Đôi nét về dân tộc X'Tiêng ở Việt Nam

Người X’tiêng hay S’tiêng, Giẻ X’tiêng là những tên gọi khác nhau của dân tộc X’tiêng - tên chính thức của Nhà nước Việt Nam đặt cho cộng đồng này.

Năm 1999, người X’tiêng ở nước ta có khoảng 66.788 người, nhưng mười năm sau đó, đã lên tới 85.436 người, cư trú tại 34 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Tuy nhiên, địa bàn cư trú truyền thống của người X’tiêng là Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai. Lâm Đồng và Bình Dương dân số X’tiêng rất ít, khoảng 150 đến gần 400 người. Ở Campuchia, có khoảng 6500 người X’tiêng sinh sống, theo con số thống kê năm 1988.

Người X’tiêng nói ngôn ngữ Môn - Khơ me, thuộc ngữ hệ Đông Nam Á.

Về hình thái kinh tế, có thể tạm chia thành 2 nhóm X’tiêng. Nhóm Bù Đêh ở vùng thấp, biết làm ruộng nước dùng trâu, bò kéo cầy từ khá lâu. Nhóm Bù Lơ ở vùng cao, làm rẫy là chủ yếu, sống gần gũi với người M’nông và người Mạ.

Trang phục đàn ông dân tộc X'Tiêng.

Thức ăn chủ yếu của họ là gạo, rau, cá, tôm. Trước đây, người X’tiêng thường ăn bằng tay, gần đây họ đã ăn bằng bát, đĩa. Rượu cần là sở thích của người X’tiêng trong những dịp lễ hội.

Ngày nay, người X’tiêng ở nhiều vùng đã định canh, định cư. Từng gia đình làm nhà ở riêng. Họ Điều là dòng họ phổ biến của người X’tiêng. Làng X’tiêng có truyền thống tự quản, đứng đầu là một già làng am hiểu tập tục, có uy tín lớn trong cộng đồng và tháo vát trong cách giải quyết những công việc có liên quan tới làng – nơi họ đứng đầu và được tôn vinh là già làng. Già làng là người giàu có. Sự giàu có được tính bằng số lượng hơn thua là trâu, bò, chiêng, cồng, ché, vòng trang sức và nhiều vật dụng khác.

Người X’tiêng ưa thích âm nhạc. Nhạc cụ phổ biến là chiêng bộ, gồm 6 cái. Chiêng không được gõ ở ngoài nhà, trừ ngày lễ đâm trâu. Chiêng dùng trong lễ hội, trong việc hóa giải xích mích, bất đồng giữa các gia đình. Ngoài chiêng còn có cồng, khèn bầu cũng được người X’tiêng ưa thích. Diều là trò chơi phổ biến của người X’tiêng vào mùa khô hạn, dường như có liên quan tới tín ngưỡng, quan niệm của cộng đồng đối với trời.

Trong hôn nhân và gia đình, người X’tiêng không lấy vợ, lấy chồng cùng huyết thống. Họ cưới xin khác dòng, thường con trai tuổi từ 19 đến 20 và con gái từ 15 đến 17 đã bắt đầu tìm bạn đời. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cưới xin chưa đến tuổi thành niên, vi phạm luật hôn nhân và gia đình, gây nên sự sứt mẻ trong quan hệ chồng vợ sau này. Những trường hợp ấy không nhiều, đặc biệt là những năm gần đây, khi ý thức của cộng đồng ngày được nâng cao, đời sống văn hóa tiến bộ đã đi sâu vào làng xóm, pháp luật được phổ biến sâu và rộng hơn.

Tàn dư của chế độ mẫu hệ vẫn còn đọng rõ trong hôn nhân của người X’tiêng. Sau lễ cưới, chú rể về nhà cô dâu. Tuy nhiên, chế độ ấy ngày một tàn phai, khi rất nhiều vùng của người X’tiêng, con gái cũng về làm dâu bên chồng.

Nhà ở của người X’tiêng không đồng nhất giữa các vùng. Ở Bù Lơ, người X’tiêng làm nhà đất dài với gia đình lớn theo chế độ phụ hệ. Ở Đăckia, người X’tiêng cư trú trong nhà sàn nhà đất ngắn với gia đình nhỏ làm hạt nhân. Ở Bù Đeh, người X’tiêng lại sống trong nhà sàn dài với gia đình lớn theo chế độ mẫu hệ.

Sự khác biệt ấy đã tạo nên tính đa sắc trong đời sống vật chất và tinh thần của người X’tiêng, cho dù cộng đồng của họ không quá lớn như một số dân tộc anh em khác đang sinh sống và làm việc trên mảnh đất Việt Nam hình chữ S thân yêu.

Nhà đất, nhà sàn, nhà dài và nhà ngắn, những bộ khung nhà của người X’tiêng đều dựa trên cơ sở vì 2 cột (không có kèo). Dựa vào cấu tạo của bộ khung nhà đất của người X’tiêng hiện nay thì thấy nhà đất của họ rất thô sơ. Nhà đất chỉ như một cái chòi, mái được kéo tới gần sát mặt đất, cửa ra vào rất thấp, mở ở hai đầu hồi và một cửa ở mặt trước. Mái trên cửa phải cắt bớt hoặc làm vòng như nhà của dân tộc Mạ.

Thiếu nữ dân tộc X'Tiêng.

Trang phục của người X’tiêng khá đơn giản, không cầu kỳ và sặc sỡ như một số dân tộc anh em khác sống ở vùng núi Đông và Tây Bắc Việt Nam, cả với một số cộng đồng ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đàn bà, phụ nữ X’tiêng mặc váy, đàn ông, thanh niên đóng khố. Mùa đông được choàng thêm một tấm vải để chống rét. Trang phục truyền thống này giờ đây cũng bị mai một do sự xâm nhập của trang phục hiện đại từ thành phố và dân tộc đa số xâm nhập. Đây cũng chỉ là một phần trong nhiều giá trị bản sắc văn hóa khác của người X’tiêng đã mất đi trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, kinh tế phát triển. Mặt khác để có thể gìn giữ được truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc trước vận hội đổi thay do mở cửa, hội nhập mang lại, không chỉ có ở người X’tiêng, mà còn rất nhiều dân tộc thiểu số khác, nếu không có sự định hướng, can thiệp từ nhà nước, chắc chắn nhiều giá trị văn hóa bản sắc của cộng đồng sẽ bị mất đi mà không thể cứu vãn nổi, dẫu sự giàu có của đất nước sau này có trở thành một con rồng của châu Á.  

Tôi cũng ít còn thấy người X’tiêng đeo hoa tai bằng gỗ, bằng ngà voi, mà lại thấy chúng ở những cửa hàng buôn bán đồ dân tộc học ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh - dẫu không phải là những cổ vật để quản lý theo Luật Di sản Văn hóa nhưng được người nước ngoài mua làm quà lưu niệm, mua để xây dựng những bộ sưu tập cá nhân, thiết nghĩ cũng là những mất mát lớn, xuất phát từ tâm lý không thích dùng của đồng bào, đối với những trang sức truyền thống của cộng đồng. Bảo tồn và lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của người X’tiêng nói riêng, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung, trước hết phải bắt nguồn từ ý thức và sự giác ngộ của chính cộng đồng. Tuy nhiên, để có ý thức và sự hiểu biết, giác ngộ giá trị bản sắc ấy, đương nhiên phải có chương trình giáo dục thường xuyên, sâu rộng trên mọi phương tiện và phương diện. Công việc đó thuộc về ngành Di sản Văn hóa từ Trung ương đến địa phương, từ mọi cấp, mọi ngành với sự đầu tư tiền của, công sức thích đáng và đúng phương pháp. Tôi nghĩ rằng, sự mất mát những giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam nói chung, của các dân tộc thiểu số nói riêng đã và đang được báo động khẩn cấp. Xin hãy quan tâm tới những lời cảnh báo, qua những công việc hàng ngày để góp sức cho cộng đồng giữ gìn văn hóa truyền thống của họ. Đó chính là tài sản mà họ có thể khai thác sau này để phát triển bền vững hơn.

TS Phạm Quốc Quân

Top