Người Ê - đê

Bài viết này, tôi không thể đề cập tới lịch sử và tên gọi của người Ê - đê, vì đó là câu chuyện khá dài và phức tạp, khiến người đọc ù tai và khó theo dõi. Thêm nữa, dung lượng bài viết không cho phép, theo đó, chỉ đề cập tới những vấn đề chung nhất, đó là địa bàn cư trú, đặc điểm kinh tế, hôn nhân gia đình, văn hóa, nhà cửa, trang phục, tôn giáo, chữ viết của dân tộc này.

Người Ê-đê nói tiếng Ê-đê, thuộc ngữ hệ Malay-Polynesia. Trước năm 1975, người Ê-đê được gọi tên Ra đê. Theo thống kê năm 2009, người Ê-đê có khoảng 331.194 người, xếp thứ 11 về số lượng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Địa bàn cư trú tập trung nhất là Đắc Lắc, Phú Yên, Đắc Nông, Khánh Hòa. Tại một số quốc gia như Mỹ, Campuchia, Canada… cũng có một số ít người sinh sống, nhưng chưa có số liệu thống kê. Người Ê-đê có 5 nhóm địa phương chính, đó là Ê-đê Kpă -  tự nhận là dòng chính Ê-đê, cư trú quanh thành phố Buôn Ma Thuột; Ede Adham, cư trú tại huyện Krong Buk, Cu Mgar, thị xã Buôn Hồ, Krong Năng và một phần Êa Hleo của tỉnh Đắc Lắc; Ede Mdhur, cư trú ở huyện Mdrak, phía Đông tỉnh Đắc Lắc, huyện sông Hinh của Phú Yên. Edê Bih, cư trú ven sông Krong Ana, sông Krong Kno của tỉnh Đắc Nông; Eđê Krung cư trú chủ yếu ở huyện Êa Hleo, Knong Buk của tỉnh Đắc Lắc. Ngoài ra còn một số nhóm địa phương khác như Blo, Dong Mak, Hwing… Tuy nhiên, các nhóm địa phương không mấy có sự khác biệt.

Đặc điểm kinh tế chủ yếu của người Ê-đê là nông nghiệp làm nương rẫy. Cũng có nhóm làm ruộng nước theo lối truyền thống, dùng trâu dẫm đất thay cho cày, bừa. Ngoài trồng trọt, có chăn nuôi, săn bắn, hái lượm, đánh cá, đan lát, dệt vải. Đặc điểm làm rẫy của người Ê-đê là chế độ luân khoảnh, với mục đích phục hồi sự màu mỡ của nương rẫy. Ngày nay, người Ê-đê trồng cây công nghiệp là chủ yếu: cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao.

Người Ê-đê có khoảng 331.194 người, xếp thứ 11 về số lượng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam

Trong gia đình, chủ nhà là phụ nữ, theo đó, của cải và đất đai sẽ được chuyển từ mẹ sang con gái. Đàn ông cư trú trong nhà vợ. Nếu vợ chết và bên nhà vợ không còn ai thay thế theo tục nối dây thì người chồng phải về ở với chị em gái mình. Chỉ có con gái được thừa kế tài sản. Con gái út được thừa kế tài sản từ ông bà và phải nuôi dưỡng cha mẹ già.

Về văn hóa, người Ê-đê có kho tàng văn học truyền miệng vô cùng phong phú: cổ tích, ca dao, tục ngữ, trường ca, sử thi. Những trường ca, sử thi nổi tiếng như Khan Dam san, Khan Dam Kteh M’lan như là những kiệt tác văn học truyền miệng của dân tộc này. Người Ê-đê yêu ca hát, thích tấu nhạc. Nhạc cụ của họ có cồng chiêng, trống, sáo, khèn, gôc, kni, dàn, đinh năm, đinh tước.

Người Ê-đê có nguồn gốc sâu xa từ vùng biển, do đó, dù đã lên cao nguyên hàng ngàn năm, nhưng trong sâu thẳm văn hóa của người Ê-đê, bến nước và con thuyền vẫn là hình ảnh quen thuộc của họ. Nhà của họ là hình con thuyền, cửa chính mở phía trái nhà, cửa sổ mở ra phía hông. Trong nhà có trần gỗ, hình vòm giống hệt mui thuyền. Nhà người Ê-đê thuộc loại hình nhà dài, sàn thấp, thường từ 15m đến hơn 100 mét. Đó là nhà chế độ gia đình lớn, theo mẫu hệ. Bộ khung nhà kết cấu đơn giản, nhưng có những đặc trưng riêng, với hình thức cầu thang, cột sàn và cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt. Mặt bằng sinh hoạt nhà dài Ê-đê được chia làm hai phần: Nửa đằng cửa chính gọi là Gah, nơi tiếp khách, sinh hoạt chung. Nửa còn lại là Ôk, bếp, nơi ăn uống chung của gia đình lớn và là chỗ ở của những đôi vợ chồng, được phân theo chiều dọc, theo quy định, bên trái gọi là “trên”, chia thành nhiều gian nhỏ. Phía phải là hành lang đi lại. Mỗi đầu nhà có một sân sàn. Sân sàn phía cửa chính được gọi là sàn khách.

Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê ở Đắk Lắk

Trang phục cổ truyền của người Ê-đê có màu đen, điểm hoa văn sặc sỡ. Đàn bà mặc áo, quấn váy. Đàn ông đóng khố, mặc áo. Người Ê-đê ưa dùng đồ trang sức bằng bạc, đồng, hạt cườm. Trước kia, tục cà răng quy định mọi người đều cắt cụt 6 chiếc răng cửa hàm trên, nhưng lớp trẻ ngày nay không cà răng cửa.

Phần lớn người Ê-đê theo đạo Tin Lành. Công giáo Roma có tỷ lệ người theo thấp. Phật giáo cũng có mặt ở cộng đồng người Ê-đê, chủ yếu ở đô thị. Còn lại, người Ê-đê vẫn theo tín ngưỡng cổ truyền, thờ cúng các vị thần hộ mệnh.

Ngôn ngữ Ê-đê thuộc ngữ hệ Malay - Polynesia, do vậy, tiếng nói của họ gần gũi với Gia Rai, Chăm, Bahasa Malayu, Bahasa Indonesia, các ngôn ngữ của Philippine... Ngoài vốn từ vựng có nguồn gốc Malay-Polynesia, Sanscrit của Ấn Độ, tiếng Ê-đê còn vay mượn vốn từ vựng có nguồn gốc từ ngôn ngữ Môn-Khmer.

Người Ê-đê đã có chữ viết riêng, theo lối văn tự Pali- Sancrit, được viết trên giấy da “M’ar klit” hay trên lá cọ khô “Hla guôl”. Đó là câu chuyện trước khi người Pháp đặt chân lên Tây Nguyên. Chữ Pali- Sancrit bị thất truyền sau năm 1954, dưới thời Ngô Đình Diệm, không muốn phát triển văn hóa dân tộc. Trong thời gian cai trị của người Pháp, họ cổ vũ sử dụng chữ viết theo mẫu tự Latin, do 2 thầy giáo Y-Ut và Y-Jut sáng tạo vào khoảng những năm đầu thế kỷ 20. Người theo Tin Lành và Công giáo dùng chữ này để ghi chép Kinh Thánh. Giờ đây, chữ viết Ê-đê đang dần được phục hồi với sự xuất hiện số lượng lớn ấn phẩm song ngữ kinh thánh Tân Ước Ê-đê – Việt tại nước ta, cũng như những sách dậy ngữ vựng Ê-đê được xuất bản.

Trang phục truyền thống của người Ê Đê.

Dân tộc Ê-đê có lịch sử lâu đời với nhiều biến động thăng trầm trong suốt hàng nghìn năm. Dân tộc ấy đã sản sinh ra nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đáng được ngợi ca và tôn vinh. Dân tộc ấy cũng đã sản sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử cổ trung đại cũng như hiện đại. Với nửa triệu người đang sinh sống và làm việc tại 59/63 tỉnh và thành phố ở Việt Nam, cộng đồng Ê-đê hôm nay đang trở thành một nhân tố quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngọc Trân

Top