Họa sĩ Y Luê Adrơng: Lưu giữ ký ức đẹp về buôn làng qua những bức tranh

“Nếu một ngày nào đó, cuộc sống nhiều đổi thay khiến những ngôi nhà sàn được thay thế bằng những ngôi nhà hiện đại khác thì những bức tranh vẽ sẽ là một phần lưu giữ những kí ức đẹp về buôn làng ở Tây Nguyên” - Đó là chia sẻ của họa sĩ trẻ người Ê-đê Y Luê Adrơng. Mỗi bức tranh mang câu chuyện và sáng tạo riêng nhưng đều có một điểm chung là tình yêu dành cho buôn làng, cho quê hương. Cũng bởi vậy, Y Luê Adrơng còn được gọi với cái tên thân thương: Họa sĩ của buôn làng.

Buôn làng, văn hóa truyền thống là chủ đề trong các tác phẩm

Y Luê Adrơng (sinh năm 1985) sinh ra và lớn lên tại TP. Buôn Ma Thuột. Dù gia đình không có truyền thống làm nghệ thuật nhưng ngay từ nhỏ Y Luê Adrơng đã bộc lộ niềm đam mê vẽ tranh. Lớn lên, anh quyết định theo học chuyên ngành Hội họa - Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk để theo đuổi ước mơ của mình.

Buôn làng, văn hóa truyền thống là chủ đề cho các tác phẩm của Y Luê Adrơng

Vẽ tranh tường là thể loại đầu tiên sau khi Y Luê Adrơng tốt nghiệp. Các bức tranh có nội dung phong phú, tùy theo nhu cầu của khách hàng cũng truyền tải được cảm xúc cho người xem. Sau một thời gian theo đuổi, anh quyết định đi theo hướng sáng tác nghệ thuật và chọn buôn làng, văn hóa truyền thống là chủ đề cho các tác phẩm của mình. Đơn giản vì anh cảm nhận được từng nếp nhà dài, trang phục truyền thống hay khung dệt vải… đang ít dần đi, nếu không lưu giữ lại các thế hệ sau này sẽ khó hình dung được. Từ hình ảnh người phụ nữ dệt vải mộc mạc, chân chất hay cô gái Ê-đê đằm thắm cho đến cảnh vật buôn làng… hiện lên qua những nét vẽ sơn dầu của Y Luê Adrơng một cách rất tự nhiên và say mê. Anh hy vọng, những tác phẩm của mình sẽ phần nào lưu giữ được những ký ức đẹp về buôn làng.

“Hồn ché” - Tác phẩm đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi vẽ tranh di sản

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thế giới Di sản về lý do chọn vẽ tác phẩm “Hồn ché” (Chất liệu sơn dầu/ vải, kích thước 110 x 120cm) dự thi cuộc thi vẽ tranh Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa, lần thứ I - năm 2023, Y Luê Adrơng cho biết: Vùng đất Tây Nguyên sở hữu những sắc thái văn hoá vô cùng hấp dẫn và đa dạng thể hiện qua kho tàng văn hoá ấn tượng với nghệ thuật cồng chiêng, sử thi, lễ hội hay cả trong ẩm thực ăn uống như văn hoá uống rượu cần.

Tác phẩm "Hồn ché"

“Theo quan niệm của người Ê-đê, mỗi chiếc ché đều có linh hồn. Ché không chỉ là đồ dùng thông thường mà còn mang tính thiêng liêng. Ché rượu cần là vật dụng không thể thiếu trong các nghi lễ như mừng lúa mới, cúng bến nước, cầu sức khỏe, cầu mưa… Ché còn là một trong những đồ vật đầu tiên dâng lên cúng yàng, thần linh. Nếu như cồng chiêng được coi như là vật linh thiêng nhất, có giá trị nhất của mỗi gia đình và cộng đồng thì ché thể hiện sự sung túc, giàu có của gia chủ và cũng là vật dụng không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Khi thể hiện tác phẩm “Hồn ché”, tôi muốn lưu giữ lại hình ảnh, nét văn hoá độc đáo của dân tộc mình” - Y Luê Adrơng chia sẻ.

Với sự nỗ lực, cố gắng của mình, Y Luê Adrơng đã đạt được những thành công nhất định. Những tác phẩm do anh sáng tác đã được trưng bày tại các triển lãm, một số tác phẩm đoạt các giải thưởng và cũng được các nhà sưu tập trong và ngoài nước yêu thích… Cho dù trong tương lai sẽ có những hướng đi và phát triển mới, nhưng theo họa sĩ Y Luê Adrơng, Tây Nguyên, buôn làng vẫn là đề tài chủ đạo để sáng tác. Ngoài việc thể hiện vẻ đẹp của cuộc sống vào trong tranh, đây còn là một cách chàng trai truyền tải thông điệp bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc đến công chúng.

Hy vọng rằng, sự sáng tạo của họa sĩ trẻ sẽ mang đến cho công chúng yêu mỹ thuật nhiều hơn nữa những tác phẩm hội họa đặc sắc về vùng đất, con người và nét văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên.]

“Nếu một ngày nào đó, cuộc sống nhiều đổi thay khiến những ngôi nhà sàn được thay thế bằng những ngôi nhà hiện đại khác thì những bức tranh vẽ sẽ là một phần lưu giữ những kí ức đẹp về buôn làng ở Tây Nguyên”.

(Họa sĩ Y LUÊ ADRƠNG)

Bài: Quỳnh Hương

Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Top