Họ Nguyễn Trọng, Trung Cần và các nhân vật có đóng góp về lịch sử, văn hóa nước nhà

Họ Nguyễn Trọng vốn quê gốc ở thôn Bến Nễ, xã Ước Lệ, huyện Hưng Nguyên chuyển cư sang làng Trung Cần, nay thuộc xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Vị thủy tổ đầu tiên ở làng Trung Cần là ông Nguyễn Trọng Quyên. Ông là người giỏi văn học, từng làm quan với chức Bác sĩ. Từ vị thủy tổ này đã phát tích ra 14 chi họ Nguyễn Trọng là Trung Cần, Nghi Thạch (Nghi Lộc), Nam Phúc (Nam Đàn), Đức La (Đức Thọ), Đô Yên (Hưng Mỹ, Hưng Nguyên), Thanh An và Thanh Văn (Thanh Chương), Hưng Long (Hưng Nguyên), Anh Sơn… Họ đại tôn Nguyễn Trọng Trung Cần đến đời Nguyễn Trọng Tạo sinh ra Nguyễn Trọng Tuyền. Ông Tuyền là người có tài năng đức độ, có công với Triều đình Lê Trung hưng, thời Vĩnh Thịnh (1706-1719), làm quan đến Viên ngoại lang Bộ Lại, phong Tham nghị xứ Lạng Sơn, tước Nam. Ông là thân sinh của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường. Nguyễn Trọng Thường sinh ra Nguyễn Trọng Đương (còn gọi là Đang). Nguyễn Trọng Đường là cháu đích tôn của Nguyễn Trọng Thường và là cháu ruột của Nguyễn Trọng Đương. Cả ba cha con chú cháu đều đậu Tiến sĩ là một trường hợp hiếm có trong làng khoa bảng Việt Nam thời phong kiến.

Tượng ba Tiến sỹ dòng họ Nguyễn Trọng ở làng Trung Cần, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: truyenhinhnghean.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường có con là Nguyễn Trọng Tấn, làm quan Tri huyện Yên Dũng, rồi Tri phủ Giang Phù. Con của Nguyễn Trọng Tấn là Trọng Điển, làm quan Kim hoa Thanh Công hầu. Nguyễn Trọng Đường cùng phu nhân họ Ngô sinh ra ông Nguyễn Trọng Phác, ra cư trú tại thôn Cát Đằng, Ý Yên, phát tích thành một chi họ Nguyễn Trọng ở Ý Yên, Nam Định. Con trai của Tiến sĩ Nguyễn Đường lấy vợ là con gái của Tiến sĩ Ngô Tiêm, tên húy là Viêm, hiệu là Từ Đức nhụ nhân. Chi họ này lập nghiệp ở Cát Đằng, xã Ý Yên, tỉnh Nam Định và phát triển cho đến nay.

Chi họ Trung Cần có: Nguyễn Cung, làm Huấn tượng vệ Đô tri, kiêm Tử tỉ xá nhân, tước Văn Khê hầu; Nguyễn Nhân, làm quan đến Dương vũ Uy dũng công thần Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng Kim ngô vệ Thự vệ sự, tước Đoan Thăng hầu; Nho Thần được chọn vào Quốc Tử Giám là Quốc tử sinh Trung xá sinh; Nguyễn Phì thi đỗ Sinh đồ; Nguyễn Thơm đi lính Triều Lê là ưu binh giữ chức Thiên hộ; Nguyễn Xanh là ưu binh Triều Lê, chức Tri Thiêm tổng; Nguyễn Cửu, Ưu binh Triều Lê, giữ chức Thiên hộ Tráng tiết Tướng quân, tước Hoa Trung bá; Nguyễn Trọng Lượng đậu Cử nhân làm quan Tri huyện Phù Ninh; Nguyễn Trọng Võ là con trai của Nguyễn Trọng Đường làm quan Triều Minh Mệnh, được cử đi sứ nhà Thanh (Trung Hoa) 2 lần, lần thứ 2 có cả phu nhân cùng đi...

Chi Nghi Thạch, Nghi Lộc có: Nguyễn Trọng Khang là võ tướng có công đánh thắng giặc bảo vệ đất nước và phò tá Vua Lê; Nguyễn Văn Trinh có võ công, làm quan dưới thời Lê Trung hưng được Vua Lê Cảnh Hưng sắc phong là Nội tiền, sung quốc ưu binh hầu, Đội trưởng, Phấn lực tướng quân Hiệu lệnh Ty tráng sĩ, Phó Thiên hộ, hạ trật; Nguyễn Trọng Thư, cháu ruột của Nguyễn Văn Trinh, làm quan Triều Lê được phong hàm Thất phẩm, sang Triều Nguyễn được phong làm Chánh cai quản, quản lý nhân công xây cất cung đình, chùa miếu dưới Triều Gia Long, Minh Mệnh, phong Cửu phẩm.

Chi họ ở Láng Ngạn, Đức La, Đức Thọ có: Nguyễn Trọng Tân, làm quan đến Tiết độ sứ, Hoàn viên tướng quân, hàm Chánh tứ phẩm; Nguyễn Trọng Khoát, làm Quản cơ chuẩn bộ Thái Nguyên tỉnh.

Chi họ các nơi khác đều có các nhân vật có công lao với đất nước như Nguyễn Trọng Hưng ở Vân Diên (Nam Đàn) làm quan Triều Nguyễn là Tam tam Đội trưởng Long đình võ đình; Nguyễn Trọng Tần (Hưng Long, Hưng Nguyên và Anh Sơn) làm quan tới chức Khuông hổ Vệ úy dũng lược v.v...

Điều đặc biệt ở dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần là dòng họ có truyền thống hiếu học khoa bảng, có nhiều người đậu đạt, nhiều đời có người thi đậu Tiến sĩ, Cử nhân. Nhà thờ họ có treo đôi câu đối cổ tự hào với truyền thống khoa bảng:

Thế tại Long Môn thanh giá trọng;

Thân vi Hồng Lĩnh vũ nghi cao.

Tạm dịch:

Thế vượt cửa Rồng (thi đậu Tiến sĩ) danh giá hiển trọng;

Thân (dòng họ) như Hồng Lĩnh uy nghi cao đẹp.

 Ba vị thi đậu Tiến sĩ được ghi tên trên bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nhiều sách sử của nhà nước như các thư tịch cổ Lịch triều đăng khoa, Lịch đại đăng khoa, Nghệ An ký, Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, Khoa bảng Nghệ An. Khái lược về ba vị Tiến sĩ họ Nguyễn Trọng Trung Cần như sau:

Nguyễn Trọng Thường (1681-1737), người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương,  nay là thôn Trung Cần, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Cha của Nguyễn Trọng Đương. 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh 8 (1712) đời Lê Dụ Tông. Làm quan đến chức Lại bộ Hữu Thị lang. Ông được cử đi sứ nhà Thanh. Khi trở về đến Hán Khẩu thì lâm bệnh chết. Được truy tặng chức Lại bộ Tả Thị lang, tước Cần Quận công.

Nguyễn Trọng Đương (1724 - 1786)… Con của Nguyễn Trọng Thường, chú của Nguyễn Đường. 46 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 30 (1769) đời Lê Hiển Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu lý. Đi sứ nhà Thanh (1761), trở về thăng Đốc trấn Lạng Sơn, tước Lạp Sơn bá. Sau ông được điều vào trấn Thuận Quảng. Khi quân Tây Sơn vây đánh thành Phú Xuân (1786), ông tử trận (6-1786), được truy phong Hữu Thị lang, tước hầu. Ông là người có công xây dựng đài Ngưỡng Đức và soạn bài văn bia đánh dấu mốc biên giới Việt Trung khi làm Đốc trấn Lạng Sơn.

Nguyễn Đường (1746- ?)… 34 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1779) đời Lê Hiển Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu thảo, vâng mệnh làm Phó sứ sang nhà Thanh. Trở về thăng Thị chế, Đốc trấn Lạng Sơn, tước Chi Phong bá. Đầu đời Gia Long ông được vời ra giữ chức Đốc học Sơn Nam.

Kinh phí chủ yếu để đúc tượng do các con cháu của dòng họ Nguyễn Trọng đóng góp. Ảnh: truyenhinhnghean.

Dòng họ còn lưu giữ được 8 bản sắc phong cho riêng Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường. Qua sắc phong các triều ta được biết Nguyễn Trọng Thường đảm đương các chức vụ quan trọng của Triều đình như: Mậu lâm lang, Lạng Sơn đẳng xứ Thanh hình Hiến sát sứ ty Hiến sát sứ, Cấp sự trung, Tiến công lang, Công khoa Cấp sự trung, Mậu lâm lang Đông các Hiệu thư, Học sĩ, Hiển cung Đại phu, Đông các học sĩ, Tu thận Thiếu doãn Trung liệt, Tự khanh, Hoằng tín Đại phu, Thượng bảo Tự khanh, Tu thận doãn Trung tuyển, Thừa chỉ, Trung trinh Đại phu, Hàn lâm viện Thừa chỉ, Khuông mỹ doãn Trung tự, Tri thị nội Thư tả Hình phiên, thăng Hữu Thị lang, Tư chính khanh Trung ban.

 Ba vị Tiến sĩ họ Nguyễn Trọng kể trên đều được Triều đình cử đi sứ nhà Thanh. Mỗi lần đi sứ Tàu, Triều đình nhà Thanh lại ban cho một bông hoa vàng để cài lên mũ vị sứ thần Đại Việt, là một vinh dự hiếm có. Trong nhà thờ họ Nguyễn Trọng Trung Cần có treo đôi câu đối cổ:

Quốc thể ngũ hoa trùng cống phỉ;

Thư hương tam thế ngũ hoàng hoa

Năm lượt đi sứ Tàu vinh danh quốc thể;

Ba đời dành hoa vàng rạng thế thư hương.

Công đức của họ làm rạng danh cho nước nhà, được cả Triều đình 2 nước đều tôn vinh. Đôi câu đối khác có ghi:

Nhất môn hàn mặc truyển thi lễ;

Lưỡng quốc giang sơn chí tính danh.

Nghiên bút một nhà truyền thi lễ;

Non sông hai nước nhớ họ tên.

 Đến Triều Nguyễn, đời Vua Minh Mạng, Nguyễn Trọng Võ, con của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường được Triều đình cử đi sứ Tàu tới 2 lần thì thật hiếm có dòng họ nào có thể sánh được về truyền thống thi thư, khoa bảng và đi sứ. Nguyễn Trọng Dung (đổi tên là Ngọc) đậu Hương cống khoa Tân Tỵ (1821); Nguyễn Trọng Thiệu đậu Á nguyên thi Hương khoa Giáp Ngọ…

Noi gương tổ tiên, con cháu dòng họ nối đời đến nay vẫn tiếp tục phát huy được truyền thống học hành giỏi, yêu nước, có lòng trung thành bất khuất, khảng khái, dám hy sinh vì nghĩa lớn… Dòng họ đã đóng góp cho đất nước nhiều tài năng trong sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước. Hàng trăm con em đứng trong quân đội, lực lượng vũ trang, nhiều người hy sinh trong cách mạng, kháng chiến chống Đế quốc Pháp và Mỹ; nhiều người được giữ các trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước, tiêu biểu như: Trần Quốc Hoàn (tức Nguyễn Trọng Cảnh), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên của nước Việt Nam; Nguyễn Trọng Trung được Bác Hồ đặt tên là Trường, đứng đầu trong các chiến sĩ “Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi”, PGS.TS Nguyễn Trọng Cát, ngành Mỹ thuật; Nhà văn/nhà khoa học, Đại tá Nguyễn Trọng Khoát; Nguyễn Trọng Đào, nguyên PGĐ Nhà hát Nhân dân, Nhà hát Kịch Việt Nam; NSƯT/Đạo diễn Điện ảnh Nguyễn Trọng Trinh; Nguyễn Trọng Quang, nguyên Cục trưởng Cục Địa chất, nguyên Bí thư Đảng ủy Thái-Lào; Nguyễn Hữu Đợi, Tỉnh uỷ viên thời Xô Viết Nghệ Tĩnh; Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nhượng; Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thanh Tùng; PGS.TS Nguyễn Quốc Tế, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; doanh nhân Nguyễn Trọng Nghĩa…

Đào Tam Tỉnh

Top