Bảo tồn tiếng nói và chữ viết Dân tộc thiểu số

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trong đó dân tộc đa số là dân tộc Kinh và 53 dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở địa bàn miền núi và vùng dân tộc ở đồng bằng Nam Bộ. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu khoa học các cấp cũng như các dự án điều tra cơ bản về lĩnh vực dân tộc trong thời gian qua đã cho chúng ta một bức tranh khá sinh động về vấn đề dân tộc, cụ thể là:

- Nhìn từ góc độ phát triển kinh tế - xã hội: Các dân tộc thiểu số có trình độ phát triển thấp và không đồng đều do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân do lịch sử để lại và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Theo số liệu năm 1988 do Chính phủ công bố, trong tổng số 4.595 xã, phường, thị trấn miền núi và vùng dân tộc, chỉ có 948 xã, phường, thị trấn bước đầu phát triển, 1.932 xã, phường, thị trấn tạm ổn định, 1.715 xã đặc biệt khó khăn. Từ thực trạng này, ngày 31 tháng 7 năm 1998 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135). Hàng năm, Nhà nước đã dành cho Chương trình 135 hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng trung tâm cụm xã, đào tạo cán bộ cơ sở, quy hoạch dân cư, ổn định và phát triển sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó bộ mặt kinh tế, xã hội miền núi và vùng dân tộc nói chung, các xã đặc biệt khó khăn nói riêng đã được cải thiện đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng cao hơn.

Lễ hội Kate của dân tộc Chăm

- Nhìn từ góc độ dân tộc học: Tiêu chí để xác định một dân tộc là văn hóa, ngôn ngữ và tự giác dân tộc.

Về văn hóa: Mỗi dân tộc tùy thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể, thể hiện rất khác nhau, có những dân tộc mà nền văn hóa của họ còn bảo lưu khá rõ với sắc thái đặc trưng riêng như: Văn hóa Thái, Mường, Mông, Dao, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na…, ngược lại không ít dân tộc đã bị đồng hóa, còn bảo lưu rất mờ nhạt sắc thái văn hóa riêng của mình như các dân tộc Thổ, Ơ đu, Ngái, Sán Dìu, Sán Chay.

Về ngôn ngữ: Ban đầu các dân tộc duy trì tình trạng song ngữ, ra ngoài xã hội dùng ngôn ngữ dân tộc đa số hoặc đa số trong vùng làm ngôn ngữ giao tiếp. Ngôn ngữ mẹ đẻ chỉ sử dụng trong sinh hoạt gia đình. Sau quá trình giao lưu được đẩy mạnh thì ngay trong gia đình cũng không còn tiếng mẹ đẻ nữa. Đến nay trong số 53 dân tộc thiểu số chỉ còn 36 dân tộc có tiếng nói và 14 dân tộc có chữ viết.

Về tự giác dân tộc: Trong quá trình giao lưu, hội nhập sâu và sự đồng hóa tự nhiên, tên tự gọi dần dần mất đi và chuyển sang tên gọi mới như tên phổ biến của dân tộc đa số.

Tục đón tết của người Lô Lô ở Hà Giang

- Nhìn từ góc độ bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thiểu số: Lâu nay việc bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thường chỉ được chú ý tới các yếu tố cụ thể của văn hóa dân tộc, còn chủ thể là người sáng tạo ra các yếu tố văn hóa đó thì có khi bị lãng quên. Trong khuôn khổ có hạn của bài viết, tác giả chỉ đề cập đến vấn đề bảo tồn tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số, vì nhiều dân tộc đã mất hoặc đang mất dần ngôn ngữ mẹ đẻ. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra đối với các dân tộc khác thì cộng đồng các dân tộc Việt Nam sẽ không còn là 54 dân tộc nữa, một số dân tộc thiểu số sẽ mất trên bản đồ dân tộc Việt Nam. Vì vậy, để bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở Việt Nam, thực chất là bảo tồn các dân tộc thiểu số cần phải coi tiếng nói, chữ viết của mỗi dân tộc là di sản văn hóa cần được bảo tồn. Từ đó có chính sách mang tầm chiến lược quốc gia với giá trị khoa học và thực tiễn cao. Chính sách này đòi hỏi một nguồn lực lớn, nhất là nguồn lực về trí tuệ và tài chính. 

TS Lê Kim Khôi

Top