Tập tục hút thuốc lào của người Việt qua chứng tích vật thể

Có hai hiện tượng nổi nét nhất trong tập tục của người Việt ở mỗi làng quê, đó là tục trầu cau và hút thuốc lào. Trầu cau, không chỉ có truyền tích với cái chết đau thương và bí hiểm của ba người trai, gái mà nó còn có chứng tích đã được khảo cổ học biết đến từ 2000 năm trước. Thuốc lào thì hình như chưa bao giờ được người xưa ghi lại, dẫu rằng, nó cùng với trầu cau được coi là văn hoá của cộng đồng, không chỉ ở nông thôn, mà ngay cả đô thị, có trong cung cấm, khi ta còn thấy không ít những vật dụng của vua, của các bà, các mệ liên quan tới chuyện này, hiện đang lưu giữ trong cố cung, trong bảo tàng, để rồi, trầu cau dần bị nhạt phai, nhưng thuốc lào vẫn tồn tại đến ngày hôm nay với nhiều cách ứng xử không còn mấy truyền thống ở những bối cảnh không thể nói là cộng cảm, giao hoà trong mỗi con người, mỗi nhóm người của cộng đồng trong không gian văn hoá nó đã sinh ra.

Xưa kia, ở đồng bằng Bắc Bộ, người ở tầng lớp trên dùng điếu bát đặt trên sập gụ, với bộ đồ trà sứ Giang Tây. Người bình dân thì dùng điếu cày quanh ấm nước chè xanh. Dẫu là điếu cày hay điếu bát, dẫu sang hay hèn, đều là một hình thức cộng cảm mỗi khi hàng xóm láng giềng sang chia vui với gia chủ về chuyện làm nhà, cưới hỏi, sinh con đẻ cái, hay chia buồn về ốm đau, ma chay... Tất cả đều quanh điếu thuốc lào, ấm nước chè xanh, cơi trầu... Cứ như thế, văn hoá thuốc lào thấm đậm trong mỗi làng quê Bắc Bộ cho tới tận gần đây, khi thuốc lá trở thành một thứ tiêu dùng không còn xa xỉ trong bình mức đời sống nông dân và khi nông thôn đang ngày một đô thị hoá.

Với người Mường, họ không dùng điếu bát, chỉ là những điếu ống to và dài, được làm bằng những ống bương, luôn đặt bên bếp lửa trong nhà sàn. Nam, Phụ, Lão và đôi khi cả trẻ em, truyền nhau hút thuốc, như một sự tiếp hơi, tiếp sức cho đến khi khói trong ống không còn, lửa trên nõ không đỏ, tạo nên một sự cộng cảm vô cùng ấm áp, đặc biệt trong những đêm đông giá buốt ở những làng bản miền núi hắt hiu, cô tẻ thời trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.

Đến hôm nay, dẫu thuốc và văn hoá hút thuốc lào ta còn thấy đâu đó trên đất nước, nhưng có lẽ, hai dân tộc sử dụng nhiều nhất vẫn là người Kinh và người Mường. Đó là hai dân tộc sinh ra cùng một cội và có lịch sử cư trú lâu đời nhất tại mảnh đất tam giác châu. Tôi nghĩ rằng, thuốc lào và tập tục hút thuốc lào xuất phát từ người Việt cổ, cùng với tục ăn trầu, nhuộm răng đen. Tuy nhiên, tàn tích vật chất của tục hút thuốc lào sớm, không còn thấy được từ những phát hiện khảo cổ học như trầu cau, trong khi, nhuộm răng, ăn trầu dấu ấn vô cùng nhiều trong diễn trình lịch sử, mà tôi mong có dịp được trình bày ở một bài khác, kỹ lưỡng hơn.

 

Phụ nữ Mường vẫn giữ tập tục hút thuốc lào (Ảnh: danviet.vn)

Dấu tích vật chất sớm nhất của văn hoá thuốc lào là Thời Lê sơ thế kỷ XV, qua những chiếc điếu bát phát hiện được ở trung tâm sản xuất gốm vùng Hải Dương. Đó là những chiếc điếu không khác gì ngày nay, độc sắc màu xanh hoặc trắng ngà, không có bát điếu đi kèm, nhưng chắc hẳn, do chúng ta chưa nghiên cứu, để cả một sưu tập bát phong phú của Hải Dương thời đại này, hẳn phải có loại tương thích với những chiếc điếu nói trên.

Thế nhưng, những chiếc điếu men trắng vẽ lam thời Mạc, thế kỷ XVI, như một sự tiếp nối và bùng phát được khảo cổ học tìm thấy khá nhiều, đi liền với bát. Hoa văn trang trí phóng khoáng, đơn giản như nghệ thuật và văn hoá của triều đại này, nhưng sản phẩm không vì thế không hướng tới tầng lớp trên của xã hội đương thời, khi mà, theo suy diễn logic, hai, ba chục năm trước, mươi chiếc bát Hải Dương loại B vẫn còn là niềm mơ ước của mỗi gia đình trung lưu, hưởng lộc bìa B,C Vân Hồ, Nhà Thờ, Tôn Đản. Tầng lớp dưới, chắc vẫn là chiếc điếu cày truyền thống. Sự xuất hiện phong phú sưu tập điếu bát Triều Mạc, gắn với kinh thành Dương Kinh, có mối liên hệ xa vãng với thương hiệu thuốc lào nổi tiếng Tiên Lãng, gợi cho ta nghĩ suy về một truyền thống của quê hương Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Đến Thời Nguyễn, trung tâm sản xuất gốm Bát Tràng trình làng một bộ sưu tập vô cùng phong phú. Điếu bát hình cầu hai bầu, điếu bát hình voi, điếu hình ống... Đặc biệt, với chiếc điếu hình ống, mặc nhiên phải có cần đốt trúc dài, theo đó, phải có người hầu châm đóm, chứng tỏ, chủ nhân là tầng lớp thượng lưu, hay quan lại.

(Ảnh: TL)

Ngày nay, tập tục hút thuốc lào ngày một phôi pha trong một xã hội nông nghiệp ngày ngày bị pha loãng. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng để khắc phục sự phiền toái, bệnh tật ở một thời đại công nghiệp hoá đang bị đe doạ vì nạn ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, thuốc lào và tục hút thuốc lào rất đáng được ghi nhận như một văn hoá của người Việt trong mối quan hệ giao hoà và cộng cảm, khiến tôi phải viết bài này, chứ không phải để cổ vũ cho tập tục ấy quay trở lại, dẫu rằng, nó vẫn còn hiện hữu như một sự bảo lưu hình thức chứ không còn hồn cốt như cha ông để lại từ ngàn xưa.

Top