Lễ Yến lão đầu xuân ở Quỳnh Lập

Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, bên cạnh việc thăm hỏi chúc mừng người thân và mừng tuổi cho trẻ em thì việc tổ chức Mừng Thọ (còn gọi là Yến Lão) cho người cao tuổi cũng được đông đảo tầng lớp nhân dân và chính quyền, Hội Người cao tuổi xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An hết sức quan tâm.

Thực ra, phong tục Mừng thọ đã có từ xa xưa. Nhưng trải qua một thời kỳ dài đất nước xảy ra chiến tranh, kinh tế gặp nhiều khó khăn nên tục lệ này tạm thời có lúc gián đoạn và lắng xuống. Nay đời sống ngày càng được cải thiện và có điều kiện phát triển nâng cao nên con cháu càng có ý thức thể hiện hướng về cội nguồn. Tuổi già là tuổi Thiên tước (tuổi trời ban). Có được tuổi thọ cao là một niềm vui lớn và rất đáng tự hào theo quan niệm của người Việt Nam. Vì vậy, việc tôn trọng người già đã trở thành một phương châm xử thế, một tiêu chuẩn đạo đức, một nét văn hóa của cư dân làng xã nơi đây. Đổi lại, tuổi già “Sống vui, sống khỏe, sống có ích” luôn là tấm gương sinh động cho con cháu học tập noi theo. Hơn nữa, các cụ là bậc sinh thành, nuôi dưỡng nên các thế hệ hậu sinh, có nhiều đóng góp to lớn cho gia đình và quê hương, đất nước. Trong họ chứa đựng nhiều tri thức và các kho báu kinh nghiệm, bởi vậy tôn trọng người già là điều rất đáng quý và trân trọng. Để thể hiện tình cảm đó, con cháu thường chọn tổ chức mừng thọ cho các cụ cao tuổi vào dịp đầu Xuân – thời điểm đánh dấu mốc đầu năm, lúc gia đình quây quần đoàn tụ sum vầy trong không khí và thời tiết ấm áp trong lành.

Nói là dịp đầu năm nhưng Lễ Mừng thọ thường được tổ chức từ khoảng mồng Hai đến mồng Bốn Tết Nguyên đán - trong kỳ Nhà nước quy định nghỉ lễ Tết. Trong gia đình, dòng tộc tùy theo hoàn cảnh mà “tùy gia phong kiệm”, “Giàu làm kép, hẹp làm dơn”. Việc Mừng thọ ở mỗi gia đình có những sắc thái riêng, không theo khuôn khổ nhất định nào. Con cháu sắm sửa mâm cỗ, xôi, chè, hoa quả, bánh kẹo, trầu rượu dâng lên ông bà cha mẹ và mời bạn bè thân hữu đến chia vui. Họ đến cùng với những lời chúc thân tình, kèm theo bức đại tự, bài thơ, câu đối, quần áo mới, quà cáp, các kỷ vật để tỏ lòng hiếu kính lên các cụ...

Lễ Mừng thọ của Hội Người cao tuổi xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An (Ảnh: TL)

Ngoài Lễ Mừng thọ tự nguyện ở trong các gia đình người dân thì nhiều năm gần đây Đảng ủy, UBND và Hội Người Cao tuổi xã đã quan tâm phối hợp đồng bộ, trích ngân sách địa phương, quỹ Hội và kêu gọi sự quyên góp của các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để tạo nguồn kinh phí tổ chức mừng thọ cho các cụ rất chu đáo, trang trọng. Ngày lễ đó, chính quyền các cấp, các ngành bố trí hội trường rộng. Có đầy đủ cổng chào, cờ hoa, khẩu hiệu, băng rôn, áp phích rực rỡ, bàn ghế lịch sự, loa đài, chiêng trống. Ban tổ chức phục vụ chu đáo tận tình. Trước buổi mừng thọ, con cháu đón rước ông bà, cha mẹ đến tập trung toàn chi hội Người Cao tuổi tại nhà văn hóa  xóm. Sau đó đoàn đi tiếp đến hội trường chính của xã. Khi đi, gia đình mang theo lễ vật, quà cáp để yết chung cùng dân làng (lễ lớn nhỏ, ít nhiều tùy vào lòng thành và điều kiện của từng gia đình).

Buổi lễ diễn ra trang trọng, sôi nổi với đầy đủ các thủ tục và tiết mục văn nghệ mở đầu. Tiếp đó là báo cáo, phát biểu ý kiến của đại biểu, hội viên. Tuyên dương những thành tích, đóng góp to lớn tiêu biểu của các cụ trong mọi phong trào làm kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, “ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” do Trung ương Hội Người Cao tuổi đề ra... Mọi người bày tỏ lòng biết ơn đối với họ và cùng nhau nâng ly rượu chúc mừng. Trong buổi lễ, thỉnh thoảng lại có đội nữ lễ tân đi đến các bàn dâng trầu, mời rượu ngâm thuốc bổ và bánh kẹo hoa quả lên các cụ. Không khí thật ấm áp thân thương và tự nhiên như trong một gia đình lớn. Cuối lễ hội, chính quyền và Hội Người Cao tuổi xã trao giấy Mừng thọ, phần thưởng và quà tặng cho các cụ. Những cụ có tuổi thọ cao, tùy mức độ tuổi tác mà có thể được tặng quần áo đỏ hoặc quà có giá trị cao hay thấp...

(Ảnh: TL)

Bế mạc lễ hội có yến tiệc, nghĩa là tiệc mặn. Gọi là “kính lão đắc thọ”, theo sự cung kính lễ nghi thì các cụ cao niên đáng lẽ ngồi mầm trên. Nhưng thời hiện đại, tư duy và cách nghỉ cũng đổi mới và khoáng đạt. Các cụ tự tùy nghi sắp xếp ngồi với nhau một cách xuê xoa cho hài hòa phù hợp, “đồng bàn, bất đồng tuế”, cốt vui vẻ và thân tình là chính.

Lễ Mừng thọ Người Cao tuổi ở gia đình và cấp xã của xã Quỳnh Lập từ trước tới nay được bảo tồn và phát huy tốt đẹp. Mọi người xem đây là một nét đẹp văn hóa “uống nước nhớ nguồn”, nghĩa cử kính trọng người già rất đáng được tôn vinh và trân trọng.

Trương Quang Thứ

Top