Phong tục truyền thống trong Tết của người Nhật

Nhật Bản là cường quốc công nghiệp phát triển trên thế giới, là nước châu Á đầu tiên mở cửa du nhập văn hoá, văn minh phương Tây ngay từ năm 1868 với công cuộc cải cách duy tân mang tên Thiên hoàng Minh Trị (Meiji). Tuy vậy, xứ sở mặt trời mọc vẫn luôn là quốc gia chú trọng gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, trong đó phải kể đến những phong tục, tập quán độc đáo trong văn hóa Tết. Những ngày Tết của Nhật Bản mang đậm sắc thái của nền Phật giáo phương Đông và các phong tục cổ truyền nơi đây.

Trang trí nhà cửa với Shimenawa, Kadomatsu và Wakazari

Trước khi đón Tết, người Nhật luôn tự tay dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa. Họ thường treo shimenawa (dây trừ tà) trước cửa nhà với ý nghĩa trừ đuổi ma quỷ và chào đón những vị thần, mong ước điều may mắn sẽ đến với gia đình. Shimenawa được bện bằng rơm với những dải băng giấy ngũ sắc dán xung quanh, tạo thành những sợi chắn ngang cổng mỗi nhà, có màu sắc sặc sỡ, ấm cúng, tượng trưng cho những điều tốt lành, bình yên luôn hiện diện trong cuộc sống của gia đình người chủ của Shimenawa.

Kadomatsu (chậu cây thông và tre) thường được đặt ở cạnh cửa hoặc trước nhà, cửa hàng, công sở... Theo Thần đạo thì thần linh thường cư trú trong thân cây nên mọi người chuẩn bị Kodomatsu để chào đón thần linh. Cây thông tượng trưng cho sức sống bất diệt, dù cho thời tiết có khắc nghiệt tới đâu thì cây vẫn xanh tươi, đâm chồi nảy lộc. Cây tre là biểu tượng của ý chí mãnh liệt bất kể mưa gió vẫn vươn cao mạnh mẽ. Một bó Kadomatsu truyền thống được làm bằng 3 ống tre tươi, vài cành thông được xếp theo số lẻ, và những chi tiết trang trí khác để Kadomatsu được đẹp hơn. Người Nhật quan niệm rằng hạnh phúc không thể chia sẻ và nỗi bất hạnh mới cần phải “chia hết”, đó là lý do mà các cành thông luôn được chia theo số lẻ.

Wakazari là một vòng tròn, được bện bằng một đoạn dây thừng, kết hoa lên phía đầu, chỗ móc treo. Wakazari được treo ở bếp, với ý nghĩa tạ ơn thần lửa và thần nước đã đem lại cuộc sống sung túc, những bữa cơm gia đình đầm ấm cho họ. Wakazari còn được treo ở mui xe ô tô và xe đạp để cầu an toàn trong năm.

Người Nhật Bản tưng bừng đón Tết

Thắp hương cúng tổ tiên và các vị thần

Người Nhật Bản thờ cúng tổ tiên, các vị thần vào đêm Giao thừa. Trên ban thờ của mỗi gia đình người Nhật trong dịp Tết không thể thiếu bánh gạo Mochi, quả hồng, hạt dẻ, hạt thông, đậu đen, cá trích, mực và cam. Đây đều là những sản phẩm đặc trưng truyền thống của Nhật Bản, dễ làm và dễ kiếm. Ngoài ra còn có các loại bánh dày, bánh Tokonoma cũng được đặt lên ban thờ nhằm tỏ lòng thành kính của con cháu đối với các bậc tổ tiên và mong muốn được thần linh phù hộ. Khi ăn, người Nhật sẽ dùng đũa nhọn cả 2 đầu vì cả người và thần sẽ dùng.

Lì xì đầu năm mới

Những chiếc lì xì là món quà ý nghĩa trong dịp đầu năm mới. Với quan niệm  “Kính lão đắc thọ”, “Xởi lởi trời cho”, người Nhật thường mừng tuổi đầu năm cho người già và trẻ em. Thông thường, các em bé sẽ được nhận những chiếc phong bao xinh xắn trong đó có tiền, chúng sẽ cất đi, dùng dần cho việc học tập và mua những đồ dùng xinh xắn cho bản thân. Người già thì dùng tiền đó như một khoản tích lũy, phòng những lúc sức khỏe không tốt. Tiền mừng tuổi được để trong các bao màu đỏ, được trang trí hình con giáp của năm một cách ngộ nghĩnh. Trong 3 ngày Tết, người Nhật cũng sẽ đến thăm nhà nhau chúc mừng năm mới, việc mà họ hiếm khi thực hiện trong cả năm.

Đi chùa vào dịp đầu năm

Thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới thiêng liêng hơn bởi 108 hồi chuông chùa ngân vang - người ta tin rằng với tiếng chuông này sẽ giúp con người từ bỏ được 108 dục vọng trần gian. Một số đền, chùa ở Nhật còn cho phép người dân có thể đánh chuông trong dịp này. Người Nhật thường đến chùa hoặc đền Thần đạo vào dịp năm mới để cầu nguyện cho sức khỏe và gia đình hạnh phúc - một việc mà họ hiếm làm vào ngày thường. Sau khi lễ xong, người Nhật cũng thường rút Omikuji (quẻ bói). Nếu rút được quẻ lành, họ sẽ mang về nhà, còn nếu rút phải quẻ hung thì sẽ buộc lên cành cây như một lời hứa với vị thần rằng sẽ cố gắng hành động theo lời khuyên của thần để tránh điều không may mắn.

Một số đền, chùa ở Nhật còn cho phép người dân có thể đánh chuông trong dịp Tết

Khai bút đầu năm, tham gia những trò chơi dân gian

Một hoạt động khác cũng được coi là nét đẹp văn hoá đầu năm mới của người Nhật, đó là việc khai bút. Người Nhật dùng bút lông, mực Tàu viết những chữ có ý nghĩa tốt đẹp đầu năm mới. Trẻ em thường viết chữ hatsuhinode (bình minh đầu năm) hay shinshun (xuân mới). Cũng như nhiều nước châu Á khác, trong những ngày Tết, trẻ em Nhật là đối tượng được sự quan tâm nhiều nhất của gia đình và xã hội. Trong ngày Tết, trò chơi truyền thống của trẻ em là thả diều Takoage, đánh cầu lông Hanetsuki, chơi quay Komamawashi…

Chuẩn bị bưu thiếp năm mới

Vào cuối năm, người Nhật chuẩn bị những chiếc bưu thiếp để tri ân hay gửi thông điệp yêu thương tới những người sống xung quanh mình. Tùy vào mục đích sử dụng, đối tượng được tặng mà chiếc bưu thiếp sẽ được trang trí một cách trang trọng, dễ thương, nhiều màu sắc hay nhã nhặn… Những tấm bưu thiếp sẽ được gửi tặng vào ngày mùng 1 và được người nhận nâng niu, quý trọng.

Lời cầu nguyện đầu tiên cho một năm mới nhiều may mắn

Ở đất nước mặt trời mọc, mọi người cầu nguyện vào lúc bình minh của ngày đầu tiên trong năm vì họ tin rằng ánh bình minh đầu tiên trong năm chứa đựng những điều siêu nhiên kỳ diệu - đây là một phong tục phổ biến từ thời Meiji (1868-1912) cho đến ngày nay. Đỉnh núi, bãi biển là lựa chọn lý tưởng của mọi người để có thể ngắm bình minh và cầu nguyện cho một năm nhiều sức khỏe và thịnh vượng.

Người Nhật thường ăn mì Soba vào đêm Giao thừa

Ẩm thực ngày Tết

Người Nhật thường ăn mì Soba vào đêm Giao thừa. Phong tục này bắt nguồn từ thời kỳ Edo (1603-1868).  Người lớn và trẻ đều cố gắng ăn hết tô mì mà không cắn đứt sợi mì với niềm tin là sợi mì khi ăn càng dài thì tuổi thọ của họ sẽ càng cao, đồng thời ăn mì Soba cần phải ăn vào lúc 12h đêm để xua tan đi các rủi ro trong năm mới.

Các món ăn ngày Tết tiêu biểu cho văn hoá ẩm thực của người Nhật phải kể đến sashimi và sushi là hai món ăn cá sống nổi tiếng nhất và cũng phổ biến nhất khi nói về ẩm thực Nhật Bản. Ngoài ra còn có osechi là những đồ ăn ngon được chuẩn bị với các món nấu, món trộn dấm, món nướng làm từ các loại hải sản, thịt gia súc, gia cầm và các loại rau với hương vị và màu sắc phong phú có thành phần dinh dưỡng hợp lý, được xếp trong một hộp sơn hình khối chữ nhật trong đỏ ngoài đen. Mỗi loại nguyên liệu trong osechi đều hàm chứa lời chúc tốt đẹp cho năm mới: cá tráp mang ý nghĩa may mắn; rong biển - vui mừng; đậu - mạnh khỏe; trứng cá trích - con cháu đông đúc; ngó sen - nhìn xa trông rộng; rau mắc - sinh lộc; tôm - trường thọ… Một món ăn khác cũng không thể thiếu trong ẩm thực Tết của người Nhật  đó là zouni - món nướng gồm rau, cá, thịt gà cho vào nước sốt cùng với bánh dày. Theo truyền thuyết, vào ngày mùng 1 Tết, vị thần Toshidon đã xuất hiện, ban tặng cho các em bé ngoan và vâng lời cha mẹ loại bánh dầy ozoni. Từ đó, với mong muốn được hưởng nhiều những món quà của các vị thần, người Nhật Bản thường ăn ozoni vào mùng 1 Tết.

Những ngày lễ truyền thống của người Nhật

Ngày mồng 7-1 là ngày thứ bảy của Tết Nguyên Đán trong quan niệm của người Nhật đó là tiết bảy loài hoa quả, 1 trong 5 tiết điển hình trong năm. Trong ngày này, người Nhật ăn cháo nấu bằng 7 loại rau, quả để cầu sức khỏe. Họ cho rằng cháo cũng là bài thuốc chữa được nhiều bệnh. Cháo nấu bằng rau, quả tươi sẽ có tác dụng tốt đối với dạ dày sau khi phải làm việc nhiều để tiêu hóa những món ăn nhiều dinh duỡng trong những ngày Tết.

Kagamibiraki (làm vỡ bánh dày) là tục lệ được người Nhật tiến hành vào ngày 11-1

- Kagamibiraki (làm vỡ bánh dày) là tục lệ được người Nhật tiến hành vào ngày 11-1. Bánh dày hình gương tượng trưng cho may mắn nên người Nhật không cắt mà “làm vỡ” bằng búa. Bánh dày vỡ ra được nấu thành chè với đậu đỏ có hàm ý sẽ mang lại những điều tốt đẹp.

- Ngày Seijinnohi (lễ Thành nhân) diễn ra vào ngày 15-1, là ngày thực hiện các nghi lễ trang trọng để công nhận và chúc mừng các nam nữ thanh niên Nhật tròn 20 tuổi trong năm đó, thường được tổ chức tập thể tại các ngôi đền nổi tiếng ở từng địa phương nơi các thanh niên đó cư trú. Vì có lễ Thành nhân vào ngày 15-1 nên không khí Tết vẫn sôi động cho đến tận ngày này, nhất là với các nam thanh, nữ tú đến tuổi 20 và gia đình, bạn bè, người thân quen của họ. Sau ngày này, người Nhật mới thực sự hết Tết và trở lại cuộc sống công việc bận rộn thường ngày.

Thu Hà

Top