Đình Liên Trì cần sớm được tôn tạo

Đình Liên Trì thuộc làng Liên Trì, nay là xã Liên Thành, huyện Yên Thành là một ngôi đình lớn, nổi tiếng của xứ Nghệ, được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia từ năm 1994.

Đình Liên Trì thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang làm Thành hoàng làng. Theo các cụ túc nho trong làng, căn cứ vào 4 chữ “Hoàng triều Thuận Thiên” khắc trên chiếc văng lớn trong đình đoán định rằng, ngôi đình này chắc đã có xưa hơn, chí ít vào đầu triều Hậu Lê (Lê Lợi lúc lên ngôi đặt niên hiệu Thuận Thiên và triều Lý cũng có đặt niên hiệu Thuận Thiên), đến nay cũng đã ngót 500 năm. Nếu điều đoán định trên đây là chính xác thì ngôi đình này là xưa nhất của xứ Nghệ hiện còn giữ được. Đình Liên Trì xưa có kiến trúc tổng thể theo hình chữ Tam, gồm 3 tòa hạ trung và thượng điện (nên còn gọi là đình Tam Tòa), bên cạnh đình có chùa Kim Liên và đền thờ thần Cao Sơn Cao Các tạo thành cụm di tích đình, đền, chùa hoàn chỉnh. Diện tích ngôi đình khá rộng (chiều dài 21,3 m, rộng 9,8m mỗi tòa, chiều cao từ nóc 7,6 m); trong đình có hệ thống cột lim 24 cái, có cột cao tới 5,2m, đường kính gần nửa mét đặt trên đá tảng cao có đục rãnh sâu xung quanh cột. Toàn bộ mái đình lợp ngói âm dương khổ lớn, trên đỉnh nóc đắp nổi hình “lưỡng long chầu nguyệt” có ghép mảnh sành sứ tinh xảo, 4 đầu giao long có đắp nổi các đầu ly thanh thoát, nổi bật. Các đồ tế khí khá phong phú, có nhiều bức hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, có tượng 2 vị tướng chầu 2 bên hậu cung dưới hai giàn gươm giáo và hai ngựa gỗ đẹp. Hai đầu hồi có 2 cửa sổ hình tròn, giữa đắp nổi 2 bức tranh tượng trưng về văn và võ: bức cửa phía Tây là “tam sư hỷ cù” (ba sư tử vờn quả cầu), bức phía Đông là “phượng quy lân triều thư” (phượng, rùa, lân đội cuốn thư). Trên trần gian giữa bái đường còn có bức tranh “cửu long triều nguyệt” (chín con rồng chầu mặt trăng), phía dưới là bức hoành “Thánh cung vạn tuế”. Tiếc rằng, năm 1950, hầu hết đồ tế khí, tranh, tượng, hoành phi, câu đối...của đình bị chuyển xuống Đền Đông (xã Khánh Thành) và mất mát dần, 2 tòa điện bị phá...

Hiện nay, đình Liên Trì vẫn còn giữ được nhiều nét xưa đáng quý, năm 1996 xã Liên Thành đã dựng lại thêm đình hậu nhưng thấp nhỏ hơn đình cũ. Ngoài ra trước đình còn có 2 cây gạo cổ thụ nhiều trăm tuổi và giếng đình bên cạnh hình chữ nhật. Nhìn tổng thể ngôi đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, quang cảnh thật thê lương. Khuôn viên đình tàn tạ, rơm rạ và cả phân trâu bò tràn ngập xung quanh. Cây gạo trước sân đình cành lá khẳng khiu, lá úa vàng có nguy cơ bị chết. Nghiêm trọng nhất là ngôi đình, do mái bị thay ngói nhiều lần không cùng loại, nhiều chỗ bị trũng, mưa dột lâu ngày có nguy cơ sụp đổ và đã hỏng nhiều đồ gỗ phía dưới; các bờ giải cả 2 ngôi đình (tiền và hậu) đều bị bong tróc; tường bảo vệ bị đổ nhiều nơi và rất thấp; có chỗ còn chung tường với nhà dân...

Đình Liên Trì (Ảnh: TL)

Đình Liên Trì là ngôi đình lớn hiếm hoi còn giữ được như hiện nay là vốn quý rất cần được bảo vệ và tôn tạo khẩn cấp. Hiện ở đình Liên Trì còn giữ được 3 tấm bia đá khá đặc biệt, một tấm bia ghi về việc dựng đình, một bia hội văn ghi chép 30 vị đỗ đạt từ hiệu sinh, tú tài đến cử nhân của làng, và một bia hội võ ghi chép tên của 82 vị có bằng sắc về võ của làng Liên Trì xưa.

Đình Liên Trì là chứng tích của biết bao sự kiện lịch sử - văn hóa hào hùng, oanh liệt của cả vùng đất “địa linh nhân kiệt” này. Chỉ tính từ thời Văn Thân - Cần Vương đến Cách mạng Tháng 8-1945, đình là nơi che chở, hội họp... của rất nhiều bậc sỹ phu, nghĩa sỹ chống thực dân Pháp; nhất là trong thời kỳ Xô Viết-Nghệ Tĩnh (1930- 1931) đã có nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết, treo cờ Đảng lên cây gạo trước đình, nơi họp khôi phục Đảng bộ huyện Yên Thành vào năm 1936, đến năm 1941 là nơi được Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An chọn làm trụ sở và nơi in ấn tài liệu, xuất bản báo chí bí mật cho Đảng. Đình cũng là nơi họp bàn trong Cách mạng tháng Tám, sau đó là nơi tổ chức bầu cử Quốc hội đầu tiên của tổng Vân Tụ năm 1946, nơi tổ chức nhiều kỳ đại hội Đảng huyện và tỉnh Nghệ An... Qua 2 tấm bia Văn Khoa và Võ Giai ở đình đã minh chứng đây là vùng quê có truyền thống hiếu học song hành cùng truyền thống thượng võ rất đặc sắc hiếm có. Theo Nhà giáo, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Tâm Cẩn quê ở đây cho biết, làng Liên Trì xưa nổi tiếng bởi còn có nhiều thầy đồ dạy học nhất vùng, đồng thời cũng mời được nhiều thầy giỏi nơi khác về đây dạy học một thời gian dài. Đình Liên Trì còn là nơi bình văn, khảo hạch cho học trò trong vùng trước ngày “lều chõng đi thi”. Từ truyền thống hiếu học và thượng võ nêu trên đã tích lũy làm nên một vùng văn hóa dân gian phong phú, đặc sắc hiếm nơi nào có được, từ chuyện kể, thơ ca, hò vè, giai thoại, chuyện trạng... Vùng đất này còn là nơi sản sinh nhiều nhân vật giàu nghĩa khí, yêu nước, vì dân được dân gian ngưỡng mộ như cụ Cố Huyện (Nguyễn Tâm Địch) tổ chức dân huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) chống giặc Pháp cuối thế kỷ XIX, ông Chánh Sính tuy làm Chánh Tổng Vân Tụ nhưng lại ngầm ủng hộ nghĩa quân Cần Vương nên bị thực dân Pháp xử chém. Cũng từ đình Liên Trì còn giúp hiểu thêm về lịch sử vùng đất này. Chỉ riêng tìm hiểu tên đất, tên làng gắn với mái đình, cây gạo, bến nước...cũng giúp ta tìm về nguồn cội. Gần đình Liên Trì những năm gần đây đã phát hiện được 3 ngôi mộ cổ bằng độc mộc (cây gỗ to khoét rỗng, có đồ tùy táng như của người dân tộc thiểu số) là những di chỉ khá hiếm rất cần được các nhà khoa học đi sâu tìm hiểu sẽ góp phần soi sáng nhiều điều bổ ích.

(Ảnh: baonghean)

Từ những điều trên đây, chúng tôi thiết nghĩ đình Liên Trì là một di tích tiêu biểu và quan trọng, đã được xếp hạng quốc gia từ khá lâu hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng rất cần được các cấp, ngành và nhất là nhân dân, chính quyền sở tại quan tâm khẩn trương bắt tay vào cuộc. Nếu để chậm, việc phục hồi tôn tạo sẽ gặp khó khăn hơn, thậm chí rơi vào số phận như nhiều ngôi đình đã sụp đổ ở nhiều nơi thời gian qua.

Mai Hồ Minh

Top