Thành phố hồng Jaipur

Cách thủ đô New Dehli 262km, nằm trên khu vực bán sa mạc của Rajasthan và từng là cố đô của Ấn Độ, Jaipur được mệnh danh là “thành phố hồng”. Nơi đây tự hào là thành phố có quy hoạch nhất Ấn Độ.

Có lẽ Jaipur là thành phố cổ xưa duy nhất được xây theo lối kiến trúc của một đô thị buôn bán, bao quanh bằng những tường thành cao và những đường phố rộng lớn với hai bên là những cửa hàng được xây bằng đá hoa cương hồng. Theo người bản xứ thì “Thành phố hồng” chỉ là khu vực thành cổ được xây tường bao xung quanh nằm trong Jaipur. Thành cổ này được Vua Maharaja Sawai Jai Singh II trực tiếp vẽ thiết kế và cho xây dựng năm 1727. Do vậy thành cổ Jaipur được coi là đô thị đầu tiên ở Ấn Độ có thiết kế quy hoạch khi xây dựng. Vua Maharaja Sawai Jai Singh vốn là một nhà toán học đồng thời một nhà thiên văn học đã thiết kế thành phố Jaipur cổ với những đường phố rộng và thẳng, giao lộ tạo ra những góc vuông. Lúc đầu, thành phố cổ Jaipur có 8 cổng thành. Sau này được mở thêm một cổng thành thứ 9 trên đại lộ Amer. Sau khi thực dân Anh chiếm đóng Ấn Độ, năm 1876, Nữ hoàng Anh Victoria phái Hoàng tử Albert sang thăm Jaipur. Để chào đón Hoàng tử, dân chúng thành phố cổ Jaipur đã quét sơn màu hồng lên toàn bộ các công trình, nhà cửa của thành phố này. Từ đó, thành phố cổ Jaipur có biệt danh duyên dáng là “Thành phố hồng” cho đến nay.

Biểu tượng của Jaipur là cung điện Hawa Mahal ngay trung tâm thành phố. (Ảnh: internet)

Jaipur còn là một trung tâm văn hóa lớn của Ấn Độ. Nơi đây có trường đại học, cao đẳng, đài quan sát thiên văn, cung điện rộng lớn và những pháo đài lớn nhất Ấn Độ... Biểu tượng của Jaipur là cung điện Hawa Mahal ngay trung tâm thành phố. Cung điện là điểm đến nổi tiếng, thu hút lượng lớn khách du lịch cả trong và ngoài nước mỗi năm. Khi tham quan Cung điện, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp trước sự nguy nga, tráng lệ của nó. Kiến trúc độc đáo và vẻ đẹp lộng lẫy của Cung điện là hình ảnh đại diện cho sự giàu sang và phồn thịnh của hoàng gia Ấn Độ. Cung điện còn được mệnh danh là “Cung điện của gió”, vì được thiết kế để đón các luồng gió thổi vào mọi ngóc ngách trong cung điện.

Cung điện được thiết kế mô phỏng theo hình chiếc vương miện của vị thần Hindu cầm sáo Krishna. Công trình có kiến trúc hình kim tự tháp năm tầng và được xây dựng bằng đá sa thạch ánh hồng huyền bí. Nhìn từ phía ngoài, cung điện trông giống như một tổ ong khổng lồ với 953 cửa sổ nhỏ được trang trí, chạm trổ tinh tế đến từng chi tiết. Các gian phòng bên trong với cột trụ và hành lang cũng được trang trí tinh xảo, đẹp mắt. Những ban công nhỏ chắn ngang cửa sổ và mái vòm được gắn vào các gờ của cung điện tạo nên nét nổi bật và vẻ đẹp độc đáo cho Cung điện. Những đường nét bên ngoài của các hình chóp và sự sao chép hình mẫu của các phần trên làm cho Cung điện càng làm tăng thêm nét hấp dẫn. Mục đích ban đầu khi xây dựng Cung điện đó là để những phụ nữ trong hoàng gia theo dõi các nghi lễ, hoạt động lễ hội đồng thời quan sát cuộc sống hàng ngày trên đường phố.

Cung điện là điểm đến nổi tiếng, thu hút lượng lớn khách du lịch cả trong và ngoài nước mỗi năm. (Ảnh: internet)

Với hệ thống các ô cửa sổ nhỏ đón những luồng gió từ ngoài thổi vào nên cung điện Hawa Mahal có hệ thống điều hòa không khí mát mẻ ngay cả khi thời tiết mùa hè vô cùng oi bức. Do đó, Cung điện còn là nơi các thành viên của hoàng gia nghỉ mát mỗi khi hè về vì cấu trúc đặc biệt của nó có thể làm giảm bớt cái nóng hầm hập theo những cơn gió từ sa mạc Đại Ấn chạy về.

Cung điện Hawa Mahal đặc biệt nổi bật vào buổi sáng sớm, khi những tia nắng đầu tiên của mặt trời lấp lánh thắp sáng toàn bộ cung điện, tạo nên vẻ nguy nga tráng lệ nhất mà không ngôn từ nào có thể mô tả được. Và đây, cũng chính là vẻ đẹp tuyệt vời nhất cho bất cứ ai ghé nơi đây.

Ở thành phố Jaipur, ngoài cung điện Hawa Mahal, du khách còn có thể bắt gặp nhiều kiến trúc khác dưới triều đại Mughal, những công trình này có sự hòa hợp rất hoàn hảo, tạo nên một tổng thể hài hòa cho toàn thành phố.

Ở thành phố Jaipur, ngoài cung điện Hawa Mahal, du khách còn có thể bắt gặp nhiều kiến trúc khác dưới triều đại Mughal. (Ảnh: internet)

Gần đó là Cung điện thành phố - một tập hợp cung điện hùng vĩ được xây dựng giữa thế kỷ XIX trên một ngọn đồi cao. Từ trên các tháp, ban công hay sân thượng, du khách có thể nhìn toàn cảnh Jaipur. Cung điện thành phố được bao quanh bởi một bức tường cao, có nhiều cổng vào. Ở bên trong, đa số các cung điện hiện được cải tạo thành viện bảo tàng. Những hiện vật trưng bày thể hiện ảnh hưởng của Anh đối với Ấn Độ. Còn có cả một phòng cất giữ những bộ áo choàng lộng lẫy của vua quan, đặc biệt là bộ quần áo khổng lồ có trọng lượng hơn 250kg của Maharaja Sawi Madho Singh - người cai trị thành phố Jaipur.

Đến Jaipur, du khách không thể bỏ qua cơ hội tham quan đài thiên văn cổ Jantar Mantar - một trong năm đài thiên văn được xây dựng từ thế kỷ XVII dưới thời Vua Jai Singh II. Hiện nay, di tích vẫn còn giữ được nguyên trạng vốn có. Thời ấy, đài quan sát Jantar Mantar giữ một vai trò nòng cốt trong việc dự báo các sự kiện thiên văn học và khí tượng học.

Phía ngoài thành phố Jaipur là pháo đài Amber - nơi nghỉ ngơi của những người cầm quyền dưới thời Hoàng đế Akba. Pháo đài được xây dựng vào năm 1592 trên một ngọn đồi cao bên cạnh hồ Maota. Tương truyền, người ta đến đây bằng cách cưỡi những con voi mặt được tô vẽ. Pháo đài có những bức tranh tường vẽ bằng tay độc đáo, một đại sảnh treo những tấm gương lớn.

Thành phố là sự kết hợp hỗn tạp giữa văn hóa cổ xưa giàu truyền thống và quá trình hiện đại hóa có phần chưa hoàn thiện. (Ảnh: internet)

Bảo tàng Maharaja Man Singh II ở Jaipur, được thành lập vào năm 1959 là nơi trưng bày và giới thiệu những thành tựu của thời vua Maharaja. Đây cũng là nơi triển lãm các sản phẩm vải lụa, khí giới được dùng từ thời đại của Maharaja. Đặc biệt là gian hàng triển lãm nghệ thuật, với những tuyệt tác như tranh thu nhỏ, thảm thêu từ thế kỷ thứ XVII...

Thành phố là sự kết hợp hỗn tạp giữa văn hóa cổ xưa giàu truyền thống và quá trình hiện đại hóa có phần chưa hoàn thiện. Đường phố ở Jaipur còn nhuốm màu kì quái với đủ loại động vật trở thành phương tiện chuyên chở như voi, bò và lạc đà lẫn lộn với xe đạp, xe lôi, xe bus…

Thu Hà

Top