Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc qua câu chuyện của Hoàng tử Lý Long Tường

Mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc được ghi chép trong sử sách Hàn, đó là cuốn “Quế Uyển bút canh tập” của Choi Chi Won - một học giả sống vào cuối thời Shila.

Trong chương trình hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam với Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa Biển quốc gia Hàn Quốc nhiều năm qua đã có nhiều công trình được công bố trên những lĩnh vực về khảo cổ học, dân tộc học. Đó là những công bố về kết quả khai quật ở Cổ Loa (Hà Nội), Bãi Cọi (Hà Tĩnh) và đặc biệt là công trình đồ sộ, nghiên cứu về thuyền truyền thống Việt Nam, trong đó, không chỉ là những con thuyền ở Bắc - Trung - Nam với những đặc trưng truyền thống mà còn đề cập tới văn hóa biển Việt Nam, tới những công trình khai quật các con tầu cổ ở Biển Đông của nước ta và đã nhận ra mối quan hệ giữa truyền thống Việt Nam với Hàn Quốc trong lịch sử.

Lễ trao tộc phả Hoàng thân Lý Long Tường. Ảnh: Internet

Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc được đặt ra như một mục đích trong dự án giữa hai cơ quan. Chính vì lẽ đó, đầu năm 2016, một chương trình mới, tiếp tục được triển khai giữa hai cơ sở nghiên cứu này, đó là các thương cảng cổ Việt Nam và quan hệ giao lưu Việt Nam - Hàn Quốc trong lịch sử. Cả hai đề tài ấy đã có những kết quả ban đầu với hai báo cáo hấp dẫn của hai cán bộ nữ trẻ, Đinh Thị Lệ Huyền với phác thảo những thương cảng Việt Nam và Shin Me Young với phác dựng mối quan hệ giao lưu Hàn Quốc - Việt Nam trong thư tịch đang lưu giữ ở Hàn Quốc.

Trong báo cáo của Shin Me Young, tôi đặc biệt lưu ý tới câu chuyện của Hoàng tử Lý Long Tường – nhân vật đã được nhắc đến nhiều lần, như là một “sứ giả” trong mối quan hệ Việt – Hàn trong lịch sử. Bài viết này, một lần nữa muốn nhấn mạnh tới nhân vật này để độc giả có thêm tư liệu khai thác, nghiên cứu.

Theo Shin Me Young, mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc được ghi chép trong sử sách Hàn, đó là cuốn “Quế Uyển bút canh tập” của Choi Chi Won - một học giả sống vào cuối thời Shila, năm 868, thuộc Vua Gyongmun trị vì. Ông đã từng có thời gian 4 năm làm Tổng quản cho Cao Biền - vị An Nam Đô hộ phủ thời thuộc Đường - nhân vật lịch sử không mấy xa lạ với người dân Việt Nam với bao huyền tích đầy chất phù thủy, ma thuật. Thời gian làm việc cho Cao Biền, ông được giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng là soạn thảo văn bản, theo đó, số bài viết cả công và tư lên tới một vạn bài. Quan hệ An Nam – Shila qua nhân vật Choi Chi Won, với Shin Me Young chưa có thể được coi là dấu mốc khởi đầu cho quan hệ Việt - Hàn.

Nữ học giả trẻ tuổi người Hàn Quốc này cho rằng, sự khởi đầu cho quan hệ ấy chính là sự kiện Hoàng tử Lý Long Tường đặt chân và định cư tới Cao Ly.

Dòng họ Lý Tinh Thiện, hậu duệ đời thứ 35 của Vua Lý Thái Tổ, đã đưa con cháu về quỳ lạy trước đền Đô, nhận quê cha đất tổ.

Ảnh: Internet

Lý Long Tường sinh năm 1174, là người con thứ 7 của Vua Lý Anh Tông, em của Vua Lý Cao Tông và là chú của Vua Lý Huệ Tông, từng được phong làm Kiến Bình Vương của nước Đại Việt.

Tuy nhiên, các tài liệu lịch sử liên quan đến hành trình sang Cao Ly cũng như quá trình định cư của Hoàng tử Lý Long Tường, cho đến nay, vẫn chưa tìm được. Trong phần “Trung Huệ vương triều” của cuốn”Cao Ly sử” có đề cập đến nước An Nam, nhưng chỉ là chi tiết về quốc gia này, do vậy, không thể coi đây là quá trình tha hương của Hoàng tử.

Như thế, một câu hỏi đặt ra là, tại sao và dựa trên căn cứ nào, có thể khẳng định được rằng, Hoàng tử Lý Long Tường chính là người Việt Nam – người An Nam đầu tiên đặt chân đến Hàn Quốc?

Những câu chuyện liên quan tới Hoàng tử Lý Long Tường được nhắc đến trong một số tài liệu thư tịch cổ như “Ung tân phủ ấp chí”, “Thụ giáng môn bi minh”, “Hoa Sơn Lý thị thế phả”, “Hoa Sơn Lý thị gia truyền thực lục” v.v. Những tài liệu này nói rằng, dòng họ Lý chính là con cháu của Hoa Sơn Tướng quân và Hoa Sơn Tướng quân tại nước Cao Ly chính là ông Tổ của dòng họ Lý Hoa Sơn ngày nay tại Hàn Quốc.

Hoa Sơn Tướng quân Lý Long Tường là em trai của Vua Đại Việt. Trước cảnh vương triều của tổ tiên bị lật đổ, Lý Long Tường đã mang đồ thờ cúng cùng gia tộc bỏ chạy, sau quá trình lênh đênh trên biển, đoàn thuyền cập bến tại quận Ung Tân, tỉnh Hải Dương, thuộc Cao Ly, bấy giờ là triều đại của Cao Tông. Thương xót nghịch cảnh mà con cháu Hoàng gia tha hương gặp phải, Vua Cao Tông liền phong cho Lý Long Tường làm Hoa Sơn tướng quân.

Đúng lúc đó, quân Mông -  Nguyên tràn vào xâm lược Cao Ly, Lý Long Tường đã lập chiến công lớn, đẩy lùi quân xâm lược, do đó, đã được lập bia ghi công trạng tại nơi quân Nguyên - Mông đầu hàng, gọi là “Thụ hàng môn”. Tương truyền, sau khi cho đắp thành cao trên Hoa Sơn, ông thường trèo lên mỏm đá trên đỉnh núi Quảng Đại ngồi nhìn về Phương Nam xa xăm mà nhớ quê hương, nên từ đó nơi này được gọi là “Nguyệt thành Nam”. Dưới chân núi Hoa Sơn ngày nay vẫn còn lưu lại dấu tích nơi cư ngụ của Hoa Sơn Tướng quân Lý Long Tường. Mộ của ông nằm dưới chân núi Ly Ất Phong, thuộc Domun - dông, 10 dặm về phía Tây Phủ.

Ghi chép trên là nội dung liên quan tới Hoa Sơn Tướng quân, được trích từ “Ung Tân phủ ấp chí”. Cuốn sách này cũng có chi tiết kể lại rằng, vừa hay tin “em trai Vua An Nam Quốc” là Lý Long Tường đến nơi, Vua nước Cao Ly thời bấy giờ là Cao Tông thương cảm nghịch cảnh của hoàng tôn nước ngoài, nên liền phong ông làm Hoa Sơn Tướng quân.

Ông Lý Tường Tuấn, hậu duệ đời thứ 36 của Hoàng tử Lý Long Tường. Ảnh: Internet

Các chiến công của Lý Long Tường còn được khắc ghi trên bia đá, với dòng chữ “Thụ giang môn bi minh”. Nội dung trên văn bia này bao gồm các chi tiết về nguồn gốc Thụ hàng môn, xuất thân và gia thế của Hoàng tử Lý Long Tường, bối cảnh khiến ông phải rời quê cha đất tổ, quá trình định cư tại huyện Ung Tân, công trạng đi dẹp lùi quân Nguyên – Mông, tước vị Hoa Sơn tướng quân do vua Cao Tông ban tặng, biểu dương Thụ hàng môn, lai lịch trở thành ông tổ của dòng họ Lý Hoa Sơn và các công trạng của nhiều đời hậu duệ…

Mặc dù đối chiếu giữa văn bản này với “Ung Tân phủ ấp” có thể thấy lý do mà Lý Long Tường nhận được tước hiệu Hoa sơn tướng quân có nội dung đôi chút khác biệt, hoặc một số chi tiết liên quan tới việc định cư của Hoàng tử trên đất Cao Ly, cũng như hoạt động của ông chống quân Nguyên – Mông vào năm 40 đời Vua Cao Tông, cũng chưa được đề cập tới trong các cuốn chính sử như “Cao Ly sử”, “Cao Ly sử tiết yếu”… Mặc dù vậy, có thể thấy địa danh khu vực hành chính, địa danh di tích… khá đồng nhất giữa các tài liệu ghi chép. Không những thế, trên các địa danh, đặc điểm vùng đất, giếng nước… xuất hiện trong truyền thuyết về Hoàng Tử Lý Long Tường đã được đề cập một cách nhất quán trong cuốn “Tân tăng Đông quốc dư địa thắng lãm”, được phát hành ở triều đại Chosun. Trên cơ sở của những tư liệu này, gần đây, đa số ý kiến đều thống nhất Lý Long Tường chính là người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới bán đảo Hàn Quốc.

Ngoài câu chuyện của Hoàng tử Lý Long Tường, gần đây, giới sử gia Hàn Quốc còn đưa ra một số giả thuyết khác, cũng liên quan tới dòng họ Lý và quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, qua vụ ông Tổ của dòng họ Lý Tĩnh Thiện, là Lý Dương Côn, vốn là Hoàng tử của triều đại Lý của Đại Việt, cũng tha hương tại đất Cao Ly, thời điểm trước cả Lý Long Tường một thế kỷ. Cũng còn một giả thiết nữa, đó là một quan chức thời kỳ võ quan nhiếp chính là Lý Nghĩa Mân, cũng là hậu duệ của Vương triều Lý, đã đến định cư ở bán đảo này. Mặc dù vậy, đa số ý kiến đều cho rằng, ngoại trừ Lý Long Tường, thì việc chứng thực các nhân vật còn lại vẫn còn rất mờ nhạt, rất cần nghiên cứu thêm.

Nói về câu chuyện của Hoàng tử Lý Long Tường qua báo cáo của Shin Me Young, nhưng tôi đã đi quá xa với nhân vật lịch sử ấy, bởi hai lý do, đó là sự khâm phục về tính hiệu quả trong hợp tác giữa hai Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam với Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa Biển Hàn Quốc, dù có rất ít thời gian mà đã có nhiều kết quả hơn cả mong đợi, và đó là sự kính nể, khi cả hai đã lựa chọn được những đề tài nghiên cứu có tính thực tiễn cao, có tính thời sự nóng hổi để vun đắp cho mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc ngày thêm đơm hoa kết trái. Xin chúc mừng sự thành công bước đầu cho quan hệ hợp tác này.

TS Phạm Quốc Quân

Top