Xuân về nằm chiếc đệm bông

Cha giúp đẵn cây dựng khung dệt vải Mẹ nhặt củ nâu giúp nhuộm sợi se dây Em cắt hoa gianh trên nương cỏ thấp Em chặt hoa lau phấp phới đồi cao Hoa gianh nhỏ trắng mềm trên má Bông lau to, xám mượt, dịu dàng Em nhặt góp hoa suốt thời thiếu nữ Em dệt hoa, khâu đệm chờ anh.

Lâu nay, trên Tây Bắc vẫn lưu truyền câu khẩu ngữ “Ăn Mèo, ngủ Thái…” với nghĩa là: ăn thì nên chọn đồ ăn của người Mèo (tên gọi khác của người HMông) vì thực phẩm của người Mèo đều được nuôi trồng tự nhiên trên vùng nương cao nên rất ngon. Còn ngủ, thì nên chọn cách ngủ của người Thái, vì người Thái đã tự đãi mình cách ngủ nơi chăn ấm, đệm êm từ rất lâu đời.

Trong mỗi ngôi nhà sàn của người Thái thường dùng rất nhiều chăn đệm. Với tập quán ở nhà sàn để tránh ẩm thấp và thú dữ. Người Thái thường trải đệm bông ngay trên sàn nhà để ngủ. Nhà có bao nhiêu người thì ít nhất mỗi người cũng phải có một bộ đệm chăn, nếu có điều kiện thì nhiều người còn trải đến hai, ba tầng đệm để nằm cho thêm ấm, thêm êm. Đêm ở vùng núi cao thì dù là giữa mùa hè thì nhiệt độ vẫn xuống rất thấp nên người ta thường ngủ đệm quanh năm. Ngoài chăn đệm mà chủ nhà đang dùng thì bao giờ ở vách tường phía đầu chỗ ngủ hoặc trên gác của nhà người Thái nào cũng còn dự trữ thêm vài đôi đệm, cặp chăn. Đây là số đệm chăn để dành cho khách đến chơi nhà. Mà những dịp nhà người Thái đón khách đến chơi và ngủ lại thăm nhà cũng thường xuyên. Ấy là khi chàng trai trẻ bản bên lên nhà xin ở rể ngoài. Là những dịp lễ Tết, là khi nhà làm lễ cưới, lễ tang, lễ cúng vía người ốm, lễ đầy tháng cho con… họ hàng, con cháu trở về tề tựu. Là lúc có người bạn xa cách đã lâu đến chơi ngủ thăm để tâm sự, ôn lại chuyện thiếu thời. Đôi khi là một người khách lạ lỡ độ đường… chủ nhà sẽ ân cần tiếp đón, đêm về chỉ trải thêm mấy bộ đệm chăn bên gian cho khách.

Đệm chăn cần dùng nhiều như vậy, nên trước đây người con gái Thái nào khi về nhà chồng cũng mang theo vài bộ. Cũng vì làm nhiều nên kỹ thuật làm chăn làm đệm của người Thái cũng theo đó mà càng tinh tế, tài hoa.

 Mặt đệm thường được làm bằng vải bông dệt thô, sử dụng kỹ thuật khâu giấu  bên trong bằng sợi chỉ to chuốt sáp ong bền chắc. Khâu dòng chỉ một, chia đoạn cho bằng; khâu tiếp dòng hai - kết vòng chắc chắn, khâu dòng thứ ba - múi vuông đều đặn… Những vòng chỉ được kết nút đôi chắc chắn cùng với sợi chỉ chăng ngang thân đệm có tác dụng chia không gian bên trong chiếc đệm thành những khoang nhỏ hơn, để giữ cho đám bông sau khi được nhồi vào không bị vón cục, xô lệch, giữ cho chiếc đệm có độ dày như mong muốn. Cạnh đệm thường được làm bằng vải “khít” (vải thổ cẩm nền đỏ tươi dệt hoa văn cầu kì) may nối vào hai mặt của nền đệm.

Ruột đệm thường được nhồi bằng bông hoa của cỏ lau và cỏ gianh, sau này thì có thêm bông gạo.

Tổ tiên của người Thái chắc chắn cũng đã phải trải qua rất nhiều năm rút kinh nghiệm mới có thể chọn được hoa của hai loại cỏ này giữa hàng trăm loài hoa, loài cỏ hàng năm vẫn nở đầy trên các cánh rừng Tây Bắc để làm nguyên liệu nhồi đệm. Để rồi đem được hết cái ấm êm, dịu dàng của tự nhiên ấy vào trong chỗ ngủ của chính mình.

Hoa của cỏ lau hoặc cỏ gianh được khai thác mang về làm đệm đẹp nhất là những bông hoa mới nở chưa lâu, khi bông hoa đã vươn hẳn ra khỏi cuống lá. Vào giai đoạn này hoa còn mềm dẻo nên sau khi phơi khô dưới nắng sẽ tơi xốp, thơm tho mùi nắng mà không bị vụn. Bông lau thì được bỏ bớt những cuộng cứng, còn bông gianh thì được giữ nguyên. Ngày trước, vì người dân miền núi có thói quen đốt nương làm nương rẫy nên ở những vạt nương cũ mới bị bỏ, cỏ gianh sẽ nở bạt ngàn hoa vào những độ tháng 3 tháng 4, cỏ lau cũng mọc rất nhiều ở những triền đồi tái sinh tán thấp. Bởi vậy, việc lấy đủ bông để làm đệm cũng không quá khó khăn.

Bông gạo là thứ bông tách ra từ quả già của cây gạo hoa trắng. Bông gạo trắng mịn, xốp mềm, hơi trơn, ít thấm nước và nhẹ hơn bông lau, bông gianh nhiều lần nên rất phù hợp cho việc nhồi vào chiếc đệm nằm. Nhưng đây cũng là loại bông khó kiếm và đắt đỏ nên chỉ một số nhà có điều kiện mới làm được đệm bông gạo.

Ống của cây nứa dóng dài, rỗng ruột và một thanh mây hoặc đoạn sặt nhỏ được lấy từ rừng chính là trợ thủ đơn giản và thông minh mà người phụ nữ Thái dùng để hỗ trợ mình trong công đoạn nhồi đệm. Từng nắm bông sẽ được vò mềm và nhét qua ống nứa đến tận phía trong cùng của đệm rồi lùi dần ra. Cần phải có cảm nhận tốt để nhồi được những múi đệm nổi vuông đều đặn, lượn sóng. Tay của người nhồi đệm cũng cần đủ khỏe để nhồi được tấm đệm có độ cứng và độ chặt vừa phải. Có thế thì tấm đệm mới không bị dão mềm, xộc xệch sau nhiều năm sử dụng. Đệm nhồi xong được khâu dựng cạnh lên cho sắc, cho vuông. Rồi đem ra phơi nắng cho bông đều, dùng que nhỏ đập đập trên mặt để phủi bụi, cuộn tròn lại gọn gàng chờ ngày theo người con gái sang nhà chồng.

“…Em theo anh lên nhà trên thành con thành cháu

Em về nhà anh gánh gánh, gồng gồng

Ông mối đi đầu gánh đôi bung đồ lễ

Gánh đôi bem đựng áo, đựng khăn

Gánh đến mười đôi đệm lau viền đỏ

Gánh cả mười đôi chăn ấm mặt hoa

Đôi này tạ mẹ nuôi anh khôn lớn

Đôi này ơn bác cả nhà bên

Đôi này tặng bà cô, bà thím…

Đôi này cho chỗ ngủ đôi mình

Trải đệm xuống cho nàng dâu mới

Phúc nhà ta thêm con thảo cháu hiền

Trải đệm chồng, chồng trên đệm vợ

Cầu cả đời hòa hợp ấm êm

Đệm viền đỏ, nên má em cũng đỏ

Trong tiếng mừng “... sinh được cả gái trai”.

DUYÊN BẠC THÙY

Có thể bạn quan tâm

Top