Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc Gia Phủ Quảng Cung

Ngày 11-4-2013, tại xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, UBND xã Yên Đồng đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cho Phủ Quảng Cung. Như vậy, năm 2005 Phủ Quảng Cung được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; Và đến nay năm 2013, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định chúc mừng cán bộ, nhân dân xã Yên Đồng; Ghi nhận những đóng góp của địa phương và du khách thập phương trong việc bảo tồn, tôn tạo Di tích Phủ Quảng Cung trong thời gian qua; Đồng thời khẳng định việc được đón nhận Bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là niềm tự hào, đồng thời đặt ra cho địa phương cần nỗ lực hơn nữa để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân ngày càng tốt hơn.

Phủ Quảng Cung còn gọi là Phủ Nấp ở thôn Tiến Thắng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, cách Phủ Dày (nơi Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ 2) khoảng 7km, là một trong 3 nơi thờ phụng, ghi dấu Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Theo “Vân Hương Thánh Mẫu tam thế giáng sinh”, Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất vào đêm mùng 6 tháng 3 năm Giáp Dần (1434), thời Lê Thái Tông, lấy tên là Phạm Thị Tiên Nga, trong một gia đình họ Phạm ở thôn Vĩ Nhuế. Từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, lớn lên không lấy chồng. Sau khi cha mẹ mất, bà đi khắp nơi cứu giúp dân lành: Đắp đê Đại Hà quanh xã, làm 15 cây cầu đá, khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu ven sông, sửa nhiều đền, chùa, động viên trẻ em học tập… Bà đóng góp nhiều công đức sửa chữa chùa Hương Sơn (Ý Yên), chùa Long Sơn, Thiên Thành (Hà Nam). Mẫu Phạm Thị Tiên Nga tức Liễu Hạnh hóa thân đêm mùng 3 tháng 3 năm Quý Tỵ (1473), niên hiệu Hồng Đức thứ tư, tại ấp Quảng Nạp, tổng Vĩ Nhuế, phủ Nghĩa Hưng, nay là thôn Tiến Thắng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Người dân trong vùng ấp Quảng Nạp nhớ ơn đức hạnh của bà đã lập đền miếu Quảng Cung để ngày đêm thờ phụng. Đền miếu được xây dựng ngay sau khi bà mất trên nền nhà sinh ra Thánh Mẫu và được tu sửa nhiều lần; Đến các triều Lê, Nguyễn sau này đã sắc phong, rồi cho nhân dân tôn tạo, mở rộng thành Phủ Quảng Cung nguy nga, tráng lệ. Do tác động của thiên nhiên và chiến tranh, nhiều năm sau Phủ bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 1973, nhân dân địa phương đã hạ giải công trình để lấy vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi của xã. Năm 1994, được sự quan tâm của tỉnh, huyện và UBND xã Yên Đồng, cùng với sự tri ân công đức của nhân dân địa phương và quý khách thập phương, Phủ Quảng Cung đã được phục dựng lại trên nền đất Phủ xưa. Đặc biệt, từ năm 2001 đến nay được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, sự đóng góp công đức của nhân dân và quý khách thập phương, Phủ đã được tu bổ khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh và tín ngưỡng thờ Mẫu của nhân dân địa phương và du khách thập phương. Một trong những người có công lớn trong việc phục dựng, tôn tạo, bảo vệ và phát huy Di tích lịch sử văn hóa Phủ Quảng Cung là bà Trần Thị Hồng Vân, thủ nhang của Phủ, Chủ tịch Chi hội Di sản Văn hóa Phủ Quảng Cung trực thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Bà là người rất tâm đức với Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Bà đã kiêu gọi, tập hợp những người có tâm đức với Thánh Mẫu, đóng góp công đức phục dựng các công trình, hạng mục trong Khu Di tích lịch sử văn hóa Phủ Quảng Cung. Không chỉ những công trình đã có mà gần đây bà còn xây dựng thêm đền bên dòng sông Đáy để thờ Mẫu Thoải cùng các chư vị thoải cung. Hiện nay, đền cơ bản đã hoàn thành, dự định trong năm nay (2013) sẽ khánh thành, tạo điều kiện cho nhân dân và du khách thập phương về tri ân, làm lễ hầu thánh bên dòng sông Đáy.

 Di tích lịch sử văn hóa Phủ Quảng Cung hiện nay gồm: 7 gian tiền đường, 3 gian đệ nhị và tòa cung thánh, tường bao quanh, hồ bán nguyệt…

Trong Phủ còn lưu giữ nhiều đồ tế tự tiêu biểu như tượng Mẫu Phạm Thị Tiên Nga bằng đồng tạc năm 1770, với tư thế ngồi thiền trên tòa sen, bát hương bằng đồng thân chạm lưỡng long chầu nguyệt, mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và khắc chữ Hán Quảng Cung linh từ, 34 bản khắc gỗ có nội dung của 64 que thẻ, một số bia đá, sắc phong, hoành phi, câu đối.

Hàng năm, Lễ hội Phủ Quảng Cung được tổ chức từ mùng 1 dến mùng 10 tháng 3 Âm lịch, với nhiều nghi lễ truyền thống độc đáo, trong đó đặc sắc nhất là “lễ rước kinh lấy nước” vào ngày mùng 4 tháng 3 và “lễ tế nến” vào đêm mùng 4 tháng 3. Về “lễ rước kinh lất nước”: Tại bến đò Vọng có 5 thuyền và một chiếc kiệu hoa, trên kiệu có gắn quả bầu khô tượng trưng cho việc lấy nước của Mẫu. Dụng cụ lấy nước gồm 2 muôi đồng và một chóe đựng nước. Thuyền lớn chở kiệu Mẫu do 8 thiếu nữ khiêng, trang phục đầu quấn khăn, chân quấn xà cạp, có dây thắt lưng. Sau khi các bô lão trong làng và ban tổ chức làm lễ, thủ nhang múc nước vào chóe bằng sành và thả tiền vàng, thuyền quay nhiều vòng giữa dòng sông sau đó mới vào bờ. Chóe nước thiêng sau đó được đặt lên kiệu Mẫu rước về Phủ Quảng Cung.

Ngày nay, Lễ hội Phủ Quảng Cung vẫn được nhân dân địa phương gìn giữ và phát huy, thu hút mọi người dân trong vùng và du khách thập phương về tham dự. Phủ Quảng Cung đã trở thành điểm đến hấp dẫn về văn hóa tâm linh thờ Mẫu cho nhân dân trong vùng và du khách thập phương.

Ngày đón bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đúng vào mùa Lễ hội Phủ Quảng Cung, niềm vui  được nhân lên gấp bội, niềm tự hào của nhân dân địa phương và du khách thập phương khi được chứng kiến sự kiện quan trọng này, họ càng thấy có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa đạo Mẫu, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Trang Anh

Top