìn giữ, truyền dạy, phát huy giá trị di sản văn hóa; Có các hình thức động viên những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa.

TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt

TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nêu một số kiến nghị về việc tham gia chỉnh sửa Luật Di sản văn hoá. Theo đó, Luật Di sản văn hoá cùng với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật được thực thi trong hơn 20 năm qua đã đi vào cuộc sống với nhiều thành tựu. Trong quá trình đó, các thành viên của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam có những người là chủ thể di sản được Luật bảo vệ, có những người tham gia nghiên cứu xây dựng Luật và rất nhiều người thực thi luật ở trên các lĩnh vực khác nhau. Trong hai năm gần đây, Hội DSVH Việt Nam và một số thành viên của Hội tham gia vào việc đánh giá hiệu quả của Luật và quá trình xây dưng dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), từ đó hy vọng bộ Luật sắp tới sẽ đem đến cho di sản văn hoá của đất nước những cơ hội mới, được nhận diện đầy đủ hơn, được bảo vệ tốt hơn và phát huy tốt hơn với sự tham gia của cộng đồng…

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Ủy viên BCH Hội DSVH Việt Nam phát biểu tại cuộc gặp mặt

Cũng liên quan đến vấn đề xây dựng dự thảo Luật Di sản văn hóa, từ góc độ khảo cổ học, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Ủy viên BCH Hội DSVH Việt Nam, kiến nghị: Dự thảo Luật sửa đổi này có đề cập đến khảo cổ học dưới nước. Đó là một công việc vô cùng đặc thù đối với nguồn tài nguyên đặc thù của di sản văn hóa Việt Nam đòi hỏi phải có chỉ đạo đột phá từ các cấp có thẩm quyền cao nhất thì mới có thể làm được. Công tác này vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa chính trị to lớn đối với chủ quyền biển đảo Việt Nam…

Kỷ lục gia thế giới Đào Xuân Tình, chủ nhân Bộ sưu tập xe đạp Peugeot cổ Pháp, Hội viên Hội Di sản Văn hoá Việt Nam phát biểu tại cuộc gặp mặt

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ nhiệm Câu lạc bộ DSVH Quê hương xứ Mường, Hoà Bình phát biểu tại buổi gặp mặt

Bên cạnh đó, một số đại biểu phát biểu kiến nghị Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa đến các sưu tập tư nhân, bảo tàng tư nhân và di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Lắng nghe ý kiến lãnh đạo Hội và các chuyên gia, hội viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ niềm vui khi gặp mặt các đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

Nhắc lại luận điểm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa quan trọng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội biểu dương những kết quả Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua là khá toàn diện, Hội đã xây dựng được hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở, đã có nhiều sáng tạo, phát huy được sức mạnh cộng đồng.

“Đề nghị các thành viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam bám sát Điều lệ Hội để thực hiện tốt những nhiệm vụ đã nêu trong Báo cáo, coi đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 20 năm thành lập vào năm 2024 và tiến tới Đại hội Hội lần thứ năm (nhiệm kỳ 2025 - 2030); tiếp tục phát huy niềm say mê, tình yêu đối với văn hóa và di sản văn hóa; thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa...”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Phát biểu đáp từ, PGS.TS Đỗ Văn Trụ bày tỏ cảm xúc trước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước nói chung và đối với hoạt động của Hội Di sản Văn hóa nói riêng. Hội Di sản văn hóa Việt Nam sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo để vận dụng vào hoạt động của Hội, không ngừng đổi mới hoạt động, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Bài: Quỳnh Hương

Ảnh: Bùi Văn Khiêm

                                                                            

 

Top