Những điểm mới trong Trưng bày “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc lập (1868-1966)”
Dinh Độc lập có lịch sử 150 năm nhưng trưng bày này chỉ tập trung kể câu chuyện về 100 năm đầu, từ tòa nhà đầu tiên cho đến khi nền Cộng hòa đệ nhất sụp đổ. Dinh Độc lập mới được xây dựng và khánh thành vào năm 1966, thời gian còn lại là câu chuyện ở toà nhà chính từ thời nền Cộng hòa đệ nhị cho tới khi chính thể này sụp đổ, Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, mở đầu cho một trang sử mới của Dinh Độc Lập. Cuộc trưng bày ngay từ khi ra mắt đã cuốn hút sự quan tâm của công chúng và đặc biệt của giới nghiên cứu lịch sử cũng như giới truyền thông. Tại sao cuộc trưng bày lại có một sức cuốn hút đặc biệt như vậy. Tôi cho rằng đó chính là mang đậm trong mình những tính mới, những sự mới mẻ, tươi mới và cái đẹp trong trưng bày. Người ta không nhìn thấy ở trưng bày này những lối mòn, những gì cũ kỹ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một điệp khúc.Vậy tính mới thể hiện ở đâu trong trưng bày? Cái gì mới ở trưng bày này?
Diễn giải mới về lịch sử
Nét nổi bật của trưng bày này chính là cách diễn giải về lịch sử. Trưng bày thực hành một cách diễn giải mới về lịch sử, một cách kể chuyện mới về những sự kiện lịch sử. Những người làm trưng bày cố gắng không nhìn những sự kiện lịch sử một chiều, mà nhìn một cách đa chiều, đa dạng để có thể tiệm cận gần nhất với sự thực lịch sử. Chẳng hạn như trưng bày có cách nhìn chế độ thuộc địa đa chiều hơn, đa dạng hơn; không chỉ nhìn thấy chế độ thực dân thuần tuý bóc lột, sưu cao thuế nặng, đàn áp, bắt bớ mà thấy cả ở khía cạnh phát triển và du nhập văn hóa Đông - Tây. Trưng bày cho thấy người Pháp đã chăm chút vào việc xây dựng, phát triển thành phố Sài Gòn nói chung và Dinh Độc lập nói riêng như thế nào?
Những quyết sách từ người đứng đầu Dinh này đã làm thay đổi bộ mặt Sài Gòn, biến Sài Gòn thành một thành phố thuộc địa, một thành phố hiện đại. Sài Gòn được quy hoạch với một tầm nhìn xa. Một hệ thống xe điện được xây dựng ngay từ năm 1881 và ngày càng mở rộng, từ một tuyến phát triển thành 2 tuyến xe chạy khắp Sài Gòn và Chợ Lớn. Người xem cũng được giới thiệu trong trưng bày này những gương mặt đại diện cho Sài Gòn đầu thế kỷ 20. Trưng bày giới thiệu lịch sử thay đổi và phát triển của chỉ một con phố. Đường Nguyễn Huệ nổi tiếng ngày nay mà ban đầu chỉ là một đường đất ven kênh Sài Gòn, sau thành Đại lộ Charner.
Ảnh: Hồng Phương/ Tuoitre.vn
Người xem cũng nhận thấy sự đa dạng của các gương mặt Sài Gòn đầu thế kỷ 20, ở đó không chỉ giới thiệu những nhà cách mạng như Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, mà cả đại diện giới trí thức như Trương Vĩnh Ký, doanh nhân thành đạt như Trương Văn Bền hay một điền chủ, người đã cộng tác với thực dân Pháp như Đỗ Hữu Phương. Một gương mặt đại diện cho giới phụ nữ đương thời, bà Sương Nguyệt Anh cũng được giới thiệu một cách trang trọng.
Đây là một trưng bày lịch sử nên các sự kiện lịch sử bao giờ cũng được những người làm trưng bày chú trọng nhìn nhận để giới thiệu sự việc không biệt lập, không cô độc mà luôn gắn trực tiếp với bối cảnh lịch sử chính trị rộng lớn hơn giúp người xem liên tưởng và hiểu cặn kẽ hơn các diễn biến lịch sử trong điều kiện nào. Chẳng hạn, khi đề cập đến buổi đầu của chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương, Trưng bày giới thiệu một bức ảnh về nước Pháp đã bị thất bại ê chề trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ với việc Hoàng đế Pháp Napoleon đệ tam bị bắt và nộp gươm cho Hoàng đế Phổ Wilhelm I (năm 1871). Khi nói về Ngô Đình Diệm lên nắm quyền khách tham quan có thể tiếp cận với những bức ảnh suốt dọc tường cầu thang với các sự kiện đa dạng diễn ra như sự hình thành trục phát xít Đức, Ý, Nhật; quân Nhật đổ bộ vào Việt Nam; Cách mạng Tháng Tám; thành lập chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chính quyền quốc gia; Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneve… Đó chính là bối cảnh giúp người xem liên tưởng, hiểu các sự kiện lịch sử trong mối liên hệ với những diễn biến chính trị thế giới từ chiến tranh thế giới lần thứ hai đến bối cảnh chính trị nước ta dẫn đến việc 2 miền Nam Bắc tạm thời bị chia cắt.
Khi nói về cuộc đảo chính dẫn đến cái chết của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm, người xem lại được tiếp cận với bối cảnh chính trị vô cùng phức tạp ở miền Nam lúc đó như sự lớn mạnh của lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với chiến thắng Ấp Bắc, sự mâu thuẫn đến đỉnh điểm của các tầng lớp nhân dân, của giới Phật giáo với chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm, sự bất mãn của các tướng lĩnh cũng như mối quan hệ rạn nứt giữa Ngô Đình Diệm và Hoa Kỳ…
Mục tiêu chủ đạo trưng bày trên toàn bộ tầng 2 là muốn giúp khách tham quan trả lời câu hỏi chế độ Việt Nam Cộng hòa của Ngô Đình Diệm đã được hình thành như thế nào và vì sao nó lại mau chóng bị sụp đổ? Các phòng trưng bày được sắp xếp từ Gia đình trị, Cuộc chiến tranh giành quyền lực, Cà phê Sài gòn và Ấp chiến lược đến Các cuộc đảo chính là cách dẫn dắt du khách đi theo tiến trình lịch sử, đồng thời cũng cho thấy những nguyên nhân, những mâu thuẫn trong chế độ ấy hình thành, rồi dần dần lên đến cực điểm, cuối cùng dẫn đến cái chết thê thảm của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Đặc biệt trưng bày đã sử dụng khá thành công cách tiếp cận đa giọng nói. Các câu chuyện lịch sử được diễn giải không chỉ nói giọng - tức các quan điểm chính thống của nhà nước, của những người làm bảo tàng mà còn được kể thông qua giọng nói của những người trong cuộc hay những nhà báo đương thời… Đó là những quan chức người Pháp như Paul Doumer, cựu Toàn quyền Đông Dương, Tổng thống Mỹ Kennedy, hay một cựu nhân viên tình báo Mỹ. Những lời nói trực tiếp thể hiện quan điểm của Tổng thống Ngô Đình Diệm, của tướng tá chính quyền Sài Gòn, hay của nhà báo Mỹ...trước những sự kiện lịch sử cho thấy tính khách quan của diễn giải lịch sử. Chẳng hạn trong giờ phút gay cấn của cuộc đảo chính năm 1963, Trưng bày đã trích câu nói của Ngô Đình Diệm: “Tôi ra lệnh cho tất cả quân đội không được nghe lệnh của ai ngoại trừ lệnh của tôi mà thôi” hoặc “Tôi sẽ không đi đâu hết. Tôi sẽ đến Tổng hành dinh… Tổng thống không bao giờ bỏ chạy”. Hoặc Tướng trẻ Tôn Thất Đính tuyên bố về lý do đảo chính: “Diệm bất nhẫn và trắng trợn lừa dối chúng tôi”.
Tài liệu giấy và ảnh là nguồn hiện vật quan trọng bậc nhật Trưng bày này. Những người làm trưng bày đã rất công phu khai thác các nguồn lưu trữ. Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 ở thành phố Hồ Chí Minh lưu giữ nhiều tư liệu, hình ảnh cả của chính quyền thời thuộc địa lẫn chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Trung tâm Việt Nam ở Đại học Texas, Hoa Kỳ đã sưu tầm và lưu giữ rất nhiều tài liệu về cuộc chiến tranh ở Việt Nam của chính quyền Mỹ, của cựu binh Mỹ, của truyền thông…. Nhờ cố gắng vượt bực trong việc sưu tầm tư liệu cho nghiên cứu - trưng bày và lại có cái nhìn mở nên trưng bày đã sử dụng hiệu quả nhiều tài liệu mới, có những tài liệu, bức ảnh lần đầu tiên được công bố ở trong nước. Người xem trưng bày rất có cảm xúc khi có cơ hội được tiếp cận trực tiếp các tư liệu từ nhiều phía, được đọc nhiều văn bản gốc (do các cơ quan lưu trữ sao lại) của chính quyền thuộc địa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa hay chính quyền Mỹ. Hầu hết các bức ảnh được trưng bày là những bức ảnh gốc phản ánh chân thực và sống động những sự kiện của câu chuyện được kể. Cho nên trưng bày giúp người xem có cái nhìn sự kiện, sự vật, nhân vật từ nhiều góc cạnh. Mỗi người có thể ngẫm nghĩ, suy tư và tự cảm nhận từ câu chuyện được dẫn dắt nàytheo nhãn quan riêng của mình.
Nhân đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng những người làm trưng bày luôn muốn giúp người xem tìm thấy được cái mới trong những sự việc cũ. Chọn lọc tư liệu, hình ảnh là rất quan trọng. Trưng bày cố gắng không đưa ra những hình ảnh lặp lại, cũ, nhất là quá quen thuộc với người xem mà tìm tòi và đưa ra những hình ảnh mới, tạo cảm nhận mới. Tìm, lựa chọn những hình ảnh mới, sao cho không thấy trưng bày là sáo mòn, lặp lại những bức ảnh ở đâu đó, ở bảo tàng hay bất cứ triển lãm nào cũng thấy.
Sử dụng hiệu quả công nghệ mới
Sự đa dạng trong phong cách trưng bày kết hợp trưng bày truyền thống với sử dụng công nghệ media trình chiếu, tương tác như một thủ pháp quan trọng là đặc điểm nổi bật và là một điểm mới của trưng bày này.Trưng bày hầu như không có hiện vật khối. Trong Dinh không lưu giữ được những hiện vật từ thời Pháp và thời Tổng thống Ngô Đình Diệm phần bởi thời gian đã quá xa và phần bởi sau khi Dinh bị ném bom 1962 Văn phòng Tổng thống đã chuyển hết sang Dinh Gia Long, Dinh cũ bị san bằng để xây dinh hoàn toàn mới. Hơn nữa Trưng bày lại muốn hướng nhiều đến giới công chúng trẻ. Họ đòi hỏi một cái gì mới mẻ, hấp dẫn và trực tiếp được trải nghiệm.Trong bối cảnh ấy, việc lựa chọn công nghệ là một giải pháp hợp lý nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức như dùng công nghệ để chuyển tải câu chuyện như thế nào cho hấp dẫn, không đơn điệu. Trưng bày đã lựa chọn 2 công nghệ tiên tiến nhất là trình chiếu video clip và màn hình tương tác. Trong phòng trưng bày về chế độ gia đình trị của Tổng thống Ngô Đình Diệm người xem được trải nghiệm cả 2 công nghệ này. Một màn hình lớn trình chiếu liên tục những hình ảnh của các thành viên gia đình họ Ngô, gồm cả gia đình thông gia tham gia các hoạt động trong đời sống chính trị ở Sài Gòn thể hiện đậm nét tính gia đình trị mà đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự mâu thuẫn và sụp đổ của chế độ này. Một màn hình khác người xem có thể tự chọn những chủ đề khác nhau nói về chế độ gia đình trị này.
Cách trưng bày truyền thống với những tấm ảnh, tài liệu cùng với các thông tin đi kèm đã được đổi mới với những thủ pháp trưng bày về đồ họa hoàn toàn mới mẻ, bắt mắt. Trưng bày ưu tiên cái đẹp. Các bức ảnh chất lượng cao được phóng to tạo cảm giác thực. Trên một số mảng tường chữ viết, các con số năm tháng được in to đập ngay vào mắt và gây sự chú ý với người xem.
Để đảm bảo tính trung thực của lịch sử các sự kiện, tư liệu, hình ảnh nêu ra trong trưng bày đều được kiểm chứng từ tư liệu gốc hoặc được sự thẩm định của các chuyên gia có thẩm quyền ở từng chuyên ngành. Có thể nói lần đầu tiên một cuộc trưng bày bảo tàng thực hiện nghiêm chỉnh việc tôn trọng luật bản quyền. Các ảnh, tư liệu lịch sử được sử dụng đều có nguồn gốc hoặc mua bản quyền. Trưng bày sử dụng ảnh gốc, tuyệt đối không dùng ảnh copy lấy trên mạng hay sao chép tùm lum từ sách báo. Ảnh, tư liệu đa phần đều lấy từ lưu trữ; vì vậy, chất lượng hình ảnh rõ nét, có thông tin chính xác.
Trải nghiệm được chú trọng
Để tránh sự nhàm chán, đơn điệu trải nghiệm và khám phá là một yêu cầu cao đặt ra với trưng bày này. Người xem được khuyến khích và có nhiều cơ hội thực hành tương tác ngay trong trưng bày. Các sự kiện, hiện vật được nêu ra với nhiều góc cạnh khác nhau giúp người xem tự chiêm nghiệm, suy nghĩ. Có những hiện vật không được phô bày trực tiếp nhưng mỗi khi người xem tác động vào một điểm nào đó trên mặt tủ thì cánh tủ tự bật ra, bất ngờ xuất hiện một hiện vật mang tính đại diện gắn với nhân vật trên bức ảnh như một khẩu súng ổ quay với Trần Lệ Xuân, một gạt tàn thuốc lá với Ngô Đình Nhu, một cơi trầu với Ngô Đình Cẩn, một máy ảnh với Ngô Đình Diệm.
Tự trải nghiệm và khám phá trên màn hình cảm ứng là một hoạt động quan trọng trong trưng bày. Mỗi màn hình có 2 lựa chọn chính (nội dung và trò chơi). Trong thực đơn về nội dung lại có nhiều lựa chọn dành cho những người xem muốn tìm hiểu thông tin sâu về các sự kiện. Chẳng hạn trong phần Đời sống Sài Gòn có một màn hình cảm ứng, khách có thể tự tìm chọn để nghe những video clip kể về từng nhân vật tình báo như Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Trần Kim Tuyến và Rufus Phillips mà mình quan tâm. Hoặc ở một màn hình khác khách có thể tự chọn để xem về lịch sử Ấp chiến lược hay đời sống của Sài Gòn khi văn hóa Mỹ bắt đầu tràn vào…
Bảo tồn không gian di sản
Khách thăm Trưng bày Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc lập không những khám phá nội dung lịch sử mà còn được thưởng thức không gian của một tòa nhà được xây dựng từ thời thuộc địa. Những người làm trưng bày ngay từ đầu đã có ý thức và tổ chức cách làm để cho việc trang trí nội thất và trưng bày không ảnh hưởng đến cấu trúc của tòa nhà di sản. Có nhiều giải pháp để trưng bày không can thiệp vào di sản kiến trúc như giữ nguyên các buồng và hành lang của tòa nhà; việc sử dụng các tấm trưng bày bằng kính mà người làm đồ họa thể hiện sao cho người xem vẫn có thể nhận ra những đường nét của các cửa chớp xưa được nhìn xuyên từ kính hay đặt khéo vừa vặn vào khuôn cửa sổ; các hoa văn trang trí xưa được làm nổi bật với sắc màu trắng; cầu thang và của sổ kính lấy ánh sáng được giữ nguyên vẹn… Trong bối cảnh nhiều ngôi nhà cũ có giá trị di sản kiến trúc dễ dàng bị phá huy hay làm biến dạng hiện nay thì cách tôn trọng kiến trúc xưa trong trưng bày này như một tính mới, một lời kêu gọi hay một mẫu mực về sự cần thiết phải biết tôn trọng những di sản kiến trúc khi sử dụng hay tu bổ di tích.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam