Tháp Bình Sơn: Với những băn khoăn về niên đại tạo lập
Tháp hiện nay còn lại 11 tầng, không kể bệ tháp, cho dù, nó là một bộ phận vô cùng ấn tượng, nhưng chưa bao giờ được tính đến trong số tầng tháp của các nhà nghiên cứu kiến trúc tôn giáo. Phần chóp tháp đã bị mất. Thế nhưng, viên gạch tìm thấy ở đây có đề chữ Hán “Thập tam tầng”, cho chúng ta một giả thiết rằng, khi mới tạo dựng, tháp cao 13 tầng. Thêm hai tầng, chiều cao tháp không chỉ là 16,5m như hiện nay. Tháp Bình Sơn có bình đồ hình vuông, nhỏ dần về phía ngọn, với mỗi chiều tầng dưới cùng là 4,45m. Tháp được xây dựng bằng 13.200 viên gạch nung, với loại vuông và chữ nhật.
Thân tháp được cấu trúc bằng hai lớp gạch: gạch chữ nhật xây bệ, xây lõi tháp và giật cấp làm mái phân tầng. Các gạch này đều có mộng chốt đề liên kết. Gạch vuông ốp bên ngoài, có trang trí hoa văn. Họa tiết hoa văn trên tháp Bình Sơn vô cùng phong phú, nhưng cũng tùy theo vị trí mỗi tầng mà thiết kế, với nguyên tắc chung là càng lên cao càng đơn giản. Cụ thể, từ bệ tháp đến hết tầng hai, có chiều cao dưới 6m, hoa văn hoàn chỉnh và phong phú, với ý đồ của kiến trúc sư xưa, tạo sự thuận lợi cho người chiêm ngắm với tầm nhìn đủ rõ những hoa văn như cánh sen, lá đề, hoa cúc, hoa mặt nhẫn, rồng chạm nổi, sư tử hí cầu khá tinh tế trong từng nét đúc. Đây cũng là một cách ứng xử tài tình của kiến trúc sư thời Đại Việt, để không gây nên sự ứ thừa, khi tầm nhìn hoa văn không thấy được ở những tầng cao. Từ tầng thứ 3 trở lên, trang trí thưa dần với những họa tiết hoa chanh, hoa cúc thành băng, vừa đủ để tạo nên vẻ đẹp, sự đường bệ và như là một ranh giới của phân tầng, bên cạnh các cửa tò vò ở bốn mặt tháp, cũng là thông tin về số tầng một cách hiệu quả hơn. Có thể nói, tháp Bình Sơn có những giá trị vô cùng độc đáo về mỹ thuật, về kiến trúc nghệ thuật, như tôi đã lược thuật còn hết sức sơ lược trên đây, nhưng về kỹ thuật xây dựng, nó cũng là một ví dụ điển hình về công trình kiến trúc xây gạch. Tất cả các viên gạch đều được làm ngàm ở ngoài, có mộng ở trong. Các viên giáp nhau đều có mộng én, có lỗ đổ chì để câu hòn nọ với hòn kia, tạo nên một khối vững chắc. Và, chắc chắn những viên gạch ốp hoa văn, đều được đánh dấu, để người thợ xây dựng tạo nên những đề tài trang trí, những dải băng không hề bị nhầm lẫn, khi mà bản vẽ kiến trúc khi ấy chưa xuất hiện.
Tháp Bình Sơn (Ảnh: TL)
Cho đến nay, những tư liệu sử thành văn, bia kí…không có một dòng ghi chép nào về ngôi tháp này, do đó, đã có nhiều ý kiến bàn về niên đại của nó.
Những học giả Pháp đầu thế kỉ 20, cho Bình Sơn có niên đại vào khoảng từ thế kỷ thứ VIII cho đến đầu thế kỷ XI, với phong cách và phạm trù của nghệ thuật Đại La. Đó là một quan điểm sai lầm về học thuật và đầy chất thực dân, đã được nhiều học giả Việt Nam sau này phê phán, trên mọi lĩnh vực của nghệ thuật, không chỉ riêng với Bình Sơn.
Từ khi đất nước giải phóng, sau 1954, dường như các nhà nghiên cứu nước ta vẫn chịu ảnh hưởng của quan điểm ấy, dẫu không bao giờ chấp nhận thuật ngữ “nghệ thuật Đại La”, và cho rằng niên đại tháp Bình Sơn có niên đại thế kỉ XI - XIII, tương đương với nghệ thuật Triều Lý. Đó là một nền nghệ thuật rực sáng, mang tính phục hưng của văn hóa Đại Việt, sau đêm trường thuộc Bắc 1000 năm. Quan điểm ấy xem ra có sức thuyết phục khi đã có sự kế thừa người đi trước và đề cao giá trị truyền thống, trong bối cảnh đất nước ta vừa thoát khỏi 80 năm đô hộ giặc Tây.
Kể từ năm 1965 đến năm 1969, Trần Lâm và Chu Quang Trứ, dựa vào đồ án trang trí trên mặt tháp, đã xếp niên đại tháp Bình Sơn vào thời Trần, thế kỉ XIV. Ý kiến này, vào thời kì ấy, đã gây ra nhiều phản ứng trong giới học thuật và người dân, với sự hạ thấp giá trị của Bình Sơn xuống tới một thế kỷ. Tuy nhiên, quan điểm này được coi là sự kết thúc trong việc thảo luận về niên đại khởi dựng tháp Bình Sơn.
Thế nhưng, gần đây, lại có một vài ý kiến lật lại vấn đề về niên đại thời Trần của ngôi tháp này, với sự so sánh về kiến trúc, khi thấy những ngôi tháp thời Trần như Phổ Minh được xây bằng đá, hay trên bình diện trang trí, dường như Bình Sơn là một sự sao chép khéo léo trong nghệ thuật thời Lý, thời Trần, qua sự đối chiếu các họa tiết hoa văn thủy ba, hoa cúc, cánh sen vẹo hay “sừng nhọn” và “u tròn” trên lá đề, không chỉ có ở thời Trần mà còn có cả ở chùa Ngo và Bút Tháp, có niên đại thế kỷ XVI , XVII.
Tháp Bình Sơn (Ảnh: TL)
Tôi cho rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, khi vật liệu kiến trúc (đất nung) và trang trí kiến trúc (rồng, sư tử hí cầu, lá đề, hoa cúc dây) đã phản ánh đúng niên đại Trần của ngôi tháp này. Và, nếu như nghiên cứu những tài liệu gián tiếp có liên quan, thì Vĩnh Phúc với Tây Thiên, Tam Đảo và Lập Thạch, Sông Lô…ngày nay, vào thời Trần đều là những trung tâm Phật giáo Trúc Lâm vô cùng lớn với những thiền viện, chùa tháp nổi tiếng, để cùng với Yên Tử Đông và Tây, tạo nên một vành đai Trúc Lâm đầy kiêu hãnh của Phật giáo Việt Nam.
Còn/nếu như có sự trùng hợp nào đó về hoa văn trang trí của ngôi tháp này với Triều Mạc và Lê Trung hưng, thì đó là một sự bảo lưu truyền thống nghệ thuật lâu dài của người Việt. Sự bảo lưu ấy không chỉ liền mạch như trường hợp Bình Sơn - Ngo - Bút Tháp mà còn đứt đoạn, khi chúng ta thấy những mảng hoa văn trang trí trên gốm Trần còn hào quang của nghệ thuật hơn 1.000 năm trước - thời Đông Sơn, Lạc Việt. Tôi nghĩ rằng, nghệ thuật thời Trần có sức mạnh lớn lao để tiếp thu và tỏa sáng, khi triều đại ấy đã làm nên những điều kì diệu mang tầm cỡ thế giới mà không nhiều dân tộc vào thời đại ấy có thể làm được - ba lần đánh bại đế quốc Nguyên - Mông.
Trong quần thể chùa Vĩnh Khánh, với diện tích khoanh vùng bảo vệ khoảng 17.200m2, với rất nhiều đơn nguyên như Tam bảo cũ và mới, giếng Mực, nhà khách, hồ sen và nhiều công trình phù trợ khác nữa, thì Bình Sơn nổi lên như một viên ngọc báu, là một cây tháp được Viễn Đông Bác cổ Pháp xếp là hàng cổ tích đẹp nhất xứ Bắc kỳ vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, theo đó, nó xứng đáng là di tích đặc biệt của quốc gia. Tôi hy vọng và mong chờ Thủ tướng Chính phủ công nhận nó là Di tích quốc gia đặc biệt trong một tương lai rất gần.
TS Phạm Quốc Quân