Trầu sun- Lễ cầu mùa của người Dao

Mỗi một dân tộc, một vùng miền hay lãnh thổ đều chứa chất trong mình những nét văn hóa riêng, đặc sắc mang dấu ấn tộc người. Một trong những phong tục khá đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đó là Lễ hội Trầu sun - lễ cầu mùa rất đặc trưng của người Dao ở Lào Cai. Trầu có nghĩa là “cầu”, “sun” có nghĩa là “xuân”, “trầu sun” mang ý nghĩa là lễ hội cầu mùa cầu cho mưa thuận gió hoà, cây cối phát triển, mùa màng tốt tươi; gia đình ấm no, hạnh phúc diễn ra phổ biến ở các làng bản vào dịp đầu xuân.

Ngay từ cuối năm, già làng, trưởng thôn, thầy cúng, các hộ gia đình trong làng đã phải bàn bạc thống nhất địa điểm tổ chức, ngày tổ chức và bầu ra người làm chủ cúng. Người được dân làng chọn làm chủ cúng phải là người đã trải qua lễ lên đèn. Người chủ cúng sẽ chọn hai người cúng  phụ giúp người chủ cúng khi hành lễ như chuẩn bị giấy tiền, viết sớ, cúng gọi hồn lúa, cúng đuổi tà ma.

Trước ngày diễn ra lễ cúng chính thức, chủ cúng cùng hai người phụ cúng phải chuẩn bị viết sớ bằng chữ Nôm Dao để trình lên các vị thần trời, thần đất về giúp đỡ dân làng. Bản sớ tựa như một bản tấu chương các sự việc đã diễn ra trong làng, để các vị thần tiên trên trời, dưới đất thấu hiểu nỗi khổ của dân làng đã phải chịu đựng trong những năm qua. Trong bản sớ ghi rõ ngày, tháng, năm, người viết, chức danh của người viết là 3 đèn, 5 đèn, pháp danh của thầy và đóng dấu. Sớ được viết thành 2 bản, có nội dung giống nhau, một bản viết bằng giấy vàng để trình lên trời, còn một bản viết bằng giấy trắng trình thổ công.

Từ sáng sớm, thầy cúng chính cùng đại diện các hộ gia đình chuẩn bị đầy đủ các mâm lễ cúng thần trời đất, thần làng … Sau khi đoàn đội lễ đến tại khu đất rộng đầu làng (nơi diễn ra hội làng), thầy cúng thay mặt dân làng thắp hương khấn báo thần làng, trời đất phù hộ cho dân làng mở hội cầu mùa, cầu phúc, cầu tài cầu cho con trai làng trên, con gái làng dưới, thuận duyên, bén lứa nên vợ, nên chồng, nhà nhà ấm no hạnh phúc…

Lễ cúng diễn ra trên một khu đất đai bằng phẳng, ở một khu ruộng hoặc trên một quả đồi, nơi có không gian thoáng đãng, thuận lợi cho việc tổ chức. Ngày lễ chính, các gia đình trong làng đóng góp tiền mua sẵn lễ vật gồm: xôi, lợn, gà, giấy tiền, vàng hương để cầu mong các vị thần tiên trên trời, dưới đất phù hộ cho dân làng có cuộc sống yên ổn, ấm lo, thịnh vượng.

Ngay từ sáng sớm, khi trưởng bản đánh một hồi trống báo hiệu, các gia đình  nghe thấy liền mang lễ vật đã được chuẩn bị trước đến địa điểm để tổ chức lễ cúng của làng. Giống như mọi người, chủ cúng, già làng, Trưởng bản mang lễ vật đến địa điểm diễn ra lễ cúng, nhưng lễ vật mang đến phải có lợn. Khi bắt lợn mang đến địa điểm cúng phải đan một chiếc rọ bằng tre sau đó tìm cách lùa con lợn chui vào rồi khênh đi. Lợn cúng phải là lợn đực, có lông màu đen, lợn cái hay lợn có lông màu trắng sẽ không tốt.

Lễ vật dâng cúng các vị thần được dân làng bày thành từng mâm được các thanh niên mang đến địa điểm tổ chức. Mâm cúng chính đặt ở giữa, mâm cúng phụ bên cạnh đặt các giống như: lúa, ngô, sắn, hạt cải, hạt mướp, hạt đậu tương… của các gia đình mang đến để nhờ thầy cúng gọi hồn lúa về nhập vào các hạt giống này, hai mâm cúng khác được đặt hai bên.

Sau khi lễ vật được chuẩn bị xong, thầy cúng mặc bộ trang phục có thêu hình con công, con phượng, con rồng, đầu vấn khăn đỏ thể hiện phong thái uy nghi, ông châm ba nén hương cắm đều vào ba mâm, vái ba vái, miệng lẩm nhẩm đọc văn cúng cầu mong các vị thần tiên trên trời, dưới đất phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, cây trồng phát triển tươi tốt, không bị thiếu nước, không bị mưa nhiều, cho mùa màng bội thu, dân bản có cuộc sống no đủ, bình yên. Sau khi cầu xong, thầy cúng đốt tiền cho các vị thần, đưa các vị thần đến chợ cõi âm, chợ cõi âm có 18 phố phường để các thần linh mua chè, mua nước, mua rượu, mua thịt, mua giày, mua dép, mua quần áo… rồi đưa các vị thần, các cụ tổ tiên về nhà.

Cuối nghi lễ cúng là lễ tạ ơn đưa các vị thần ra về, do lúc đầu thầy cúng mời các vị thần về hưởng lễ giúp đỡ dân làng thì kết thúc buổi lễ phải đưa các thầy về. Cúng xong, đồ lễ được đem chế biến thành các món ăn, được bày thành từng mâm, mỗi mâm có sáu người, không có sự phân biệt già trẻ, thứ bậc, vai vế... Mọi người đến dự lễ đều mang theo một chiếc bát, một đôi đũa, một chai rượu,  khi ngồi xuống mâm, bát của người nào người đó dùng, rượu thì bỏ ra cùng uống. Mọi người cùng nâng chén, chúc mừng một mùa vụ mới với nhiều may mắn, chúc cho mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, cho nhiều bông nhiều quả, lợn gà đầy chuồng, thóc lúa đầy bồ, trong làng không ai ốm đau bệnh tật, con cháu khoẻ mạnh.

Sau khi kết thúc phần lễ, diễn ra cuộc thi văn hoá – văn nghệ, thi đấu các môn thể thao truyền thống, như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đánh quay. Đội văn nghệ các xã tổ chức thi múa, hát, trích đoạn nghi lễ  cấp sắc người Dao… Các trò chơi, trò diễn càng sôi nổi hấp dẫn bởi sự góp mặt của cộng đồng các dân tộc ở các xã, thị trấn cùng đông đảo đồng bào các dân tộc từ khắp các địa phương lân cận đến xem và cổ vũ cho các tiết mục biểu diễn văn nghệ và thi đấu thể thao.

Hồng Hà

 

 

Top