Có một phong cách gốm "Quan dụng" triều Mạc

“Gốm Quan dụng” được hiểu nôm na là đồ dùng của vua, của quan, đồ thờ tự trong cung đình, đồ biếu tặng cho hoàng gia các nước có quan hệ ngoại giao, đồ cung tiến cho các đình, chùa, đền miếu, đạo quán, đồ để Triều đình thưởng cho các quý tộc trong các dịp lễ tết... chúng được sản xuất trong các lò Quan - hệ thống lò do Triều đình quản lý với những quy tắc và định chế khá chặt chẽ, theo đó chất lượng vượt trội so với những đồ gốm lò dân sản xuất.

Ở Việt Nam, lò Quan và gốm Quan dụng có từ Thời Trần, đến Thời Lê sơ phát triển khá mạnh mẽ với các trung tâm sản xuất tại Thăng Long và xứ Đông xưa, được các nhà khảo cổ học phát hiện với những chứng cứ vô cùng thuyết phục. Sang thời Mạc, Tây Sơn, Lê Trung Hưng và đầu Triều Nguyễn Gia Long, gốm lò Quan, đồ Quan dụng vẫn tồn tại và phát triển, tạo nên một dòng gốm Quan khá đặc biệt, không thể trộn lẫn, góp phần tạo nên một truyền thống riêng của gốm Việt Nam, làm cho cả thế giới phải ngưỡng mộ, coi Việt Nam là một cường quốc của gốm sứ thế giới.

Và, trên dặm dài lịch sử gần một thiên niên kỷ của gốm lò Quan, ta thấy xuất hiện một tượng đài nguy nga, tráng lệ, Triều Mạc, thông qua một bộ sưu tập vô cùng ấn tượng, đó là những chân đèn, lư hương ít nhiều tiếp nối truyền thống trước, nhưng dường như không theo một chuẩn mực nào của gốm lò Quan Trung Hoa- một quốc gia có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với các triều đại phong kiến Việt Nam, có một nền công nghệ sản xuất gốm khiến cho các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á chịu ảnh hưởng rất lớn, nhưng với Triều Mạc dường như không hề chịu sự tác động ấy.

(Ảnh: TL)

Sự đặc biệt của gốm Quan dụng Triều Mạc không chỉ thể hiện ở loại hình, hoa văn trang trí, công nghệ sản xuất, màu sắc men với sự hoà trộn khá tinh tế giữa các màu tối, sáng, khiến cho nhiều nhà nghiên cứu gọi gốm Mạc nói chung, gốm Quan dụng nói riêng là hiện tượng có một không hai trong lịch sử gốm sứ Cổ trung đại Việt Nam.

Thế nhưng, sự đặc biệt ấy không chỉ ở vẻ ngoài, nội dung bên trong- minh văn khắc ghi trên gốm lại thể hiện một sự khác lạ hồn nhiên “Hoàng thượng muôn muôn tuổi, Các sãi vãi xã Thanh Lãng, huyện Văn Giang, phủ Thuận An hưng công tạo bình hoa (chân đèn P Q Q) cúng dưỡng chùa Quan Âm làm vật Tam bảo. Đỗ Xuân Vi xã Bát Ttràng [ huyện Gia Lâm, phủ Thuận An] chế tạo”.

“Ngày 1 tháng 4 niên hiệu Hưng Trị 2 (1589) [đời Vua Mạc Mậu Hợp] chế tạo làm vật tam bảo. Đỗ Xuân Vi xã Bát Tràng chế tạo”.

Dường như, tất cả những chân đèn, lư hương của các đời vua như Sùng Khang, Diên Thành, Đoan Thái, Hưng Trị, Hồng Ninh, Hoằng Định, Vĩnh Tộ đều có nội dung văn tự thể hiện những thông tin như trên, đó là năm, tháng và niên hiệu, người chế tác và quê quán, người đặt làm, cung tiến vào chùa (đình, đền, đạo quán) và những nội dung khác, đôi khi phủ kín bề mặt của khí vật.

(Ảnh: TL)

Đây là một cách khắc ghi hoàn toàn khác lạ, không theo chuẩn mực nào của gốm lò Quan đương thời ở các quốc gia lân bang. Điều đó khiến cho tôi đặt ra nhiều câu hỏi. Phải chăng Triều Mạc đề cao giá trị nhân bản để gốm lò Quan phải khắc ghi tên những người thợ thủ công, những người đã góp công đặt làm sản phẩm để cung tiến vào những nơi thờ thần linh, nơi sinh hoạt cộng đồng mà chắc chắn nơi ấy có sự tham gia của vua và Hoàng gia? Phải chăng đây là quan niệm thoáng đạt của triều đại xuất thân vùng biển “ăn sóng nói gió” khiến cho mọi quy định nghiệt ngã theo chuẩn mực của nhà nước phong kiến tập quyền Khổng Nho đều bị bỏ qua, mà gốm lò Quan là một ví dụ ? Cũng có thể, Triều Mạc vẫn là sự tiếp nối ở tầm mức cao hơn, không lấy Thiên triều làm chuẩn mực của bao triều đại trước đó của quốc gia Đại Việt hay là sự chú tâm đến việc vun đắp quốc gia khi luôn mặc cảm là nguỵ triều nên lơ là việc xây dựng quy chế, chuẩn mực của các ngành nghề thủ công, trong đó có gốm lò Quan thời đại này. Sẽ còn bao câu hỏi khác nữa cần được mở ra từ nhiều cách tiếp cận khác nhau, chờ các nhà nghiên cứu giải quyết.

Dẫu còn phải đợi chờ, nhưng với 65 năm đầy gian truân và lận đận, Vương triều Mạc đã đóng góp vào kho tàng di sản văn hoá Việt Nam những giá trị lớn lao, trong đó gốm Quan dụng chỉ là một ví dụ, nhưng theo tôi là vô cùng đặc biệt, để các nhà nghiên cứu vinh danh: có một phong cách gốm Thời Mạc.

TS Phạm Quốc Quân

Top