Phong tục đón năm mới ở Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc Âu-¡, nơi giao thoa và hội tụ của các nền văn minh trong lịch sử. Sự kết nối giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa phương Đông với văn hóa phương Tây đã mang đến cho phong tục đón năm mới của người Thổ Nhĩ Kỳ những nét đặc sắc riêng biệt.

Yılbaşı (Năm mới)

Theo quy định của hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù là một quốc gia thế tục, không có quốc giáo nhưng do đại đa số người dân là tín đồ Islam (Hồi giáo) nên Thổ Nhĩ Kỳ không tổ chức đón mừng năm mới như các nước phương Tây. Thay vào đó, người Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức hai lễ hội tôn giáo quan trọng của đạo Islam là Ramazan Bayramı (Lễ mừng kết thúc tháng chay Ramadan) và Kurban Bayramı (Lễ hiến sinh). Trong hai lễ hội này tuy có nhiều phong tục tương tự như ngày Tết của các dân tộc Á Đông nhưng người Thổ Nhĩ Kỳ không gọi đó là Tết.

Vốn dĩ trong lịch Hijri (lịch Islam) cũng có ngày đầu năm mới là ngày 1 của tháng Muharrem. Tuy nhiên vào ngày này, các tín đồ Islam không tổ chức đón mừng năm mới mà chỉ chuẩn bị một món ăn truyền thống gọi là Aşure để qua đó đánh dấu rằng năm mới đã đến. Trong quá khứ, dưới thời Ottoman, việc đón năm mới vào ngày 1 tháng 1 dương lịch chỉ được tổ chức bởi cộng đồng người Hy Lạp thiểu số sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ở khu vực phía Nam và phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có nhiều người Hy Lạp sinh sống, vào dịp cuối năm cho đến đêm Giao thừa được họ gọi là Apokriya, các khu phố luôn đông đúc tấp nập người qua lại. Những người giàu có và giới trẻ Ottoman cũng rất háo hức tham gia lễ hội đón năm mới của người Hy Lạp.

Việc tổ chức mừng năm mới và đón Giao thừa vào ngày 1 tháng 1 theo văn hóa phương Tây ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ bắt đầu từ thập niên 1930 dưới thời Cộng hòa. Thổ Nhĩ Kỳ chính thức chuyển đổi từ lịch Hijri sang sử dụng dương lịch Gregory vào ngày 26 tháng 12 năm 1925. Kể từ đó, lịch Hijri không còn được sử dụng chính thức nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng trong các ngày lễ tôn giáo. Với việc dương lịch được áp dụng, lần đầu tiên năm mới được tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 1 tháng 1 năm 1926, nhưng khi đó vẫn chưa phải là ngày lễ chính thức. Thời gian đầu, việc đón mừng năm mới chỉ diễn ra một cách hạn chế bằng hoạt động đón Giao thừa lúc nửa đêm, sang ngày hôm sau mọi người vẫn phải đi làm như bình thường. Thậm chí trong ngày đầu năm mới, các công sở, chợ, cửa hàng vẫn mở cửa buôn bán. Cũng như bao đổi mới và cải cách khác trong những năm đầu của nền Cộng hòa, việc tổ chức đón năm mới ở Thổ Nhĩ Kỳ khi ấy vẫn còn lạ lẫm với nhiều người. Đến năm 1935, khi Đạo luật số 2739 về các ngày nghỉ và lễ hội được thông qua thì ngày 1 tháng 1 mới được thừa nhận là ngày lễ chính thức. Từ thời điểm này trở đi, Giao thừa với tâm trạng của lễ hội và ngày nghỉ mới bắt đầu được tổ chức một cách thoải mái hơn. Không khí mừng năm mới vì vậy cũng trở nên sôi nổi. Một trong những chương trình được nhiều người biết tới và xem như cách thức chào mừng năm mới ở Thổ Nhĩ Kỳ chính là xổ số kiến thiết vào đêm Giao thừa. Được tổ chức từ năm 1926, xổ số kiến thiết quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ với tên gọi là “Tayyare Piyangosu” (Xổ số máy bay) nhanh chóng trở thành trò giải trí quan trọng nhất vào dịp năm mới khi radio phổ biến khắp mọi nhà. Kết quả “Xổ số máy bay” được phát trên đài radio vào lúc 00 giờ ngay thềm năm mới. Hàng vạn người cầm trên tay tờ vé số và chú ý lắng nghe kết quả được thông báo từ radio với sự phấn khởi, háo hức cũng như mơ ước về một cơ hội đổi đời vào dịp đầu năm mới.

Đến khi truyền hình bắt đầu phổ biến và dần thay thế cho đài phát thanh thì vào đêm Giao thừa, chương trình truyền hình đặc biệt mừng năm mới cũng dần thay thế cho chương trình xổ số. Từ năm 1978 khi Đài Truyền hình quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ TRT phủ sóng khắp nơi, trong chương trình Giao thừa của Đài Truyền hình TRT, ngoài bản tin thời sự còn có nhiều tiết mục đặc sắc khác. Đúng 00 giờ, trên màn ảnh truyền hình sẽ xuất hiện dòng chữ “Hoş geldin yeni yıl” (Chúc mừng năm mới), sau đó là phần trình diễn âm nhạc của các nghệ sĩ lừng danh thời bấy giờ.

Có thể thấy, hoạt động tổ chức mừng năm mới trở nên phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ là do ảnh hưởng của lối sống phương Tây. Sau này vào dịp năm mới, ngoài các chương trình giải trí nói trên còn có các bữa tiệc liên hoan, vui chơi kéo dài đến sáng tổ chức tại các nhà hàng, khách sạn, sòng bạc. Theo xu hướng của xã hội tiêu dùng, đầu năm mới cũng là dịp để mua sắm với các chương trình giảm giá, kích cầu kinh tế. Ngày nay, vào dịp năm mới, người Thổ Nhĩ Kỳ còn thường kết hợp với các hoạt động du lịch, tham quan hay nghỉ dưỡng đa dạng như đi trượt tuyết ở Uludağ hoặc nghỉ mát tránh đông ở các bãi biển miền Nam nắng ấm.

Nevruz (Lễ hội mùa xuân)

Bên cạnh ngày 1 tháng 1, người Thổ Nhĩ Kỳ còn tổ chức một lễ hội khác để đón chào năm mới là lễ hội mùa xuân Nevruz, diễn ra vào ngày 21-3 hàng năm.

Được kết hợp bởi từ nev (mới) và ruz (ngày), Nevruz mang ý nghĩa là ngày mới. Lễ hội này có nguồn gốc xa xưa ở vùng Tiểu Á (Anadolu), sau đó trở nên phổ biến ở các quốc gia và khu vực chịu ảnh hưởng của văn hóa Turkic. Theo sử thi Ergenekon kể về huyền thoại lập quốc của người Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 21 tháng 3 là thời điểm tổ tiên của người Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi núi sắt ở Ergenekon, giành được tự do và trở về quê hương cũ. Sự kiện này đánh dấu sự tái xuất của người Thổ Nhĩ Kỳ và khởi đầu của ngày mới (năm mới, thời điểm mới): nev-ruz. Từ đó, ngày 21 tháng 3 hàng năm được tổ chức để kỷ niệm sự kiện rời khỏi Ergenekon. Do đó nó còn có tên gọi là lễ Ergenekon. Ngoài ra, Nevruz cũng được biết tới qua nhiều tên gọi khác như Nevruz-i Sultani, Sultan Nevruz, Sultan Navrız, Navrız, Mart Dokuzu (ngày thứ 9 của tháng 3). Ngày 21 tháng 3 theo lịch Gregory (ban hành năm 1582 bởi Giáo hàng Gregory XIII) cũng chính là ngày 9 tháng 3 theo lịch Julian (Julius, ban hành năm 46 TCN bởi Julius Caesar của La Mã) nên Nevruz ngày 21 tháng 3 chính là ngày thứ 9 của tháng Ba. Vào ngày lễ Nevruz, như một tập tục lâu đời, người ta sẽ nung một miếng sắt cho đến khi chuyển sang màu đỏ rồi đập miếng sắt nung đỏ này nhằm nhắc nhớ về huyền thoại năm xưa thoát khỏi núi sắt Ergenekon. Mọi người cũng sẽ đốt lửa lớn và nhảy qua ngọn lửa với niềm tin bằng cách đó họ sẽ được khỏe mạnh và may mắn.

Ngoài ra, Nevruz còn được xem là lễ hội mùa xuân, đánh dấu thời khắc mùa xuân bắt đầu và tôn vinh sự thức tỉnh của thiên nhiên. Bởi ngày 21 tháng 3 là thời điểm mặt phẳng xích đạo của Trái đất đi qua tâm Mặt trời, ngày và đêm dài bằng nhau. Khi đó Mặt trời hướng về Bắc bán cầu, thời tiết ấm dần lên, tuyết bắt đầu tan, cây cối dần đâm chồi nảy lộc, đất chuyển mùa xanh tươi đầy sức sống và những đàn chim di cư bắt đầu trở về tổ của chúng. Vì lý do này, ngày 21 tháng 3 được chấp nhận là ngày thức tỉnh, hồi sinh và tái tạo của tất cả muôn loài.

Mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian, lễ hội mùa xuân Nevruz đã được các dân tộc Turkic ở Trung Á như người Uygur, Tatar, Uzbek, Kyrgyz, Türkmen, Azeri, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Ba Tư (Iran) tổ chức đón mừng hàng năm và được bảo tồn đến ngày nay như một di sản văn hóa phi vật thể vô giá.

 

 

Có thể bạn quan tâm

Top