Xã hội hóa hoạt động Bảo tàng ở thành phố Hồ Chí Minh
Tại Thành phố Hồ chí Minh có 12 bảo tàng công lập, trong đó có 7 bảo tàng trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Do nhu cầu không ngừng tăng cao về đời sống văn hóa ở một thành phố đông dân nhất nước, cùng với sự năng động chung của thành phố, trước làn gió mở cửa theo cơ chế thị trường, ngay từ những năm đầu thập niên 90, một số bảo tàng ở thành phố đã tự tìm cách tạo nguồn thu qua các dịch vụ (dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, bán các tập gấp giới thiệu về bảo tàng). Từ đơn vị sự nghiệp, các bảo tàng dần chuyển sang đơn vị sự nghiệp có thu. Hoạt động bảo tàng cũng bắt đầu chuyển động theo hướng tăng cường giao lưu, liên kết giũa các bảo tàng trong và ngoài thành phố, tổ chức trưng bày chuyên đề. Tuy nhiên, với khả năng ngân sách địa phương, dẫu là địa phương có nguồn thu khá cao như Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn khó có thể đầu tư đầy đủ cho 7 bảo tàng. Vì vậy, hoạt động của các bảo tàng thường xuyên gặp khó khăn trong công tác sưu tầm, trưng bày và cả trong công tác bảo quản hiện vật do thiếu kinh phí. Các nguồn thu được của bảo tàng lúc ấy, chủ yếu dùng vào việc chăm lo nâng cao thu nhập để giữ chân cán bộ nghiệp vụ bảo tàng.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (Ảnh: TL)
Nghị quyết 90/NQ-CP ra đời vào năm 1997 như một làn gió làm cho sự chuyển động vừa bắt đầu ấy chuyển mạnh hơn theo hướng mở rộng giao lưu, hợp tác, liên kết, đẩy mạnh trưng bày chuyên đề. Đến năm 2005, Chính phủ lại tiếp tục cho ra đời Nghị quyết 05/2005/NQ-CP. Từ ấy cho đến nay, hàng năm, từng bảo tàng đều có những hoạt động cụ thể nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa làm cho hoạt động bảo tàng trở nên sinh động hơn, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của thành phố.
Có thể khái quát lại, các bảo tàng ở Thành phố đã xã hội hóa hoạt động bảo tàng bằng các phương thức như:
- Xây dựng mạng lưới cộng tác viên cung cấp thông tin để sưu tập hiện vật ở khắp các địa phương.
- Vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, đặc biệt là các nhà sưu tập tư nhân (kể cả trong và ngoài nước), nghệ nhân, họa sĩ, điêu khắc gia hiến tặng tư liệu, hình ảnh, các bộ sưu tập, hiện vật quý cho bảo tàng.
- Tổ chức trưng bày chuyên đề với sự phối hợp của các nhà sưu tập tư nhân.
- Tổ chức nhiều hoạt động ngoài khuôn viên bảo tàng nhằm đưa hoạt động bảo tàng đi sâu vào các tầng lớp nhân dân như trưng bày lưu động ở các xí nghiệp, trường học, doanh trại quân đội;
- Tạo mối quan hệ hợp tác với hệ thống bảo tàng các nước, các tổ chức hữu nghị để được nhận nguồn tài trợ , tổ chức trưng bày, triển lãm chuyên đề ở nước ngoài;
- Mời các cá nhân, tổ chức nước ngoài đến trưng bày, triển lãm tại các bảo tàng;
- Chủ động tổ chức hoạt động dịch vụ văn hóa phù hợp với chức năng bảo tàng.
Nếu năm 2009 các bảo tàng có 87 lần trưng bày lưu động thì đến năm 2010, con số ấy đã là 105 lần. Đây hẳn là con số tăng cùng chiều với việc tăng cường xã hội hóa hoạt động văn hóa tại các bảo tàng công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến năm 2011 thì hoạt động trong năm của các bảo tàng thuộc Sở VHTTDL đã được báo cáo năm của Sở ghi nhận “Tổng số lượng khách tham quan tại 7 bảo tàng thuộc Sở ước thực hiện năm là 2.492.782 lượt khách, tăng 7% so với năm 2010 (trong đó khách nước ngoài là 701. 598 lượt khách, tăng 21% so cùng kỳ). Nhiều trưng bày chuyên đề đã thu hút sự quan tâm của quần chúng như chuyên đề “Cổ vật Tây Sơn - Hào quang sáng mãi” (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. Hồ Chí Minh), “Ngày Thơ Việt Nam” và kỷ niệm 100 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP. Hồ Chí Minh), triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (Bảo tàng Mỹ thuật), “Đảng Cộng sản Việt Nam - Từ Đại hội đến Đại hội” (Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh), triển lãm “50 năm - Thảm họa dioxin tại Việt Nam” (Bảo tàng Chứng tích chiến tranh), Hội thi vẽ tranh “Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh với Bác Tôn (Bảo tàng Tôn Đức Thắng)... Trang web của các bảo tàng đã được cải tiến cả nội dung lẫn hình thức, ngày càng thu hút nhiều người truy cập.
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: TL)
Như vậy, Nghị quyết 90/NQ-CP đã hiện thực hóa trong hoạt động bảo tàng ở Thành phố. Các bảo tàng công lập đã chủ động liên kết với các cá nhân và tổ chức xã hội để vừa thu hút mọi người tham gia vào hoạt động bảo tàng vừa đưa sản phẩm mang tính giáo dục của bảo tàng đi sâu vào các tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo, quản lý chặt chẽ của hệ thống tổ chức Đảng, Nhà nước của từng đơn vị. Đây có thể được xem là mô hình liên kết giữa Nhà nước và tư nhân, tổ chức xã hội khá thành công.
Nhưng bên cạnh thành công ấy, một tồn tại trong tiến trình xã hội hóa hoạt động bảo tàng mà nhiều người vẫn quan tâm, đó là cho đến nay tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa có một bảo tàng tư nhân nào ra đời, hoạt động theo Luật Di sản Văn hóa.
Mặt khác, hệ thống bảo tàng ở Thành phố tuy nhiều về số lượng nhưng hầu hết là các bảo tàng ở lĩnh vực lịch sử dân tộc, mà chủ yếu là lịch sử đấu tranh cách mạng. Chỉ có hai bảo tàng chuyên ngành là Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Địa chất. Các cơ quan thông tin đại chúng cũng đã đề cập đến sự trùng lặp giữa các bảo tàng để cảnh báo các nhà qui hoạch xây dựng thiết chế bảo tàng. Bảo tàng công lập vốn đã được hình thành như vậy, mà việc ra đời bảo tàng tư nhân, bảo tàng dân lập đến nay chưa được khai thông thì khó lòng khắc phục được nhược điểm này dẫu các bảo tàng có cố gắng để đạt nhiều kết quả trong việc xã hội hóa hoạt động bảo tàng.
Để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tàng ở TP. Hồ Chí Minh, vấn đề đầu tiên mà nhiều người quan tâm đó là việc công bố quy hoạch xây dựng thiết chế bảo tàng ở Thành phố. Bởi các bảo tàng công lập hiện cũng đã bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn giữa yêu cầu tăng cường sưu tầm hiện vật với khả năng bảo quản, trưng bày hiện vật, nói cách khác bảo tàng cũng đã phải “mặc chiếc áo chật chội”. Khi bảo tàng Nhà nước trong tình trạng ngày càng quá tải, liệu có còn giữ mãi được vai trò “nơi tập hợp”, “chỗ dựa” đối với các nhà sưu tập tư nhân, các tổ chức xã hội nữa hay không.
Giải pháp tiếp theo mà chúng tôi muốn đề cập đến là chuyển các bảo tàng công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ, có đầy đủ quyền tự chủ về tổ chức và quản lý theo tinh thần Nghị quyết 05/2005/NQ-CP. Các bảo tàng công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua tuy đã thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP “Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”, nhưng vẫn chưa thực sự tự chủ về mọi mặt, đặc biệt là về tài chính.
Bên trong Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: TL)
Về cơ chế tự chủ, chúng tôi được biết về một kiểu cơ chế quản lý đối với bảo tàng công lập qua các nhà quản lý bảo tàng ở Cộng hòa Pháp. Nhà nước cấp ngân sách hoạt động cho các bảo tàng thông qua từng hợp đồng giữa Nhà nước với bảo tàng. Hàng năm bảo tàng lập kế hoạch gồm có bao nhiêu chương trình hoạt động. Khi các chương trình hoạt động ấy được chấp nhận thì bảo tàng sẽ lập dự án cho từng loại việc, nhà nước sẽ xem xét từng dự án, ký hợp đồng để bảo tàng thực hiện. Chi phí thực hiện dự án bao gồm cả chi phí nhân công (tiền lương, tiền công), điện, văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, chi phí quản lý. Như vậy Nhà nước không bao cấp bất kỳ một khoản nào, nhà nước cũng có thể không cấp đầy đủ tiền khi nghiệm thu dự án không đạt yêu cầu. Nhà nước cũng có thể yêu cầu đơn vị công lập thực hiện một công việc nào đó ngoài kế hoạch của bảo tàng, cũng với phương thức ký hợp đồng. Tất nhiên các nguồn thu được từ thực hiện các dự án thì Giám đốc bảo tàng hoàn toàn có quyền tự chủ, chi theo luật định. Theo chúng tôi, đây là cơ chế quản lý mà Thành phố Hồ Chí Minh có thể tham khảo để thử nghiệm mô hình “Bảo tàng công lập theo cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ, có đầy đủ quyền tự chủ về tổ chức và quản lý”.
Vấn đề thu phí ở các bảo tàng công lập cũng cần nghiên cứu thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 05/2006/NQ-CP: “Đổi mới chế độ thu phí đi đôi với việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi các đối tượng chính sách và trợ giúp người nghèo. Mức phí quy định theo nguyên tắc đủ trang trải các chi phí cần thiết, có tích luỹ để đầu tư phát triển và xoá bỏ mọi khoản thu khác”.
Chúng tôi thiết nghĩ, để đẩy mạnh xã hội hóa, cần thay đổi từ tư duy đến cơ chế để đơn vị dịch vụ công lập hoàn toàn có thể chủ động hợp tác, liên doanh với các cá nhân, tổ chức ngoài công lập nhằm làm phong phú hoạt động dịch vụ của đơn vị, miễn sự hợp tác ấy không làm lệch định hướng hoạt động của đơn vị, không làm thiệt hại cho nhà nước về nguồn thu. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh được xây mới, có bố trí một phòng tổ chức trò chơi cho thanh, thiếu niên liên hoàn trong chuỗi phòng trưng bày. Năm 2010, Công ty Center Tourist (Osaka - Nhật Bản) tài trợ 500.000 yên để trang bị nơi đây trở thành “Phòng khám phá” nhằm giáo dục thanh - thiếu niên về chủ đề chiến tranh và hòa bình. Chúng tôi nghĩ, đây là một mô hình tốt.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: TL)
Để đa dạng hóa loại hình bảo tàng, có nhiều bảo tàng tư nhân và bảo tàng dân lập ra đời, thiết nghĩ nhà nước cũng cần qui hoạch xây dựng các bảo tàng chuyên ngành như bảo tàng ngành Bưu chính - Viễn thông, bảo tàng ngành Hàng không, bảo tàng ngành Điện lực, bảo tàng ngành Dệt - May... trong hệ thống thiết chế bảo tàng cả nước cũng như ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi có dịp được đến Bảo tàng quốc gia về Vải sợi (National Wool museum) tại TP Geelong, bang Victoria, Úc. Bảo tàng này được xây dựng ngay trên khu nhà trước đây vốn là nơi đấu thầu mua bán và sơ chế lông cừu trở thành nguyên liệu phục vụ ngành dệt. Khi xã hội phát triển, cơ sở sản xuất chuyển ra khỏi trung tâm thành phố, nơi đây được cải tạo trở thành nhà bảo tàng. Chúng tôi liên tưởng ngay đến thực tế của thành phố, một siêu thị COOPmart được hình thành ngay trong khuôn viên đất của Nhà máy Dệt Thắng Lợi; một khu cao ốc đang được xây dựng ngay trên nền đất Nhà máy Dệt Đông Nam. Vậy tại sao chúng ta không làm được việc là giữ lại một trong những nơi ấy để làm bảo tàng về ngành Dệt. Ngành Dệt của chúng ta xứng đáng được thành lập một bảo tàng cả về ý nghĩa lịch sử phát triển ngành, cả về ý nghĩa lịch sử đấu tranh của công nhân ngành Dệt trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc mà dệt Thắng Lợi (Vinatexco) là một nơi tiêu biểu. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nghĩ đến việc ban hành chính sách đi đôi với việc vận động các doanh nhân đang sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, hoặc những người yêu thích sưu tầm, thành lập bảo tàng về loại sản phẩm họ đang sở hữu như bảo tàng xe ô tô, xe gắn máy; bảo tàng đồng hồ; bảo tàng điện thoại...
Hoạt động bảo tàng là một loại hình dịch vụ văn hóa phi lợi nhuận. Nhưng mỗi cơ sở hoạt động bảo tàng dù là công lập hay ngoài công lập đều phải tồn tại và phát triển dựa vào những nguồn thu nhất định. Các bảo tàng tư nhân chỉ có thể ra đời khi chủ sở hữu an tâm về nguồn thu để nuôi lại hoạt động bảo tàng. Các bảo tàng công lập cần được thay đổi cơ chế quản lý để các bảo tàng hoạt động theo cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ theo tinh thần Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP. Khi cả bảo tàng công lập và ngoài công lập cùng song hành hoạt động sẽ góp phần tích cực nâng cao đời sống văn hóa, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh, cũng chính là con đường xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
ThS Lê Tú Cẩm