Về thăm đất danh hương, di sản Thường Tín

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội về phía Nam khoảng 15km, Thường Tín sở hữu hàng trăm di sản văn hóa - làng nghề truyền thống. Từ cổ xưa, nơi đây còn là mảnh đất danh hương sản sinh ra những nhà trí thức lớn của dân tộc, tiêu biểu có Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, nhà thơ Lý Tử Tấn, Tiến sĩ Trần Lư, Dương Trực Nguyên hay nhà điêu khắc tài hoa Đào Văn Can.

Thường Tín là vùng đất đồng bằng, chiêm trũng được bồi đắp bởi hai con sông chính là sông Hồng và sông Nhuệ. Nơi đây là vùng đất cổ, đông dân cư từ thời Hùng Vương gắn với sự tích Chử Đồng Từ và Tiên Dung Công chúa ở bãi Tự Nhiên (nay là xã Tự Nhiên). 

Thường Tín là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, lại có hệ thống đường thủy và đường bộ phát triển, nên giao thương đã phát triển từ lâu đời. Từ sự tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung Công chúa, địa danh Chợ Mới Ông Già xuất hiện cách đây 4000 năm và tồn tại tới ngày nay (nay thuộc xã Hồng Vân), đây được coi là ngôi chợ đầu tiên ở nước ta, cha Chử Đồng Tử là Chử Cù Vân được cho là người đi buôn bán đầu tiên, ông tổ ngành thương mại.

Tuy không phải vùng đất núi non phong cảnh, biển cả mênh mông nhưng nơi đây mang đậm văn hóa của làng quê Bắc Bộ, nuôi dưỡng nhiều danh sĩ, tâm hồn thi ca. Các di sản văn hóa, phong tục, tinh thần tôn giáo được truyền từ đời này sang đời khác ngàn năm vẫn giữ nguyên được bản sắc, mô-típ xưa.

1. Chùa Đậu - Ngôi chùa cổ gìn giữ nhục thân hai vị thiền sư

Chùa Đậu (thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi) là ngôi chùa cổ được xây dựng vào thời nhà Lý, chùa thờ Bà Đậu hay bà Pháp Vũ. Chùa Đậu hiện còn lưu giữ hai pho tượng nhục thân của Thiền sư Vũ Khắc Minh và Thiền sư Vũ Khắc Trường tu tại chùa thế kỷ XVII. Sau khi hai thiền sư qua đời, các đệ tử đã ướp xác bằng cách bó sơn ta rồi quang dầu ra ngoài. Đây là 2 trong 3 pho tượng táng thiền sư còn lại ở nước ta hiện nay, pho còn lại là nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh).

Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh tại chùa Đậu

2. Lăng đá Quận Vân  - Nghệ thuật của đá

Đây là công trình kiến trúc lăng mộ đá thờ Quận công Đại giang Đỗ Bá Phẩm, người làng Vân La làm quan dưới thời Chúa Trịnh Cương (thế kỷ XVIII). Lăng được xây dựng năm 1733 do chính Quận công thiết kế, ông đã cho người chở đá tảng xanh từ vùng Đông Triều, Quảng Ninh theo đường biển  - đường sông về địa phận thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo để xây lăng mộ cho chính mình. Lăng mộ gồm hơn 30 công trình đá được điêu khắc nguyên khối, năm 1914 lăng bị lũ sông Hồng làm ngập phù sa, đến năm 1986 được phát lộ lại nguyên vẹn. Lăng mộ đá Quận Vân được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2003.

3. Chùa Mui – Nơi giao hòa tôn giáo

Chùa Mui được xây dựng vào thời nhà Lý có tên chữ là Hưng Thánh Quán, trước đây vốn là một đạo quán của Đạo giáo. Thời Lê, khi Đạo giáo suy tàn, chùa được chuyển thành chùa thờ Phật. Đến nay, trong chùa vẫn còn nhiều pho tượng của Đạo giáo.

Chùa Mui là công trình kiến trúc quy mô và điển hình của vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong chùa còn có đền thờ bà cụ Hậu và một cây bồ đề lớn, có bộ rễ khổng lồ ôm trọn đền thờ bà cụ Hậu. Năm 1994, chùa Mui được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

4. Đền thờ Nguyễn Trãi - Danh nhân Văn hóa thế giới

Nguyễn Trãi là vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người có công lớn phò tá Lê Lợi đánh bại quân Minh xâm lược thế kỷ XVI. Quê gốc của Nguyễn Trãi tại Chí Linh, Hải Dương, tuy nhiên, tuổi thiếu niên, Nguyễn Trãi sinh sống tại làng Nhị Khê.

Đền thờ Nguyễn Trãi – Danh nhân văn hóa thế giới 

Đền thờ Nguyễn Trãi là công trình kiến trúc quy mô được xây dựng trên nền đất cũ của dòng họ. Hiện, cụm di tích còn đền thờ, khu tượng đài, khu mộ tổ họ Nguyễn, nhà bia văn chỉ và khu ao Huê trại Ổi, tương truyền là nơi cha ông (cụ Nguyễn Phi Khanh) ngồi dạy học. Đến nay, hậu duệ của Nguyễn Trãi ở Nhị Khê đã phát triển thành một dòng họ lớn và bắt đầu tiếp nối đến đời thứ 21.

Đền thờ Nguyễn Trãi là Di tích cấp quốc gia được công nhận sớm nhất tại huyện Thường Tín (năm 1964) cùng với chùa Đậu.

5. Đình Hà Hồi - Chiến tích chiến thắng quân Thanh xâm lược

Đây là ngôi đình có quy mô đồ sộ, có cổng ngũ quan, cầu bắc qua ao nước và có thế hình chiếc cung nỏ. Đình Hà Hồi không chỉ là ngôi đình cổ được xây dựng năm 1578 mà nơi đây còn gắn liền với chiến thắng quân Thanh xâm lược của quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy năm 1789.

Hai câu đối ở đình còn nêu rõ: “Ngọc địa kim chấn động Thanh tặc bại vong/ Hạ Hồi cổ danh truyền Quang Trung hương tại” nói về chiến tích lừng lẫy này. Sau chiến thắng ở đồn Hà Hồi, quân Tây Sơn thẳng tiến chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vang danh sử sách, đẩy lùi 29 vạn quân Thanh xâm lược

6. Hát Trống quân Đan Nhiễm - Giai điệu của sông nước

Hát Trống quân là làn điệu hát đối đáp đặc trưng của vùng sông nước, trong đó có làng Đan Nhiễm ven đê sông Nhuệ. Hát Trống quân có hai cọc cắm ở hai bên, một bên nam đứng, một bên nữ đứng. Dùng một sợi dây thừng buộc vào hai cọc, giữa sợi dây đặt một cái thùng, mặt rỗng úp xuống một hố nhỏ đào sẵn, mặt đáy trên sát sợi dây. 

Nội dung lời hát ca ngợi quê hương đất nước, kinh nghiệm sống và lao động sản xuất, đối đáp giao duyên nam nữ. Đến nay, nhiều người ở Đan Nhiễm đã được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú của lối hát độc đáo này.

Nét độc đáo của Nghệ nhân hát trống quân là cảm hứng sáng tác, người hát chỉ cần nhìn cảnh là có thể sáng tác lời tức thì và bên đối phải hát lời đối phù hợp, thể hiện sự sáng tạo và gắn bó với đời sống hàng ngày của hát trống quân.

7. Rốc cạn Lộc Hòe  - Tinh túy của dân gian

Nếu như nhiều nơi nổi tiếng với trò rối nước như Tế Tiêu, Đào Thục, thì tại Lộc Hòe (xã Nguyễn Trãi) lại đặc trưng với rối cạn. Bộ môn được ra đời giữa thế kỷ XIX do các “nghệ nhân làng” sáng tạo ra. Từ các điển tích dân gian cùng kỹ thuật làm rối gỗ, cách trình diễn mới lạ, giọng ca sâu lắng đã giúp Lộc Hòe hình thành nên trò diễn xướng dân gian đặc trưng.

Những nghệ nhân trình diễn Rối cạn Lộc Hòe 

Đến nay, đội rối cạn Lộc Hòe gồm hơn 20 thành viên, sẵn sàng phục vụ du khách xa gần với các tiết mục độc đáo như Thằng chết cãi thằng khiêng, Trí khôn của ta đây, Quê ta mở hội.....

8. Kéo lửa nấu cơm thi Từ Vân

Kéo lửa nấu cơm thi làng Từ Vân là trò chơi diễn ra vào lễ hội làng dịp mùng 6 tháng Giêng. Đây là cuộc đua mang đậm chất nông nghiệp của những người nông dân chất phác. Trò chơi thể hiện sự thông minh trong cách lấy lửa, tính khéo léo khi di chuyển và sự đoàn kết trong hành động của các thành viên. 

9. Làng nghề phục chế long bào Đông Cứu

Đông Cứu là làng nghề độc nhất cả nước có nghề phục chế long bào. Nghề có từ lâu đời và chỉ chuyên về long bào, mũ, hài cho vua chúa, quan lại triều đình. Đến thăm nơi đây, du khách được chiêm ngưỡng các bộ long bào qua các thời kỳ, được thấy nét tài hoa qua từng đường kim mũi chỉ của người thợ thêu. Thời Nguyễn, Nhà vua từng mời một đội thuê ở Đông Cứu và Kinh thành Huế để may trang phục cho hoàng cung, cho dù ở Huế cũng không thiếu các thợ thêu tài ba.

Năm 2017, làng nghề Đông Cứu được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia.

10. Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân

Hồng Vân là xã nằm ven đê sông Hồng, được thiên nhiên ban tặng cho dẻo đất phù sa tươi tốt, từ xưa nơi đây đã nổi tiếng về nghề trồng hoa, cây cảnh. Khắp đường làng ngõ xóm đều thấy cây cảnh, hoa lá phủ xanh làng quê.

Trải nghiệm bắt cá bằng đơm tại tuor du lịch sinh thái xã Hồng Vân

Những năm gần đây, du lịch sinh thái được địa phương đẩy mạnh. Tham gia tour du lịch sinh thái, du khách được trải nghiệm không gian làng quê truyền thống. Tour du lịch gồm tham quan dọc đê sông Hồng với những triền đê xanh mướt, được trải nghiệm làm nông nghiệp thời xưa (cấy hái, bắt cá, nấu nướng...), nghe hát Quan họ trên thuyền rồng, cách tỉa cây bon-sai.

Ngoài ra, du khách còn được tham quan các di tích như đình làng thờ Chử Đồng Tử, Lăng đá Quận Vân, Chợ Mới Ông Già.... bằng dịch vụ xe đạp điện thân thiện môi trường.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG

Top