Góp ý Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Cần xem lại hệ thống khái niệm và bổ sung quy định về sưu tầm, mua bán, hoàn trả cổ vật

Ngày 28-3-2024, tại Hà Nội, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam tổ chức Toạ đàm góp ý Dự thảo Luật DSVH (sửa đổi). Tham dự Toạ đàm có đại diện Uỷ ban Văn hoá giáo dục của Quốc hội; Cục DSVH, Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL); các nhà khoa học, một số cơ quan thông tấn báo chí. Nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể cho dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), xoay quanh các nhóm vấn đề về hệ thống khái niệm, định nghĩa liên quan di sản văn hóa; việc nhận diện, ghi danh các di sản văn hóa để tiến hành các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị; cơ chế hợp tác công-tư, huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản; việc kinh doanh cổ vật… PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội; TS Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hội chủ trì và điều hành Tọa đàm.

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, nhấn mạnh: Việc xây dựng Luật DSVH (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Quá trình xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị từ rất lâu, qua nhiều vòng, nhiều bước nhằm tiến tới có một luật hoàn chỉnh nhất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước hiện nay và những năm tiếp theo.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, thời gian qua, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Ủy ban MTTQ, Bộ Tư pháp... đã tổ chức những cuộc toạ đàm, hội thảo, hội nghị góp ý Dự thảo Luật. Tham gia các buổi họp đó có nhiều thành viên Hội DSVH Việt Nam. Trong suốt quá trình xây dựng Luật DSVH (sửa đổi) từ đầu đến nay, nhiều thành viên Hội DSVH Việt Nam và cũng là thành viên Hội đồng Di tích, Hội đồng Di sản văn hóa phi vật thể của Bộ VHTTDL và nhiều thành viên khác với tư cách là các nhà khoa học, nhà quản lý về văn hóa và di sản văn hóa đã tham gia tích cực. Hội cũng cử một Phó Chủ tịch, Trưởng Ban chuyên môn của Hội tham gia vào Ban xây dựng Luật DSVH (sửa đổi) và cử một Ủy viên BCH, Phó ban chuyên môn Hội tham gia Ban biên tập Luật. Hiện nay, Bộ VHTTDL đã hoàn thành Dự thảo Luật DSVH (sửa đổi) lần thứ 5. Được biết, Luật DSVH (sửa đổi) sẽ chính thức trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8, Khóa XV, dự kiến tổ chức vào tháng 10-2024. Với tư cách là một hội xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực di sản văn hóa, Hội DSVH Việt Nam tổ chức tọa đàm nhằm góp ý thêm vào Dự thảo Luật. Trên cơ sở này Hội sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp gửi tới các cơ quan có liên quan.

Bổ sung quy định về sưu tầm, mua bán, hoàn trả cổ vật

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, trong thực tế, cổ vật được sưu tầm từ việc đào bới, tìm kiếm (cố ý và ngẫu nhiên) trong lòng đất, mò vớt dưới nước nên các nhà sưu tầm tư nhân thường giấu hoặc không biết thông tin về quá trình phát hiện hiện vật. Do đó, các hiện vật này thường thiếu thông tin về quá trình phát hiện hiện vật như: địa điểm phát hiện, nơi phân bố, địa tầng, chủ nhân hiện vật, nền văn hóa mà di vật thuộc về, tài liệu cổ nhân cổ sinh, các hiện vật kèm theo (nếu có)... Việc xác định niên đại giá trị hiện vật chỉ dựa theo những hiện vật đã phát hiện trước đó dẫn đến việc không có sự bổ sung nhận thức mới về các vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội, môi trường liên quan đến di vật. Đó là chưa kể việc không có quy định về sưu tầm di vật cổ vật khiến việc đào bới, trộm cắp di vật, cổ vật tại các di tích khảo cổ trở nên phổ biến hơn.

Dẫn chứng trường hợp khi cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ các cổ vật được đào bới dưới đất hoặc mò vớt dưới biển, thậm chí cả những sắc phong có địa chỉ, thời gian chính xác nhưng không thể xử lý được phải trả lại cho “người sưu tầm”, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng đề nghị trong Luật sửa đổi lần này nên bổ sung quy định các điều kiện cụ thể việc tìm kiếm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Sưu tầm di vật, cổ vật, quốc gia có nguồn gốc không hợp pháp.

Từ việc nước Pháp trả lại chiếc bàn gỗ về Huế trong cuộc đấu giá năm 1989, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mua chiếc xe kéo đời Vua Thành Thái và chiếc Long sàng của Vua Khải Định năm 2015, mua ấn vàng đời Vua Minh Mệnh năm 2023, việc Hoa Kỳ trả lại 10 cổ vật năm 2022, trao trả tượng Durga tháng 9/2023, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đề  nghị bổ sung điều khoản việc thu hồi các di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài theo các Công ước 1970 và 1995 của UNESCO về hoàn trả cổ vật bị đánh cắp hoặc xuất khẩu trái phép.

Toàn cảnh Tọa đam

TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên BCH Hội DSVH Việt Nam, bày tỏ băn khoăn, để tiến tới công nghiệp văn hóa thì phải nói đến thị trường cổ vật, mà vấn đề này trong dự thảo Luật DSVH (sửa đổi) chưa đề cập đến. Với vấn đề hồi hương cổ vật, TS Quân đề nghị thay chính sách “miễn giảm thuế” bằng “miễn trừ thuế”...

TS Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Ủy viên BCH Hội DSVH Việt Nam cũng kiến nghị nên phân định cấp độ khác nhau giữa di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia để có ứng xử phù hợp. Ông Năng cũng đề xuất, với di vật không phải là những hiện vật thuộc dạng quý hiếm hay có giá trị tiêu biểu hay đặc biệt tiêu biểu và cổ vật có thể cho phép mua bán cả trong và ngoài nước. Như vậy các bảo tàng mới có cơ hội sưu tầm được nhiều hiện vật phục vụ trưng bày giới thiệu cho công chúng.

Xem lại việc sử dụng hệ thống khái niệm và cách phân loại các loại hình di sản văn hóa phi vật thể

Các đại biểu dự Tọa đàm đều có chung ý kiến, Dự thảo Luật DSVH (sửa đổi) cần xem xét lại hệ thống khái niệm.

GS.TS Từ Thị Loan, Ủy viên Hội đồng DSVH quốc gia, khẳng định, rất nhiều khái niệm trong Dự thảo Luật chưa chuẩn, chưa rõ nghĩa, hoặc chưa thể hiện hết nội hàm.

“Đối với lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, dự thảo Luật cần xem lại cách phân loại các loại hình. Công ước 2003 của UNESCO chia di sản văn hóa phi vật thể thành 5 loại hình/lĩnh vực, bao gồm: Các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, trong đó ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể; nghệ thuật trình diễn; tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội; tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ; nghề thủ công truyền thống. Trong khi đó, dự thảo Luật chia thành 6 loại hình/lĩnh vực, tách lễ hội truyền thống thành mục riêng, trong khi lễ hội truyền thống phải gắn chặt với tín ngưỡng, không thể bóc tách lễ hội truyền thống ra khỏi tín ngưỡng, độc lập với tín ngưỡng. Nên có thêm mục “Và các lĩnh vực khác” để bao quát hết sự đa dạng của di sản văn hóa phi vật thể”, bà Loan đề xuất. 

Nghề dệt thổ cẩm của người M’nông ở Bình Phước

Đồng tình với quan điểm này, theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), các khái niệm “Danh lam thắng cảnh”, “chủ thể di sản”, “tôn tạo di tích”, “bảo tàng phát triển bền vững”, “tu bổ di tích”... trùng lặp hoặc chưa rõ nghĩa, chưa bao quát hết ý nghĩa, nội dung.

Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể

Dưới góc độ là nhà nghiên cứu văn hoá Nhật Bản, TS Hạ Thị Lan Phi, nghiên cứu viên chính Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, bàn về những cách thức Nhật Bản bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Theo đó, Nhật Bản thường xuyên thay đổi các điều khoản trong Luật Di sản văn hóa cho phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với các Luật khác. Trong lĩnh vực DSVH phi vật thể, Nhật Bản rất coi trọng các “báu vật sống” thông qua việc hỗ trợ hơn 2 triệu yên/năm để các nghệ nhân trau dồi kỹ năng và đào tạo thế hệ sau; quy định cụ thể số tiết học di sản văn hoá trong trường học trong Luật Giáo dục, Luật Di sản văn hóa. Từ đó, TS Hạ Thị Lan Phi đề xuất, cần bổ sung điều luật bảo vệ những “báu vật nhân văn sống” là những nghệ nhân đang sở hữu những kỹ năng, kỹ thuật thực hành các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận, thông qua các biện pháp như vinh danh, cấp giấy chứng nhận, cấp kinh phí hỗ trợ hằng năm...

TS Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc - Triều Tiên, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là tư liệu sản xuất, là đầu vào, là nguyên liệu của công nghiệp văn hóa. Vì vậy Dự thảo Luật nên bổ sung thêm việc xây dựng bảo tàng số về di sản tiêu biểu quốc gia trên các lĩnh vực như ẩm thực, trang phục, cổ vật, tư liệu, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn… để phục vụ công tác bảo tồn, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới cũng như làm tư liệu sản xuất các sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Đưa Di sản tư liệu thành một mục của di sản văn hóa

Nhiều đại biểu có chung ý kiến, không nên tách riêng di sản tư liệu thành một chương riêng ngang với di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.

GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên BCH, Phó Trưởng Ban chuyên môn Hội DSVH Việt Nam, khẳng định: Về bản chất, di sản tư liệu là các di sản văn hóa vật thể có giá trị phi vật thể hoặc di sản văn hóa phi vật thể được vật thể hóa; vì vậy, Dự thảo Luật không nên tách thành một đối tượng riêng, một chương riêng.

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, về mặt thực tiễn, phần lớn di sản tư liệu là những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc là một bộ phận trong di tích, một số khác nằm trong các cơ quan lưu trữ, thư viện, bảo tàng và sưu tập tư nhân. Ngoài các di sản hiện hữu tại các di tích, thư viện, bảo tàng, các cơ quan nghiên cứu và tư nhân còn lưu giữ rất nhiều di vật là di sản tư liệu phản ánh ký ức bao gồm các thần phả, thần tích, sắc phong, văn bằng, chiếu, chỉ, hoành phi, câu đối, đại tự, bia ký, các văn bản, thư tịch cổ, ván in (mộc bản)... cần được bảo vệ và phát huy giá trị. Nếu các di vật là di sản tư liệu vừa phải làm các việc đăng ký, kiểm kê, bảo quản… theo quy định về di vật cổ vật, bảo vật quốc gia vừa phải làm các thủ tục trên theo quy định của di sản tư liệu thì sẽ rất phiền hà. Nếu Ban soạn thảo Luật cần nhấn mạnh việc bảo vệ di sản tư liệu, không ghép với di vật thì đưa thành một mục của di sản văn hóa vật thể và lược bớt những quy định trùng với di vật là đủ, để đơn giản hóa thủ tục.

PGS.TS Bùi Xuân Đính, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam đưa ra quan điểm, cần phân định rõ hơn các loại hình di sản tư liệu. Dẫn chứng về thời Tự Đức (1853) có quy định làng xã nào để mất sắc phong thì Lý trưởng mất chức và làng đó không được cấp sắc phong nữa, ông Đính đề nghị Luật DSVH (sửa đổi) bổ sung quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ và phát huy di sản tư liệu; quy định xử phạt về hành vi lạm dụng để làm sai lệch bản chất của di sản tư liệu...

Xem lại quy định “Tổng kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể”

Tại tọa đàm, còn có nhiều ý kiến xoay quanh các nhóm vấn đề về việc nhận diện, ghi danh các di sản văn hóa để tiến hành các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị; cơ chế hợp tác công-tư, huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản; về lập quy hoạch khảo cổ và quy định về kiểm kê di tích…

Dưới góc độ quản lý nhà nước ở địa phương, TS Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hội DSVH tỉnh Phú Thọ, bày tỏ, việc Dự thảo Luật sửa đổi đưa quy định Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể 10 năm/lần là khó khả thi. 

TS Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm

TS Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam, đồng tình với một số ý kiến về việc làm rõ trách nhiệm của chủ sở hữu, của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản và khẳng định: Nhà nước chỉ có thể giữ vai trò chủ đạo, còn bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. 

Ông Hùng cũng đồng tình việc cần thiết phải bổ sung các quy định về di sản công nghiệp, di sản tư liệu; hợp tác công - tư và xã hội hóa và vấn đề không nên đưa quy định Bộ VHTTDL kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể 10 năm/lần... 

Có thể thấy, sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa năm 2001 được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung (năm 2009), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội. Tọa đàm góp ý Dự thảo Luật DSVH (sửa đổi) của một Hội xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực di sản văn hóa là thực sự cần thiết, góp phần xây dựng Luật sửa đổi sát với thực tế trong tình hình mới và có tính ổn định trong một thời gian dài. 

Tin rằng, những ý kiến đóng góp một cách thẳng thắn, khách quan, khoa học và đi thẳng vào bản chất vấn đề tại Tọa đàm sẽ được Ban soạn thảo và các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu một cách nghiêm túc trong quá trình hoàn chỉnh dự án Luật trước khi trình Quốc hội.

Bài: Hoàng Quỳnh Hương

Ảnh: Trần Hiệp

 

 

 

 

Có thể bạn quan tâm

Top