Linh vật của người Đông Sơn

Những hoa văn siêu thực kết hợp giữa lối bổ nghiêng và bổ thẳng rất ít gặp trong nghệ thuật cổ đại trên thế giới, khiến người ta liên tưởng đến cách trang trí hình người và động vật trong thế giới cổ đại Ai Cập. Người Ai Cập đã tạo ra khối tượng nhân sư có đầu người nhưng lại có mình sư tử. Sự tương đồng hình tượng cặp đôi người - thú này cũng hiếm gặp, nhưng lại thấy ở nghệ thuật Đông Sơn. Hình ảnh thực tế đã đọng trong óc họ, thông qua quá trình quan sát tỷ mỉ, sàng lọc và được tái hiện một cách sinh động và siêu thực.

1. Các tộc người thời cổ đại thường có niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên, tín ngưỡng và tôn giáo nữa. Họ đã nhân cách hóa, tôn thờ những con vật mà theo họ là “thiêng”, ví dụ như trong Sa Man giáo đã được cư dân nhiều nước trên thế giới tôn thờ hình ảnh một loài động vật nào đó, thậm chí còn lưu lại trong truyền thuyết ngàn đời đó là tổ tiên của họ, mà dần dần lại trở thành một đặc trưng của một tôn giáo sơ khai khác nữa là Tô Tem giáo. Dấu vết của các tôn giáo sơ khai này còn lưu lại cho đến tận hôm nay qua những dấu vết của một số cộng đồng người hiện đại còn kiêng không ăn thịt bò, thịt lợn, thịt chó… chẳng hạn, vì quan niệm có thể đấy là những linh vật thiêng của họ từ hàng ngàn vạn năm trước.

Người cổ đại nhân cách hóa các động vật mà dấu vết để lại khá rõ trên tượng tròn hay hình khắc họa. Ví dụ như tượng Nhân sư (đầu người, mình sư tử) ở Ai Cập hay ở hình vẽ người có sừng trong thời đại Đồ đá cách đây vài chục ngàn năm ở vùng Ariege, miền Tây Nam nước Pháp. Yếu tố người thể hiện ở dáng đứng thẳng, cặp chân trần, yếu tố động vật là hai chân trước có móng, đầu có sừng, toàn thân lông lá. Có thể đây là một dạng phù thủy của Sa Man giáo nửa người nửa động vật 4 chân.

Nghệ thuật tạo hình trong thế giới cổ đại có nhiều mô típ mô tả kết hợp giữa người và động vật hoặc phối hợp giữa động vật loài này với động vật loài khác. Đó là theo phong cách nghệ thuật siêu thực: nhìn vậy mà… không phải vậy. Trên thực tế, không thể có một sinh vật sống nào mà thân là hình thú mà đầu lại là hình người. Thậm chí, hình tượng một sinh vật kết hợp giữa con rồng và con ngựa (Long Mã) tức là kết hợp một con vật không có thật (rồng) với một con ngựa để tạo ra một hình ảnh con vật ảo đến hai cấp độ trong nghệ thuật thời Hậu Lê nước ta được trang trí nhiều trên diềm bia đá, khắc trên đồ đồng, đồ gỗ…

Có thể nói, nghệ thuật siêu thực đã là một trường phái nghệ thuật đầy sức sáng tạo, không phải giống như nghệ thuật hiện thực, thấy gì tả chân như vậy mà đã qua sự sao chép và tưởng tượng của người nghệ sĩ. Nghệ thuật siêu thực còn được nối tiếp đến tận ngày nay mà ví dụ điển hình trong tranh vẽ của danh họa nổi tiếng Pablo Picasso, có những bức họa siêu thực “gói ghém” không gian ba chiều thành không gian phẳng hai chiều…

Tại Việt Nam, có lẽ tác phẩm nghệ thuật tạo hình siêu thực sớm nhất là bức tranh khắc họa những mặt người có hai sừng trong lòng hang Đồng Nội (Hòa Bình), có thể đây là hình tượng người-thú đầu tiên có niên đại được nhiều người cho là thuộc thời đại Đồ đá. Đây là biểu tượng linh vật đầu tiên được người Tiền sử khắc họa phục vụ cho những buổi lễ nhảy múa trong ánh đuốc rực sáng lòng hang của một thời cách đây khoảng vạn năm.

2. Phải đến tận thời văn hóa Đông Sơn (cách đây hơn 2.000 năm), các nhà khoa học mới thấy người Việt cổ lại sáng tạo các tác phẩm tạo hình siêu thực, được khắc trên đồ đồng.

Hoa văn siêu thực mô tả người-hươu trên thạp Việt Khê được thể hiện người được tả góc nhìn thẳng, hai tay dang rộng đối xứng qua thân người, nhưng hươu lại được tả góc nhìn nghiêng, có bốn chân và được ghép với thân người. Những hoa văn siêu thực kết hợp giữa lối bổ nghiêng và bổ thẳng như vậy rất ít gặp trong nghệ thuật cổ đại trên thế giới, khiến người ta liên tưởng đến cách trang trí hình người và động vật trong thế giới cổ đại Ai Cập. Người Ai Cập đã tạo ra khối tượng nhân sư có đầu người nhưng lại có mình sư tử. Sự tương đồng hình tượng cặp đôi người-thú này cũng hiếm gặp, nhưng lại thấy ở nghệ thuật Đông Sơn. Hình ảnh thực tế đã đọng trong óc họ, thông qua quá trình quan sát tỷ mỉ, sàng lọc và được tái hiện một cách sinh động và siêu thực. Sau đó khoảng hơn 1.000 năm sau, các nhà nghiên cứu nghệ thuật lại tìm thấy hình tượng thần Kinnari đầu người mình chim ở Chùa Phật Tích, Bắc Ninh là tác phẩm của nghệ thuật Việt ảnh hưởng nghệ thuật Champa và Ấn Độ . Những hình siêu thực kết hợp giữa người và động vật tìm thấy hiếm hoi và chứng tỏ tác giả là những người có đầu óc thẩm mỹ kết hợp với tư duy lãng mạn mới có nền nghệ thuật tạo hình tuyệt vời như vậy.

Hoa văn người-hươu trên thạp đồng Việt Khê (hình trên) và tượng thần Kinnari đầu người mình chim, thế kỷ XI ở Chùa Phật Tích (hình dưới, ảnh Trịnh Sinh)

3. Mới đây, hình trang trí hoa văn chim bồ nông trên thân thạp số 2 của sưu tập đồ đồng Kính Hoa đã là minh họa sinh động cho thủ pháp miêu tả siêu thực với những con bồ nông đứng nối đuôi nhau, tả theo lối “bổ nghiêng”, nhưng lại có 2 mắt ở cùng một bên là hai hình tròn chấm giữa.

Cái phong cách nghệ thuật tạo hình siêu thực còn phổ biến trong văn hóa Đông Sơn thể hiện trên trống đồng Đông Sơn là hình các con chim bay trên mặt trống đồng. Chim dang đôi cánh bay theo góc nhìn từ trên xuống, nhưng thân chim lại mô tả theo góc nhìn nằm ngang nhìn thấy cả phần cổ chim, mỏ chim và một bên mắt chim cũng như đôi chân chim. Điều này không thể có trong thực tế mà người nghệ sĩ đã phối hợp cả góc nhìn trên xuống và góc nhìn ngang để khắc họa chim. Đó là cách miêu tả siêu thực, khác hẳn với cách miêu tả theo phong cách chụp ảnh. Điều này cũng là một đặc trưng của nghệ thuật Đông Sơn.

Phong cách siêu thực còn thể hiện được việc mô tả theo phong cách mà một số học giả gọi là phong cách “X quang”, tức là nhìn được vào bên trong sự vật. Ví dụ rõ nhất là ngôi nhà sàn mái tròn và mái cong của người Đông Sơn được mái rủ che hết phần bên trong bên nhà, nhưng người nghệ sĩ Đông Sơn vẫn miêu tả người đang ngồi bên trong đánh trống, cặp nam nữ đang giao hoan, các cảnh sinh hoạt bên trong. Thực tế thì những cảnh bên trong ngôi nhà sàn không thể nhìn thấy mà được tái tạo theo quan sát và đọng lại trong đầu người xưa.

Hoa văn hình chim bồ nông trên thạp đồng số 2 của sưu tập Kính Hoa được trang trí 2 mắt ở một bên đầu (hướng mũi tên đỏ). Ảnh: Trịnh Sinh

4. Nghệ thuật tạo hình siêu thực còn được nâng cao hơn với người nghệ sĩ Đông Sơn khi mà tạo ra một con vật mà không có trong thực tế. Đó là hình khắc trên một vài trống đồng mới được phát hiện gần đây. Cái ảo diệu của nghệ thuật tạo hình siêu thực lại được nâng tầm, khi họ không chỉ ghép đôi hai loài mà là ghép ba loài động vật, có thể diễn tả một truyền thuyết về một con vật siêu nhiên nào đó chăng? Nhưng dẫu là con vật nào thì cũng phải là con vật huyền thoại, một linh vật hiếm mà lại được khắc họa trong một vành hoa văn quan trọng trên trống đồng.

Khi mới biết đến linh vật này, được khắc họa trên trống Miếu Môn và một số trống quý khác, các nhà khảo cổ còn phải phân vân trong việc gọi tên đó là con vật gì, có nhiều người cho rằng đó là loài cáo. Với những phát hiện những chiếc trống đồng Đông Sơn mới đây thì xem ra loài động vật này không phải là cáo mà là một linh vật không thể nào tìm được trong đời thường mà chỉ trong truyền thuyết mà thôi, vì nó… siêu thực. Tác giả của nó là nghệ nhân Đông Sơn cũng là những người tài hoa, bậc thầy của nghệ thuật tạo hình siêu thực, khi nâng cấp độ phối hợp thể hiện linh vật từ sự phối hợp giữa 3 loài vật để lại cho hậu thế còn phải mầy mò giải mã ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng của linh vật này phải cần nhiều thời gian và công sức hơn nữa.

Hoa văn hình cáo trang trí xen với hình hươu trên vành hoa văn mặt trống Miếu Môn. Nguồn: Viện Khảo cổ học

Trong sưu tập trống thạp của nhà sưu tập Lương Hoàng Long có 2 chiếc trống đồng được trang trí hình hoa văn linh vật giống như hình động vật này trên mặt trống Miếu Môn. Chúng tôi miêu tả một trong hai chiếc trống này.

Chiếc trống Đông Sơn thứ nhất được trang trí hoa văn: Giữa mặt trống là ngôi sao (biểu tượng của mặt trời) có 10 cánh nhọn, đúc nổi. Xung quanh hoa văn ngôi sao có những vành hoa văn hình học như hình tròn, đồng tâm chấm giữa, dích dắc, chấm dải, tam giác liền đáy… làm nền cho vành hoa văn rộng, chủ đạo, trang trí hình 6 con vật theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Con vật này có thân cong, đuôi xù thành tán rộng, có mắt là hình vòng tròn chấm giữa, có chân trong tư thế co lại chuẩn bị nhảy, nhìn khá giống loài chồn. Tuy nhiên, con vật này lại có sừng với hai nhánh giống với sừng hươu và có mõm nhọn như mỏ chim đang cắp một con mồi. Trong thực tế, chúng tôi không thấy bất kỳ con vật nào có cả những nét pha trộn miêu tả loài chồn, loài hươu có sừng và loài chim mỏ dài như vậy, nên có thể giả định là người xưa tạo ra một linh vật giống như tạo ra con Rồng hay con Giao Long mang nhiều nét siêu thực, là nét độc đáo của mỹ thuật Đông Sơn.

Trang trí hình linh vật trên mặt trống Đông Sơn thứ nhất trong sưu tập Lương Hoàng Long. Ảnh: Trịnh Sinh

Chiếc trống Đông Sơn thứ hai cũng miêu tả linh vật này và cũng có các hoa văn tương tự chiếc trống trên.

Vành hoa văn hình linh vật nối đuôi nhau trên chiếc trống đồng thứ hai trong sưu tập Lương Hoàng Long. Ảnh: Trịnh Sinh

5. Trong bối cảnh văn hóa thời đại Kim khí ở Đông Nam Á vào khoảng cách đây hơn hai ngàn năm, tổ tiên người Việt Nam đã sáng tạo ra văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Họ không những làm chủ kỹ thuật đúc đồng điêu luyện nhất khu vực bấy giờ mà còn là những người đã dựng nên Nhà nước sơ khai thời Hùng Vương, có cuộc sống tinh thần vô cùng phong phú, sách Lĩnh Nam chích quái ghi lại: Lúc bấy giờ, Vua tôi cùng đi cày, cha con tắm cùng sông, không chia giới hạn, không phân biệt uy quyền thứ bậc… Họ là những người đúc ra các tuyệt tác độc đáo là trống đồng và thạp đồng trên đó khắc họa các linh vật tuyệt đẹp, huyền ảo chất chứa nhiều ý nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo, vừa siêu thực lại vừa gần gũi với đời sống của cư dân trồng lúa nước. Thật hiếm có một cộng đồng người nào lại có được những linh vật sống động và độc đáo như vậy

Bài và ảnh: GS.TS TRỊNH SINH

 

Top