Thư tịch cổ: Kho báu của đồng bào Chăm Ninh Thuận

Có thể nói ngoài hệ thống bia ký ở đền tháp, bên trong những làng đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận từ lâu nay vẫn còn lưu giữ nguồn tư liệu vô cùng quý giá, đó là thư tịch cổ. Thế nhưng, chiều dài thời gian cùng những chuyển đổi trong đời sống sinh hoạt và biến động của thời tiết đã khiến cho thư tịch cổ có nguy cơ mất dần.

Thư tịch cổ của người Chăm được viết chủ yếu trên lá buông, giấy quyến, giấy dó... đó là nơi ẩn chứa, ghi nhận những tinh túy của đời sống và văn hóa, tín ngưỡng người Chăm từ xa xưa đến nay. Qua biến đổi của thời gian, nhiều thư tịch có giá trị bị hư hỏng, mất mát. Xót lòng, nhiều người đã dốc cạn sức lực để bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp vô giá ấy.

Ông Quảng Văn Đại, người được tôn là pho tự điển sống của đồng bào Chăm Ninh Thuận

Người Chăm chủ yếu sinh sống dọc dải đất miền Trung. Từ xa xưa, tất cả các phong tục, các nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng… hiện hữu trong cuộc sống, lao động, sản xuất đều được những người có chức sắc trong các làng người Chăm ghi chép cẩn thận, chi tiết trên lá buông, giấy dó, giấy quyến. Các chất liệu này do không được bảo quản tốt, không có sức bền nên ngày càng mục nát. Trước nguy cơ ấy, tỉnh Ninh Thuận (nơi có nhiều làng người Chăm) đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm để sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa này trong quá trình tiếp xúc, giao thoa với nét đẹp trong văn hóa, tín ngưỡng của các cộng đồng dân tộc khác ở Việt Nam. 

Bà Nguyễn Thị Thu, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm cho biết: “Văn hóa Chăm, một số nét đẹp trong cộng đồng người Chăm rất cuốn hút. Càng nghiên cứu càng thấy nhiều điều thú vị. Đó là những quy chuẩn văn hóa, những quy ước đẹp trong cuộc sống. Có đến hơn 200 phong tục, lễ hội… người Chăm được lưu lại trong thư tịch. Từ mấy chục năm trước chúng tôi đã nhìn thấy những nét đẹp ấy. Rồi đến khi về làm ở trung tâm nghiên cứu này, dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhân lực ít nhưng không quản ngày đêm chúng tôi miệt mài đi khắp các làng Chăm để hướng dẫn cách bảo quản thư tịch cổ và sưu tầm lại. Bởi, người Chăm chủ yếu bảo quản thủ công bằng cách treo lên gác bếp, phơi nắng... nên “sức khỏe” của các thư tịch giảm sút nghiêm trọng. Nếu mất đi cuốn thư tịch nào nghĩa là mất thêm một kho tàng quý giá. Thế nên càng cấp thiết phải bảo tồn, biên dịch các thư tịch này ra chữ quốc ngữ”. 

Thư tịch cổ Chăm sau khi được Trung tâm lưu trữ Quốc gia II tu bổ, bồi nền và phục chế

Qua nhiều năm nghiên cứu văn hóa Chăm, thư tịch Chăm, bà Nguyễn Thị Thu quả quyết: “Kho tàng thư tịch này là tài liệu cực kỳ quí hiếm. Bởi, ngày nay những người Chăm lớn tuổi còn đọc và dịch được các thư tịch này sang chữ quốc ngữ rất hiếm. Những cuốn từ điển sống đồ sộ nhất đó là ông Quảng Văn Đại, ở thôn Chất Thường, xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận), còn ở Phú Hài (Phan Thiết, Bình Thuận) có ông Đạo Hùng Tiến cũng mê mẩn gìn giữ và dịch các thư tịch cổ người Chăm. Tuy nhiên, ông Tiến đã ngoài 90, mắt kém quá rồi. Không còn sức làm việc được mấy nữa nên tất cả người Chăm chỉ còn nhờ vào ông Quảng Văn Đại dịch là chính thôi. Vài người có nhiệt huyết với thư tịch cổ ở Ninh Thuận trước khi qua đời cũng đã trao đổi lại nhiều kinh nghiệm quý cho ông Đại”.

Người Chăm cổ có một kỹ thuật làm giấy điêu luyện và độc đáo, tiếc là nay đã thất truyền. Nguyên liệu chính để làm giấy là lá buông (loại lá phổ biến tại địa bàn cư trú của người Chăm), ngoài ra người Chăm còn làm giấy từ vỏ cây bồ đề có màu trắng đục, dày và dai, trơn mặt, ít thấm nước. Mực viết được chế từ vỏ cây akuh rất tốt vì chóng khô, đen đậm, không bay màu. Đầu bút là đầu các que tre vót nhọn và về sau sử dụng đầu kim loại.

Các thư tịch cổ nhất bằng chữ Chăm còn lại cách ngày nay khoảng 300 năm. Các cuốn sách cổ từ vài trang đến vài trăm trang giấy chứa đựng toàn bộ văn hóa Chăm với các chủ đề chính là kinh luật tôn giáo, ngoài ra còn có các nội dung về văn học, triết học, hướng dẫn nghi lễ, những bài tụng ca, lịch pháp, thiên văn, phong thủy, âm nhạc, y - dược học, pháp thuật, tử vi - bói toán, gia huấn ca… Văn học cũng xuất hiện nhiều trong các thư tịch cổ của người Chăm, trong đó có chép lại các sử thi của Ấn Độ như Ramayana, Mahabharata, Bhagavata… Bên cạnh sách cổ, các văn bia cổ chính là mảng quan trọng của văn học Chăm. Các bia ký Chămpa bằng chữ Phạn được viết chủ yếu theo những thể thơ của Ấn Độ, nội dung nhuốm màu sắc tâm linh huyền hoặc, lời thơ mỹ miều, văn hoa. Trong các sáng tác văn thơ, các tác giả Chăm thường sử dụng nhiều điển tích và ẩn dụ của văn học Ấn Độ để thể hiện sự hiểu biết và thông thái của mình. Song song với nó là một dòng văn học dân gian, với ca dao, dân ca truyền miệng bình dân gần gũi.

Người Chăm không thích nói về những điều thực tế, kỹ thuật hay vật chất. Tính đa chủ đề, khái quát được thể hiện rõ trong từng cuốn sách. Qua những cuốn sách mỏng nói về các nghi lễ tâm linh, chúng ta còn bắt gặp trong đó một bài thơ, một lời chúc phúc, vài ý tưởng, quan điểm tôn giáo, triết học…

Thư tịch cổ Chăm sau khi được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tu bổ, bồi nền và phục chế

Mấy chục năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận đã sưu tầm được 62 quyển thư tịch cổ Chăm với 3.566 trang trên các chất liệu như: giấy dó, lá buông, vải… cùng 281 cuộn phim sao chụp thư tịch cổ với nhiều nội dung về văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán người Chăm... Tuy nhiên, có nhiều văn bản quý đã và đang bị hủy hoại bởi môi trường, khí hậu, côn trùng do cách bảo quản không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, cho nên nhiều trang thư tịch cổ bị hư hại, có nhiều trang bị thủng, rách không thể tra cứu được thông tin.

Tháng 5- 2013, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II đã giúp Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận tu bổ, phục chế, bồi nền và số hóa toàn bộ số lượng thư tịch cổ đã sưu tầm được. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy Bình, Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ Văn thư lưu trữ - Chủ nhiệm Đề án “Sưu tầm tài liệu quý hiếm của Vệt Nam và về Việt Nam” cho biết, khi phục hồi thư tịch cổ Chăm, đội ngũ chuyên gia của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II vấp phải hàng loạt khó khăn vì hầu hết trang tài liệu đều trong tình trạng dòn, mủn, dính bết rất dễ rách nát. Nhiều trang bị mối, côn trùng gặm nhấm hư hại. Qua nghiên cứu, các chuyên gia đã áp dụng phương pháp vệ sinh, khử trùng nhằm loại bỏ bào tử các loại nấm mốc, côn trùng gây hại cho tài liệu; bóc tách, ủi phẳng từng tờ tài liệu bằng thiết bị chuyên dụng; bồi nền toàn bộ bằng loại hồ đặc chủng, bồi nền một mặt bằng giấy dó Việt Nam và hai mặt bằng giấy dó của Nhật. Tài liệu sau khi bồi nền được ép phẳng, xén mép từng tờ, sau đó được sắp xếp lại từng cuốn, đánh số từng trang và thực hiện số hóa theo tiêu chuẩn của ngành lưu trữ và được đóng cuốn lại như nguyên trạng.

Hiện nay Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm sẽ tiếp tục kiểm kê thư tịch cổ tại các làng Chăm để lên phương án hướng dẫn bảo quản tốt nhất. Những nghi lễ đẹp trong thư tịch cũng sẽ thường xuyên được đưa ra tổ chức tọa đàm. Đây sẽ là hoạt động khoa học thường niên phục vụ cho công tác nghiên cứu văn hóa Chăm đạt đến kết quả thiết thực, thực sự gắn với đời sống của người Chăm, trong đó tiếng nói của đội ngũ chức sắc đóng vai trò chi phối quan trọng. Đó cũng là cách làm cho thư tịch có sức sống hơn.

Bài và ảnh: HOÀNG CÔNG TÂM

Có thể bạn quan tâm

Top