Quy hoạch và xây dựng Khu kiến trúc Trung tâm Thăng Long thời Lý qua nguồn tư liệu thành văn

Qua hơn hai thế kỷ phát triển của Vương triều Lý (1010 – 1203), tại Kinh đô Thăng Long, có ít nhất bốn đợt xây dựng lớn, đó là các năm 1010, 1017 – 1020, 1029 – 1030 và 1203, với các triều vua trị vì là Lý Công Uẩn, Lý Phật Mã và Lý Long Trát.

Những phát hiện khảo cổ học hơn một thập niên qua tại trung tâm Thủ đô, dẫu đã xuất lộ nhiều nền móng, vật liệu kiến trúc có niên đại thời Lý, nhưng chẳng dễ dàng gì để phân lập các công trình kiến trúc của các giai đoạn nêu trên, cho dù, đâu đó, những nhà khảo cổ học đã nhận ra quy hoạch của các công trình ấy trên tổng thể, qua sự liên kết các hố khai quật lại với nhau. Chính vì lẽ đó, bài viết này muốn thông qua các giai đoạn ghi chép trong chính sử, với những cung điện, lầu các, chùa chiền, trường lang với những tên gọi cụ thể, may chăng, giúp các nhà khảo cổ học có được một sự liên hệ nào đó để nhận ra vết tích của những công trình được xuất lộ.

Năm 1010, sách Việt sử lược, do Giáo sư Trần Quốc Vượng dịch và chú giải đã chỉ ra những công trình sau đây: điện Triều Nguyên bên phải và bên trái dựng điện Tập Hiền, bên phải dựng điện Giảng Vũ, bên trái mở cửa Phi Long, bên phải mở cửa Đan Phượng, chính Bắc mở Cao Điện. Thềm gọi là Long Trì, có hành lang chạy xung quanh. Phía sau điện Càn Nguyên, dựng hai điện Long An, Long Thụy, bên trái xây điện Nhật Quang, bên phải xây điện Nguyệt Minh, đằng sau có cung Thúy Hoa. Bốn phía thành mở 4 cửa: Phía Đông gọi là Tường Phù, phía Tây gọi là Quảng Phúc, phía Nam gọi là Đại Hưng, phía Bắc gọi là Diệu Đức. Ở trong thành xây chùa Hưng Thiện, lầu Ngũ Phượng, ở phía Nam thành xây chùa Thắng Nghiêm (tr.75).

Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và các sử thần Triều Lê, ghi chép có đôi chút khác biệt về quy hoạch và các công trình được xây dựng ở giai đoạn này của Triều Lý. Xây dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu dựng điện Giảng Võ, lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, hướng chính Nam dựng điện Cao Minh, đều có thềm rồng, trong thềm rồng có hành lang dẫn ra bốn phía. Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An và Long Thụy, làm nơi Vua nghỉ. Bên tả xây điện Nhật Quang, bên hữu xây điện Nguyệt Minh, phía sau xây dựng hai cung Thúy Hoa và Long Thụy làm chỗ ở cho cung nữ. Dựng kho tàng, đắp thành, đào hào. Bốn mặt thành mở bốn cửa: Đông là Tường Phù, Tây là Quảng Phúc, Nam là Đại Hưng, Bắc là Diệu Đức. Lại ở trong thành làm chùa ngự Hưng Thiên và tịnh lầu Ngũ Phượng (tr.241).

Ảnh: internet

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, do Viện Sử học dịch và chú giải viết: khởi công xây dựng điện Kiền Nguyên dùng làm chỗ coi chầu, hai bên tả hữu làm điện Tập Hiền và Giảng Vũ, lại mở ba cửa Phi Long thông với Nghinh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, đằng sau điện Kiền Nguyên có điện Long An và Long Thụy làm chỗ nhà Vua nghỉ ngơi. Hai cung Thúy Hoa và Long Thụy  cho các phi tần ở. Lại lập đụn, xây thành, đào hào. Mở bốn cửa thành: Phía Đông là Tường Phù, phía Tây là Quảng Phúc, phía Nam là Đại Hưng, phía Bắc là Diệu Đức (tr.269).

Ba tài liệu, mặc dù có sự phiên âm khác nhau nhưng người đọc cũng thấy được những nét cơ bản trong quy hoạch và sự thống nhất tương đối trong các tư liệu ghi chép về các công trình kiến trúc Thành Thăng Long. Các tài liệu khi thì ghi chức năng của mỗi công trình, khi thì chỉ nêu tên gọi và giữa chúng có khác biệt đôi chút nhưng đã phản ảnh được sự liên thông và mối quan hệ giữa các công trình ấy, thể hiện một quy hoạch khá khoa học trong thời gian đầu, khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, mong muốn xây dựng vương triều bền vững.

Đợt xây dựng năm 1017 đến 1020, Kinh thành Thăng Long không có gì đặc biệt, Vua Lý Công Uẩn chỉ có đôi chút thay đổi bởi những lý do sau đây:

Sách Việt sử lược chép, năm Đinh Tỵ (1017) điện Càn Nguyên bị động đất (tr.76) và đến năm Canh Thân (1020) Vua phải coi chầu ở Đông điện, nhưng rồi Đông điện cũng bị động đất, Vua phải coi chầu ở Tây điện (tr.77).

Sách Đại Việt sử ký toàn thư lại có sự khác biệt trong việc ghi chép nguyên nhân bị hư hỏng của điện Càn Nguyên, đó là sét đánh chứ không phải động đất (tr.245): “Năm 1020 điện phía Đông bị sét đánh, Vua coi chầu ở điện phía Tây”. Sách này còn ghi thêm, dựng ba điện: điện phía trước để coi chầu, hai điện phía sau để nghe chính sự (tr. 246). Như vậy, ngoài việc sửa chữa Càn Nguyên, thời kỳ này, Vua Lý Công Uẩn cho xây thêm 3 điện nữa.

Việc điện Càn Nguyên bị động đất, như Việt sử lược ghi chép, có lẽ không chính xác. Đại Việt sử ký toàn thư cho là bị sét đánh là hợp lý hơn, vì kiến trúc vì kèo, cột gỗ, ván bưng, mái ngói, không cao tầng, động đất hẳn sẽ không phá hủy Càn Nguyên hư hại trầm trọng. Vả lại, vùng đồng bằng ô trũng Thăng Long xưa, Hà Nội nay, động đất chắc chắn sẽ không lớn để làm hư hỏng những kiến trúc truyền thống như điện Càn Nguyên. Mặc dù vậy, hai tư liệu đã cho hay, quy hoạch và kiến trúc trung tâm đã có sự thay đổi nhỏ trong quy hoạch do những nguyên nhân khách quan.

Ảnh: internet

Tư liệu ghi chép trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục dường như cũng không có gì khác hơn so với hai tài liệu nêu trên.

Đợt quy hoạch, xây dựng năm 1029 - 1030 của Vua Lý Phật Mã, dù chỉ trong 1 năm nhưng đã có những thay đổi đáng ghi nhận ở khu trung tâm này .

Việt sử lược cho hay, năm Đinh Tỵ (1017) có rồng hiện ở điện Càn Nguyên, Vua cho xây dựng lại và mở rộng thêm, rồi đổi là điện Thiên An. Bên trái điện này, xây điện Tuyên Đức, bên phải xây điện Diên Phúc, phía trước gọi là Long Trì, phía Đông xây điện Văn Minh, phía Tây xây điện Quảng Vũ. Đối nhau hai bên Long Trì là Chung Lâu. Phía trước đặt điện Phụng Thiên, ở trên xây cầu Chính Dương… Phía sau xây dựng điện Trường Xuân, ở trên xây Long Các. Đến năm 1030, xây thêm điện Long Khánh và Lầu Phượng Hoàng (tr.80).

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, về cơ bản cũng không có gì khác so với ghi chép của Viện sử lược. Tuy nhiên, có một số chi tiết sai lệch, đó là Chung Lâu (lầu chuông) được xây đối diện ở hai bên sân rồng, chứ không phải ở hai bên Long Trì, hay trên điện Trường Xuân là gác Long Đỗ, chứ không phải Long Các. Sách này cũng ghi rõ hơn, ở quanh sân rồng có hành lang và giải vũ bao quanh (tr.134).

Sự khác biệt đôi chút ấy về các công trình kiến trúc Khu Trung tâm Thăng Long thời Lý, ở hai tư liệu, thiết nghĩ một phần là do dịch thuật chưa thống nhất và một phần khác là do quan sát của các sử gia đương thời không đồng nhất.

Năm 1203, Lý Long Trát đã cho xây dựng khá nhiều công trình ở Khu Trung tâm Thăng Long, qua ghi chép của Việt sử lược. “Xây cung mới ở phía Tây tẩm điện, ở giữa đặt điện Thiên Thụy, bên trái dựng điện Dương Minh, bên phải dựng điện Thiềm Quang, phía trước xây điện Chính Nghi, ở trên xây điện Kính Thiên, thềm gọi là Lệ Giao, ở giữa mở cửa Vĩnh Nghiêm, bên phải mở cửa Việt Thành, thềm gọi là Ngân Hồng, phía sau mở điện Thánh Thọ, ở trên xây gác Nguyệt Bảo, xung quanh dựng hành lang, thềm gọi là Kim Tính. Bên phải gác Nguyệt Bảo đặt tòa Thượng Thạch , phía Tây gác xây Dục Đường, phía sau xây gác Phú Quốc, thềm gọi là Phượng Tiêu, phía sau dựng cửa Thiếu Viên, ao Dưỡng Ngư, trên cao xây đình Ngoạn Ỷ. Ba mặt đình có trồng hoa thơm cỏ lạ, nước ao thông với sông, cách chạm trổ, trang sức khéo léo, công trình thổ mộc đẹp đẽ.” (tr. 166)

Như vậy, những tư liệu thành văn nêu trên dẫu có đôi chút khác biệt nhưng tất cả đều thống nhất, đó là sự tập trung nơi trung tâm của thành Thăng Long. Nơi ấy là khu vực thuộc Cấm Thành và Tử Cấm Thành thời Lý và dường như, đó cũng là khu các triều đại kế nghiệp đều sử dụng. Chính vì thế, những công trình khai quật hơn một thập niên qua của các nhà khảo cổ học đã thấy nhiều lớp văn hóa chồng xếp lên nhau, có từ trước thời Lý gần nghìn năm và sau thời Lý cũng khoảng thời gian ấy, rồi cho tới tận bây giờ. Điều này minh chứng cho Khu Trung tâm Thăng Long là một vùng đất thiêng, xứng danh là nơi kế nghiệp của muôn đời.

Chỉ tiếc rằng, những ghi chép ấy không được sơ đồ hóa, theo đó, nhận thức của chúng ta về quy hoạch, cùng với nó là kiến trúc các đơn nguyên được bố cục ra sao trong tổng thể, vẫn còn là một dấu hỏi lớn, cho dù, các công trình khai quật khảo cổ học đã mách bảo được nhiều điều, minh chứng về khu trung tâm ấy rất tương đồng với ghi chép của chính sử. Hy vọng rằng, những công bố sắp tới đây của các nhà khảo cổ học về Trung tâm Thăng Long sẽ vén được phần nào bức màn bí mật ấy của lịch sử kiến trúc Thăng Long - Hà Nội.

Hồng Hải

Có thể bạn quan tâm

Top