Lễ hội Đền Thanh Liệt

Lễ hội đền Thanh Liệt hay còn gọi Lễ hội rước Hến là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời của làng Thanh Liệt, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Đến hẹn lại lên, hàng năm đúng ngày mồng 6 tháng 2 Âm lịch, nhân dân vạn chài làng Thanh Liệt ở khắp nơi trên mọi miền đất nước lại trở về quê hương để vui hội làng. Lễ hội đền Thanh Liệt chính thức khai hội khi trời còn sáng sớm, với màn rước kiệu trên bộ từ ngôi đền thiêng của làng ra bãi bồi ven sông Lam, sau đó đoàn rước tiến hành rước thủy trên một đoàn thuyền lớn của người dân vạn chài được kết lại với nhau thành một dãy dài, trang trí cờ hoa rực rỡ cùng với đồ tế khí, các mâm lễ vật,...

Lễ hội đền Thanh Liệt tổ chức vào ngày mồng 6 tháng 2 Âm lịch hàng năm.

Đi đầu đoàn rước là thuyền chủ có trang trí án thờ thủy thần, trên thuyền chở các bô lão lớn tuổi của làng, tiếp theo là thuyền chở kiệu của các thần như: Nguyễn Biểu; Đức vua thủy quốc; Đức vua Thiên vương; Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn; Sơn liêu Độc cước; Mẫu Liễu Hạnh… sau cùng là các thuyền của nhân dân các vùng như làng chài Thanh Liệt, Vũng Hà, Phù Long, Phù Thạch thuộc 2 xã  Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên và xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Đi đầu đoàn rước là thuyền chủ có trang trí án thờ thủy thần, trên thuyền chở các bô lão lớn tuổi của làng.

Đoàn rước sau khi xuống thuyền sẽ đi ngược về phía Tây dọc sông Lam hay còn gọi là vùng “Thượng cận” thì tổ chức làm lễ khoảng 2 tiếng đồng hồ, sau đó quay về vùng “ Hạ cận”. Cao trào của lễ rước trên sông Lam là lễ tế thủy thần ở ngã ba sông Lam nơi giao lưu giữa dòng sông Lam (Nghệ An) và Sông La (Hà Tĩnh) hay còn gọi là “Bãi phủ” là hiện tượng ngự đồng tập thể hết sức độc đáo và đầy rẫy sự huyền bí để cầu cho ngư dân được tôm cá đầy thuyền, cho con hến sinh sôi nảy nở,… 

Đoàn rước bộ đền Thanh Liệt.

Sau khi thầy cúng đọc văn cúng xong, chiêng trống nổi lên, thầy cúng là một người lớn tuổi của làng được cho là hợp căn đồng lập tức đứng dậy vừa hô hoán, tay cầm thanh dao dài khoảng 80cm tự rạch vào lưỡi mình và phun máu vào các tờ giấy gió đã được các thầy cúng của làng chuẩn bị sẵn. Sau đó, những tờ giấy này được phát cho nhân dân như những lá bùa hộ mệnh với mong muốn một năm mới làm ăn thuận lợi, tôm cá, hến đầy khoang. Trong quá trình hành lễ, bơi quanh đoàn thuyền rước là 2 thuyền rồng, mỗi thuyền do 12 nam, 12 nữ chưa vợ, chưa chồng, mặc trang phục truyền thống vừa bơi chải vừa hát Ví, hát Giặm, đối đáp những làn điệu dân ca xứ Nghệ.

Lễ tế được tổ chức 2 lần trong thời gian từ 5 đến 6 giờ đồng hồ và kết thúc bằng màn rước kiệu thần về lại ngôi đền của làng sau đó tổ chức lễ an vị và đại tế. Sau lễ tại đền, nhân dân tiến ra bãi bồi ven sông để tham gia phần hội. Phần hội diễn ra cũng không kém phần hấp dẫn với những trò chơi dân gian mang đậm màu sắc sông nước như:  thi bơi trải; thi cướp giải, thi cào hến, thi lặn, đua chèo lộn tiêu… gay cấn và thú vị nhất vẫn là hoạt động đua thuyền trên sông Lam, thuyền đua được nhân dân sử dụng ở đây là những thuyền cào hến hoặc đánh cá được trang trí cờ, hoa.

Thầy cúng đọc văn cúng trong lễ tễ.

Mỗi dịp lễ hội thường có 8 thuyền, trong đó có 4 thuyền đua, 4 thuyền đạo. Thuyền đua là những thuyền dài được trang trí hoa văn họa tiết hình rồng, phía trước cắm cờ hội, thuyền này đủ sức chứa khoảng 12 tay chèo và một người đứng phía trước mũi thuyền đảm nhiệm vai trò cầm chịch và đánh trống, gọi loa.

Thuyền đạo là những thuyền nhỏ hơn, thông thường là các thuyền của các hộ gia đình được sử dụng hàng ngày dùng để chở các bà, các chị bơi theo thuyền đua để hát Ví, hát Giặm nhằm khích lệ đoàn đua, phần thưởng cho cuộc đua chỉ là những cột tiêu mang tính tượng trưng, nếu thuyền của làng nào lấy được tiêu xem như làng đó được may mắn cả năm.

Mỗi dịp lễ hội thường có 8 thuyền, trong đó có 4 thuyền đua, 4 thuyền đạo.

Lễ hội đền Thanh Liệt là một đặc sản lễ hội dân gian giàu bản sắc văn hóa mang đậm dấu ấn của cư dân miền sông nước khu vực hạ nguồn của dòng sông Lam. Để bảo tồn phát huy các giá trị bản sắc của Lễ hội đền Thanh Liệt trước mắt và lâu dài, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đang xây dựng hồ sơ phi vật thể Lễ hội đền Thanh Liệt đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.

Hồ Mạnh Hà

Top