Bàn thêm về việc bảo vệ và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch được xếp hạng Di tích quốc gia ngày 15 tháng 5 năm 1975, tại Quyết định số 38b/VHQĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa và là Khu Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ngay từ đợt đầu, tại Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính Phủ, trở thành một trong 85 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước qua 7 đợt xếp hạng, tính đến thời điểm hiện nay.

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong các di tích lớn nhất, có ý nghĩa quan trọng nhất trong các di tích lịch sử - cách mạng của Việt Nam nói chung và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của cả nước nói riêng, với những giá trị tiêu biểu nổi bật về nhiều mặt.

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất, trong hơn 15 năm, từ 19 tháng 12 năm 1954, sau khi từ Chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội, đến ngày 2 tháng 9 năm 1969, khi Người vĩnh biệt chúng ta; nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong thời kỳ cách mạng Việt Nam thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất nước nhà.

Khu nhà Bác ở từ năm 1954 - 1958 trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Mnh tại Phủ Chủ tịch là Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh duy nhất của cả nước được bảo tồn tương đối nguyên trạng, cả các công trình kiến trúc, cảnh quan môi trường trên mặt bằng hơn 14,7 ha, diện tích được xếp hạng 22.000m2, gồm 16 công trình di tích: Nhà 54, Nhà sàn, Phòng họp Bộ Chính trị,  Nhà 67, Giàn hoa Phủ Chủ tịch, Nhà bếp A; Nhà bếp B; Nhà làm việc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Nhà ký sắc lệnh; Đường Xoài; Đường mòn Bác Hồ…và hơn 1.000 tài liệu, hiện vật gắn liền với các nhà di tích.

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi có môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp vào bậc nhất Thủ đô Hà Nội. Trong  khuôn viên Khu Di tích có 1.271 cây, với 161 loài, thuộc 54 họ thực vật; trong đó có một số loài quý hiếm được Chủ tịch Hồ Chí Minh đem từ nước ngoài về và một số cây do Người trực tiếp trồng và chăm sóc. Cùng với vườn cây, trong Khu Di tích có “Ao cá Bác Hồ”, diện tích 3.320m2, sâu 3m, có 14 loài cá thuộc 6 nhóm.

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nằm ở Trung tâm chính trị, văn hoá, lịch sử Ba Đình, gắn với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Nhà Quốc hội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Di sản Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và nhiều công trình nổi tiếng khác, tạo thành một tổng thể liên hoàn, một địa chỉ tham quan thuận lợi, hấp dẫn đối với đồng bào trong nước và bè bạn quốc tế.

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Hơn một năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ngày 25 tháng 11 năm 1970, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 206 –NQ/TW về việc thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh là tổ chức nghiên cứu, bảo vệ, bảo quản lâu dài Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và từng bước phát huy giá trị  Khu Di tích.

Công việc khoa học to lớn, quan trọng đầu tiên trong những năm đầu sau khi thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh là tập trung kiểm kê di tích, lập bản đồ hiện trạng di tích, định vị các di tích, đo vẽ, đạc họa chi tiết các di tích, chụp ảnh các di tích và hiện vật gắn liền với di tích…, theo một quy trình và phương pháp công phu, nghiêm túc với sự tham gia đầy trách nhiệm, nhiệt huyết của các chuyên gia về di sản văn hóa, các kiến trúc sư, kỹ sư, những người trực tiếp phục vụ, giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người có am hiểu sâu sắc về nơi ở và làm việc của Người, cùng với sự giúp đỡ về mặt kinh nghiệm của Bảo tàng Trung ương V.I Lê-nin. Hồ sơ về hiện trạng của Khu Di tích đảm bảo độ chính xác cao, là một sản phẩm khoa học tin cậy và quý giá, là cơ sở để chúng ta nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích.

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm.

Các thế hệ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh trước đây và Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch hiện nay có thể tự hào về những kết quả đạt được trong hoạt động bảo vệ, bảo quản, nghiên cứu và phát huy giá trị Khu Di tích. Trong gần 50 năm qua, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã đón trên 50 triệu lượt khách, trong đó có khách của 160 nước, các tổ chức quốc tế , các nguyên thủ quốc gia, các đoàn đại biểu của các nước; tổ chức hàng trăm sự kiện, nhất là phục vụ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”. Đó là bằng chứng sinh động về sức sống trường tồn của Khu Di tích quốc gia đặc biệt này. Ít có một di tích nào có được những lợi thế như Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Nhằm tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới xin có một số đề xuất như sau:

 Một là, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cần tổng kết, đánh giá một cách toàn diện và cụ thể các mặt hoạt động trong gần 50 năm qua, để từ đó khẳng định những ưu điểm, chỉ ra những thiếu sót và hạn chế, tìm ra nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị Khu Di tích trong thời gian tới. Theo đó, cần thiết phải xây dựng chương trình, kế hoạch toàn diện và cụ thể cho 5-10 năm tới.

Hai là, cần thiết phải xem xét, đánh giá cụ thể thực trạng của Khu Di tích hiện nay so với Hồ sơ của Khu Di tích đã được xây dựng trước đây, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời; để từ đó thấy được cái gì còn được bảo tồn nguyên vẹn như xưa, cái gì đã bị thay đổi và thay đổi đến mức độ nào; làm rõ nguyên nhân vì sao có sự thay đổi đó. Nếu như sự thay đổi đó không phù hợp với các nguyên tắc về bảo tồn di tích, làm tổn thương đến việc bảo tồn nguyên trạng Khu Di tích thì cũng nên nghiêm túc sửa chữa vì lợi ích chung của khoa học bảo tồn di tích.

Cần phải nói thêm rằng, việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hoá nói chung ở nước ta trong thời gian qua; một số di tích, trong đó có di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự biến dạng, sai lệch nguyên trạng, để lại những hậu quả rất đáng tiếc. Nguyên nhân của tình hình trên là do sự chủ quan, duy ý chí, thiếu hiểu biết, không tuân thủ những yêu cầu nghiêm túc về khoa học bảo tồn di tích …

Ba là, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, khôi phục trưng bày nội thất các nhà di tích, đảm bảo phát huy giá trị một cách hệ thống, đồng bộ, toàn diện Khu Di tích, trong đó có Di tích Nhà làm việc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một thời gian dài làm việc tại ngôi nhà này, do vậy phải coi Di tích này vừa có ý nghĩa là Nhà lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vừa là một bộ phận hợp thành của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Kiến trúc của ngôi nhà vẫn còn tốt, nhưng rất tiếc là các đồ đạc, vật kỷ niệm của Thủ tướng một phần bị thất lạc, một phần được chuyển về Nhà lưu niệm của Thủ tướng ở quê hương Quảng Ngãi Khu Di tích cần có kế hoạch sưu tầm, gìn giữ các tài liệu, hiện vật liên quan để tiến tới trưng bày mở cửa phục vụ khách tham quan.

Bốn là, số lượng khách tham quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đông là điều rất mừng nhưng đồng thời cũng là mối lo về sự tác động không tốt tới việc bảo tồn di tích, môi trường; vì vậy, Khu Di tích cần tổ chức nghiên cứu giải quyết hài hòa mối quan hệ này.

Năm là, khi nói đến Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là phải nói đến các địa điểm di tích, các hiện vật gắn liền với từng địa điểm di tích và toàn bộ cảnh quan, môi trường sinh thái của Khu Di tích. Các bộ phận đó có quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau, tạo thành một tổng thể thống nhất của Khu Di tích. Một mặt, cần phải vận dụng các kết quả nghiên cứu qua các đề tài khoa học cấp Bộ, cấp cơ sở đã thực hiện và được đánh giá nghiệm thu trong những năm qua vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn của Khu Di tích; mặt khác cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, xác minh, tư liệu hóa các di tích, các hiện vật gắn liền với từng di tích, thực hiện việc tin học hóa, nhằm làm sáng tỏ hơn các giá trị của di tích và hiện vật, tạo cơ sở cho công tác nghiên cứu khoa học và tuyên truyền-giáo dục. Cần hết sức quan tâm đến di sản ký ức, khai thác các câu chuyện, kỷ niệm, hồi ức của các nhân chứng lịc sử. Nếu không làm khẩn trương vấn đề này thì sẽ là một thiệt thòi lớn vì hiện nay nhân chứng ngày càng ít đi, nhiều người không còn nữa, những người còn sống thì tuổi tác đã cao, trí nhớ có hạn. Đây là một nguồn tư liệu rất quý.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ

Có thể bạn quan tâm

Top