Chùa Huyền Không: Ngôi chùa lơ lửng trên vách núi
Vào tháng 12 năm 2010, Tạp chí The Time của Mỹ đã đưa ra danh sách mười công trình kiến trúc kỳ hiểm nhất trên thế giới, và ngôi chùa treo Huyền Không ở Sơn Tây, Trung Quốc đã được bình chọn. Khi thi tiên Lý Bạch vân du đến đây, kỳ cảnh này đã làm ông chấn động. Và ngôi chùa này cũng từng xuất hiện trong tiểu thuyết võ hiệp “Tiếu ngạo giang hồ”.
Chùa Huyền Không tọa lạc trên núi Hằng Sơn, tỉnh Sơn Tây. Lâu nay, ngọn Hằng Sơn được mệnh danh là “Nhân Thiên Bắc Trụ” (cột trụ phía Bắc kết nối con người với đất trời) hay “Tuyệt Tắc Danh Sơn” (ngọn núi nổi tiếng hùng vỹ với cửa ải hiểm yếu).
Chùa Huyền Không được xây dựng tại vách đá dựng đứng của ngọn núi cao nhất của Hằng Sơn là Thiên Phong Lĩnh, với độ cao 2.017m so với mực nước biển. Dưới chân núi là con sông Kim Long với chiều dài khoảng 1.500m len lỏi giữa rặng núi Thúy Bình Phong gồm hai vách núi thẳng đứng bao phủ một màu xanh biếc.
Một cuốn sách cổ đã miêu tả về chùa Huyền Không: “Đi vào thì không chỉ lầu gác cao thấp, lan can uốn khúc, đẽo trên vách núi thẳng đứng, cảnh quan hùng vỹ trong thiên hạ tô điểm cho chùa, mà còn là thắng cảnh cho những người thích du ngoạn. Giống như kết cấu đá nham thạch, nhưng lại không bị lệ thuộc vào đó.”
Nằm chênh vênh trên vách núi cao hơn 100m, trông xa chùa Huyền Không có vẻ mong manh, không vững chãi, nhưng ngôi chùa đã tồn tại suốt 1.500 năm qua, đồng thời trở thành điểm đến tâm linh thu hút nhiều khách du lịch mỗi năm đến Trung Quốc.
Ngôi chùa được xây dựng bởi một nhà sư tên Liao Ran và quá trình xây dựng được cho là kéo dài từ năm 471 đến năm 523 dưới thời Bắc Ngụy (386-535), là ngôi chùa gỗ dựng trên vách đá lâu đời nhất thế giới. Sau này, Huyền Không tự được trùng tu lại vào các triều đại Đường, Nguyên, Minh, Thanh. Lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 1900.
Người ta cho rằng ở ngôi chùa này có ba điểm đặc biệt, đó là sự kỳ lạ, độ nguy hiểm và sự khéo léo trong kiến trúc. Khi được chứng kiến khung cảnh hùng vĩ, rất nhiều người dùng hình ảnh “ngôi chùa nguy hiểm lơ lửng trên vách núi” để miêu tả Huyền Không tự.
Nhìn từ xa, ngôi chùa giống như một bức tranh điêu khắc khổng lồ, được chạm khắc trên vách núi đá cao sừng sững. Đã rất nhiều người cho rằng kiến trúc đặc biệt này khiến ngôi chùa trở thành một nơi vô cùng nguy hiểm, nằm lơ lửng đầy đáng sợ trên vách núi. Nhưng không thể phủ nhận, chính kiến trúc đặc biệt này đã khiến ngôi chùa có sự khác biệt độc đáo so với những kiến trúc khác, xứng đáng là ngôi chùa nổi bật của nhân loại.
Bên trong Huyền Không Ttự có khoảng 40 điện thờ với diện thích lớn nhỏ khác nhau, gian lớn nhất có diện tích khoảng 36m2 và gian bé nhất chỉ rơi vào tầm 5m2, có gian cao hơn chục thước nhưng cũng có gian chỉ vỏn vẹn vài thước. Tất cả những sự không cân xứng, không chỉnh tề này lại đem đến một tổng thể vô cùng độc đáo, tuy không chỉnh tề nhưng lại không hề hỗn độn hay mất trật tự.
Ngoài ra, có một điểm độc đáo không thể không nhắc tới khi nói đến Huyền Không tự đó là ngôi chùa này là nơi hợp nhất của cả ba tôn giáo chính là Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Ba tôn giáo lớn này cùng tồn tại trong ngôi chùa Huyền Không này suốt 1500 năm qua tạo thành sự tổng hoà những nhu cầu tôn giáo của các du khách đến đây.
Dù là một ngôi chùa có lịch sử 1500 năm tuổi, nhưng mỗi năm chùa Huyền Không chỉ có ba tháng bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp với thời gian là hai giờ mỗi ngày, chùa cũng nằm cách mặt nước khoảng 90cm nên không phải chịu ảnh hưởng của mưa lũ, thuỷ triều. Trước đây ở khu vực này đã có nhiều trận động đất xảy ra, nhưng chùa Huyền Không không hề chịu một ảnh hưởng nào từ dư chấn của nó. Chính vì vậy mà rất nhiều người tin rằng ngôi chùa này được sự bảo hộ của thần linh, dù phải trải qua nhiều thiên tai hay sương gió, chùa Huyền Không vẫn mạnh mẽ đứng vững trên vách núi linh thiêng Hằng Sơn.
Mỗi năm chùa Huyền Không đón tiếp hàng ngàn du khách đến từ khắp trong và ngoài Trung Quốc. Họ đến đây không chỉ để mong cầu bình an mà còn để tận mắt chiêm ngưỡng một công trình nguy nga tráng lệ, một công trình có kiến trúc hoành tráng nhưng vẫn giữ nguyên những nét bình yên của một điểm tham quan tâm linh.
MAI ANH