Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đền Cự Linh, Hà Nội
“Khi Lê Thánh Tông (1460 - 1496) đem quân đánh Chiêm Thành ông đã dừng chân, nghỉ lại ở địa phận xã Cự Linh, được thần Trấn Vũ ứng mộng. Vua cảm thấy xúc động, liền sai dân lập đền thờ, cho tạc tượng gỗ cùng bài vị ghi Hiển Linh Trấn Vũ quán. Vua lại gia ân, ban cho dân sở tại một số ruộng đất để phục vụ hương hỏa cho đền. Đến năm Đinh Mão, niên hiệu Cảnh Hưng (1747) dân làng đã đúc tượng đồng, thay thế tượng gỗ. Tuy nhiên, nhiều người đến đây chiêm bái cảm thấy tượng chưa xứng với quy mô của đền. Do đó, đến năm Mậu Thân (1788) nhân dân sở tại đã hưng công đúc lại tượng Trấn Vũ, năm Nhâm Tuất (1802) thì hoàn thành. Tượng này vẫn tồn tại đến ngày nay.” (Trấn Vũ điện bi ký, dựng năm Minh Mệnh nguyên niên 1820).
Bia Huyền Thiên thượng đế bi kí khắc năm Mậu Thìn, niên hiệu Bảo Đại thứ 3 (1927) ghi “Trong quán Trấn Vũ trước đây thờ bài vị, đặt trên long ngai. Bài vị khắc 5 chữ “Hiển Linh Trấn Vũ quán”, bên cạnh bài vị này khắc 5 chữ “Phủ Vương phủ tín cúng” (Phủ Phú Vương cung tiến). Dưới thời Lê Thánh Tông, Vua đã ban chiếu cho tạc tượng gỗ để phụng sự. Sau đó, khoảng 292 năm, dưới thời Lê Hiển Tông, vào năm Đinh Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8 (1747), tượng gỗ bị hư hỏng, vâng lệnh Vua, các quan hợp sức với dân Ngọc Trì đúc lại tượng đồng phụng sự”.
Pho tượng thần Trấn Vũ ở Thạch Bàn (Long Biên) nguyên khối bằng đồng, nặng 4 tấn có nhiều nét tương đồng tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh (Ba Đình). Ảnh: Hoàng Phương.
Hai văn bản cách xa nhau một thế kỷ, được viết bởi hai lối hành văn khác nhau, nhưng đều phản ánh một sự thực lịch sử, đó là có một tượng Trấn Vũ ở ngôi đền này, khởi đầu bằng gỗ, sau bằng đồng và dẫu rằng, văn bản sau không nhắc đến, nhưng sự xác tín của văn bản có niên đại sớm hơn (1820), để người đọc có thể tin rằng, pho tượng to lớn hiện nay đang thờ ở đền Cự Linh được đúc vào năm 1802 là hoàn toàn có cơ sở. Bước đi của ngôi đền và pho tượng trong quá khứ, quả là một thiên sử, đáng để ngợi ca và tôn vinh, chưa nói gì đến tác phẩm vô cùng hoành tráng và độc đáo này, do cha ông để lại.
Tượng ngồi trên bệ được xây khối hình hộp chữ nhật, mang phong thái của Đạo sĩ, với hai chân buông xuống dưới, tay trái bắt ấn, co ngang rồi khép trước ngực, tay phải tì trên đốc kiếm, cắm thẳng xuống lưng rùa. Quấn quanh lưỡi kiếm là một con rắn trong tư thế đang lao xuống đầu rùa. Đầu tượng tròn, tóc ốp sát, tai to, mặt đầy đặn, mắt khép hờ, mũi cân phân, miệng ngậm, râu dài, mình mặc áo giáp, trên áo điểm hoa văn, hổ phù ở đầu gối được cách điệu hoa lá, ở cánh tay là hoa văn tổ ong, hoa lá thiêng ở diềm áo, long mã ở bố tử trước ngực. Có thể nói, về tiếu tượng học, tượng Trấn Vũ ở Cự Linh rất gần gũi với tinh thần dân gian, truyền thống của tượng Việt trên chất liệu gỗ hay tượng đất trộn giấy bản, sơn son thếp vàng cùng thời.
Chiều cao của tượng là 3,65m, vòng đai bụng có chu vi 3,43m, chiều rộng ngang 1,81m, rộng vai 1,41m, rộng khuỷu tay 1,65m. Với kích thước này, trọng lượng của tượng có thể lên tới vài tấn, cho dù đây là con số ước lượng, do không được cân đong vì kiêng kị của tín ngưỡng.
Tay tượng thần Trấn Vũ cầm kiếm chống lên mai rùa, có rắn quấn quanh. Ảnh: Hoàng Phương.
Theo truyền thuyết, Trấn Vũ vốn là một vị thần trong hệ thần Đạo giáo, sau khi vào Việt Nam, đã được Việt hóa và trở thành vị thần trấn giữ phương Bắc mà trong Thăng Long tứ trấn đã thể hiện, nay còn để lại bốn di tích rất linh thiêng của Hà Nội. Cũng với tinh thần Việt hóa, Trấn Vũ còn được khoác thêm trách nhiệm của vị thần chống lụt và trị thủy, do nhu cầu và ước vọng của cư dân trồng lúa nước ở đồng bằng ô trũng Bắc Bộ. Và, với sự hòa quyện của tam giáo trong tâm thức của người Việt, Trấn Vũ còn được phong thành Phật. Chính vì lẽ đó, hình thức tạo tượng cũng đã được Việt hóa để thích nghi với tinh thần và tín ngưỡng dân gian Việt, do thế, tượng đã được tạo theo “Thánh tích” (sự tích của Thánh) và trở thành một tác phẩm nghệ thuật có giá trị độc đáo mà nếu như không thật tỏ tường, rất khó nhận ra sự quen, lạ trong nghệ thuật của pho tượng này.
Tượng Trấn Vũ ở đền Cự Linh là một trong ba pho có trọng lượng và kích thước lớn, bằng đồng hiện còn đến nay, không chỉ riêng ở Hà Nội, mà của cả nước, ngoài Trấn Vũ ở Quán Thánh và chùa/quán Huyền Thiên ở quận Ba Đình và Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, ở Cự Linh, tượng còn giữ được đậm đặc tinh thần Việt với đặc điểm pha trộn giữa Phật – Đạo – Nho và tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp lúa nước, theo đó, rất gần gũi và thân thiện với con người, cho dù đó là thần, thánh hay Phật.
Tượng Trấn Vũ ở Cự Linh có phong cách thuần hậu, chất phác, là một trong những minh chứng cho bước chuyển tiếp của phong cách tạo/đúc tượng thể khối lớn từ thời Lê Trung hưng sang đầu thời Nguyễn, đồng thời cũng tiêu biểu cho quá trình Việt hóa về hình hài và vai trò của một vị thần có nguồn gốc xuất xứ ngoại lai sau khi du nhập vào Việt Nam.
Đền Trấn Vũ - nơi đặt pho tượng đồng bảo vật quốc gia. Ảnh: Hoàng Phương.
Từ góc độ kĩ thuật, cho dù tư liệu chữ viết và hiện vật đã xác nhận, Việt Nam có truyền thống đúc đồng khá sớm, với văn hóa trống đồng Đông Sơn rực rỡ, với An Nam tứ đại khí thời phục hưng Đại Việt, nhưng Trấn Vũ ở Cự Linh vẫn là một trong những tư liệu sáng giá để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về kĩ thuật đúc đồng khối lớn mà sau này được kết tinh trong cửu đỉnh và những đồ đồng thời Nguyễn hiện đang lưu giữ ở Cố đô Huế.
Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Cự Linh xứng đáng là Bảo vật quốc gia và tôi hy vọng điều đó sẽ thành hiện thực trong tương lai không xa.
Hồng Hải