Rija Nagar, lễ hội đầu năm của đồng bào Chăm vùng Panduranka

Rija Nagar, Lễ tống ôn đầu năm của đồng bào Chăm vùng Ninh-Bình Thuận, được tổ chức hàng năm vào tháng Giêng Chăm lịch. Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất và mang đậm tín ngưỡng dân gian của người Chăm Bà la môn và Chăm Hồi giáo ở Ninh Thuận và Bình Thuận.

Rija Nagar mở đầu cho hàng loạt lễ hội trong năm của người Chăm. Lễ được tổ chức nhằm cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng được sống ấm no hạnh phúc, cũng như tẩy uế những cái xấu xa của năm cũ để đón lấy những điều may mắn trong năm mới. Rija Nagar được tổ chức trong hai ngày và dành cho cả cộng đồng Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Cộng đồng Chăm Ahier (Chăm ảnh hưởng Bà la môn) tổ chức vào ngày thứ tư và thứ năm, còn Chăm Awal (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo) tổ chức vào ngày thứ năm và thứ sáu trong tuần và bắt đầu bằng các ngày lẻ trong tháng Giêng. Lễ hội diễn ra trong một nhà lễ (kajang), chủ lễ là ông Ka-ing và thầy vỗ Maduen, ngoài ra còn có nghệ nhân đánh trống Ginang, thổi kèn Saranai. Nói đến nội dung Lễ hội Rija Nagar, người Chăm có câu “ngày vào cúng gà - ngày ra cúng dê” hay “ngày vào cúng thần mới - ngày ra cúng thần cũ”. Ngày đầu của Rija Nagar là lễ cúng thần mới. Lễ vật cúng là bàn tổ gồm một thôn trầu, rượu, trứng cùng các món cúng như xôi, chuối, gà. Khi tiếng trống ngân lên, tiếng kèn Saranai réo rắt là lúc buổi lễ bắt đầu với điệu múa khoan thai của ông Ka-ing. Khi đó, thầy vỗ Maduen với chiếc trống Baranâng trên tay vừa vỗ vừa hát những bài thánh ca nói lên công trạng của các vị thần, đồng thời mời các ngài về dự lễ.

Không gian Lễ hội Rija Nagar

Lễ hội Rija Nagar ở mỗi làng Chăm tự tổ chức tại đền thờ của làng. Họ dựng một cái nhà lễ (Kajang) bằng tấm liếp đan tre, lợp mái, chỉ mở một lối ra vào ở hướng Đông. Trong nhà lễ có trang trí một tấm màn màu trắng gọi là Lemlin biểu tượng cho bầu trời. Ở phía Tây nhà lễ có treo một tấm trướng (Panil) miêu tả những hoạt cảnh sống động trong cuộc sống và lao động thường ngày. Đặt biệt, có một cái cỗ bồng trầu (Thong Hala) đựng trầu cau đã được têm sẵn.

Ông thầy Ka-ing cầm roi múa điệu múa dâng thần Po cei Tathun

Người chủ lễ trong buổi lễ Rija Nagar là ông Maduen, có nhiệm vụ thực hiện việc thỉnh mời thần linh, vỗ trống Paranưng hát các bài thánh ca kể về tiểu sử và công đức của các vị thần linh. Song hành với ông Maduen là ông Ka-ing có vai trò như một vũ công múa dâng lễ. Mỗi vị thần linh có tước vị, tính cách, trang phục khác nhau. Do đó, khi múa ông Ka-ing cũng hoá trang, nhập vai và mang theo những đạo cụ khác nhau để diễn tả về các đặc điểm, phong thái của các vị thần linh. Đánh nhạc cho ông Ka-ing múa là một ban nhạc lễ, gồm có hai nhạc công đánh trống Ginang, một nhạc công thổi kèn Saranai. Khi ông Ka-ing hoá thân vào thần linh nào thì ban nhạc tấu lên những bản nhạc dành riêng cho từng vị thần linh đó.

Ông Ka-ing đang múa điệu múa dâng thần Po Tang Ahaok

Mở đầu nghi lễ Rija Nagar chức sắc Maduen đốt trầm hương, rót rượu mời thần linh và khấn cầu những điều tốt lành cho dân làng. Lần lượt từng vị thần linh được ông Maduen mời đến chứng giám và nhận lễ, chức sắc Ka-ing nhập vai, hoá trang vào thần linh múa mừng theo từng nhịp trống, tiếng kèn của ban nhạc lễ. Diễn tả nhân vật Po Tang Ahaok, ông Ka-ing mang áo màu đỏ, quấn khăn màu đỏ tay cầm cây mía biểu tượng cho mái chèo làm động tác chèo thuyền một cách dũng mạnh vượt qua bao sóng to gió lớn, chiến thắng trước biển cả mênh mông, hoá thân vào nhân vật Po Cei Tathun ông Ka-ing cầm roi, múa phi ngựa hí vang trời trông oai phong như một vị tướng ra trận.

Kết thúc lễ, ông Ka-ing thả các hình nhân được làm bằng bột gạo xuống sông để trôi ra biển mang theo lời cầu nguyện của dân làng

Nhưng khi vào vai nhân vật Nữ thần Po Nai, ông Ka-ing thay trang phục nữ màu trắng, tay cầm quạt múa những nhịp điệu, bước đi nhẹ nhàng, khoan thai, uyển chuyển và quyến rũ. Người dân đi xem lễ rất phấn khích lúc chứng kiến sự thăng hoa lên đồng của ông Ka-ing nhập vai vị thần PoHaniimper, bằng đôi chân trần ông Ka-ing nhảy lên đóng lửa đang cháy để dập tắt ngọn lửa trong tiếng nhạc đánh dồn dập và sự cổ vũ hoan hô, cuồng nhiệt của dân làng. Dập tắt đi ngọn lửa như muốn dập tắt đi sự oi bức, nóng nực, khô hạn của tiết trời.

Kết thúc lễ cúng Rija Nagar, những hình nhân làm bằng bột gạo (Salih) gồm có 1 nam và 1 nữ sẽ được đem đi thả trôi sông ra biển mang theo thông điệp và lời cầu nguyện của dân làng. Sau Lễ hội RijaNagar, các gia tộc tiến hành lễ Rija Harei, ở các gia đình thì mời chức sắc PoAcar đến cúng Talak Bala Sang, đọc kinh cầu mong một năm mới bình an và hạnh phúc.

Lễ hôi Rija Nagar có tính cộng đồng cao, không phân biệt người Chăm Awal (Bà ni) hay Ahier (Bà la môn). Tất cả các làng Chăm của hai khu vực cộng đồng tôn giáo cùng tổ chức thực hiện tuy có một số chi tiết nghi thức khác nhau. Phía người Chăm Bà la môn do ông thầy vỗ (Mâduen) và ông bóng (Ka-ing), bà bóng khu vực tôn giáo (Muk Pajuw) làm chủ lễ. Phía người Chăm Bà ni chủ lễ là ông Acar Imam và ông Acar Katip là những vị chức sắc của tôn giáo Bà ni. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các nghệ nhân dân gian là các nhạc công đánh trống Ginăng, thổi kèn Saranai, đánh chiêng, trống. Ông bóng Ka-ing đóng vai trò quan trọng trong lễ, thực hiện nghi thức múa lễ và thay mặt dân làng giao tiếp với thần linh để cầu phúc, cầu mùa, cầu mưa, cầu mọi sự tốt lành cho dân làng trong năm mới. Rija Nagar cũng như các lễ Rija khác chứa đựng và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa trong đó có nghệ thuật diễn xướng dân gian, âm nhạc và múa. Tất cả các điệu nhạc trống Ginăng, một số làn điệu dân ca và các động tác múa truyền thống dân tộc Chăm hầu như đều có xuất xứ từ các lễ Rija và được bảo tồn rộng rãi trong đời sống người Chăm cho đến ngày nay. Ngoài ra, qua lễ Rija Nagar các giá trị cộng đồng được phát huy tính tích cực như tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái, tình đoàn kết xóm giềng, đoàn kết giữa các cộng đồng làng và tôn giáo khác nhau…

Bài và ảnh: HOÀNG CÔNG TÂM

 

  

Có thể bạn quan tâm

Top