Hội Di sản Văn hóa Việt Nam gửi Văn bản góp ý Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

(TGDS). Ngày 17-4-2024, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ đã ký văn bản Tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Văn bản này được gửi đến các cơ quan: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban soạn thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi); Ủy ban Văn hóa và Giáo dục Quốc hội; Văn phòng Quốc hội. Văn bản còn được gửi cho Cục Di sản văn hóa và Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL). Tạp chí Thế giới Di sản đăng toàn văn nội dung góp ý.

 

Ngày 28 tháng 3 năm 2024, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đã tổ chức Toạ đàm “Góp ý Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi)”.

Tài liệu phục vụ cho cuộc Toạ đàm này là Dự thảo lần thứ 5 Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng các tài liệu có liên quan của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ.

Tham dự Toạ đàm có 40 đại biểu là các nhà chuyên môn thuộc lĩnh vực di sản văn hoá và đại diện Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục Quốc hội, Cục Di sản văn hoá, Vụ pháp chế (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).

Tại Toạ đàm, với tinh thần trách nhiệm và xây dựng cao, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể vào Dự thảo.

Từ kết quả của Toạ đàm, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam tổng hợp một số nội dung chính gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban Soạn thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham khảo.

Toàn cảnh Tọa đàm

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Để thực hiện việc sửa đổi Luật Di sản văn hoá, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức việc đánh giá kết quả thực hiện Luật Di sản văn hoá trên quy mô toàn quốc trong hơn một thập kỷ qua. Trên cơ sở đó đã nhận diện được những thành tựu chính, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế. Một trong những nguyên nhân của hạn chế là hệ thống pháp luật chưa được hoàn chỉnh, còn một số bất cập cần được điều chỉnh, bổ sung.

2. Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) đã được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá (Luật 2009) và các văn bản dưới luật nên đã giữ được sự ổn định cần thiết đối với những nội dung cơ bản của hoạt động bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa nhiều chục năm qua.

3. Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá liên quan tới nhiều công ước quốc tế, dự thảo Luật 2024 đã thể chế hóa những nội dung cơ bản của Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

4. Đã đề xuất một số quy định mới về những vấn đề quan trọng mà trước đây chưa được cụ thể như bộ máy quản lý di tích, di sản tư liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hoá, hợp tác công tư…

II. MỘT SỐ GÓP Ý CỤ THỂ

Sửa đổi pháp luật là một việc làm thường xuyên nhằm khắc phục các bất cập, bổ sung những quy định mới tiên tiến phù hợp với sự phát triển của hiện tại và tương lai. Xây dựng hệ thống pháp luật của ngành, lĩnh vực là một việc khó, phức tạp và có thể nói là khó nhất, phức tạp nhất trong những công việc thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước. Dự thảo Luật 2024 còn bộc lộ một số bất cập (đó là một vấn đề đương nhiên trong mọi dự thảo Luật), Hội Di sản Văn hoá Việt Nam có một số góp ý, cụ thể là:

1. Luật sửa đổi nếu được Quốc hội thông qua sẽ là Luật mới thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật về di sản văn hoá đã được ban hành và thực thi trong gần 25 năm qua. Đây là cơ hội nhằm thúc đẩy sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá tiến thêm những bước vững chắc, bền vững.

2. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá được xác định là sự nghiệp của toàn dân. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm của hệ thống di sản văn hoá của Việt Nam: di tích chủ yếu nằm ở làng xã do nhân dân địa phương trực tiếp trông nom, bảo vệ; hầu hết các di sản văn hoá phi vật thể do cộng đồng thực hành, nắm giữ. Tuy nhiên, tại Điều 7 quy định “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…”, cần cân nhắc, vai trò “chủ đạo” ở đây là gì và có phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về phát huy vai trò chủ thể, vai trò làm chủ của nhân dân hay không?

3. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn thể hiện rõ quan điểm phát triển bền vững ở mọi lĩnh vực. Không đánh đổi sự phát triển nếu sự phát triển đó làm ảnh hưởng tới việc bảo vệ di sản văn hoá, bảo vệ môi trường, … Do đó, Luật 2024 cần bổ sung quy định làm rõ hơn trách nhiệm cũng như quyền hạn của các ngành, các cấp trong việc bảo vệ di tích, không gian thực hành di sản văn hoá và môi trường, cảnh quan gắn với di tích và không gian thực hành nói trên. Điều 26 Luật 2024 bổ sung việc cho phép xây dựng “công trình nhà ở riêng lẻ” trong khu vực bảo vệ I và xây dựng “công trình kiến trúc - xã hội và công trình, nhà ở riêng lẻ” trong khu vực bảo vệ II là không phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trong bối cảnh hiện nay, khi mà đất nước ta đã thoát khỏi khó khăn, đói nghèo sau khi đã vượt qua 2 cuộc kháng chiến gian khổ nhưng vẫn giữ gìn được hàng vạn di tích. Khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II là không gian (bao gồm cả trên không và dưới mặt đất) cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong trường hợp khi xếp hạng di tích trước đây (khi đất đai chưa trở thành hàng hóa đặc biệt như hiện nay), việc hoạch định các khu vực bảo vệ của di tích còn khá “thoải mái”, thiếu hợp lý hoặc xác định ranh giới không chính xác… thì hôm nay Thủ tướng Chính phủ (đối với di tích quốc gia đặc biệt), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, (đối với di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh) hoàn toàn có thể điều chỉnh phạm vi cho phù hợp với thực tế. Ví dụ, nếu xác định quá rộng, trong khu vực bảo vệ có người dân sinh sống, có hoạt động sản xuất gây ảnh hưởng tới di tích thì có nhiều phương án để xử lý: di dời công trình ra khỏi khu vực bảo vệ, thu hẹp khu vực bảo vệ một cách hợp lý để cho phép người dân xây dựng nhà ở trên cơ sở những quy định chung (tại Huế, vài năm trở lại đây đã di dời hàng ngàn hộ gia đình sống tại di tích Cố đô Huế, trong Khu phố cổ Hà Nội, những ngôi nhà không có giá trị vẫn được phép sửa chữa, cải tạo, xây mới - độ cao tối đa là 16m).

4. Việc bổ sung cho phép xây dựng các công trình nêu trên ở các khu vực bảo vệ thì cũng gần đồng nghĩa vô hiệu hóa các khu vực bảo vệ này. Mặt khác, sẽ không còn công việc giải tỏa vi phạm di tích mà một số địa phương đã bền bỉ thực hiện nhiều năm nay (trường hợp di tích Cố đô Huế nêu trên) hoặc bền bỉ giữ nguyên hiện trạng. Luật 2024 cần tạo ra hành lang pháp lý để xử lý thực tiễn nay trên nguyên tắc mỗi di tích đều có không gian riêng để bảo vệ di tích. Hiện cũng tồn tại nhiều di tích không có khu vực bảo vệ II vì hai bên đã là nhà ở liền kề từ xa xưa, trường hợp này không bắt buộc di dời - cần phân biệt với lấn chiếm di tích. Nhưng khi đã xác định khu vực đó là khu vực bảo vệ I hoặc khu vực bảo vệ II thì không nên/ không được “mở” như quy định tại Điều 26.

5. Việc quy định các trường hợp được sử dụng, khai thác di sản văn hoá để giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá, giáo dục di sản văn hoá đối với 05 trường hợp cụ thể là quá hẹp nên cần bổ sung thêm các trường hợp khác (Điều 87). Việc sử dụng và phát huy giá trị di tích cần gắn với việc cụ thế hóa Chiến lược phát triển văn hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2021) và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Viết Nam (Hội nghị tổ chức ngày 22 tháng 12 năm 2023 tại trụ sở Chính phủ) là một nội dung cấp thiết hiện nay nên đề nghị Ban Soạn thảo xem xét triển khai nội dung này kỹ lưỡng và toàn diện hơn nữa.

6. Việc quy định Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu trên toàn quốc 10 năm một lần (Điều 10 và Điều 51) và quy định Bộ chỉ đạo kiểm kê, lập danh mục và xác định giá trị di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài (Điều 48) là thiếu thực tế (bao gồm cả việc giao nhiệm vụ cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc kiểm kê ở nước ngoài xuất xứ từ địa phương mình). Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch các địa phương đã kiểm kê được 7 vạn di sản văn hoá phi vật thể và theo quy định nêu trên, khi Luật có hiệu lực từ năm 2025 các địa phương sẽ kiểm kê, đến năm 2030 chẳng hạn lại tiếp tục kiểm kê, vậy Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tổng kiểm kê vào thời điểm nào, bằng phương án nào, thời gian bao lâu, lực lượng kiểm kê là ai?… Rất nhiều vấn đề đặt ra; với 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trường hợp 50% trong số quốc gia và vùng lãnh thổ có di vật, cổ vật xuất xứ tại Việt Nam (gốm Chu Đậu thế kỷ 16 đã được xuất khẩu đi nhiều nước), 63 tỉnh thành phố sẽ tới các quốc gia, vùng lãnh thổ này để kiểm kê như thế nào? Quốc gia đó và sở hữu có cho phép thực hiện không. Đặt giả thiết ngược lại, kho bảo tàng và nhiều nhà sưu tầm ở Việt Nam có nhiều cổ vật có xuất xứ từ Trung Quốc, một số nước Đông Nam Á và Châu Âu, vậy ta có cho phép người có thẩm quyền từ các nước trên đến Việt Nam để kiểm kê?

7. Việc công nhận/ xếp hạng di tích đã trải qua một quá trình lâu dài, thuật ngữ “liệt hạng” được sử dụng trong một thời gian dài (cả trước và sau năm 1954, Nghị định 519-TTg ngày 29 tháng 10 năm 1957 sử dụng khái niệm liệt hạng nhưng Quyết định đầu tiên của Bộ Văn hóa năm 1962 là sử dụng khái niệm xếp hạng; năm 1984, Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh sử dụng khái niệm “công nhận”. Giai đoạn 1984 đến trước khi Luật Di sản văn hoá có hiệu lực (2001), Pháp lệnh quy định chỉ có một cấp có thẩm quyền công nhận di tích là Bộ trưởng Bộ Văn hóa nên việc sử dụng khái niệm “công nhận” là phù hợp. Luật Di sản văn hoá quy định Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Vì phân hạng di tích theo mức độ giá trị thì việc sử dụng khái niệm “xếp hạng” là hoàn toàn phù hợp. Luật 2024 quy định “công nhận di tích là việc thừa nhận di tích đáp ứng tiêu chí xếp hạng” (Khoản 13, Điều 3 và thay việc xếp hạng trước đây bằng việc công nhận (Điều 23 và Điều 24) di tích đã làm cho vấn đề này thành phức tạp, hoàn toàn không cần thiết, không đúng với thực tiễn đã phân tích ở trên và không thay đổi bản chất của công việc này. Mặt khác, 20 năm nay, nhân dân đã quen với khái niệm “xếp hạng” và chúng cũng không nên và không cần thiết đồng nhất việc này với các thuật ngữ của UNESCO. Vấn đề này, Ban Soạn thảo cần cân nhắc thêm.

8. Về Chương II: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể:

- Việc định nghĩa di sản văn hoá phi vật thể (Điều 3) và xác định 6 loại hình di sản văn hoá phi vật thể (Điều 9) chưa chính xác và khá lủng củng.

- Điều 11. tên Điều là “Danh sách…” nhưng nội dung lại sử dụng “danh mục”; Điểm b, Khoản 1 diễn đạt khá luộm thuộm; tiêu chí ghi danh vào Danh mục của quốc gia về di sản văn hoá phi vật thể quy định chỉ ghi danh Di sản văn hoá phi vật thể “có khả năng tồn tại lâu dài” là thiếu thực tế trong khi UNESCO có Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Theo nghĩa này, di sản văn hoá phi vật thể nếu có nguy cơ mai một tuy có giá trị thì Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng không ghi danh, một di sản văn hoá phi vật thể có thể mất hẳn vì quy định này (Tại Điều 5, Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa xác định tiêu chí lựa chọn di sản văn hoá phi vật thể vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia là: “Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài”).

- Điều 14. Khi quy định “tăng số lượng, chất lượng thực hành di sản văn hoá phi vật thể…” thì có thể bị hiểu theo một nghĩa khác, ví dụ một lễ hội như Lễ hội Đền Hùng, có thể tổ chức vài lần một năm nếu chính quyền và nhân dân có điều kiện và thấy cần thiết (không cần chờ tới ngày 10 tháng 03 Âm lịch).

- Điều 15. Quy định này đã có từ Luật Di sản văn hoá (2001) nhưng có lẽ chưa có tổ chức, cá nhân nào xin phép Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hoá phi vật thể. Vả lại, ai cũng có quyền (nếu có sự yêu mến di sản văn hoá phi vật thể) nghiên cứu di sản văn hoá phi vật thể (di sản văn hoá phi vật thể do người thực hành nắm giữ). Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.

- Điều 17. Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền. Nếu không có cộng đồng đề xuất và cộng đồng cũng không biết để đề xuất thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh vẫn có thể “xác định di sản văn hoá phi vật thể bị mai một thất truyền”, do đó cần xem lại quy định này (Khoản 2, Điều 17); Khoản 4, Điều 17 nên cân nhắc giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch mà không nhất thiết phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Điều 19. Biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống. Trước hết cần quy định biện pháp bảo vệ nhưng ở đây lại quy định việc “Phục hồi có chọn lọc nghi thức truyền thống trong lễ hội” là không phù hợp với tên Điều; việc “phục hồi có chọn lọc” nếu đưa vào Điều 19 thì cần có quy định cụ thể hơn.

9. Về Chương III: Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa vật thể:

- Điều 20, Khoản 1, Mục a cần thay bằng “Di tích lịch sử gồm di tích lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm nhân vật”.

- Các quy định tiêu chí di tích (Điều 21), kiểm kê di tích (Điều 22) và công nhận di tích (Điều 23) cân nhắc kế thừa Luật và Nghị định đã ban hành thực hiện ổn định nhiều năm nay (Điều 21, Điều 22 Luật 2024 không có quy định gì mới và khác biệt với Luật Di sản văn hoá 2001, 2009 chỉ bổ sung thêm khu công nghiệp - Di sản công nghiệp nhưng lại lược đi nhiều quy định cụ thể đã được soạn thảo kỹ lưỡng trước đây).

- Điều 24 xem lại quy định Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch gửi văn bản kèm hồ sơ khoa học di tích tới Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để có ý kiến thống nhất.

- Điều 27 đối với việc đầu tư, xây dựng, cải tạo công trình trong khu vực bảo vệ di tích đã được nêu trong góp ý tại Điều 26 ở trên.

- Điều 28 và Điều 29 quy định việc xây dựng các công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích có khả năng tác động tiêu cực tới di tích, tuy đã có quy định làm rõ tác động tiêu cực (Khoản 2, Điều 28), nhưng cần xem xét thêm: xây dựng một công trình như một ngôi nhà 5 tầng liệu có thể làm “sai lệch” thân thế và sự nghiệp của danh nhân, có thể làm phá vỡ cấu trúc quy hoạch của quần thể các công trình kiến trúc, nghệ thuật (Điểm a, Điểm b, Khoản 2, Điều 28); quy định tại Điểm c, Điểm đ, Khoản 2 Điều 28 thì có thể hiểu là xây dựng bên trong di tích, không còn nằm ngoài di tích.

- Khoản 1, Điều 28 quy định công trình được triển khai khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan nhà nước quy định ở Khoản 4. Khoản 4 quy định 2 cơ quan là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhưng đến Khoản 5, Khoản 6 lại nói tới Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Vậy trường hợp công trình xây dựng bên ngoài khu vực bảo vệ của di tích quốc gia nhưng quy mô nhỏ, đã được tỉnh phân cấp cho huyện thì các quy định này sẽ mâu thuẫn với nhau, dẫn đến lúng túng trong thực hiện ở địa phương. Vấn đề này, Ban Soạn thảo cân nhắc phân cấp triệt để, giao thẩm quyền cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sau khi đã quy định rõ hơn những tác động tiêu cực là thế nào, trường hợp đặc biệt mới cần xin ý kiến Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

- Điều 30. Đưa thêm di dời, thay đổi, thống kê hiện vật trong di tích. Về cơ bản căn cứ hồ sơ xếp hạng di tích, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã nắm được số lượng, tình trạng… của hiện vật trong di tích. Chưa kể việc kiểm kê di tích 5 năm 1 lần sẽ bổ sung thêm thông tin về di tích. Do đó, việc đưa thêm di dời, thay đổi, thống kê hiện vật nên phân cấp cho các địa phương.

- Điều 31 và Điều 32. Người đại diện, Ban Quản lý di tích. Nhiệm vụ của Ban Quản lý di tích:

Quản lý di tích là một vấn đề phức tạp, phức tạp hơn có nhiều hình thức sở hữu, bởi di tích có lịch sử quản lý lâu dài nhưng thiếu rõ ràng, di tích thuộc về cộng đồng làng xã nên còn quản lý theo nếp cũ, di tích liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng nên còn có vai trò của các vị chức sắc tôn giáo… Sự phức tạp còn gắn với quy mô của di tích, tầm quan trọng và ý nghĩa, giá trị của di tích, phức tạp bởi quản lý thu chi từ các nguồn thu của di tích. Tất cả sự phức tạp đó còn gắn với vấn đề phân cấp quản lý của các địa phương. Trước đây, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã làm việc với Bộ Nội vụ để thống nhất một số mô hình quản lý di tích (nhưng chưa hoàn thành), hai Bộ đã thống nhất quan điểm, dù quản lý theo mô hình nào cũng cần xác định rõ người chịu trách nhiệm chính. Điều 31 và Điều 32 đã thiết kế để giải quyết những vấn đề trên. Tuy nhiên, nội dung của 2 điều này chưa phân biệt rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản văn hoá và trông nom, chăm sóc trực tiếp di tích. Trong số gần 4000 di tích được xếp hạng thì có tới trên 3000 di tích do cộng đồng làng xã trông nom, bảo vệ. Các di tích này có Ban Quản lý do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã thành lập, người đứng đầu có thể là một lãnh đạo xã hoặc một cụ cao tuổi có uy tín, có tâm huyết với di tích. Từ thực tế nêu trên cho thấy, Điều 32 quy định nhiều nhiệm vụ khá xa vời với các ban quản lý nêu trên (xây dựng triển khai dự án đầu tư, tư liệu hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, đánh giá tác động của du lịch với di tích, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phối hợp thẩm định quy hoạch, dự án…).

Vì vậy, đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc thiết kế lại Điều 31 và Điều 32 theo hướng đánh giá kỹ lưỡng thực tiễn về quản lý di tích trên địa bàn cả nước.

- Điều 35. Luật Di sản văn hoá 2009 quy định về quy hoạch khảo cổ, tuy nhiên hơn 10 năm qua, dường như chưa có địa phương nào hoàn thành việc này. Để phù hợp với thực tế, Ban Soạn thảo cân nhắc điều chỉnh quy định này thành việc lập bản đồ khảo cổ. Bản đồ khảo cổ nhằm xác định vị trí có khả năng tồn tại địa điểm khảo cổ trong lòng đất. Nhờ đó, các tổ chức, cá nhân khichuẩn bị dự án đầu tư vào khu vực mà bản đồ khảo cổ xác định khả năng tồn tại địa điểm khảo cổ có thể chủ động xây dựng phương án xử lý (có thể là chủ động khai quật giải phóng mặt bằng). Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cũng căn cứ vào bản đồ khảo cổ để có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, tránh được tình trạng đang thi công phải dừng lại để khai quật hoặc dấu diếm việc phát hiện khảo cổ để không bị dừng thi công, nhiều hệ lụy khác sẽ phát sinh. Việc lập bản đồ khảo cổ khả thi hơn lập quy hoạch khảo cổ (không có tên trong Luật Quy hoạch) giúp cho bảo vệ di sản văn hoá nhưng cũng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Điều 39. Công nhận bảo vật quốc gia. Khi nhận được đề nghị về công nhận Bảo vật quốc gia, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ sơ bộ thẩm định và đề nghị Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia cho ý kiến. Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia tổ chức thẩm định, trên cơ sở ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ trình Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch không phải là cơ quan thẩm định. Ngoài việc diễn đạt lại nội dung này, Ban Soạn thảo cân nhắc khoản luật giao Chính phủ quy định chi tiết việc này.

- Quy định bảo vật quốc gia được chuyển nhượng nhưng không được kinh doanh (Điều 40). Một bảo vật quốc gia năm 2023 có thể được chuyển nhượng với giá 1 tỷ đồng, sang năm 2024 có người sẵn sàng mua với giá 2 tỷ đồng, vậy người sở hữu bảo vật quốc gia nếu bán với giá 2 tỷ đồng thì có bị coi là vi phạm luật không? Đề nghị Ban Soạn thảo làm rõ hơn tình huống này để có quy định hợp lý hơn.

- Điều 42. Yêu cầu bảo vệ, bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Khoản 2 quy định “bảo vệ, bảo quản phù hợp với điều kiện thực tế” nhưng khoản 3 lại yêu cầu có “biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bảo vật quốc gia”, hai quy định này có mâu thuẫn với nhau?

- Điều 43. Hoạt động bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có thể thuộc về một cá nhân, một gia đình nên yêu cầu “tổ chức kho để bảo quản” là thiếu phù hợp với thực tế. Các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều này trùng lặp với quy định ở Điều 42 nên có thể gộp lại.

- Điều 44. Xem xét tên điều và nội dung điều cho phù hợp; Ban Soạn thảo cân nhắc quy định sau khi sưu tầm phải “làm sáng tỏ nội dung, ý nghĩa, giá trị và tình trạng bảo quản của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia” trong các bảo tàng công lập có rất nhiều di vật, cổ vật chưa được làm sáng tỏ các nội dung trên, thậm chí rất ít có khả năng làm sáng tỏ (có nhiều hiện vật các nhà khoa học nghiên cứu hàng chục năm nay những vẫn chưa thống nhất và chưa làm sáng tỏ được công năng, ý nghĩa… của hiện vật). Vậy quy định như đã nêu là không có tính khả thi trong thực tiễn.

- Điều 45. Trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng. Các yêu cầu về trưng bày nên 3 vấn đề phải phù hợp: Phù hợp phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động của cơ quan, tổ chức quản lý, sở hữu (không có sở hữu cá nhân), phù hợp với đối tượng khách quan tham quan và có không gian phù hợp. Nhưng không rõ thế nào là phù hợp, thử phân tích một ý nhỏ: Một nhà sưu tầm cổ vật, có bộ sưu tập về tiền cổ, khách du lịch muốn đến tham quan nhưng nhà sưu tầm không biết khách du lịch đó có phải đối tượng phù hợp hay không? Đề nghị Ban Soạn thảo xem xét lại các quy định của Điều 45.

- Điều 46. Tên điều quá dài và chưa rõ các quy định của khoản 1 và khoản 2 nhằm hướng tới mục tiêu gì.

- Điều 49. Bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Xem xét lại quy định bản sao “không có giá trị tương đương bản gốc”, quy định này nhằm giải quyết vấn đề gì trong quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Thẩm quyền cấp giấy phép làm bảo sao chưa bao trùm được những nơi chốn đang lưu giữ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

10. Về Di sản tư liệu từ Điều 50 đến Điều 60:

Trước hết, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam hoàn toàn thống nhất quan điểm cần đặt di sản tư liệu trong hệ thống pháp luật về di sản văn hoá, đồng nghĩa với việc giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thẩm quyền quản lý đối với di sản tư liệu (việc này là đương nhiên). Di sản tư liệu chỉ là một loại di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có minh văn hoặc ký hiệu đặc biệt phù hợp với định nghĩa của Ủy ban Ký ức Thế giới về di sản tư liệu. Di sản tư liệu được lưu giữ trong các bảo tàng, thư viện, kho lưu trữ, di tích tôn giáo, tín ngưỡng (đình, chùa, đền, miếu, phủ…) trong các nhà thờ họ, trong một số gia đình…Trong bảo tàng và di tích lưu giữ nhiều di sản tư liệu nhất. Qua đánh giá thực tiễn có thể thấy, từ nhiều năm nay ở Việt Nam di sản tư liệu thực sự nổi lên sau khi UNESCO ban hành Chương trình ký ức thế giới. Việc quản lý di sản tư liệu đặt ra một số vấn đề:

Thứ nhất, có cần thiết ghi danh di sản tư liệu tương tự như di tích, di sản văn hoá phi vật thể hay không? Như đã nêu ở trên, di sản tư liệu là một loại thuộc về di vật, cổ vật lâu nay đã được quản lý. Trường hợp có giá trị đặc biệt thì có thể trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Thứ hai, di sản tư liệu chủ yếu đã nằm trong các bảo tàng, thư viện, di tích, nhà thờ dòng họ…(giao thẩm quyền quản lý nhà nước về di sản tư liệu cho Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là hợp lý nhất) nên đã được quản lý, kiểm kê bảo quản mà không cần có thêm quy định riêng về loại di vật, cổ vật này (sẽ trùng lặp với các quy định liên quan về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia).

Trên quan điểm đó, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc thiết kế lồng ghép quy định quản lý di sản tư liệu vào nội dung di sản văn hoá phi vật thể, cụ thể là Mục về Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Đối với di sản tư liệu cần bổ sung vào Luật 2024 một số vấn đề sau: Định nghĩa về Di sản tư liệu (Điều 3); Nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản tư liệu (Điều 91 và Điều 92); Thiết kế một điều riêng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền đối với việc ghi danh Di sản tư liệu thế giới trên cơ sở có sự phân công, phối hợp giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch với Bộ Nội vụ.

11. Về Chương V Bảo tàng:

- Điều 61. Xem lại quy định về mô hình của hệ thống bảo tàng Việt Nam. Với quy định như dự thảo thì không có giá trị phục vụ công tác quản lý. Bên cạnh đó, cần bám sát định nghĩa mới nhất (năm 2022) của Hội đồng Bảo tàng thế giới (ICOM) về bảo tàng để triển khai các nội dung còn chưa đầy đủ của Luật Di sản văn hoá 2001 và Luật 2009.

- Điều 64. Các quy định về cải tạo, nâng cấp kiến trúc bảo tàng và trưng bày bảo tàng được thiết kế không rõ thẩm quyền, khó hiểu. Theo nội dung quy định của Điều 64, nội dung trưng bày của Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam… cần xin ý kiến thẩm định của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa. Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu thêm về quy định tại Điều 64.

- Điều 65. Vấn đề thành lập bảo tàng công lập và thu hồi giấy phép hoạt động của bảo tàng ngoài công lập cần tách ra thành 2 điều riêng. Thu hồi giấy phép cần gắn với việc cấp giấy phép.

- Đề nghị xem xét bổ sung điều quy định về hoạt động nghiên cứu của bảo tàng. Khái niệm về bảo tàng quốc gia, tiêu chí và nội hàm của Bảo tàng quốc gia.

12. Về Chương VII. Điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

- Điều 79. Nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Thực tế nhiều năm qua, nhận thức vai trò, ý nghĩa của di sản văn hoá cùng với đó là nhận thức trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá ngày càng được nâng lên. Tình trạng, trông chờ vào ngân sách Trung ương đã giảm hẳn. Ngân sách địa phương đầu tư cho di sản văn hoá tăng dần qua từng năm. Tuy nhiên, Luật Di sản văn hoá cũng cần quy định nguồn ngân sách chính được bố trí tại ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương; Điều 79 cũng cần bổ sung quy định “nguồn thu từ di sản văn hoá” là nguồn thu từ việc gì và được sử dụng vào việc gì. Việc quản lý nguồn thu và sử dụng nguồn thu là vấn đề lớn, phức tạp nên cần từng bước ban hành các chế tài để quản lý tốt hơn nguồn thu góp phần tăng thêm kinh phí cho việc đầu tư bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Nội dung này cũng đề nghị bổ sung vào trách nhiệm của Bộ, ngành liên quan.

- Khoản 1, Điều 81 đề nghị làm rõ: Tên điều là nguồn nhân lực nhưng nội dung là về tổ chức làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá “phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật”, không rõ tiêu chuẩn ở đây là tiêu chuẩn gì (chưa thấy nêu tiêu chuẩn của tổ chức này)? Từ khoản 2 đến khoản 8 có thể gộp lại vì nội dung trùng lặp nhiều.

- Điều 83. Cân nhắc nội dung cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hoá chỉ để “phục vụ công tác quản lý nhà nước và xây dựng chiến lược về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá” (Điểm a, Khoản 3) quy định này còn mẫu thuẫn với Điểm c khoản 2 Điều 86. Về Khoản 4, Điều này cần làm rõ hơn nội dung “Việc chuyển đổi hình thức từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại phải được sự đồng ý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch…”.

- Điều 84. Ứng dụng khoa học công nghệ thông tin. Nội dung điều này không hẳn về công nghệ thông tin. Mặt khác nội dung của điều này cũng chưa thấy rõ mục tiêu nhằm giải quyết vấn đề gì và hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá cần ứng dung rất nhiều công nghệ hiện đại chứ không chỉ công nghệ thông tin.

- Điều 82 và Điều 85. Cần xem xét, đánh giá giá trị thực tiễn của 2 điều này.

- Điều 88. Hợp tác công tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Đây là một vấn đề mới, phức tạp và nhạy cảm nên cần nêu được nội hàm và những nguyên tắc cơ bản trong hợp tác công tư để bảo đảm quyền tiếp cận di sản văn hoá của mọi công dân Việt Nam và du khách quốc tế. Về nội dung hợp tác đề nghị xem xét một số lĩnh vực như tham gia vào quá trình xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể và di sản tư liệu (không có hồ sơ di tích) hỗ trợ cộng đồng phục hồi và tái tạo không gian văn hóa truyền thống, bảo quản hiện vật là những việc không phù hợp với nội dung hợp tác công tư. Một tổ chức, cá nhân có thể hỗ trợ kinh phí để làm hồ sơ ghi danh nhưng việc đó không nên đặt vào nội dung hợp tác công tư.

- Điều 90. Về Quỹ bảo tồn di sản văn hoá cần làm rõ khái niệm “quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách” và cơ chế hoạt động của Quỹ này.

12. Về Chương VIII. Quản lý nhà nước về di sản văn hoá.

- Điều 94. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp. Dự thảo đã thể hiện được sự khác biệt về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp. Tuy nhiên, các đầu việc còn na ná giống nhau và còn chung chung. Quan điểm của Hội Di sản Văn hoá Việt Nam cần nêu rõ: Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh là quản lý toàn diện và chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá ở trên địa bàn; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cần phê duyệt phương án tổ chức bộ máy trông nom, bảo vệ di tích như: Di tích cần ban quản lý trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh; ban quản lý trực thuộc Sở, ngành, ban quản lý thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện hoặc Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa cấp huyện; Ban Quản lý trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp xã. Cùng với đó bổ sung quy định cấp được giao quản lý di tích nêu trên ban hành qui chế trông nom, bảo vệ di tích, trong quy chế sẽ nêu rõ thẩm quyền, việc nào ban chủ động làm, việc nào phải báo cáo xin ý kiến cơ quan cấp trên, đó là cơ quan nào (Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế quản lý, trông nom, bảo vệ chung cho di tích toàn tỉnh để qui chế này được cụ thể hóa vào qui chế của từng di tích); tại phương án tổ chức bộ máy nêu trên cũng nên có trách nhiệm của từng cấp về đầu tư kinh phí cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

- Điều 96. Thanh tra di sản văn hóa. Đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu thêm Luật Thanh tra về thẩm quyền thành lập Cơ quan thanh tra về di sản văn hoá riêng hay nằm trong Cơ quan Thanh tra của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

- Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá nhiều năm qua đã cho thấy vai trò to lớn của Mặt trận Tổ quốc các cấp, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Hội tôn giáo, tín ngưỡng những quy định về trách nhiệm phối hợp của các tổ chức này chưa được luật hóa, vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung.

- Trong toàn bộ Dự thảo Luật 2024 (Dự thảo 5) có tới 18 lần quy định giao Chính phủ quy định chi tiết nên đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc điều chỉnh quy định cụ thể luôn trong Luật hoặc đẩy mạnh phân cấp cho Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Top