Kiến nghị thành lập Bảo tàng Kéo co Việt Nam

(TGDS). Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015. Để cùng trao đổi kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, trong 2 ngày, 17 và 18-11, hai cuộc tọa đàm quốc tế và các hoạt động liên quan đã diễn ra tại Hà Nội.

Tham dự Tọa đàm có các đại diện của Hội Kéo co Gijisi (TP Dangjin, Hàn Quốc), các bảo tàng, di tích và trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội, đại diện các cộng đồng Kéo co ở Việt Nam. Tọa đàm do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu chào mừng

Phát biểu chào mừng tại Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm giáo dục di sản Kéo co với Hội Kéo co Gijisi (Hàn Quốc) diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh: Cách đây 3 năm, ngày 20-12-2020, cũng tại đây đã diễn ra Tọa đàm lần đầu tiên “Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Việt Nam” nhân Kỷ niệm 5 năm UNESCO ghi danh Nghi lễ và trò chơi kéo co tại 4 nước: Hàn Quốc, Campuchia, Philippines và Việt Nam vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó bước đầu tạo đã nên sự kết nối các cộng đồng kéo co tại Việt Nam. Tiếp nối những kết quả đó, các cuộc tọa đàm hôm nay sẽ góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể Nghi lễ và trò chơi Kéo co; Đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể Nghi lễ và trò chơi Kéo co...

Các đại biểu Việt Nam và Hàn Quốc đã chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị Nghi lễ và Trò chơi Kéo co

Các đại biểu dự Tọa đàm đã chia sẻ những kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị Nghi lễ và Trò chơi Kéo co tại Việt Nam và Hàn Quốc. Đại diện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hà Nội của Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giáo dục di sản. Chẳng hạn, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ năm 2016, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã bắt tay vào xây dựng các chủ đề giáo dục di sản và cho đến nay di tích có hơn 30 chủ đề giáo dục di sản cho đối tượng học sinh từ cấp mẫu giáo đến đại học.

Tại Tọa đàm quốc tế “Bảo vệ và phát huy Nghi lễ và trò chơi Kéo co trong đời sống đương đại” diễn ra tại Đền Trấn Vũ (Quận Long Biên), TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, khẳng định: “Chung một sợi dây" là thông điệp tuyệt vời mà tất cả cộng đồng kéo co đều cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của nó. Sợi dây là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, kết nối giữa con người với thiên nhiên, là sự nối dài của những cánh tay, sự tiếp sức từ cộng đồng này đến cộng đồng khác.

“Chúng ta có thể ở cách xa nhau về địa lý song chúng ta có những điểm tương đồng làm nổi bật giá trị văn hóa đại diện của nhân loại. Hy vọng sự kiện này sẽ mở ra cơ hội mới để kết nối - các cộng đồng kéo co, để mở rộng hồ sơ ghi danh vào danh mục di sản văn hóa đại diện nhân loại", TS Lý nhấn mạnh.

TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổng kết Tọa đàm

Trình bày tham luận tại toạ đàm, ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban quản lý di tích đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên cùng với việc nêu lại lịch sử nghi thức kéo co ngồi tại đền cũng đề cập một số nguy cơ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Theo ông Khải, một trong những nguy cơ hiện hữu đó là tốc độ của việc đô thị hoá. Từ đó, ông Khải đưa ra một số đề nghị, trong đó có việc đưa chương trình kéo co vào trường học để các em học sinh biết, thực hành trong các tiết học thể chất. Trước hết áp dụng đối với trường học của phường Thạch Bàn.

Để bảo tồn và phát huy Kéo co trong đời sống đương đại ở nước bạn, ông Gu Eun-mo, Hội trưởng Hội Kéo co Gijisi chia sẻ về mô hình lớp học cầu thang ở Gijisi nhằm giáo dục cho học sinh trải nghiệm kéo co của 4 nước và tổ chức các buổi trải nghiệm cho cả các gia đình và trẻ em...

Đồng quan điểm, theo ông Ko Dae-young, việc đưa giáo dục di sản vào trường học là biện pháp có ích để bảo tồn di sản. Ở Hàn Quốc đã triển khai giáo dục di sản qua hộp kéo co ở cả trường học và địa điểm công cộng. Bên cạnh đó là việc xuất bản sách, vật phẩm kỷ niệm, văn hóa phẩm cho trẻ em về nghi lễ và trò chơi kéo co. Ngoài ra, giáo dục di sản ngay tại địa phương hay mang ra ngoài đều rất quan trọng, bời vậy, ngoài việc hướng đến các cơ quan Trung ương để được quan tâm hơn nữa, chúng ta cũng cần hướng đến các địa phương. Tuy nhiều nơi chỉ coi nghi lễ kéo co là trò chơi nhưng chính điều đó lại dễ tiếp cận đại chúng. Vì vậy chúng ta cần tổ chức các lễ hội kéo co như cách chúng ta vẫn đang làm hiện nay.

Thay mặt Đoàn điều hành, TS Lê Thị Minh Lý đã tổng kết Tọa đàm. Theo đó, Tọa đàm đã thống nhất kiến nghị bổ sung 2 cộng đồng Kéo co phía Việt Nam vào Hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; kiến nghị Nhà nước quan tâm đến các nghệ nhân kéo co và đề xuất thành lập Bảo tàng Kéo co tại Hà Nội; thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu quốc tế; tiếp tục kết nối kéo co với các chương trình giáo dục di sản...

Đại diện Bảo tàng Kéo co Gijisi (Hàn Quốc) trao tặng hộp giáo dục kéo co cho Bảo tàng Hà Nội.

Trong khuôn khổ các cuộc tọa đàm này, Bảo tàng Kéo co Gijisi đã trao tặng Hộp giáo dục kéo co cho Bảo tàng Hà Nội; triển lãm Chung một sợi dây tại đền Trấn Vũ trưng bày các pano bài viết và hình ảnh giới thiệu giá trị, ý nghĩa, hình thức nghi lễ và trò chơi kéo co của Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines và Campuchia.

Sáng nay, ngày 18-11, công chúng được chứng kiến màn thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co với sự tham gia của Hội Kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc) và 7 cộng đồng kéo co tại Việt Nam, gồm: Kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (quận Long Biên, Hà Nội); Kéo mỏ ở thôn Xuân Lai (huyện Sóc Sơn, Hà Nội); Kéo mỏ ở thôn Ngải Khê (huyện Phú Xuyên, Hà Nội); Kéo co ở thôn Hữu Chấp (Bắc Ninh); Kéo song ở thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc); Kéo co ở thôn Hòa Loan (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) và kéo co của cộng đồng người Tày (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai).

                                                                                              Bài và ảnh: H.Q.H

 

Top