Một đề cử bảo vật Quốc gia năm 2016 từ thủ đô Hà Nội

Đó là pho tượng Trấn Vũ, hay Trấn Vũ đại đế, Huyền Thiên đại đế, tại Di tích đền Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình (Hà Nội).

Tượng cao 3,47m, đầu đội mũ ni, đầu tròn, tai to, mặt đầy đặn, mắt mở to, mũi cân phân, miệng ngậm, râu dài…toát lên thần thái một Đạo sĩ, rất gần gũi với một phù thủy trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Trên mình tượng khoác áo choàng, trong mặc giáp, lưng thắt đai hổ phù, xung quanh điểm xuyết hoa văn hình lá đề, có các hạt tròn bao quanh. Áo choàng gấp nhiều nếp, vạt sau phủ xuống dưới hông, ống áo thụng, buông xuống khá chùng. Áo giáp với hai vạt trên ngực, trang trí đồ án hoa sen, rồng năm móng ẩn sau văn mây. Miệng râu cá trê, thân mảnh, trông khá dữ tợn. Ngoài mảng hoa văn trung tâm này còn có hoa văn ô vuông khắc nổi, bên trên điểm xuyết hoa thị tám cánh. Phía dưới áo giáp là hai đầu gối trang trí hoa văn “tổ ong” với bố cục dầy và chặt. Tay trái tượng trong tư thế bắt ấn, co ngang rồi khép trước ngực, tay phải tì trên đốc kiếm, mũi kiếm cắm xuống lưng một con rùa, quấn quanh kiếm là một con rắn trong tư thế đang lao từ trên xuống. Hai chân tượng để trần, buông thõng, đặt trên bệ bát giác.

Xét tổng thể, tượng Trấn Vũ ở đền Quan Thánh tuy có khá nhiều nét tương đồng với tượng Trấn Vũ ở đền Cự Linh (quận Long Biên – Hà Nội) nhưng lại có phong thái uy nghi, hùng dũng, có tính áp chế, hiếm gặp trong phong cách tạo tượng của người Việt nói chung, thế kỷ 17, 18 nói riêng.

Tượng được đặt trên hai bệ chồng lên nhau: Bệ trên là một khối đá, được tạc khá thô phác, mang hình dáng của một khối đá tự nhiên, chiều cao 84cm, mài nhẵn mặt. Bệ dưới cao 124 cm, là một khối hình bát giác, với bốn cạnh dài, kích thước dao động từ 222cm – 224 cm và 4 cạnh ngắn, kích thước dao động 70cm – 71cm. Văn khắc chữ Hán trên bệ ghi “Nước Đại Nam, ngày 20 tháng 9 năm Thành Thái thứ 5”. Bài văn khắc này do Phụ Chính đại thần, hàm Thái tử thiếu bảo, Vũ Hiển điện Đại học sĩ, chức Khâm sai Bắc Kỳ kinh lược Đại sử, tước Diên Mậu tử, hiệu Thái Xuyên – Hoàng Cao Khải kính soạn. Minh văn cho biết, bệ này được xây thêm qua đợt trùng tu năm 1893. Trang trí trên bệ là hoa văn cánh sen, sư tử hí cầu, chim, pháp khí, vân hóa...mang đậm phong cách nghệ thuật giai đoạn cuối thế kỷ 19.

Pho tượng Trấn Vũ, hay Trấn Vũ đại đế, Huyền Thiên đại đế, tại Di tích đền Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: internet

Niên đại bệ thì đã rõ, nhưng niên đại pho tượng cũng đã được nhiều tư liệu thành văn xác định. Tấm biển đồng “Đề Chấn Vũ quán” do Vua Thiệu Trị ngự đề, đúc năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) ghi “Niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1705) đời Vua Lê Hy Tông đúc tượng đồng ngồi nghiêm trang, cực kỳ tinh xảo. Tượng cao hơn 8 thước, 2 tấc, chu vi 8 thước, 7 tấc, nặng 6600 cân”.

Bia trùng tu quán Trấn Vũ, khắc năm Tự Đức thứ 10 (1857), do Nguyên học chính tỉnh Thanh Hóa, Tiến sĩ Lê Huy Vĩnh soạn, cho biết “Quán Trấn Vũ nằm ở phía Bắc của thành [Thăng Long] để trấn giữ phương Bắc. Pho tượng đồng trong quán được đúc từ thời Lê, niên hiệu Vĩnh Trị (1676 – 1680). Nguyên Bố chánh sứ Sơn Tây là Phạm Xuân Quế, Bố chánh sứ Hà Nội là Tôn Thất Giao và đồng tri phủ, lãnh huyện doãn hai huyện Thọ - Vĩnh (Thọ Xương, Vĩnh Thuận) là Phan Huy Khiêm quyên tiền tu bổ ngôi đền Quan Thánh, sửa, đắp tượng thần Văn Xương Đế quân rồi rời xuống hậu đường để cách xa nơi thờ Long Thần. Bia “Quán Chân Vũ” dựng vào năm Thành Thái thứ 5 (1893), do Khâm sai Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải soạn cho biết “Phía Bắc thành Thăng Long có quán Chân Vũ thờ Huyền Thiên đại đế. Quán dựng vào thời Lý, tượng đúc vào thời Lê.” Văn khắc tại mặt sau bệ tượng này, năm 1893 cho biết “Tượng [đồng] Chân Vũ đại đế được đúc vào thời Lê, niên hiệu Chí Hòa” (Có lẽ khắc nhầm Chính Hòa thành Chí Hòa vì lịch sử Việt Nam không có niên hiệu Chí Hòa”.

Như vậy, dù là Vĩnh Trị hay Chính Hòa thì tư liệu thành văn cũng cho biết, niên đại pho tượng này là cuối thế kỷ 17. Vả lại, so sánh pho tượng ấy với tượng Trấn Vũ đền Cự Linh (quận Long Biên – Hà Nội) có nhiều nét tương đồng về bố cục, kích thước, trọng lượng, tuy có nhiều chi tiết khác biệt về hoa văn, phong cách. Đó là sự khác biệt mang ý nghĩa thời gian, Trấn Vũ đền Cự Linh có niên đại đầu thế kỷ 19.

Tượng Trấn Vũ đền Quan Thánh là pho tượng đồng đúc liền khối, có niên đại sớm, kích thước, trọng lượng lớn, tiêu biểu trong số các sản phẩm đúc đồng thể khối lớn (hiện còn) của người Việt trong lịch sử. Mặt khác, tượng luôn mang tư cách là vị thần chủ của đền Quan Thánh – một trong bốn trấn của Thăng Long xưa và đã gắn liền với di tích này hơn ba thế kỷ.

Tượng cao 3,47m, đầu đội mũ ni, đầu tròn, tai to, mặt đầy đặn, mắt mở to, mũi cân phân, miệng ngậm, râu dài… Ảnh: zing.vn

Theo truyền thuyết, Trấn Vũ là một vị thần trong hệ thần Đạo Giáo Trung Hoa, sau khi du nhập vào nước ta, Trấn Vũ đã được Việt hóa và trở thành vị thần trấn giữ phương Bắc (trong Thăng Long tứ trấn), đồng thời được chuyển hóa thành vị thần chống lụt và trị thủy, thậm chí, Trấn Vũ còn được phong thành Phật. Do vậy, hình thức tạo tượng Trấn Vũ ở nước ta cũng ít nhiều mang tính hỗn dung để thích nghi với tâm thức tín ngưỡng dân gian của người Việt.

Hiện nay, ngoài tượng Trấn Vũ ở đền Quan Thánh, tượng Trấn Vũ ở đền Cự Linh (đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015) là những cổ vật được đúc bằng đồng có kích thước lớn của người Việt còn lại không nhiều, đặc biệt là cổ vật có niên đại sớm. Đó là tượng A Di Đà ở đảo Cát Hải (Hải Phòng) có kích thước tương đương với người trưởng thành, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17, một số khẩu súng thần công được đúc vào thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn, bộ Cửu đỉnh đúc vào thời Minh Mạng, hiện đang đặt trong Thế Miếu, Đại Nội Huế và tượng Phật chùa Ngũ Xá (Hà Nội), được đúc vào giữa thế kỷ 20. Trong mối tương quan giữa tượng Trấn Vũ đền Quán Thánh với những cổ vật vừa nêu, thấy rằng, tượng Trấn Vũ ở Quán Thánh mang nhiều nét khác biệt so với Trấn Vũ ở Cự Linh và những tượng thờ của người Việt thế kỷ 17, 18. Những chi tiết tạo hình trên tượng Trấn Vũ Quán Thánh được mô phỏng theo truyền thuyết, theo Thánh tích, trong tư thế là vị thần trấn giữ phía Bắc Kinh thành Thăng Long có phong thái “uy nghi”, “hùng dũng”, mang tính áp chế - được xem như một sự chọn lựa hợp lý và cần thiết.

Việt Nam có truyền thống đúc đồng từ thời Đông Sơn. Truyền thống này luôn được kế thừa trong thời kỳ Trung đại rồi cho đến tận hôm nay. Từ thời Lý, Việt Nam, chúng ta đã có kiệt tác như “An Nam tứ đại khí”, nhưng do nhiều nguyên nhân, chúng đã bị thất tán. Vì thế, những pho tượng được đúc bằng đồng, thể khối lớn, có niên đại sớm, như tượng Trấn Vũ ở Quán Thánh, nghiễm nhiên trở thành nguồn tư liệu sáng giá trong di sản văn hóa của người Việt.

Tượng Trấn Vũ đền Quán Thánh, với những phân tích trên đây, theo tôi, rất xứng đáng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2016.

Hồng Hải

Top