Bảo tàng Nghệ thuật tư nhân đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tàng Nghệ thuật Quang San khai trương ngày 09-06-2023 và bắt đầu phục vụ khách tham quan từ ngày 13-6-2023 tại số 189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điển, thành phố Thủ Đức, TP. HCM. Đây sẽ là một địa chỉ thu hút nhiều khách tham quan, thưởng lãm mỹ thuật vì không chỉ bởi bộ sưu tập hơn 1000 tác phẩm giá trị của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, mà còn bởi tòa nhà trưng bày độc đáo trong không gian mở rộng hơn 200 mét vuông bên bờ sông Sài Gòn thơ mộng.

Nguyễn Gia Trí. Phong cảnh.1939.sơn mài. 104-204 cm

1. Tòa nhà độc đáo

Khu nhà trưng bày được kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn thiết kế. Ngoài sự thừa hưởng tài năng từ người cha là Ngô Viết Thụ, một kiến trúc sư nổi tiếng, tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn là người đi nhiều, biết nhiều và đã tạo ra một phong cách riêng cho mình. Trước khi thiết kế tòa nhà Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, ông đã có nhiều thành công với các dự án lớn như Đại học Washington tại Seattle và Đại học California tại San Francisco (Mỹ); dự án khu nhà ở thương mại cao cấp Lachine ở Montreal (Canada); quy hoạch xây dựng Phố Đông và hai bên bờ sông Hoàng Phố ở Thượng Hải (Trung Quốc) … Ở Việt Nam, ông cũng từng tham gia trong nhóm thiết kế khu đô thị mới Nam Sài Gòn, quy hoạch khu đô thị Hà Nội mới, quy hoạch thành phố Đà Nẵng, Phú Quốc… Sau khi trao đổi với chủ nhân Bảo tàng tương lai, quan sát khu đất ven sông Sài Gòn, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã quyết định thiết kế tòa nhà Bảo tàng có hình một con tàu 3 tầng trên bờ sông Sài Gòn thật đẹp hài hòa trong khung cảnh thơ mộng ở mọi thời khắc trong ngày.

Trần Văn Cẩn. Chân dung thiếu nữ. 1941. Sơn dầu. 50cm-41cm

Một khoảng không gian chạy dọc theo tòa nhà, sát mé sông với một số tác phẩm điêu khắc và một sân khấu nhỏ được thiết kế hợp lý cũng rất phù hợp với việc tổ chức các sự kiện nghệ thuật khác như trình diễn thời trang, biểu diễn âm nhạc, tọa đàm về văn hóa nghệ thuật… Với thiết kế không gian các phòng lớn, thoáng đãng, trần nhà cao dựng thêm một số vách ngăn lửng song song tạo ra các mảng tường có kích thước khác nhau là vị trí phù hợp cho nhiều bức tranh và một số tượng, đồ gốm mỹ thuật ở các góc phù hợp. Khu trưng bày giống không gian của một bảo tàng mỹ thuật lớn trên thế giới bởi hệ thống ánh sáng hiện đại, chuyên sâu cho tác phẩm mỹ thuật, màu sắc hài hòa của trần, sàn và tường vách treo tranh. Tòa nhà của Bảo tàng Quang San không chỉ đẹp mà còn thật có ý nghĩa, phù hợp với chức năng của một không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật, nó như một con tàu chở những giá trị nghệ thuật dân tộc từ quá khứ về hiện tại và đi tiếp đến tương lai. Đó là mục đích của bảo tàng khi chủ nhân quyết định không giữ riêng cho mình bộ sưu tập quý.

Nguyễn Trung.Suy tư. 1999. Sơn mài. 100 cm-100cm

2. Bộ sưu tập có giá trị về mỹ thuật hiện đại Việt Nam

Trải qua hơn 20 năm sưu tầm, bộ sưu tập tranh của Bảo tàng Nghệ thuật Quang San rất phong phú về đề tài, chất liệu xu hướng sáng tác phản ánh tương đối đầy đủ các giai đoạn phát triển của hội họa Việt Nam 100 năm Bắt đầu từ các nghệ sĩ từng học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - thế hệ đầu tiên của mỹ thuật hiện đại Việt Nam đến thế hệ các nghệ sĩ trẻ nhất đang hoạt động hiện nay và mỗi giai đoạn đều được giới thiệu bởi tác phẩm của những họa sĩ tiêu biểu. Ngay trong phòng trưng bày đầu tiên, khách tham quan đã có thể được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm đặc sắc của ba bộ tứ mỹ thuật thời Đông Dương. “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” là Bộ tứ thứ nhất thường được nhắc đến trong giới mỹ thuật Việt Nam bởi những đóng góp to lớn cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam trong công tác đào tạo nghệ sĩ và để lại rất nhiều kiệt tác từ nhiều chất liệu khác nhau. Bảo tàng nghệ thuật Quang San sưu tầm được khá nhiều tác phẩm để giới thiệu với công chúng về bốn họa sĩ tiêu biểu này. Thí dụ tranh Phong cảnh (1939, sơn mài, 104-204 cm) là một trong những tác phẩm có giá trị của bộ sưu tập được họa sĩ Nguyễn Gia Trí sáng tác trong thời gian đầu, Thiếu nữ xõa tóc (1940, chì than, 43cm x 20cm) của Tô Ngọc Vân, tranh Chân dung thiếu nữ (1941, sơn dầu, 50cm x 41cm) rất tiêu biểu cho phong cách sáng tác của họa sĩ Trần Văn Cẩn… Bộ tứ thứ hai: “Liên - Nghiêm - Sáng - Phái” có tranh Nữ bác sĩ (Bột màu, 70cm x 50cm) của họa sĩ Dương Bích Liên, tranh Mười hai con giáp (1999, Bột màu, 54cm x 78,5cm) của Nguyễn Tư Nghiêm, tranh Chân dung ông Năng (1964, sơn dầu, 50cm x 43cm) của Nguyễn Sáng, tranh Chèo 1, (sơn dầu, 54cm x 68 cm) của Bùi Xuân Phái… qua. Trong đó không ít tác phẩm được mang về từ Pháp, Mỹ, Anh, Thái Lan, Hồng Kông… thông qua các cuộc đấu giá quốc tế hoặc dò tìm sự di chuyển của tác phẩm qua nhiều nhà sưu tập. Việc sưu tầm có cơ sở từ sự tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu về lịch sử mỹ thuật Việt Nam nên khi khai trương, hệ thống trưng bày của Bảo tàng khá mạch lạc khiến người xem dễ dàng hiểu được tiến trình của mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Mai Trung Thứ. Đôi giai nhân. 1942. Lụa. 58cm-34cm

Nhiều tác phẩm của bộ tứ kiệt Paris: “Phổ - Thứ - Lựu – Đàm” - kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật hội họa phương Tây với tâm hồn Á Đông dù sống và sáng tác tại trời Âu cũng được giới thiệu trong sưu tập của Bảo tàng Quang San. Nhiều tranh tiêu biểu trong sáng tác về đề tài phong cảnh, sinh hoạt, tĩnh vật, hình ảnh con người Việt Nam, nhất là người phụ nữ trên chất liệu lụa truyền thống, sơn dầu, bột màu đều có trong sưu tập của Bảo tàng. Thí dụ tranh Tình mẫu tử (1940, Mực và bột màu trên lụa, 57cm x 43cm) của họa sĩ Lê Phổ, tranh Đôi giai nhân (1942. Lụa, 58cm x 34cm) của Mai Trung Thứ, tranh Nhạc công truyền thống (Mực và Bột màu trên lụa, 1960, 35cm x 45cm) của Lê Thị Lựu, tranh Trở về (1964, sơn dầu trên toan 92,5cm x73,5cm) của Vũ Cao Đàm… Ngoài các bộ tứ, Bảo tàng còn có rất nhiều tác phẩm tiêu biểu của các thế hệ họa sĩ Việt Nam từ thời Đông Dương, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thời kỳ Đổi mới, đương đại như Nguyễn Văn Tỵ, Hoàng Tích Chù, Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Lê Huy Hòa, Nguyễn Hiêm, Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Thụ, Mai Long, Hoàng Đăng Nhuận, Hoàng Hồng Cẩm, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng.… Hội họa miền Nam cũng được chọn lọc sưu tầm với những tác phẩm có chất lượng từ sáng tác của các họa sĩ Nguyễn Trí Minh, Trương Thị Thịnh, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Đinh Cường, Nguyễn Phước, Trần Châu, Huỳnh Văn Mười, Nguyễn Lâm... Một trong những tác phẩm được nhiều khách tham quan trầm trồ, khen ngợi và ngắm lâu nhất là bức Suy tư (1999, sơn mài,100cm x100cm) của họa sĩ Nguyễn Trung bởi vẻ đẹp nhẹ nhàng, duyên dáng đậm chất Thiền trong hình ảnh thiếu nữ. Đặc biệt, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San có một sưu tập tác phẩm của các giáo viên người Pháp đã giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và có ảnh hưởng nhiều đến sự hình thành thế hệ nghệ sĩ chuyên nghiệp đầu tiên của mỹ thuật hiện đại Việt Nam như Joseph Imguimberty (tranh Hai thiếu nữ Việt, 1938, sơn dầu trên vải bố, 106cm x 81cm), Evarista Jonchere (tranh Nhà sư và chú tiểu, 1934,sơn dầu trên vải bố, 73 cm x 60 cm), Alix Ayme (tranh Phong cảnh, sơn mài, 100 cm x 150 cm)…

Lê Phổ. Tình mẫu tử. 1940. Mực và bột màu trên lụa. 57-43cm

3. Sự chuẩn bị chuyên nghiệp cho hoạt động của một bảo tàng chuyên ngành

Chủ nhân của Bảo tàng không chỉ đã dày công tìm tòi, sưu tầm được các sưu tập quý của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, mà còn chuẩn bị một cách kỹ lưỡng về nhân sự điều hành bảo tàng chuyên ngành mỹ thuật một cách đúng hướng. Ngày khai trương Bảo tàng, giám đốc Bảo tàng đã được giới thiệu là chàng trai trẻ Nguyễn Thiều Kiên - con trai của ông Thiều Quang và bà Phụng Nguyệt. Các chủ nhân của bộ sưu tập đã tin tưởng vào các con trai, con gái, hướng các con đi học về nghệ thuật và quản lý nghệ thuật ở nước ngoài trước khi Bảo tàng được thành lập. Sống trong một gia đình có truyền thống về văn học, ông nội là nhà văn nổi tiếng Nguyễn Xuân Thiều, cha mẹ đều đam mê mỹ thuật, nên các con cũng thuận theo sự hướng nghiệp của cha mẹ, hoàn thành việc học trước khi Bảo tàng ra đời.

Bùi Xuân Phái. Chèo 1. Sơn dầu. 54cm-68cm.

Nguyễn Sáng.Chân dung ông Năng.1964. Sơn dầu. 50 cm-43 cm

Sự ra đời của Bảo tàng Nghệ thuật Quang San - bảo tàng nghệ thuật tư nhân đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chứng minh cho sự đúng đắn về chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật của Việt Nam. Bộ sưu tập của Bảo tàng có tương đối đầy đủ tác phẩm của các thế hệ nghệ sĩ Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm trưng bày có giá trị đặc trưng của mỗi tác giả về chất liệu, đề tài, kỹ thuật và xu hướng sáng tác, trong đó có nhiều tác phẩm quý của những hoạ sĩ nổi tiếng thời Đông Dương. Đa số tác phẩm có nguồn gốc sưu tầm, thông tin tác giả, tác phẩm và được bảo quản khá tốt cho thấy ý thức và sự đầu tư của nhà sưu tập đảm bảo tính pháp lý, tính khoa học, nhằm kéo dài tuổi thọ hiện vật và đáp ứng trưng bày của Bảo tàng lâu dài. Không gian trưng bày của Bảo tàng Nghệ thuật Quang San đẹp, phù hợp với một bảo tàng chuyên ngành mỹ thuật và cho nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật. Hoạt động của Bảo tàng sẽ góp phần vào việc bảo tồn các di sản quý giá của mỹ thuật dân tộc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức mỹ thuật của công chúng trong và ngoài nước. Công tác sưu tầm hiện vật của Bảo tàng cũng sẽ đóng góp cho hoạt động của thị trường mỹ thuật Việt Nam sớm trở nên chuyên nghiệp và giá trị của tác phẩm mỹ thuật Việt ngày một được nâng cao trên thị trường quốc tế, khu vực.

TS Mã Thanh Cao

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM

Top