Lễ kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia

Tối 30/11, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, số 22 phố Hàng Buồm, UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia và 20 năm hoạt động không gian đi bộ.

Dự Lễ kỷ niệm có đại diện lãnh đạo TP Hà Nội, nguyên lãnh đạo TP Hà Nội các thời kỳ và các cơ quan hữu quan; lãnh đạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội); lãnh đạo Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Sử học Việt Nam; các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sử học, nhà khoa học, những người có đóng góp vào sự phát triển của Khu phố cổ Hà Nội…

Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, Khu phố cổ Hà Nội là một quần thể quy hoạch kiến trúc độc đáo, minh chứng cho quá trình hình thành và phát triển đô thị sớm nhất và sầm uất nhất của Việt Nam; nơi đây tập trung nhiều phố nghề truyền thống, di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc gắn liền với lịch sử của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Các giá trị của Khu phố cổ Hà Nội là yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị của Thủ đô. Đây không chỉ là những di tích, ngôi nhà cổ với những đặc thù về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc - với những dấu tích lịch sử mà còn là những giá trị văn hóa tồn tại bên trong từng ngôi nhà, từng gia đình, từng con người thông qua những nét sinh hoạt thường nhật, nghệ thuật ẩm thực, cùng với lễ hội truyền thống...

Khu Phố cổ Hà Nội đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách

Cũng theo ông Long, trong nhiều nhiệm kỳ qua, quận Hoàn Kiếm đã tập trung chỉ đạo trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản với việc cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang mặt đứng các tuyến phố, đồng thời di chuyển hàng trăm hộ dân với gần một nghìn nhân khẩu và trùng tu nhiều di tích tiêu biểu như: đền Bạch Mã, đình Kim Ngân, đền Quan Đế, hội quán Quảng Đông, hội quán Phúc Kiến... Từ đây các không gian tín ngưỡng tôn giáo được phục hồi đã trở thành các thiết chế văn hóa cho người dân, điểm tham quan cho du khách tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội, trở thành nơi thu hút văn nghệ sỹ trong nước và quốc tế đến trình diễn nghệ thuật tại thủ đô...

Trong năm 2004, quận Hoàn Kiếm cũng đã tổ chức không gian đi bộ đầu tiên kết hợp với phát triển dịch vụ - thương mại - du lịch ở Hà Nội trên tuyến phố Hàng Đào - Đồng Xuân. Lần lượt các năm 2014 có thêm không gian đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội và năm 2016 không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận tiếp tục được mở ra đã trở thành điểm hút khách du tịch của thủ đô. Tiếp đó năm 2020, việc mở rộng không gian đi bộ từ khu vực phía Nam Phố cổ kết nối khu vực phía Bắc hồ Hoàn Kiếm nhằm tạo sự kết nối giữa 2 không gian đi bộ đã đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoại, du lịch văn hóa và mua sắm, ẩm thực. Kinh tế xã hội của quận Hoàn Kiếm đã có nhiều thay đổi, thu ngân sách  quận luôn là đơn vị đứng đầu của thành phố. Năm 2004 số thu là 221.375.000.000, năm 2014 số thu 3688.489.000.000 và năm 2024 sẽ đạt 21.800 tỷ.

“Tuy nhiên, so với tiềm năng của khu phố cổ và các không gian đi bộ vẫn còn có thể khai thác được hiệu quả và bền vững; những thách thức mà công tác bảo tồn đang đối mặt. Kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia và 20 năm hoạt động không gian đi bộ là dịp để quận Hoàn Kiếm điểm lại những dự án, những hoạt động đã triển khai; đồng thời, đưa ra những định hướng, kế hoạch tiếp tục thực hiện trong việc bảo tồn, phát huy giá trị khu Phố cổ Hà Nội cũng như tổ chức hiệu quả các không gian đi bộ, không gian công cộng theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và đặc biệt là thực hiện Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 01/01/2025” , ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.

UBND TP Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm trao Bằng khen cho một số tập thể và cá nhân có đóng góp tích cực vào hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Khu phố cổ Hà Nội.

Nhân dịp này, quận Hoàn Kiếm tổ chức trưng bày giới thiệu một số hình ảnh, dự án, hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Khu Phố cổ Hà Nội và hoạt động của không gian đi bộ trên địa bàn quận tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm từ ngày 01-15/12/2024. 

Ngoài ra, Quận tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc truyền thống, triển lãm, trải nghiệm giới thiệu Làng nghề - Phố nghề… tại Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm từ ngày 29/11 đến ngày 01/12/2024 tại các địa điểm: Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội số 50 phố Đào Duy Từ, Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây, đình Kim Ngân số 42 - 44 phố Hàng Bạc từ ngày 29/11 đến ngày 15/12/2024.

Cũng nhân dịp này, UBND TP Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm đã trao Bằng khen cho một số tập thể và cá nhân đã có đóng góp tích cực vào hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Khu phố cổ Hà Nội.

Ngày 05/4/2004 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 184/2004/QĐ-BVHTTDL xếp hạng và công nhận khu phố cổ Hà Nội là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, ghi dấu ấn quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản tại nơi đây. Được sự quan tâm của Thường trực thành ủy Hà Nội, Ngày 27/8/2007 UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định số 3414/QĐ-UBND bàn giao Ban quản lý Phố cổ Hà Nội về cho quận Hoàn Kiếm. 

Bài và ảnh: Quỳnh Hương

 

 

 

 

 

 

 

 

Top