Phát huy giá trị tư liệu và thư viện trong công tác nghiên cứu, tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 25-11-1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết về việc thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Sau đó, ngày 12 tháng 9 năm 1977, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 04-NQ/TW về việc thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó quy định rõ chức năng của Bảo tàng là “nghiên cứu và giáo dục thông qua những di tích, những tài liệu và hiện vật có quan hệ với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Một trong những việc làm cụ thể trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết này đó là, ngay từ kế hoạch cũng như thiết kế ban đầu, Bảo tàng Hồ Chí Minh có một kho tư liệu và một thư viện về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với hai phòng đọc phục vụ cho nhu cầu khai thác tài liệu, sách, báo của độc giả trong và ngoài nước. Điều này làm nên một sự độc đáo của Bảo tàng Hồ Chí Minh so với các bảo tàng quốc gia khác ở Việt Nam.

Kho Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện lưu giữ gần 13.000 tài liệu, bao gồm các tác phẩm thư, điện, bài nói, bài báo với những bút danh khác nhau về Người của các tác giả trong và ngoài nước, Sắc lệnh, Biên bản họp Hội đồng Chính phủ có Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự từ năm 1945 đến 1969, các tờ báo liên quan đến sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Hồi ký của những người giúp việc Bác và những người được làm việc với Người… Nguồn tư liệu được sưu tầm từ các cơ quan lưu trữ như: Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, Cục Lưu trữ Nhà nước, Viện Lịch sử Đảng, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam; từ các hội thảo khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong và ngoài nước… Kho Tư liệu về cơ bản đã được phân loại bước đầu, sắp xếp theo thời gian và chủ đề nội dung.

Mặt tiền Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet.

Thư viện Bảo tàng Hồ Chí Minh gồm hai phần: Kho sách và Kho báo, tạp chí. Kho sách hiện có khoảng 9.000 đầu sách, phần lớn đó là sách báo của Bác và các công trình nghiên cứu về tiểu sử, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có rất nhiều sách về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, các văn kiện của Đảng,v.v… Sách được chia thành các kho: Kho sách đọc, Kho sách mượn, Kho sách Ngoại văn, Kho sách Tra cứu và Kho sách Dự trữ. Kho báo, tạp chí bao gồm hơn 90 đầu báo Trung ương và địa phương. Một số đầu báo được lưu giữ từ năm 1963. Hiện nay, Thư viện đã tập hợp được 25.515 bài, tin viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên các báo Trung ương và địa phương. Đặc biệt, từ năm 2008, các tin, bài được scan và lưu, tạo sự thuận lợi cho quá trình phục vụ nhu cầu của bạn đọc, cũng như việc bảo quản, cất giữ các bài báo được tốt hơn.

Hơn 40 năm qua, dưới sự chỉ đạo và quan tâm sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh qua các thời kỳ, các thế hệ cán bộ làm công tác tại Kho Tư liệu và Thư viện đã không ngừng nỗ lực, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn cơ quan. Đặc biệt, từ năm 2006, thời điểm Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tiếp theo là Chỉ thị số 03-CT/TW về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và gần đây nhất là Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giá trị to lớn của Thư viện và Tư liệu càng được phát huy một cách mạnh mẽ.

Hàng năm, Thư viện và Tư liệu đều tiến hành khảo sát, bổ sung các đầu sách mới, có giá trị tại các nhà xuất bản trong cả nước; kỷ yếu các hội thảo khoa học; các tài liệu mới sưu tầm có liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời phân loại sách, báo, tư liệu nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nữa nhu cầu tìm kiếm của bạn đọc. Các sách, báo, tư liệu khi được nhập về đều được xử lý theo đúng các khâu công tác nghiệp vụ thư viện, tư liệu, bảo đảm sự chặt chẽ trong quản lý, khai thác phục vụ bạn đọc.

Các tư liệu, sách, báo được lưu giữ tại Kho Thư viện và Tư liệu đã cung cấp nhiều thông tin, tư liệu để Bảo tàng Hồ Chí Minh tiến hành nghiên cứu, xuất bản nhiều ấn phẩm về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh;  viết bài tham gia các hội thảo trong nước và quốc tế, gửi đăng các báo Trung ương và địa phương; giúp các tổ chức và cá nhân xác minh tư liệu về tiểu sử, cuộc đời Bác, cung cấp tư liệu cho các đài truyền hình, hãng phim xây dựng các bộ phim truyện, phim tài liệu về Bác…

Tượng chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet.

Trong những năm qua, Kho Thư viện và Tư liệu đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ cho cán bộ, viên chức trong cơ quan và hệ thống Bảo tàng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là một điểm đến thường xuyên của các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên có nhu cầu nghiên cứu sách, báo, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với vai trò là một phòng chuyên môn thuộc bảo tàng đầu hệ, hàng năm, Thư viện đều tiến hành tập hợp các bài báo, tạp chí viết về Bác Hồ, scan, lưu đĩa gửi các chi nhánh trong hệ thống, góp phần cung cấp tư liệu cho các đơn vị trong việc nghiên cứu, giáo dục việc học và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, hàng năm, hai kho Thư viện và Tư liệu phục vụ khoảng 1000 lượt bạn đọc trong và ngoài cơ quan. Với đặc thù là một Thư viện nằm trong Bảo tàng thì đó là một số lượng tương đối lớn, tuy nhiên lại chưa tương xứng với số lượng lớn tư liệu mà hai kho này đang lưu giữ. Để có thể phát huy tối đa giá trị kho Tư liệu và Thư viện trong công tác nghiên cứu, tuyên truyền học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh, cần phải từng bước thực hiện một số giải pháp như:

Tăng cường việc giới thiệu, quảng bá về hai kho Tư liệu, Thư viện của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Do đặc thù của đơn vị nên trên thực tế, không nhiều cá nhân, đơn vị biết về nguồn tư liệu đang được lưu giữ tại hai Kho Thư viện và Tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đây chính là nguyên nhân chính khiến cho số lượng bạn đọc đến đọc tư liệu, sách, báo hàng năm chưa cao. 

Nâng cấp phần mềm cơ sở dữ liệu, từng bước xây dựng thư viện điện tử để mở rộng phạm vi phục vụ và có khả năng tích hợp trên website của Bảo tàng. Hiện nay, để quản lý dữ liệu, Kho Tư liệu và Thư viện đang sử dụng phần mềm thư viện WINISIS, hệ quản trị cơ sở dữ liệu cho phép xây dựng và quản lý các cơ sở dữ liệu dạng văn bản có cấu trúc. Tuy nhiên, do thời gian sử dụng tương đối lâu nên phầm mềm này đã xuất hiện nhiều tồn tại và hạn chế, đòi hỏi thay đổi bằng một phần mềm mới, hiện đại hơn, đáp ứng được các tiêu chuẩn của một thư viện hiện đại.

Khi Thư viện điện tử được áp dụng sẽ tạo ra được một môi trường tuyên truyền, quảng bá có hiệu quả với phạm vi rộng lớn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với hình thức phục vụ được mở rộng làm cho khả năng chia sẻ thông tin được tăng lên cả về không gian và thời gian, không hạn chế số lượng độc giả, đối tượng, khối lượng phục vụ, phương thức khai thác thông tin nhanh chóng, thuận lợi phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, nhiều đối tượng khác nhau. Bạn đọc có thể khai thác, thu thập thông tin, tư liệu một cách có hiệu quả cao nhất về Hồ Chí Minh.

Phối kết hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung học tổ chức các cuộc Chi Giới thiệu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh; Kể chuyện Bác Hồ… Các hình thức này không chỉ có hiệu quả trong việc tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ mà cao hơn, đó chính là một phương pháp để học sinh đến gần hơn với bộ môn lịch sử.

Với khối lượng sách, báo, tài liệu hiện đang lưu giữ, có thể nói, Kho Thư viện và Kho Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh là trung tâm tài liệu, sách, báo lớn nhất trong cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát huy có hiệu quả các nguồn tư liệu này sẽ có giá trị rất lớn trong việc nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

ThS Đỗ Thị Mỹ An

Top