Tết ở “vương quốc hạnh phúc nhất thế giới”

Bhutan là một vương quốc nhỏ nằm ở Nam Á, giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Là một trong những quốc gia biệt lập nhất thế giới, nằm ẩn mình trên dãy Himalaya, để giữ gìn bản sắc văn hóa, Bhutan chú trọng đến 2 vấn đề đó là bảo vệ môi trường tự nhiên và niềm tin tôn giáo.

Là một quốc gia theo đạo Phật và trân trọng những giá trị truyền thống, Tết cổ truyền của người Bhutan cũng vô cùng đặc biệt. Dựa theo lịch của Phật giáo, lịch của người Bhutan cũng có 12 con giáp giống như Âm lịch của một số quốc gia châu Á khác. Giống như Tết Nguyên đán của Việt Nam, Tết Losar là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của đất nước Bhutan và được tổ chức rất long trọng theo Âm lịch. Tết thường rơi vào tháng 2 hoặc tháng 3, tùy thuộc vào lịch Âm. Tết Losar diễn ra trong vòng 15 ngày và 3 ngày đầu tiên của năm mới được xem là ngày quan trọng nhất đối với người dân Bhutan. Vào ngày cuối cùng của năm cũ các gia đình ở Bhutan đều tất bật dọn dẹp nhà cửa và dâng lên bàn thờ tổ tiên nhiều thực phẩm, hoa quả để tạ ơn thần linh và tổ tiên đã ban tặng cho họ cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong năm cũ… Trong ba ngày Tết, đây là dịp để gia đình đoàn tụ sum vầy, mọi người tiến hành ăn mừng theo phong tục truyền thống và tổ chức nhiều hoạt động vui chơi văn hoá đặc sắc vừa giữ gìn nét đẹp truyền thống vừa nâng cao đời sống tinh thần.

Bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết của người Bhutan

Để chuẩn bị chào đón năm mới đến, giống như hầu hết các quốc gia châu Á khác, người dân Bhutan cũng bắt đầu bằng việc dọn dẹp, mua những vật dụng mới và trang hoàng nhà cửa. Họ dâng lên bàn thờ tổ tiên nhiều thực phẩm và hoa quả để tạ ơn thần linh và tổ tiên đã ban tặng cho họ cuộc sống ấm no trong năm cũ. Đây cũng là dịp để người dân nước này nấu những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc ví dụ như Ema datshi làm từ phô mai và ớt, lòng bò goep, thịt gà hầm jasha maru... Có vị trí địa lý nằm ở vùng cao nên người dân Bhutan thường uống những loại đồ uống nóng, thêm cồn và nhiều năng lượng. Loại thức uống đặc trưng nơi đây thường là trà thảo mộc Tsheringma - món trà được đặt tên theo vị thần của sự trường thọ và phú quý. Theo phong tục truyền thống của người dân địa phương, mía và chuối xanh luôn xuất hiện trong nhà của họ vào những ngày Tết vì chúng được tin là đem đến sự may mắn và những điều tốt lành trong năm mới.

Người Bhutan thường cúng năm mới vào sáng mùng 1 Tết, bởi theo họ, nửa đêm là thời điểm hoạt động của những “chúng sinh đem lại sự bất thường”, nếu đem những thức ăn ngon mắt ra ngoài cúng sẽ khiến họ bám theo vào nhà. Mọi nghi lễ nên thực hiện vào sáng mùng 1 Tết.

Thông thường, sáng đầu tiên của năm mới, các thành viên trong gia đình thức dậy sớm, bắt đầu bằng một bữa ăn sáng truyền thống trùng với thời gian mặt trời mọc, thực phẩm chủ yếu là trà sữa nóng, bỏng gạo rang, bánh quy chiên, mía thái hạt lựu, gạo lên men, các món hầm, cháo và phô mai… Bữa ăn nhẹ sẽ gồm có các loại đồ ngọt và trà khác nhau. Sau đó, họ bắt đầu làm lễ Puja.

Những lá cờ ghi điều ước trong năm mới

Người Bhutan đi chơi Tết chứ không ăn Tết. Cả nhà thường đi dã ngoại hay hành hương đến các Thánh địa. Dịp này, các bãi bắn cung hấp dẫn nam giới mọi lứa tuổi. Người dân cùng nhau liên hoan, tiệc tùng ngoài trời. Người dân Bhutan có niềm tin mạnh mẽ rằng nếu họ cảm thấy hạnh phúc trong ngày đầu năm mới thì những ngày còn lại của họ sẽ tràn đầy niềm vui. Chính vì vậy, họ ăn uống thoải mái nhất có thể vì điều đó làm cho họ hạnh phúc. Trong năm mới, người dân Bhutan cũng thích nhảy múa và hát nhạc truyền thống cũng như chơi một số môn thể thao quốc gia. Một trong những môn thể thao truyền thống là bắn cung. Nam giới trên khắp đất nước Bhutan đều tham gia các cuộc thi bắn cung và cố gắng bắn trúng mục tiêu từ những khoảng cách khác nhau lên đến 100m, trong khi phụ nữ nhảy múa và cổ vũ cho tất cả mọi người tham gia. Mọi ngôi làng ở Bhutan đều tổ chức các cuộc thi bắn cung trong các lễ hội năm mới.

Ở Bhutan, phần đông người dân sinh sống bằng nghề chăn thả trâu yak và bò đen Tây Tạng để lấy sữa, làm bơ, phô mai và làm len dạ, chứ không bao giờ giết mổ. Khi trâu, bò già tự chết thì mới lấy thịt sau khi đã để qua một ngày đêm và thực hiện một số nghi lễ truyền thống. Đến Bhutan, có thể bạn sẽ nhìn thấy người ta ăn cơm rau đạm bạc, thậm chí một số người quần áo lôi thôi, các cụ già nhăn nheo, lũ trẻ con hai má nẻ lem luốc… nhưng kỳ thực trong lòng người ta an lạc, không thiếu thốn gì. Theo tinh thần nhà Phật, người Bhutan hoan hỉ với những gì mình đang có. Họ không cầu kỳ về đồ ăn, đồ mặc. Bàn thờ thậm chí chỉ cúng nước, hương, hoa và nến.

Bắn cung là hoạt động không thể thiếu của người Bhutan

Là một đất nước theo đạo Phật nên trong dịp năm mới, người dân thường đến tu viện để cầu nguyện. Họ ghi những lời nguyện ước lên những lá cờ treo ở khắp mọi nơi. Người dân Bhutan luôn có niềm tin lạc quan vào những dịp năm mới đến, với họ hai chữ muộn phiền không tồn tại trong cuộc sống. Điều đặc biệt là người dân ở vương quốc hạnh phúc này không giết động vật trong dịp Tết Losar. Vào tháng Tết, có chỉ thị từ nhà Vua, Giáo hội, Thủ tướng yêu cầu đóng cửa tất cả cửa hàng thịt để “tích luỹ thiện lành” cho cả năm. Điều này không gây khó khăn gì cho người Bhutan cả, bởi đa phần họ đều ăn chay với các loại thực phẩm cơ bản như rau, ớt, phô mai, trứng gà công nghiệp. Chính vì vậy, tất cả các cửa hàng thịt đều đóng cửa trong thời gian đó. Nếu muốn ăn thịt trong dịp Tết, người dân phải tích trữ thịt với số lượng đủ dùng. Có thể thấy rằng, dịp Tết của người Bhutan đậm đà bản sắc dân tộc và niềm hạnh phúc tràn ngập ở khắp mọi nơi.

Nếu cuộc sống ở các quốc gia khác trên thế giới, người ta phải áp lực mua nhà đẹp, sắm xe sang, ăn ngon mặc đẹp, thì ở Bhutan, người dân lại hài lòng và hạnh phúc với những gì họ có. Họ biết cân bằng giữa việc sở hữu về tài sản với sự hạnh phúc về tinh thần. Đối với người dân nơi đây, được sống và làm những gì mình yêu thích là điều hạnh phúc nhất. Điều đó thể hiện rõ ràng nhất trong cách người Bhutan ăn Tết và chơi Tết. Đối với họ, Tết là thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, gặp gỡ, làm những điều mình thích và đặc biệt làm những việc tốt, việc thiện như giúp đỡ người nghèo khó hơn mình, chăm sóc cây - cối bảo vệ môi trường... để cảm thấy bản thân vui vẻ, hạnh phúc và lan toả niềm hạnh phúc đến với những người xung quanh.

THU HÀ

Có thể bạn quan tâm

Top