Trang sức truyền thống của đồng bào M'Nông ở Bình Phước

Tỉnh Bình Phước có 41 thành phần dân tộc cùng cư trú và sinh sống. Trong số đó người M’Nông với dân số chiếm 1,1% dân số của tỉnh. Địa bàn cư trú chủ yếu của người M’Nông Bình Phước thuộc hai huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập.

Nền kinh tế chủ yếu của người M’Nông là trồng trọt và chăn nuôi, trong đó trồng trọt chiếm vị thế chủ đạo trong nền kinh tế. Cây lương thực chính của người M’Nông là lúa tẻ, số lượng lúa nếp không đáng kể. Ngoài sản xuất các loại lúa, người M’nông còn trồng thêm các loại cây lương thực, hoa màu khác như khoai, mỳ, bắp… Trong quá trình lao động sản xuất, công cụ được người M’Nông sử dụng chủ yếu gồm Rìu (sùng), Chà gạc (vieh), Gậy chọc lỗ (rmul), Cuốc, dụng cụ làm cỏ (wăng wit), Cào,…

Bên cạnh việc canh tác các loại cây lương thực, người M’Nông còn tiến hành chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, dê, lợn, gà… Sản phẩm từ chăn nuôi được người M’Nông sử dụng để làm thực phẩm hàng ngày đồng thời còn dùng để trao đổi hàng hóa trong vùng. Trong các dịp lễ hội các vật nuôi còn được người M’Nông sử dụng để hiến sinh cúng tế các thần linh.

Ngoài việc trồng trọt và chăn nuôi, người M’Nông còn tiến hành săn bắn các loại thú rừng với nhiều kinh nghiệm đã được tích lũy qua thời gian như săn lùng, săn rình và đặt bẫy. Bên cạnh việc săn bắt các loại thú rừng để phục vụ cho các nhu cầu về thực phẩm hàng ngày, người M’Nông còn tiến hành thuần dưỡng một số loại thú rừng, đặc biệt là voi. Sau khi được thuần dưỡng voi được sử dụng làm phương tiện đi lại và vận chuyển.

Nhà ở của người M’Nông được xây dựng theo lối kiến trúc nhà dài có mái buông trùm gần sát mặt đất trông rất đẹp mắt. Thông thường ngôi nhà của người M’nông là nơi cư trú của nhiều hộ gia đình có quan hệ huyết thống về phía mẹ. Xã hội truyền thống của người M’Nông bảo lưu những dấu ấn khá đậm nét của chế độ mẫu hệ, người phụ nữ đóng vai trò chủ đạo trong hôn nhân. Sau lễ cưới người con trai sẽ về ở bên nhà vợ, con cái sinh ra đều mang theo họ mẹ và quyền thừa kế tài sản thuộc về người con gái trong gia đình.

Hạt cườm được xâu thành những sợi để đeo trên cổ, trên tay hoặc buộc trên đầu

Các món ăn, đồ uống của người M’Nông cũng khá phong phú và đa dạng. Nổi bật như cơm nấu bằng nồi đất, món cháo chua cũng là một món ăn thường được người M’Nông sử dụng khi đi làm trên nương rẫy, cháo được bỏ vào trong vỏ trái bầu khô và nút bằng lá rừng. Rượu cần là thức uống truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ tết của người M’Nông, nam, nữ, già, trẻ ai cũng thích uống rượu cần và thuốc lá cuốn.

Với tín ngưỡng đa thần, người M’Nông thờ cúng rất nhiều các vị thần đặc biệt là các vị thần nông nghiệp và các vị chủ thần giống như người Cơ ho, Mạ. Trang phục truyền thống của người M’Nông bao gồm nam đóng khố và mặc áo chui đầu, nữ mặc váy dài. Các loại trang phục của người M’Nông thường có màu chàm thẫm được trang trí bằng các hoa văn truyền thống màu đỏ. Người M’Nông thích sử dụng nhiều đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, hoa tai, nhẫn… với các chất liệu như đồng hoặc bạc. Riêng nữ giới còn sử dụng khăn quàng cổ và đeo những chuỗi hạt ngũ sắc.

Vòng kiềng là loại vòng sử dụng đeo ở cổ, được làm bằng bạc, loại này thường có đường kính khoảng 15 - 25cm, thiết diện cắt ngang là hình tròn, vòng ở phần giữa lớn hơn hai đầu, hai đầu của vòng thường vót nhỏ lại dần, đầu cuối của vòng thường vấn lại thành dấu hỏi, móc với nhau hoặc hai đầu vấn thành hình lò xo, đầu bên này cuốn vào đầu bên kia bằng hai vòng lò xo nhỏ, loại này có thể nới rộng hoặc thu hẹp chiếc vòng đeo được dễ dàng khi đeo vòng vào cổ hoặc tháo ra. 

Người M’Nông xưa có thể đeo rất nhiều vòng, đặc biệt là phụ nữ.Vòng kiềng đeo ở cổ còn thể hiện khá rõ trong tục cưới xin. Khi con trai lấy vợ thì người mẹ bên gia đình con trai cho con dâu ít nhất là một vòng kiềng để thể hiện tình cảm mẹ chồng với con dâu, chiếc vòng kiềng đó được người con dâu đeo nó mãi bên người.

Khuyên tai là một đồ trang sức không thể thiếu được của M’nong ở Bình Phước loại hình này chủ yếu làm bằng chất liệu là bạc, khuyên tai có rất nhiều loại lớn, nhỏ khác nhau: Loại nhỏ có đường kính khoảng 2,5cm. Thiết diện mặt cắt khoảng 1mm, người trẻ chỉ đeo một vòng ở mỗi tai, còn người già họ thường đeo nhiều vòng ở hai tai. Loại lớn có đường kính khoảng 5 - 7cm thiết diện hình tròn hoặc có loại hình chữ khuyết, thiết diện cắt ngang của nó là 1cm, ngoài ra còn có nhiều loại hình hoa tai hình con đỉa dài khoảng 3cm, thiết diện cắt ngang khoảng 0,5cm hoặc lớn hơn.

Trang phục truyền thống của đàn ông và phụ nữ M'nông

Vòng tay một loại trang sức được người phụ nữ người M’Nông ở Bình Phước ưa chuộng được chế tạo vừa đủ để đeo vào tay, hai đầu để hở, vòng thường có thiết diện cắt ngang hình tròn hoặc hình chữ D khoảng 0,5cm đều toàn thân vòng. Loại vòng đồng này hiện nay vẫn thấy được người phụ nữ đeo trong các ngày lễ cưới hỏi nhưng điều đặc biệt là chỉ đeo ở tay trái. Người đàn ông M’Nong ở Bình Phước còn đeo một loại vòng đồng có kết cấu giống như lò xo từ cổ tay đến khuỷu tay.

Ngày xưa người đàn ông thường hay phải chiến đấu nên chiếc vòng tay trở thành vật che đỡ trong khi chiến đấu, đồng thời nó thể hiện tố chất tráng sĩ của người đàn ông trong xã hội bấy giờ. Ngoài những tính chất như trên thì loại vòng này được dùng như thứ trang sức làm đẹp trong những ngày hội, lễ cưới. Loại vòng này ngày xưa chỉ có một số gia đình giàu có thì sắm được vì theo những thông tin thực tế từ chuyến điền dã vừa qua thì một vòng như vậy ngày xưa phải đổi ngang một con heo với trọng lượng là 30 kg.

Vòng chân bằng đồng cũng có kết cấu như vòng tay tức là kết cấu kiểu lò xo có thiết diện hình chữ D. Hai loại vòng này đều có kết cấu kiểu lò xo, khi ta kéo dãn ra thì chiếc vòng sẽ trở thành một thanh đồng dài, vòng chân là một loại trang sức đeo làm đẹp chứ không thể hiện sức mạnh cao bằng vòng tay. Phụ nữ M’Nông ở Bình Phước còn đeo ở cổ, tay nhiều vòng bằng hạt cườm được kết cấu với các hạt có màu sắc khác nhau và hình thù của hạt cườm hoặc là hình đa giác, hoặc là hình tròn có bán kính 0,5cm, hoặc các hạt cườm nhỏ hơn khoảng 1mm, với người phụ nữ đeo vòng hạt cườm chỉ nhằm mục đích làm đẹp, ngoài ra còn để đính lên trang phục, trên váy, khố, cấu tạo nên những nét văn hoá uốn lượn sinh động và trang trọng, thể hiện rất linh hoạt trong sự đan xen màu. Trên váy, áo phụ nữ được đính các hạt cườm ở các tua diềm áo (xai), ở dưới váy. Kiểu sử dụng trang sức này có phần công phu tỉ mỉ, không phải ai cũng làm được nên chưa được sử dụng nhiều trong lễ hội mà chỉ có một số ít được trang sức theo kiểu này. Ngày trước kiểu trang sức hạt cườm trên váy, khố, áo chủ yếu là những gia đình giàu có.

Điều đáng chú ý ở những hạt cườm được trang trí như những chiếc nỏ đan cài vào nhau hay những đường diềm gấp khúc, theo thông tin qua đợt khảo sát vừa qua thì người M’Nông trang trí những hoa văn bằng hạt cườm trên áo như vậy là biểu hiện như những hàng rào chống giặc ngoại xâm, trong đó có những hoa văn giống lá cây đùng đình (lá cây dùng để nguỵ trang trong kháng chiến).

Trước đây khi chưa có hạt cườm để luồn vải tạo hoa văn thì người M’Nông dùng chì để làm, họ nấu chì bằng một cái nồi đất để chì nóng chảy, sau đó dùng một chiếc que nhỏ vót nhọn một đầu tròn, đường kính khoảng 1mm dài khoảng 30cm, chấm vào chì đã nấu chảy cho chì bám vào đầu que nhọn, sau đó đưa ra nhúng vào nước lạnh tạo ra các hạt chì khoảng 2mm có lỗ nhỏ ở giữa. Loại vòng cườm này thường chỉ có một dây và được kết nối với nhau cứ 14 hạt cườm màu trắng là 3 hạt cườm màu vàng và tiếp theo là cứ 3 viên cườm màu xanh hoặc màu vàng thì có một hạt cườm màu đỏ ở giữa cứ như vậy khi nào kết nối với nhau dài khoảng 30 - 35cm, vừa sử dụng là được.

Người M’Nông xưa ở Bình Phước còn sử dụng vòng cườm được trang trí bằng hạt màu trắng và loại vòng cườm này dài khoảng 35 - 40cm dùng để đeo ở cổ, càng nhiều càng tốt, tuy nhiên giá trị kinh tế không cao. Ngoài ra họ còn tận dụng những hạt cây trong rừng để làm nên đồ trang sức cho mình, thường thì ngày xưa họ thường đi nhặt những hạt cây trong rừng sau khi nhặt về họ đục lỗ từng hạt và xâu lại thành một vòng giống như vòng cườm và được sử dụng đeo ở cổ để làm đẹp.

Như vậy các loại hình trang sức bằng kim loại mà đặc biệt là đồ trang sức bằng bạc của người M’Nông  ngoài chức năng làm đẹp, theo đồng bào ở đây họ cho biết, đeo những trang sức bằng bạc còn để tránh gió độc, bảo vệ sức khỏe và trừ ma quỷ, trừ tà…

Ngày nay, việc sử dụng trang sức cũng như các yếu tố văn hoá truyền thống xưa của dân tộc M’Nông đang ngày càng bị mai một dần. Một mặt do yếu tố giao lưu văn hoá, tiếp nhận văn hoá nên người M’Nông xuất hiện nhiều đồ trang sức mới mang tính chất Kinh hoá như vàng, bạc. Tầng lớp nam nữ thanh niên có xu hướng dùng đồ trang sức của miền xuôi như đồng hồ đeo tay, nhẫn vàng, dây chuyền… Trở thành một thị hiếu của thanh niên nam nữ dân tộc M’Nông. Vì vậy sự mất dần các trang sức truyền thống xưa như: Vòng kiềng, khuyên tai, vòng tay, vòng chân, vòng cườm… là một lý do gần như tất yếu. Nhưng ta không thể phủ nhận sạch trơn những văn hoá mang tính chất truyền thống đó vẫn được lưu giữ lại ở các cụ già sinh sống ở đây. Điều này phản ánh sự phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc, phản ánh bộ mặt nông thôn, miền núi ngày càng phát triển. Tuy nhiên, dù phát triển đến đâu thì đồ trang sức cổ truyền vẫn gắn bó mãi với họ, vẫn là nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc  M’Nông ở Bình Phước.

Vũ Đình Tâm

Top